Còn nhớ có 1 khoảng thời gian tầm hơn 1 năm về trước, tôi tự học tiếng Anh. Thực ra không phải là tự học, mà chính xác là cố gắng hình thành thói quen tiếp xúc với tiếng Anh mỗi ngày. Khiến cho bản thân không “xa lánh” và chán ghét bộ môn này.
Mỗi ngày tôi đều dành 30 – 45 phút cho việc chép các đoạn tiếng Anh trong một ứng dụng điện thoại và ngồi dịch nó. Tôi đã duy trì liên tục trong hơn 3 tháng, và viết hết 1 cuốn số A4 dày 200 trang. Tôi cũng không nhớ rõ lý do vì sao tôi dừng hoạt động này lại. Điều thú vị nhất trong hành trình đó chính là tôi được khám phá rất nhiều văn hóa, câu chuyện, lịch sử của nền văn hóa phương Tây thông qua các đoạn dịch của mình.
Có ngày tôi dịch đoạn hội thoại nói về lễ hội Halloween. Có khi lại là ngày lễ Phục Sinh. Có lúc cách giáo viên phương Tây giao bài tập ngoại khóa học sinh. Có lúc là câu chuyện học đường của các bạn tuổi teen nước họ…
Nhiều câu chuyện rất đời mang nếp sống, văn hóa và lịch sử của phương Tây lần đầu được giải thích. Có những lễ hội thậm chí tôi còn hiểu sai về nó nếu như không có trải nghiệm dịch tiếng Anh mỗi ngày này.
Tới nay đã rất lâu rồi, tôi không còn tiếp xúc lại với các thông tin đó nữa nhưng mỗi khi nhắc tới những gì tôi biết được vẫn văng vẳng bên tai, giống như chúng mới chỉ hôm qua thôi vậy.
Đây chính là một kiểu của mưa dầm thấm lâu.
Nó giống như đọc sách, viết văn vậy. Mỗi ngày một chút, một chút; tích tiểu thành đại; cuối cùng nó cũng tạo nên một thành quả không ngờ.
Hình như khi đi học, ai cũng từng nghe giáo viên nói 1 lần câu này: Mưa dầm thấm lâu. Cứ tích lũy từng chút, thời gian dần trôi chúng ta sẽ có cho mình cả kho báu.
Chúng ta học thế nào – Giá trị ẩn giấu của sự không biết
How we learn – Đây là tựa cuốn sách mà tôi đang đọc mấy ngày này. Tại đây tôi lần nữa gặp lại một phiên bản khác của bài học “Hãy cứ sai…” được rút ra từ cuốn sách Mật mã tài năng.
Theo đó, quan điểm cho rằng, chúng ta học tập tốt hơn, rèn luyện hiệu quả hơn nhờ những lần LÀM – SAI – SỬA.
“Một thí nghiệm do Henry Roediger tại Đại học St. Louis ở Washington tiến hành, trong đó sinh viên được chia thành 2 nhóm cùng nghiên cứu một bài luận về lịch sử tự nhiên. Nhóm A học trên tài liệu trong 4 tiết. Nhóm B chỉ học 1 tiết nhưng được kiểm tra 3 lần. Một tuần sau, cả 2 nhóm cùng làm bài kiểm tra và nhóm B đạt kết quả cao hơn 50% so với nhóm A. Họ chỉ học 1/4 thời gian nhưng lại thu được nhiều kiến thức hơn.” – Trích sách: Mật mã tài năng – Daniel Coyle.
“…cho sinh viên làm bìa kiểm tra trước khi học về nội dung được trình bày trong bài giảng sẽ cải thiện năng lực trả lời các câu hỏi liên quan trong bài thi cuối kỳ.”
“…hiểu ứng kiểm tra – trước hoặc sau khi học – được áp dụng cho việc học các khái niệm, thuật ngữ và từ vựng tạo thành một cơ sở kiến thức chuyên biệt…”
Các bài kiểm tra, dù làm đúng hay sai cũng góp phần vào sự liên kết và ghi nhớ thông tin. Thậm chí các câu trả lời sai lúc đầu sau khi được củng cố và giải đáp bằng đáp án dúng có sức nặng hơn rất nhiều trong quá trình ghi nhớ.
Bởi vậy, việc sửa sai chưa bao giờ là một phương án tối trong việc học tập và phát triển của con người.
Đọc sách – ghi chú các thông tin quan trọng, đáng chú ý, hoặc lý thú với bạn
Liên kết các thông tin trong sách và thực tế cuộc sống, công việc để hiểu về các thông tin đã đọc. Tự đúc rút bài học cho riêng mình (các bài review sách của Hương)
Đây cũng chính là hành trình mà tôi đã vô thức thực hiện trong suốt những năm vừa qua từ việc học tập và phát triển thông qua đọc sách.
Mô hình này là xương sống của mọi thói quen. Nếu thiếu 1 trong 4 bước trên, hành vi sẽ không lặp lại. Khi hành vi không lặp lại thói quen sẽ không hình thành.
Tạo cảm giác thỏa mãn bất kỳ lúc nào bạn ghi nhận lại một khoảnh khắc thành công trong thói quen của mình.
Đánh giá sách Thói quen nguyên tử – Atomic Habits
Sự tác động của thói quen lên cuộc sống của chúng ta cũng giống như lãi kép vậy. Quy tắc đầu tiên của lãi kép: Không bao giờ được gián đoạn nếu không cần thiết.
Một cuốn sách có tính ứng dụng rất cao.
Cuốn sách phân tích gốc rễ của vấn đề thông qua các nghiên cứu thực tiễn và tạo ra hệ thống các chỉ dẫn dựa trên các nguyên tắc rõ ràng.
Bạn có thể tự lên cho mình một lộ trình chi tiết để tạo lập thói quen tốt hoặc xóa bảo thói quen xấu.
Điểm quan trọng của cuốn sách này đưa ra về sự thay đổi 1% mỗi ngày là mang tới 1 hình dung cụ thể và rõ ràng cho người đọc. Thay vì nói hãy tốt hơn hôm qua 1%, tác giả đưa ra dẫn chứng 1% kia là cái gì, áp dụng như thế nào, đánh giá ra sao?
Một câu mình rất tâm đắc: Thành công là sản phẩm của thói quen hằng ngày – Không phải một cuộc biến hình một lần trong đời.
Điểm đánh giá: 8,5/10
Cảm ơn tác giả James Clear đã viết cuốn sách giá trị này. Cảm ơn dịch giả Vũ Phi Yến và Trần Quỳnh Như cùng nhà xuất bạn Thế Giới, Phương Nam Book đã mang cuốn sách này về Việt Nam.
Tôi học được gì từ cuốn sách “Marketing phải bán được hàng”?
“Xin chào, tên tôi là Hương Nguyễn, làm một người viết tự do. Tôi đang quản lý và sáng tạo nội dung cho 2 Blog với 2 chủ đề mà tôi đặc biết quan tâm và yêu thích. Blog Hương Nguyễn của tôi chỉ dành cho sách, tôi viết mọi thứ liên quan tới sách. Blog Phụ Nữ Tự Do của tôi dành cho những bài viết về quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ độc thân. Tôi hi vọng một bài viết nào đó của tôi đã từng được đọc bởi bạn.” – Cách tôi blog của mình trước khi đọc cuốn sách này.
Sau khi đọc xong cuốn sách Marketing phải bán được hàng, tôi giới thiệu bản thân như sau:
“Nhiều người tự hỏi làm sao để hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày? Tại Hương Nguyễn Blog (huongnguyentt.vn), tôi sẽ chia sẻ cho bạn những bài học từ các cuốn sách đã giúp cuộc sống của tôi trở nên tốt đẹp như thế nào. Từ những bài học này bạn sẽ bắt đầu có động lực đọc sách và hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày.”
Gãy gọn và thú vị hơn phải không?
Để tôi kể cho bạn nghe về những điều thú vị mà tôi học được từ cuốn sách này nhé!
Bài học số 1. 3 giai đoạn xây dựng mối quan hệ với khách hàng
Có 3 câu hỏi “Tại sao?” bạn cần giải quyết nếu muốn bán được hàng:
Tại sao họ cần mua sản phẩm này? Khách hàng sẽ không mua hàng khi mà họ không nhận được lợi ích gì từ hàng hóa đó.
Tại sao họ sẽ mua hàng của bạn mà không phải người khác? Khách hàng sẽ muốn mua hàng của người họ tin/ họ cho là uy tín hoặc người họ thích/ họ thấy có thiện cảm.
Tại sao họ cần mua hôm nay mà không phải một ngày nào khác? Nếu như bạn không nhắc nhở khách hàng, họ sẽ không hành động, khi họ không hành động, doanh thu của bạn sẽ không nhảy số.
Để giải quyết 3 câu hỏi trên của khách hàng, bạn cần tạo lập mối quan hệ với khách hàng theo 3 giai đoạn như sau:
GIAI ĐOẠN 1. TÒ MÒ
Hãy khiến khách hàng tò mò về điều bạn sẽ mang tới. Tất nhiên, điều bạn sẽ mang tới phải khiến họ cảm thấy được tồn tại hoặc được phát triển.
Luôn nhớ rằng:
Bản chất của tò mò là sự đánh giá chớp nhoáng
Để khơi gợi sự tò mò, sản phẩm của bạn phải gắn với thứ gì đó giúp họ tồn tại
Khách hàng không tò mò về bạn, họ tò mò về cách bạn giải quyết vấn đề của họ
Chỉ tò mò thôi thì chưa đủ, họ cần nhiều thông tin hơn
Ứng dụng
Hãy bắt đầu tin nhắn tán gái của bạn bằng 1 câu hỏi, tất nhiên đừng cố hỏi: Em ăn cơm chưa? Hãy thử hỏi: Em thường làm gì lúc rảnh? và cố gắng tìm ra điểm chung của bạn với cô gái ấy. Hãy phát triển câu chuyện từ điểm chung ấy, chắc chắn thiện cảm của bạn trong lòng cô ấy sẽ được x2.
Bạn cũng có thể bắt đầu bài thuyết trình của mình với 1 câu hỏi mở. Hãy hỏi những câu hỏi chạm vào “nỗi đau” hoặc mong muốn của người nghe. Họ sẽ bắt đầu ngồi thẳng lừng và hướng ánh mắt tò mò về phía bạn để chờ đón những thông tin bạn cung cấp sau đó. Đương nhiên, hãy đảm bảo rằng, bạn chuẩn bị cung cấp một giải pháp giải quyết vấn đề của họ.
Có thể mở bài cho một bài viết bằng 1 câu hỏi mang đến sự tò mò. Giống như bài viết này: Tôi học được gì từ cuốn sách “Marketing phải bán được hàng”?
Tối thường đặt câu hỏi trước khi 1 cuốn sách mới hoặc viết một bài review. Ví dụ như: Tôi có thể ứng dụng điều gì trong cuốn sách này vào cuộc sống? Điều này có thể sẽ khiến tôi tập trung và có động lực đọc hơn.
GIAI ĐOẠN 2. KHAI SÁNG
Đây là quá trình khách hàng bắt đầu đặt niềm tin vào bạn. Nếu tò mò là yếu tố khiên khách hàng chú ý đến chúng ta thì khai sáng là thứ đưa khách hàng vào một mối quan hệ.
Bạn cần giải quyết câu hỏi: How?
Bằng cách nào?
Nó hoạt động như thế nào?
Hãy cho họ biết sản phẩm của bạn giải quyết vấn đề của họ ra sao.
Luôn nhớ rằng:
Khách hàng cần sự rõ ràng: đừng lòng vòng, hãy khiến mọi thứ rõ ràng và dễ hiểu.
Khách hàng cần thấy tương lai của họ chứng không phải bất cứ ai. Hãy giúp khách hàng hình dung ra kết quả họ có được sau khi sử dụng sản phẩm của bạn một cách cụ thể.
Ứng dụng
Hãy nói: Bạn sẽ có thêm 1000 khách hàng tiềm năng trong 30 ngày tới khi đọc thật kỹ cuốn sách này và áp dụng đầy đủ những chỉ dẫn trong đó vào doanh nghiệp của bạn
Hãy nói: Bạn sẽ cảm thấy 50 trang sách mỗi ngày không có gì quá khó khăn khi thường xuyên theo dõi Hương Nguyễn Blog.
Hãy nói: Bạn sẽ tiết kiệm được 1 tuần đọc sách bằng việc đọc các bài viết review trên Hương Nguyễn Blog mà vẫn có được những bài học hữu ích để áp dụng vào cuộc sống của mình.
GIAI ĐOẠN 3. CAM KẾT
Có 2 lý do chính khiến khách hàng không đặt hàng là:
Thương hiệu không yêu cầu họ mua hàng
Thương hiệu yêu cầu họ mua hàng quá sớm
Nếu bạn không làm tốt giai đoạn TÒ MÒ và KHAI SÁNG thì khách hàng sẽ rất khó ra quyết định mua hàng, thậm chí là lập tức từ chối mua hàng của bạn.
Do vậy, chọn đúng thời cơ để kêu gọi khách hàng hành động. Nếu bạn không kêu gọi họ hành động, không nhắc nhở họ thì họ sẽ không làm gì cả. Họ không click vào sản phẩm, họ không bấm vào mua hàng, họ không thực hiện điền thông tin đặt hàng, họ không mua hàng thì mọi nỗ lực của bạn ở giai đoạn trên sẽ bị lãng phí.
Hãy kêu gọi hành động của khách hàng khi bạn đã làm tốt bước thu hút và giữ chân họ lắng nghe giải pháp giải quyết vấn đề của họ.
Luôn nhớ rằng:
Cơ hội là tất cả
Chậm rãi những vẫn phải tiến lên
Mối quan hệ vội vã thường không lành mạnh
Ứng dụng
Nếu bạn muốn bán được hàng, bạn không thể bỏ qua các kiến thức về MKT và cuốn sách này sẽ giúp bạn tạo dựng phễu bán hàng, thiết kế chiến lược thu hút khách hàng, đưa sản phẩm của bạn đến tay người tiêu dùng.
Nếu bạn không muốn phát triển bản thân, bạn không thể bỏ qua thói quen đọc sách. Đọc thôi thì chưa đủ, bạn cần biết đúc rút và áp dụng vào cuộc sống của mình. Đó là lý do vì sao bạn cần có mặt ở Hương Nguyễn Blog 2 lần mỗi tuần.
Bài học số 2. Làm sao để tạo câu chủ đề “chất lừ”?
Câu chủ đề phải có đầy đủ 3 phần: vấn đề – giải pháp – kết quả
BƯỚC 1. VẤN ĐỀ
Vấn đề chính là lưỡi câu.
Việc đưa ra vấn đề mang lại giá trị cho sản phẩm
Đưa ra vấn đề là một cách để khắc sâu ân tượng vào tâm trí khách hàng
Hãy gán sản phẩm và dịch vụ của bạn với một giải pháp cho một vấn đề.
Ứng dụng
Vì sao bạn đổ tiền tỷ vào quảng cáo mỗi năm mà vẫn không bán được được hàng?
Hầu hết người dùng Tiktok đều không biết cách kiếm tiền từ nó.
Chỉ có 2% người dùng Tiktok kiếm được tiền từ nền tảng bởi nội dung họ mang lại không thật sự giá trị cho khách hàng
Và lưu ý:
Hãy chắc chắn câu đầu tiên củ bạn thể hiện rõ ràng vấn đề và chắc chắn đó là nỗi đau mà người ta thực sự cảm nhận được.
Hãy đưa ra duy nhất một vấn đề và biến nó thành vấn đề nhiều người gặp phải nhất.
Nếu bạn không thể giải quyết, đừng đề cập đến.
Hãy nghĩ xem bạn không biết thế nào so với đối thủ cạnh tranh.
BƯỚC 2. GIẢI PHÁP
Đảm bảo giải pháp kết nối với vấn đề
Tháo gỡ nút thắt
Đừng tỏ ra dễ thương hay hàm ý. Hãy rõ ràng.
Ứng dụng
Tại bài viết này, tôi sẽ chỉ cho bạn những sai lầm khiến cho việc bạn không thu được doanh thu tốt dù bỏ ra hàng tỷ đồng cho quảng cáo.
Tại video này tôi sẽ chỉ cho bạn cách giúp bạn có 30 triệu đầu tiên từ Tiktok.
Trong cuốn sách tôi giới thiệu hôm nay, bạn sẽ có được công thức để tạo ra nội dung khiến khách hàng chú ý đến bạn.
Và lưu ý:
Hãy đảm bảo phần này phải thật rõ ràng và dễ lặp lại.
Đưa tên của bạn/ thương hiệu vào giải pháp
Đảm bảo giải pháp có liên quan tới vấn đề bạn nêu ra
Mô tả ngắn gọn và rõ ràng về dịch mà bạn cung cấp
BƯỚC 3. KẾT QUẢ
Vấn đề, giải pháp và kết quả phải liên kết với nhau
Liên tục đặt câu hỏi “kết quả là…” để đi tới giải pháp
Ứng dụng
Khi bạn hạn chế những sai lầm của mình trong chiến lược MKT, bạn sẽ tiết kiệm hàng tỷ đồng chí phí quảng cáo vô nghĩa.
Khi khách hàng chú ý đến bạn, bạn có cơ hội thiết lập mối quan hệ thân thiết với khách hàng, từ đó tạo ra doanh thu tốt hơn.
Khi bạn biết cách tạo ra 30 triệu đầu tiên, thì bạn cũng sẽ biết cách tạo ra thu nhập thụ động cho mình, từ đó giúp bạn có được cuộc sống tự do và thoải mái hơn.
Và lưu ý:
Hãy đảm bảo thành công bạn nói đến có liên quan trực tiếp tới vấn đề được nêu ra trước đó. Chứng minh cho khách hàng thấy cuộc sống của họ được cải thiện sau khi bạn giải quyết vấn đề.
Hãy nói về cuộc sống của họ sau khi làm việc với bạn.
Hãy tập trung vào một hoặc hai thành tích chính và chỉ thế thôi
Đừng hứa hẹn quá nhiều
Marketing phải bán được hàng – Tác giả Donald Miller & J.J. Peterson
“Hầu hết các kế hoạch marketing không thất bại ở khâu xác định mục đích hay triết lý truyền thông, mà ở khâu triển khai. Đơn giản là người ta không làm xong đến nơi đến chốn.”
Cuốn sách này sẽ giúp bạn triển khai chiến lược marketing dễ dàng hơn. Nó cung cấp các giải pháp để thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, đồng thời xây dựng những chiến dịch thu hút sự chú ý và khiến họ không thể cưỡng lại việc nhấn vào nút mua hàng. Nếu bạn là một doanh nhân, chủ doanh nghiệp hay làm việc trong bộ phần marketing cho một tổ chức lớn, đây là cuốn sách dành cho bạn.
Về tác giả Donald Miller
Donald Miller là CEO của BusinessMadeSimple và người sáng tạo ra khung Marketing StoryBrand. Hơn 10.000 doanh nghiệp đã áp dụng khung mẫu này để làm rõ thông điệp gửi email thủ thuật kinh doanh đến với hơn 100.000 lãnh đạo doạnh nghiệp mỗi ngày.
Donald Miller là giám đốc điều hành của StoryBarnd. Mỗi năm, ông giúp đỡ hơn 3000 lãnh đạo doanh nghiệp phát triển thương hiệu của mình. Ông là tác giả của cuốn sách bestseller Xây dựng câu chuyện thương hiệu.
Về tác giả J.J. Peterson
Tiến sĩ J.J. Peterson là trưởng bộ phận Đào tạo và hỗ trợ của StoryBrand, đồng tác gải của Podcast dẫn đầu bảng xếp hạng Buiding a StoryBrand cùng Donald Miller.
J.J. Peterson là tiến sĩ ngành truyền thông và trước khi gia nhập StoryBrand, ông đã dành 20 năm giảng dạy và nghiên cứu về truyền thông trong ngành công nghiệp giải trí và ở các trường đại học.
Đánh giá chung về cuốn sách “Marketing phải bán được hàng”
Một cuốn sách có tính ứng dụng cao. Nó có thể sử dụng cho rất nhiều lĩnh vực khác nhau như:
Sáng tạo nội dung
Thực hiện chiến dịch MKT
Đào tạo
Thuyết trình
Tán gái/ trai
Cuốn sách sẽ giúp bạn:
Tạo dựng phễu bán hàng hiệu quả
Thiết kế thương hiệu thu hút khách hàng
Chiến lược đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Cảm ơn tác gia đã chia sẻ những kiến thức hữu ích này. Cảm ơn dịch giả Linh Nguyễn và NXB Lao Động, 1980 Books đã mang cuốn sách này đến với độc giả Việt Nam.
Chúc mừng Hương Nguyễn có mặt trong Top những blogger truyền cảm hứng dành cho giới trẻ do – NXB giáo dục quốc tế Twinkl lựa chọn
Tháng 8 năm 2021, mình quyết định thành lập Hương Nguyễn Blog, với mục đích ghi lại cuộc hành trình mới của bản thân – trở thành một người viết tự do.
Trong 1 năm 6 tháng vừa qua, nếu nói mình luôn ngừng thì không hoàn toàn đúng, nhưng mình đã không bỏ cuộc. Trên hành trình này, mình đã học được rất nhiều điều thú vị từ việc viết & đọc.
Tại Hương Nguyễn Blog đã xuất bản 153 bài viết, trong đó có 100 bài viết dành cho chủ để Đọc và Review sách với tổng lượt truy cập đến hôm nay 20.100 lượt (1 con số không lớn) nhưng với mình nó giống như một kỳ tích vậy.
Nhờ cho chiếc Blog này, mình đã kết nối được với rất nhiều người anh, người chị, người bạn, người em yêu thích đọc sách và viết lách. Nhờ chiếc Blog này mình có được những hợp đồng mà mình chưa từng nghĩ tới. Nhờ chiếc Blog này mình có cơ hội được chia sẻ – việc mà mình cực kỳ yêu thích.
Và mình tin, nếu bạn từng tới với Hương Nguyễn Blog, bạn cũng đã từng: – Được truyền cảm hứng đọc sách – Được truyền cảm hứng viết lách – Học được những bài học hay – Sở hữu những bí quyết rèn luyện thói quen đọc, viết hiệu quả – Chọn được những đầu sách thú vị và hữu ích với cuộc sống và công việc – Đặc biệt, bạn được lắng nghe một góc nhìn mới về thế giới xung quanh cùng mình. – Và rất có thể, chúng ta đã trở nên thân thiết hơn rất nhiều từ những bài viết ở đó.
Điều gì là yếu tố quyết định bạn sẽ trở thành một tài năng xuất sắc hay là người bình thường?
Cuốn sách này được viết để giải đáp những thắc mắc trên của bạn.
Về tác giả Daniel Coyle
Daniel Coyle – tác giả của 2 cuốn sách bán chạy nhất do Thời báo New York bình chọn: “Cuộc chiến của Lance Armstrong” và “Bóng chày: Một mùa nằm trong dự án”.
Ông còn tham gia biên tập cho tạp chí danh tiếng Outside. Ông sống cùng vợ và các con tại Homer, bang Alaska. Đây cũng là nơi ông huấn luyện cho một đội bóng đang tiến bộ rất nhanh, Little League.
Dựa trên những thành tựu xuất sắc của ngành thần kinh học và nghiên cứu mới nhất trong quá trình khảo cứu tại chính địa danh sản sinh ra nhiều tài năng của thế giới – từ sân bóng chày ở vùng Caribe đến học viên âm nhạc cổ điển Bắc New York – Coyle đã chỉ ra 3 yếu tố then chốt cho phép bạn phát triển tài năng và tối ưu hóa khả năng của mình trong các lĩnh vực thể thao, nghệ thuật, âm nhạc, toán học hay bất kỳ điều gì khác trong cuốn sách này: Mật mã tài năng.
Cuốn sách này dành cho ai?
Cuốn sách này sẽ cung cấp cho những ai quan tâm đến các công cụ để có thể tận dụng tối đa khả năng tiềm ẩn của chính mình và của mọi người.
Các bậc phụ huynh
Giáo viên
Huấn luyện viên
Doanh nhân…
3 Bài học đắt giá rút ra từ cuốn sách “Mật mã tài năng”
“Tôi sẵn sàng đảm bảo rằng bạn sẽ không đọc được cuốn sách nào quan trọng và hữu ích hơn trong năm 2009 và cả những năm sau nữa.” – Tom Peter, tác giả cuốn sách Kiếm tìm sự hoàn hảo.
Tôi tự hỏi, tại sao tôi chưa biết cuốn sách này từ những năm 2009, hay gần đây là năm 2019 thôi. Có lẽ biết thêm 1 ngày là lợi thêm nhiều năm tháng về sau của chính mình.
3 bài học lớn mà tôi có được từ cuốn sách Mật mã tài năng.
Bài học số 1. Hãy cứ sai…
“Một thí nghiệm do Henry Roediger tại Đại học St. Louis ở Washington tiến hành, trong đó sinh viên được chia thành 2 nhóm cùng nghiên cứu một bài luận về lịch sử tự nhiên. Nhóm A học trên tài liệu trong 4 tiết. Nhóm B chỉ học 1 tiết nhưng được kiểm tra 3 lần. Một tuần sau, cả 2 nhóm cùng làm bài kiểm tra và nhóm B đạt kết quả cao hơn 50% so với nhóm A. Họ chỉ học 1/4 thời gian nhưng lại thu được nhiều kiến thức hơn.” – Trích sách: Mật mã tài năng – Daniel Coyle.
Tại sao lại như vậy?
Ví dụ thực tế…
Nào, giờ hãy nhớ lại những đề thi cấp 3 của bạn cách đây nhiều năm về trước. Bạn còn nhớ mình đã làm thử bao nhiêu đề thi trước khi ngồi vào phòng thi chính thức cho kỳ tuyển sinh đại học hay không?
Tôi cá là bạn nhớ không nổi và cũng đếm không xuể. Bản thân tôi cũng vậy.
Trong hơn 1 tháng trước kỳ thi đại học, gần như tất cả các học sinh đều “cày” đầu vào việc giải các đề thi. Đề thi từ các năm trước, từ các cuộc thi khác nhau, từ giáo viên, từ trên internet. Tất cả đều làm với mục đích có được số điểm cao nhất có thể trong kỳ thi đại học gần kề.
Câu chuyện trên hé lộ điều gì?
Rõ ràng chúng ta trở nên “giỏi” hơn, tiến bộ hơn sau mỗi lần giải đề. Có thể ban đầu bạn giải sai rất nhiều câu trong đó. Nhưng rồi từ những lần sai đó bạn lại nhớ hơn, cảnh giác hơn và cẩn thận hơn với những câu hỏi và bài tập tương tư. Rồi bạn rèn cho bộ não của mình ghi nhớ các thông tin, và càng là những thông tin bạn có được sau mỗi sai lầm bạn càng nhớ.
Đó chính là cách bộ não của chúng ta hoạt động và ghi nhớ.
Chúng thường có ấn tượng với những điều bất thường, ví dụ như những sai lầm diễn ra trong quá khứ. Và chúng được bạn luyện tập với cường độ cao trong 1 khoảng thời gian giới hạn. Nó khiến não bộ của bạn liên tục phải vận động. Và đã được vận động thường xuyên thì “cơ bắp” của não bộ bắt đầu được hình thành. Chúng trở nên khỏe mạnh, nhanh nhạy và chính xác hơn mỗi ngày.
Ứng dụng thực tế
Nếu bạn có theo dõi tôi thường xuyên trên Blog này hoặc trên trang Facebook cá nhân, có thể bạn biết gần đây tôi đang tập trung cho dự án xây kênh Tiktok mới của mình (Dành cho bạn nào quan tâm: @huongnguyentt.vn).
Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, rào cản trước quyết định có hiện diện trên khuôn hình video hay không? Chính bài học “Hãy cứ sai…” trong cuốn sách này đã thôi thúc tôi hiện diện trên các video gần đây.
Những thước phim đầu tiên với tôi quả thật quá khó khăn, mặc dù tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm nói chuyện trước đám đông trước đó. Hơn thế, tôi có sẵn trong người tư duy của một nhà đạo tạo. Do vậy, việc sắp xếp thông tin, cách dẫn dắt câu chuyện chưa bao giờ là điểm yếu của tôi. Vậy mà tôi vẫn sợ hãi.
Sợ hãi về âm sắc trong giọng nói
Sợ hãi về biểu cảm trong khuôn mặt
Sợ hãi về cách quay dựng video
Sợ hãi trong việc chọn nhạc
Sợ hãi trong …
Rất nhiều sự sợ hãi bao trùm tôi, và tất nhiên nỗi sợ này của tôi chính là sợ sai, sợ thất bại, sợ mất đi sự tin tưởng vào chính mình.
Nhưng rồi bằng rất nhiều ví dụ trong cuốn sách này cùng những trải nghiệm trong quá khứ của tôi. Tôi chợt hiểu ra rằng, có rất nhiều lần tôi có được thành công không phải một sự thiên bẩm sẵn có mà là bởi tôi đã luyện tập và chuẩn bị rất kỹ trước đó. Bao gồm cả những bước đi sai lầm.
Điều gì đã xảy ra?
Và chính những điều đó đã thôi thúc tôi hành động. Tính tới thời điểm gõ xuống dòng chữ này, tôi đã có 10 video đăng tải, trong đó có 2 video gần đây có sự xuất hiện trực tiếp của tôi trước camera. Chưa có bất cứ thành tích gì đáng kể nhưng sau mỗi lần quay dựng và chỉnh sửa video, tôi lại rút ra cho mình những bài học. Ví dụ như:
Cách hắt sáng
Cách chọn nhạc
Cách chèn hình ảnh, video minh họa
Cách viết tiêu đề
Cách chọn ảnh bìa
Cách viết caption
Cách chia nhỏ nội dung để lúc quay hiệu quả và nhanh chóng hơn
Cách sử dụng hiệu ứng hình ảnh để video bớt nhàm chán
…
Thế đó, cuối cùng thì chỉ có luyện tập mới tạo ra giá trị, chỉ có vượt qua những sai lầm mới khiến ta giỏi hơn, tốt hơn, mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn.
“Bạn sẽ thông minh nhờ trải qua những lỗi lầm của chính mình.” – Ngạn ngữ Đức.
Bài học số 2. Ba quy tắc tập luyện sâu
Tôi thường nhận được câu hỏi rằng: Làm sao tôi có thể rèn luyện thói quen đọc sách như bây giờ?
Tôi sẽ chỉ cho bạn 3 quy tắc sau đây để giúp bạn rèn luyện bất cứ thói quen nào mà bạn muốn.
Quy tắc 1. Hãy chia nhỏ thành các phần
Luyện tập sâu mang lại cảm giác hơi giống với việc khám phá một căn phòng tối, xa lạ.
Bạn bắt đầu chậm rãi, va vào đồ đạc trong phòng, dừng lại, suy nghĩ và bắt đầu lại. Chậm chạp và với một chút đau đơn, bạn khám phá đi khám phá lại không gian đó, chú ý đến các lỗi mắc phải, mở rộng khoảng không gian mà mình vươn tới được từng chút, từng chút một, vẽ ra trong đầu một sơ đồ cho đến khi bạn có thể đi quanh phòng một cách nhanh chóng bằng trực giác.
Từ đây bạn có thể đúc rút ra một lộ trình như sau:
Bước 1. Khám phá từng chút một. Sai – dừng lại – ghi nhớ – sửa chữa.
Bước 2. Khi quen thuộc ở nơi cũ, mở rộng phạm vi khám phá và lặp lại bước 1.
Bước 3. Tập hợp thông tin bước 1 và bước 2, tiến tới đích.
Ứng dụng như thế nào vào việc đọc sách?
Bước 1. Đặt ra mục tiêu nhỏ
Khi mới bắt đầu, đừng cố gắng đọc một lúc 100 trang sách. Hãy thử bắt đầu bằng 10 trang, 5 trang, thậm chí là 1 trang sách.
Bước 2. Mở rộng mục tiêu
Khi quen dần với việc mở sách ra đọc mỗi ngày, bạn bắt đầu tăng số trang đọc mỗi ngày lên từ 1 trang lên 3 trang, từ 5 trang lên 10 trang, từ 10 trang lên 15 hoặc 20 trang.
Bước 3. Duy trì và tiếp tục mở rông mục tiêu
Duy trì hoạt động đọc sách mỗi ngày, và nhích lên từ từ từng chút một. Mỗi ngày đọc nhiều hơn ngày hôm qua 1 trang thôi cũng được, nếu không thể, bạn cứ tiếp tục đọc. Dù chỉ 1 trang cũng hơn là không có trang nào.
Cuối cùng, chỉ cần bạn liên tục “luyện tập” việc đọc của mình hằng ngày, não bộ và cơ thể của bạn sẽ quen dần với việc ngồi yên để đọc sách.
Bạn thử nghĩ xem, trung bình 1 cuốn sách rơi vào khoảng 300 trang. Nếu tuần đầu tiên, mỗi ngày bạn đọc 5 trang. Hai tuần tiếp theo, mỗi ngày bạn đọc 10 trang. Tuần kế tiếp mỗi ngày bạn đọc 15 trang. Thì sau 30 ngày, bạn đã có thể hoàn thành xong cuốn sách 300 trang đó rồi.
Hãy học cách chia nhỏ từng phần
Quy tắc 2. Lặp đi lặp lại
“Cách đơn giản nhất để giảm kỹ năng của một tài năng thuộc bậc siêu sao là gì? Là không cho học tập luyện trong 1 tháng.”
Việc lặp đi lặp lại việc luyện tập rất quan trọng, chỉ cần bạn lơ là thì bạn sẽ mất đi kỹ năng thượng thừa của mình, hay nói đúng hơn là “mai một” kỹ năng đó.
Nói thật thì tôi đã phải luyện tập lại thói quen đọc sách rất nhiều lần bởi những giai đoạn ngừng đọc. Việc lấy lại sự tập trung để ngồi đọc một cuốn sách gần như phải quay lại từ đầu. Tất nhiên sẽ không lâu như lần đầu tập luyện nhưng nó cũng cần một khoảng thời gian nhất định.
Khi đó, bạn buộc phải quay về quy tắc 1 và thực hiện luyện tập lại từ đầu. Bởi vậy trong quá trình rèn luyện thói quen đọc, bạn cần duy trì hoạt động này liên tục, không ngắt nghỉ.
Hãy nhớ rằng, dù lười biếng hay mệt mỏi, đọc 1 trang sách thôi cũng hơn là bạn không đọc trang nào.
Quy tắc 3. Học để cảm nhận
“Tập luyện sâu không đơn giản là một cuộc vật lộn, nó còn là tìm kiếm một cuộc vật lộn đặc biệt.”
Nếu bạn chỉ đọc sách để bản thân có hoạt động đọc sách thôi thì chưa đủ, đằng sau nó là cái gì? Là một thói quen giúp bạn được chữa lành, được học tập, được phát triển bản thân, được rèn luyện, được tích lũy, được trau dồi, thậm chí là được công nhận.
Bạn thậm chí còn cảm thấy khó chịu không hoạt động này không diễn ra như mục tiêu mong muốn. Bạn thèm khát được khám phá những điều mới, chính phục những cuốn sách khó hơn, nặng đo hơn. Bạn muốn bứt ra khỏi không gian an toàn của mình, mở rộng vùng khám phá.
Đó chính là thứ bạn sẽ có được nếu đắm mình vào luyện tập sâu thật sự.
“Những đứa trẻ tập đi là hiện thân của bản chất sâu xa nhất trong luyện tập sâu: để đạt được một điều gì đó tốt đẹp, rất cần sự sẵn sàng, thậm chí là hăng hái mắc lỗi. Cách những đứa trẻ tập đi chính là cách đạt được kỹ năng một cách vinh quang.”
Bài học số 3. Động lực có thể đến từ đâu?
Hầu hết chúng ta đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm động lực để duy trì một hoạt động nào đó cần nhiều sự đầu tư về mặt công sức, trí tuệ hoặc thời gian.
Ở bài học này, tôi sẽ chỉ cho bạn 5 cách giúp bạn tự tìm kiếm động lực cho mình. Khi có những động lực, bạn sẽ kiên trì hơn với mục tiêu của bản thân, chỉ khi bạn kiên trì đến cùng hoàn thành nó bạn mới có thể tạo ra giá trị thật sự cho cuộc sống của mình.
1. Bạn cũng có thể làm được điều này!
Vào năm 1954, một sinh viên y khoa gầy gò tại Oxford có tên là Roger Bannister trở thành người đầu tiên chạy cự ly 1 dặm trong khoảng thời gian dưới 4 phút. Điều đáng nói ở đây là các nhà sinh lý học và các vận động viên đều coi giới hạn 4 phút/ dặm là một chướng ngại không thể vượt qua về mặt sinh lý học. Thế nhưng, Bannister đã phá kỷ lục một cách có hệ thống, anh đã vượt giới hạn chỉ bằng một phần mấy giấy và có mặt trong tiêu đè các bài báo trên khắp thế giới. Thậm chí, tạp chí Sports Illustrated đã gọi là thành tự thể thao cá nhân vĩ đại nhất thế kỷ XX.
Sau sự kiện đó, hàng loạt các thành tích vượt qua giới hạn 4 phút đã được xác lập. Trong vòng 3 năm, có không dưới 17 vận động viên vươn tới thành tựu thể thao vĩ đại nhất thế kỉ XX này.
Hơn 17 vận động viên đã nhận được một tín hiệu rất rõ ràng từ sự kiện phá với giới hạn 4 phút của Bannister năm 1954, đó là: bạn cũng có thể làm được điều này!
Câu chuyện của tôi
Chính câu nói tương tự đó cũng đã tác động vô cùng mạnh mẽ đến cuộc đời tôi. Có một điểm trùng hợp trong đời tôi về những người nói với tôi câu nói: Em làm được!
Họ đều là những phụ nữ rất tài giỏi, đáng học hỏi và có tư duy sắc bén và độc lập. Họ đều sinh năm 1989. Họ đều từng là cấp trên, là người hướng dẫn trực tiếp của tôi. Và họ đều đặt cho tôi nhưng câu hỏi đúng lúc tại các thời điểm bước ngoặt trong sự nghiệp của tôi.
Nhờ niềm tin mạnh mẽ tôi được trao từ những Mentor này, tôi đã có thêm cho mình rất nhiều năng lượng và động lực để HÀNH ĐỘNG – điều cốt lõi để tạo ra giá trị.
Thực tế, sau này khi tôi làm việc và nói chuyện với nhiều người bạn, người em tìm tới tôi để xin những lời khuyên. Tôi đều kết thúc câu chuyện bằng câu nói ấy: Em làm được!
Và nó thật sự là câu nói mang rất nhiều sự động viên, tin tưởng và kích hoạt động lực hành động trong mỗi con người.
Ứng dụng cuộc sống
Cho nên, nếu bạn muốn tìm kiếm động lực, bạn hãy dõi theo những người tích cực, truyền cảm hứng, thậm chí là chuyên gia trong lĩnh vực bạn muốn tìm hiểu.
Ví dụ:
Nếu bạn muốn tìm kiếm động lực đọc sách, viết lách và phát triển bản thân bạn có thể tìm tới tôi.
Nếu bạn muốn tìm kiến động lực học tiếng Anh, bạn có theo theo dõi MC song ngữ Thanh Thanh Huyền, bạn Khánh Vy, chị Chi Nguyễn…
Nếu bạn là người đam mê công nghệ, tìm kiếm sự hoàn hảo, thì bạn đừng bỏ qua những câu chuyện của Steve Jobs.
Nếu bạn muốn tìm hiểu và phát triển trong thị trường chứng khoán, đương nhiên bạn không thể bỏ qua Warren Buffett.
….
2. Những người ở đằng kia đang làm gì đó cực kỳ quý giá?
Bạn có từng xúc động trước hành động cứu trợ đồng bào miền Trung của ca sĩ Thủy Tiên hồi năm 2020 không?
Bạn có từng gửi 1 phần tiền rất nhỏ của mình cho MC Phan Anh năm 2016 không?
Bạn từng vì thấy mọi người đang nhét tiền vào thùng từ thiện ở trước bảo tàng và vô thức làm theo không?
Bạn có từng thấy một người bạn nào đó của mình share Dự án “Nuôi em” trên Facebook và bạn cũng muốn tham gia vào nó không?
Hoặc đơn giản, bạn thấy Hương chia sẻ email cảm ơn từ trung tâm nhận tóc Hiến cho bệnh nhân ung thư vú hồi tháng 10 năm ngoài mà bạn nghĩ rằng bạn sẽ hiến tóc trong 1 vài năm tới hay không?
…
Có rất nhiều suy nghĩ, hành động của chúng ta được kích hoạt khi chứng kiến hoặc nghe kể về ai đó là cố gắng làm gì cực kỳ quý giá cho công đồng.
Ví dụ như trông cây gây rừng, phân loại rác thải, thu gom rác trên biển, hiến tóc, hiến tạng, làm từ thiện, dạy học cho trẻ vùng cao…
Tất cả những câu chuyện đó dù không chủ động đều mang tới động lực tích cực khiến chúng ta muốn làm theo. Bởi ai cũng muốn là 1 phần của sự tốt đẹp.
Bạn có thể để ý các cuộc thi hoa hâu, luôn có giải cho dự án thiện nguyện hay dự án vì cộng đồng. Và một trong những sứ mệnh lớn của một đương kim hoa hậu chính là tạo nên câu chuyện “người tốt việc tốt”. Mục đích ban đầu đương nhiên là khiến có nhiều người tham gia vào hoạt động cộng đồng này hơn từ đó tạo nên một xã hội tích cực hơn, một môi trường sách hơn, những con người phát triển toàn diện hơn…
Ứng dụng cuộc sống
Bạn sẽ nhận được rất nhiều động lực tích cực nếu bạn tiếp xúc và dõi theo những con người tích cực. Bạn có thể khiến cuộc sống của mình sinh động hơn, vui vẻ hơn, nhiều cảm hứng hơn từ việc tham gia vào các cộng đồng mà những người tích cực sẽ tập trung.
Ví dụ như cộng đồng những người đọc sách, thiền định, ăn eat clean, tập Yoga, Gym, lối sống tối giản,… thay vì những cộng đồng như Tám chuyện showbiz, Hội khẩu nghiệp, Hội chăn chuối…
Hãy bắt đầu từ vòng tròn bạn bè trên mạng xã hội, bỏ follow hoặc hủy kết bạn. Tiếp tục với những người nổi tiếng có lối sống không lành mạnh. Thực hiện tương tự với các hội nhóm, fanpage bán hàng, đăng tin giật gân, những câu chuyện tiêu cực…
Hãy dọn dẹp không gian để đón chào những động lực tích cực đến với cuộc sống của bạn.
3. Bạn nên luôn bận rộn
Nếu bỗng dưng bạn quá rảnh rỗi, nhám chán, bạn tự nhiên sẽ muốn làm một điều gì đó để thay đổi hiện trạng này. Bạn sẽ chú tâm hơn cho công việc, hoặc một việc gì đó khiến bạn thay đổi năng lượng của mình.
Tôi có quen một cậu em tên Hoàng Anh – 25 tuổi. Mỗi ngày cậu ấy làm việc hơn 16 tiếng liên tục ở 2 quán cafe khác nhau. Gần như ngày nào cũng làm việc từ 7 giờ sáng tới 11 giờ đêm. Vấn đề đáng nói ở đây chính là không ai bắt ép cậu ấy phải làm điều đó, càng không phải vì cậu ấy có 1 khoản nợ khổng lồ mà là cậu ấy không muốn bản thân rảnh rỗi.
Để bản thân trở nên bận rộn, con người ta sẽ tận dụng từng giây phút để làm những công việc mang nhiều giá trị hơn là thời gian rảnh.
Bạn nên luôn bận rộn cũng là mệnh đề thúc đẩy tôi xuất bản cuốn ebook Keep and More vào hồi tháng 9 năm 2022 vừa qua. Đây cũng là kết quả của việc rảnh rỗi quá đà khiến tôi có cảm giác mình chỉ đang tồn tại và hít thở. Tôi muốn mình được hiện diện, sống và có ích cho nên tôi đã dành hơn 20 ngày trong tháng 8 để thực hiện cuốn ebook này. Tôi gần như chìm trong cuốn sách với nhịp độ rất nhịp nhàng mỗi ngày 6 tiếng viết liên tục chia cho 3 khoảng thời gian sáng – chiều – tối.
Và đúng vào ngày 10/09/2023, một cuốn ebook gần 45.000 từ được gia mắt và nhận được rất nhiều feedback cảm ơn từ độc giả của Blog Phụ Nữ Tự Do. Tôi mừng vì mình đã nhận thực được: “Tôi nên luôn bận rộn”.
Ứng dụng cuộc sống
“Rảnh rỗi sinh nông nổi” – Đừng để thời gian rảnh giết chết cuộc sống của bạn. Hãy khiến mình trở nên bận rộn bằng một danh sách những hoạt động vui chơi, thư giãn, phát triển bản thân lành mạnh. Ví dụ như:
Viết nhật ký
Đọc sách
Xem Ted Talk, Web5ngay
Đọc blog của Hương
Nghĩ ra một công thức món ăn mới và thực hiện chúng
Vẽ trang
Tập thuyết trình trước máy quay
Học cách quản lý tài chính cá nhân, đầu tư…
Học thiết kế trên canva
Đi dạo
Tập Yoga
Tìm hiểu về cafe, rượu vang, thời trang, đồng hồ, bình gốm,…
Hãy viết riêng cho mình danh sách ít nhất 10 hoạt động giúp bạn thư giãn và phát triển bản thân khi có thời gian rảnh nhé.
4. Bạn không an toàn
Con người nếu ở trạng thái lý tưởng thường không có động lực để thúc đẩy hành động. Bạn thường nghe rất nhiều người thành công nói rằng: Vì họ nghèo, vì họ nợ, vì họ không có một ông bố giàu có, vì họ mất gia đình từ sớm… nên họ buộc phải tiến về phía trước.
Khi chúng ta ở trạng thái “không an toàn”, nó giống như đứng cạnh bờ vực, khi đó chúng ta sẽ liền mình tiến về những hi vọng cuối cùng cho dù là nhỏ bé.
Câu chuyện của tôi
Tôi chính mà minh chứng cho cái gọi là “bạn không an toàn”. Tôi được sinh ra trong gia đình không trọn vẹn (như xã hội gọi là đứa con ngoài giá thú), một gia đình không khá giả. Khi còn đi học, tôi “được” bạnbè đặc biệt quan tâm. Họ tìm cách bắt nạt, trêu chọc và cách ly tôi. Tôi thậm chí còn cảm nhận được điều đó từ cô giáo chủ nhiệm lớp 1 của tôi. Cô giáo hoàn toàn không ghi nhận bất cứ sự cố gắng nào của tôi. Khi chuyển lên lớp 2, chúng tôi được phân loại lớp dựa vào điểm số đánh giá đầy cảm tính của giáo viên chủ nhiệm. Có rất nhiều ứng cử viên “tối” giá đã tranh mất vị trí của tôi. Sự thiếu công bằng ấy khiến tôi phải ở một lớp kém sự cạnh tranh hơn, thiếu sự cọ sát và đôi lúc có kèm đi vài phần cơ hội.
Câu chuyện được thay đổi khi sang cấp 2, chúng tôi được chuyển cấp. Thay vì phân loại lớp bởi điểm số chủ quan, chúng tôi được thi 1 bài kiểm tra chung, và được chấm bởi những người không biết chúng tôi là ai. Tôi trở về đúng vị trí của mình. Tiến lên vài bước trong sự nghiệp học hành. Việc bị bắt nạt và bị cô lập vẫn tiếp tục, nhưng thay vì im lặng chịu đựng tôi đã học cách đẩy cao giá trị bản thân bằng cách học thật giỏi. Tôi bắt đầu có được tiếng nói có trọng lượng từ năm lớp 8 trở đi. Khi ấy, tôi không còn là một học sinh bình bình trong lớp chọn ấy, tôi là thành viên trong top đứng đầu của khối. Và chẳng có gì khó hiểu khi tôi trở thành đứa “con cưng” của các thầy cô.
Tôi mạnh mẽ hơn, có tiếng nói hơn nhờ việc học tập không ngừng. Và động lực cốt lõi khiến tôi làm điều đó chính bởi “tôi không an toàn”. Tôi không có 1 ông bố chống lưng nếu tôi làm sai. Tôi không có một gia đình khá giả để bạn bè phải kiêng rè. Thứ tôi có duy nhất chính là năng lực. Nếu đến thứ cuối cùng tôi có, tôi cũng không thể tận dụng, có lẽ tôi “phế” thật rồi.
Ứng dụng cuộc sống
Thực ra tôi không mong bạn phải rơi vào trạng thái không an toàn này. Tôi mong bạn có một gia đình đầy đủ, một xuất thân trọn vẹn. Tôi không mong bạn nợ ngập đầu. Tôi càng không mong bạn ở trạng thái “không có gì để mất”.
Nhưng nếu bạn thật sự rơi vào tình huống ấy, thì tôi muốn nói với bạn rằng: bạn không an toàn. Và bạn cần khiến mình trở nên mạnh mẽ để đối đấu với những thứ không an toàn ngoài kia.
Tôi làm được và bạn cũng thế!
5. Bạn đang ở phía sau – hãy theo kịp mọi người
Sẽ ra sao khi tất cả mọi người đều đang ở điểm số 8 còn bạn thì ở điểm số 6?
Sẽ ra sao khi tất cả mọi người đang có một cơ thể cân đối còn bạn thì quá khổ với những lớp mỡ dày?
Sẽ ra sao khi bạn bè xung quanh bạn đều đã thành đạt và giàu có còn bạn vẫn đang loay hoay đi tìm định hướng cuộc đời mình?
Sẽ ra sao khi đồng nghiệp vào cùng thời điểm với bạn đều đã thăng chức tăng lương còn bạn thì chưa?
Nghe có vẻ áp lực phải không? Nếu thật sự không muốn mình bị bỏ lại phía sau, thì còn cách nào ngoài cách thúc đẩy bản thân tiến về phía trước?
Câu chuyện của tôi
Ngày 03/03/2022, tôi quyết định dốc hết số tiền tích lũy còn lại của mình cho dự án Phụ Nữ Tự Do – Một blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ độc thân.
Một trong những động lực lớn nhất khiến tôi thực hiện điều này chính là tôi đã bị bỏ lại phía sau so với những blogger khác cùng thời. Tôi đã không chọn được mentor phù hợp cho bản thân và dự án của mình. Đồng thời, những gì tôi thực hiện đã không hiệu quả (chính là chiếc blog này, giờ thì nó đã khá hơn rất nhiều rồi).
Tôi cảm thấy mình như một chú chim lạc bầy, cô đơn và bị bỏ lại phía sau. Tôi thích 1 mình nhưng phải là phía trước, tôi ghét ở phía sau. Cho nên, lúc đó tôi đứng trước 2 quyết định: Từ bỏ giấc mơ viết lách tự do của mình hoặc là “đập đi xây lại” từ đầu.
Cuối cùng tôi đã chọn điều chính kế hoạch tiến tới mục tiêu thay vì từ bỏ mục tiêu của bản thân. Tôi chọn bắt đầu lại từ con số 0 với một blog hoàn toàn mới, một chủ đề hoàn toàn mới.
Cũng chính vì dự án Phụ nữ tự do này đã cho tôi rất nhiều bài học quý giá về việc lách, về trải nghiệm khách hàng, về kỹ năng bán hàng và cũng cho tôi cơ hội khám phá ra khả năng viết một cuốn sách giá trị.
Quả thật, động lực quanh ta có quá nhiều, chỉ là ta đã thật sự chậm lại để nhận ra chúng hay không mà thôi.
Ứng dụng cuộc sống
Thay vì ghen tị với cái đứa mình ghét lấy được chồng giàu thì tìm cách mà giàu lên đi
Thay vì ghen tị với đồng nghiệp đã mua được xe hơi thì ngưng săn sale shopee và lượt tiktok trong vô định mà học thêm kiến thức để gia tăng năng lực bản thân đi
Thay vì ghen tị với chị dâu nhà hàng xóm đẻ xong mà da vẫn đẹp thì đừng thức khuya nữa, uống nhiều nước lên.
Thay vì ghen tị với thằng em mặt búng da sữa thì chú ý ăn uống lành mạnh, skin care kỹ lượng, thể dục thường xuyên đi
…
Đừng để đến lúc chẳng còn nhìn thấy ai quanh mình nữa (bởi họ đã vượt quá xa bạn) thì mới hoảng loạn hoang mang. Bạn không những phải chen lên cùng đám đông mà thậm chí còn phải vượt lên trên cả nó nữa đấy!
6. Sự khan hiếm
Cơ hội trở thành ứng cử viên sáng giá cho chức trưởng bộ phận chỉ có một. Nếu bạn không nỗ lực, cơ hội này sẽ thuộc về người khác.
Chỉ có duy nhất một suất học bổng du học trong năm nay. Nếu bạn muốn nó là của mình, bạn cần học tập điên cuồng hơn nữa.
Nếu hôm nay bạn không tỏ tình, thằng hàng xóm của cô ấy sẽ làm điều đó trước bạn; rất có thể hắn sẽ là chồng tương lai của cô gái trong mơ của bạn.
…
Chúng có mang đến cho bạn động lực để hành động không?
Bạn hiểu ý tôi rồi chứ? Sự khan hiếm của các cơ hội khiến chúng ta mất bình tĩnh, nhưng chúng là liều doping vô cùng hữu hiệu cho mọi “vận động viên” trên đường đua để dành được phần thưởng đó.
Nếu bạn đang tìm kiếm động lực để làm gì đó, thay vì nghĩ về những gì bạn có được hãy thử nghĩ về những điều bạn sẽ MẤT ĐI nếu KHÔNG làm điều đó.
Chúng chính là động lực to lớn dành cho bạn ngay lúc này!
Đánh giá chung về cuốn sách: Mật mã tài năng – Daniel Coyle
Trước khi đọc cuốn sách này, tôi luôn nghĩ những con người thành công trên thế giới đều có nhiều phần may mắn và một phần nào đó bẩm sinh. Tôi chưa thành công như họ bởi tôi thiếu ít nhất 1 trong 2 điều đó.
Sau khi đọc cuốn sách này, tôi tin rằng mọi tế bào của một người thành công trên thế giới này từ lúc sinh ra đều giống với tôi. Họ chỉ khác tôi một điều đó là họ luyện tập có chủ đích trong rất nhiều giờ.
Theo như nghiên cứu được chia sẻ trong cuốn sách “Những kẻ xuất chúng”:
Luyện tập sâu x 10.000 giờ = Kỹ năng tầm cỡ thế giới
Tài năng có thể được ươm trồng từ những con người bình thường thông qua luyện tập sâu.
“Tôi muốn con tôi biết về tôi” – Đây là câu trả lời của Steve Jobs khi Walter Isaacson hỏi lý do ông muốn Walter Isaacson viết một cuốn tiểu sử về mình.
Jobs nói thêm:
“Tôi đã không thường xuyên ở bên cạnh chúng, và tôi rất muốn chúng biết tại sao lại như vậy và hiểu được những việc mà tôi đã làm. Thêm nữa, khi tôi ốm, tôi nhận ra rằng những người khác sẽ viết về tôi nếu tôi chết, mà họ không biết gì hết. Họ hiểu sai mọi thứ. Vì vậy, tôi muốn chắc chắn rằng có một ai đó nghe được những điều tôi cần phải nói.”
Và vì thế mà Tiểu sử Steve Jobs được ra đời.
Chào mừng bạn đến với một tác phẩm dùng để mô tả cho 2 chữ với “xuất sắc”.
Tiểu sử Steve Jobs – Những thước phim sống động với nhiều góc máy
“Ông đã không kiểm soát bất cứ điều gì tôi viết ra, thậm chí không đòi hỏi được đọc trước bản thảo.”
Có lẽ chính vì điều này mà cuốn sách trở nên chân thực, chân thực tới sửng sốt. Walter Isaacson đã thực hiện hơn 40 cuộc phỏng vấn và nói chuyện với Jobs. Ngoài ra, để kiểm chứng và chọn lọc những chuyện về Jobs, Walter Isaacson còn phỏng vấn hơn 100 bạn bè, người thân, đối thủ cạnh tranh, kẻ thù và đồng nghiệp của Jobs. Chính những điều này, mà góc nhìn của tác giả khi viết cuốn sách này trở nên khách quan hơn bao giờ hết.
Khi đọc những câu chuyện về cuộc đời của Jobs ở từng giai đoạn, tôi nhận ra trong mỗi tình huống, góc máy được xoay chuyển liên túc. Nó được kể bởi một người thứ 3 trong liên quan gì tới câu chuyện ấy với nhiều góc nhìn khác nhau của các nhân vật thuộc bối cảnh được kể. Chính bởi “góc máy” được lia tới từng nhân vật, cho họ được nói, được hành động theo đúng suy nghĩ của chính họ mà “thước phim” mới trở nên đa góc nhìn và chân thật đến như vậy.
Tôi tự hỏi, cuốn sách Tiểu sử Steve Jobs sẽ ra sao nếu như không phải Walter Isaacson là người chắp bút? Liệu rằng hình ảnh về một Steve Jobs có bị “bóp méo sự thật” như chính cách ông hành xử trong cuộc đời mình không?
Rất khó để trả lời cho câu hỏi, thành công của cuốn sách này được quyết định bao nhiêu phần do Walter Isaacson tạo ra. Nhưng chắc chắn, cuộc đời của Steve Jobs đã không bị cường điệu hóa bởi bất cứ sự thần tượng thái quá nào từ người viết. Bởi nó được cấu thành không chỉ những người yêu thường Jobs, những người thân, bạn bè mà cả kẻ thù, đối thủ và những người căm ghét Jobs.
Một sự thán phục chân thành từ tôi gửi tới tác giả cuốn sách này – Walter Isaacson.
Tôi sẽ đặt một trong hai cuốn sách này vào tháng 3 tới.
Tôi học được gì từ cuốn “Từ điển Steve Jobs”?
Tại thời điểm gõ xuống dòng chữ này, tôi quyết định “đập đi xây lại” kênh Tiktok mới lập của mình cách đây 4 ngày của mình. Có lẽ, với tính cách trước giờ của tôi, thì tôi sẽ cố gắng thêm vài tuần nữa trước khi đi ra quyết định này. 5 video đăng lên nhưng flop đến 4 cái, chiếm 80%. Những con số không biết nói dối này khiến tôi phải lý trí và ra quyết định.
Vấn đề lớn nhất mà tôi gặp phải không phải những video này flop mà là: TÔI KHÔNG HỀ CẢM THẤY BUỒN với kết quả đó. Điều này khiến tôi hiểu rất rõ một điều rằng: TÔI ĐÃ KHÔNG THẬT SỰ NGHIÊM TÚC tạo ra một cái gì đó có giá trị bằng cả tâm huyết và nỗ lực của mình.
Có lẽ tôi đã coi còn việc xây kênh Tiktok như một cuộc dạo chơi, xem hoa bắt bướm mà chưa làm rõ mục tiêu của mình.
Và nếu tự so sánh mình với một thiên tài như Steve Jobs thì quả là khập khiễng. Nhưng nếu lấy ông làm tấm gương để noi theo thì hoàn toàn có thể. Chính những gì tôi được “chứng kiến” về ông và những siêu phẩm khiến thế giới thay đổi mà ông tạo ra làm tôi buộc lòng phải xem xét lại chính mình.
Dưới đây là những điều tôi học được từ Jobs qua cuốn sách Tiểu sử Steve Jobs.
Bài học số 1. Loại bỏ để tập trung
Tôi đã từng nghe đến khả năng tập trung cao độ của Steve Jobs trong cuốn Hoàn thành – tác giả Jon Acuff và cuốn Deep Work – tác giả Cal Newport. Chính nhờ sự tập trung cao độ này khiến Jobs có thể tạo nên những kỳ tích trong lịch sử ngành công nghệ như: Iphone, Ipod, máy tính cá nhân Macbook, iTune, iCloud, Apple, Pixar,…
Jobs từng nói: “Quyết định những việc không làm cũng quan trọng như quyết định những việc sẽ làm.”
Vực dậy Apple
Khi Steve Jobs quay trở lại Apple sau hơn 11 năm bị hất cẳng khỏi nó, việc đầu tiên ông làm là rà soát toàn bộ các danh mục sản phẩm. Ông đã cho dừng 70% trong số các mẫu mã và sản phẩm hiện đang triển khai tại Apple. Sau vài tuần, Jobs cuối cùng đưa ra quyết định chỉ giữ lại 4 sản phẩm tương ứng với:
Máy tính để bàn phổ thông
Máy tính để bàn cao cấp
Máy tính xách tay phổ thông
Máy tính xách tay cao cấp
Jobs thực hiện sa thải trên diện rộng. Trong năm đầu tiên quay lại, Jobs đã cho 3000 người nghỉ việc và cắc giảm chi phí cho công ty.
Chính khả năng tập trung đã cứu Apple khỏi bờ vực sụp đổ. Tháng 9 năm 1997, Apple thua lỗ 1,04 tỷ đô la.
“Sau hai năm gây sửng sốt với việc thua lỗ, Apple lại có thể vui mừng với một quy lợi nhuận, kiếm được 45 triệu đô la. Trong cả năm tài chính 1998, nó trở thành 309 triệu đô la lợi nhuận. Jobs đã quay trở lại, và Apple cũng thế.”
Từ iTune đến iPod
Khi cùng các nhân viên thảo luận về dự án tiếp theo – Trung tâm số, ông đã tập trung mọi người với câu hỏi: “10 thứ chúng ta nên làm tiếp theo là gì?”
Mọi người sẽ cùng tranh luận để đưa ý tưởng của mình vào danh sách. Sau đó Jobs sẽ viết lên bảng và gạch đi những thứ ông thấy tệ. Cuối cùng, họ sẽ thiết lập được danh sách 10 ý tưởng. Và rồi Jobs lại gạch bỏ 7 ý tưởng và nói: “Chúng ta chỉ có thể làm ba.”
Sau đó, FireWire, iTune, iPod ra đời và tạo ra một cơn địa chấn với ngành công nghiệp âm nhạc thế giới.
Iphone
Quá trình loại bỏ để tập trung cũng được áp dụng tương tự khi thực hiện dự án cho ra đời một chiếc điện thoại cá nhân.
Ông và nhóm của mình đã cùng thảo luận để trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta ghét những chiếc điện thoại của chúng ta đến mức nào?”
Họ cũng liệt kê tất cả những điều họ ghét ở một chiếc điện thoại và từ danh sách đó, họ tạo ra một chiếc điện thoại mà họ muốn sử dụng.
Và đó là chính là lý do, Iphone mang một hệ điều hành vô cùng thân thiện với người dùng, tính bảo mật cao, tinh tế, sang trọng và luôn tạo ra cơn sốt truyền thông mỗi khi xuất hiện phiên bản mới.
Bill Gates & Mircrosoft
“Lại là tay Jobs của Apple” là tựa đề lá thư Bill Gates hồi đáp bức thư cụt lủn của Jim Allchin – Giám đốc phụ trách phát triển Windows của Microsoft, “Chúng ta hít khỏi rồi” sau khi iTune trình làng đưa bước ngoặt lịch sử cho ngành công nghiệp âm nhạc.
Gates thừa nhận rằng:
“Khả năng của Jobs trong việc tập trung vào một số ít những điểm tối quan trọng, buộc mọi người phải tạo ra một giao diện hợp lý cho người sử dụng, và quảng bá các sản phẩm như những thứ có tính cách mạng thật đáng kinh ngạc.”
Sự tập trung thật sự đã đưa Apple, Pixar và cả tên tuổi Steve Jobs trở thành huyền thoại mà bất cứ ai cũng không thể làm lơ.
Ứng dụng cuộc sống…
Thời điểm tôi đọc cuốn sách này rơi vào khoảng 30/1 – 5/2 là xong. Sau khi hiểu về sức mạnh của sự tập trung, tôi đã tự hỏi bản thân: Tôi sẽ loại bỏ những gì trong bản mục tiêu của mình được lập trước đó. Thực tế là không năm nào tôi hoàn thành trọn vẹn số mục tiêu mình đề ra cả.
Tôi ngồi xuống, viết cụ thể từng mục tiêu và gạch bớt đi, chỉ để là 3 mục tiêu mà tôi cho là đáng giá nhất.
Điều này khiến tôi hào hứng hơn, suy nghĩ sâu hơn và quan trọng là tôi đã không lẩn tránh các vấn đề phát sinh trên đường tiến tới mục tiêu của mình. Cụ thể chính là tôi không trì hoãn việc xây một kênh có tính truyền thông cao cho thương hiệu cá nhân và công việc của mình (Một kênh Tiktok mà tôi đã nhắc ở trên). Mặc dù nó đang chưa theo đúng những gì tôi kỳ vọng nhưng tôi đã không từ bỏ nó.
Ngoài ra,…
Bạn có thể áp dụng nó vào việc hình thành thói quen…
Sáng nay, khi ngủ dậy, chị Giang có hỏi tôi rằng: “dạy chị rèn thói quen đọc sách~ c cứ chăm đc vài hôm r bỏ.”
Đây có lẽ là điều mà nhiều người muốn tìm kiếm giải pháp, thế những không nhiều người có thể hoặc đúng hơn là sẵn sàng cho giải pháp đó: loại bỏ để tập trung. Việc đầu tiên cần làm đó là loại bỏ những sự lựa chọn khác.
Ví dụ như: điện thoại, đồ ăn, show truyền hình thực tế, trò truyện tán gẫu với bạn bè, laptop, công việc… chỉ chọn đọc là việc làm duy nhất tại thời điểm đó. Thậm chí bạn có thể sẽ muốn tắt bớt nhạc (nhạc có lời), cách ly bản thân khỏi thế giới xung quanh khi mới bắt đầu.
Hình thái của tập trung cũng giống như ngồi thiền vậy. Bạn cần đưa đầu óc của mình về trạng thái trống rỗng, chỉ tập trung đếm hơi thở của mình và thế là bạn sẽ được thả lỏng toàn thân. Trước đây tôi thường thiền khoảng 5 phút trước khi đọc sách, điều này khiến tôi tập trung hợp rất sau đó.
Tôi nghĩ bạn sẽ muốn thử trải nghiệm một chút trước khi ngủ hoặc mỗi sáng thức dậy đó.
Quay lại trả lời cho câu hỏi: Làm sao để rèn thói quen đọc sách, tôi nghĩ bạn sẽ muốn đọc 2 bài viết dưới đây của tôi trước khi bắt đầu. Đừng bỏ qua nhé, bởi có thể bạn sẽ rất tiếc nuối.
Bài học số 2. Nghệ sĩ vĩ đại thì phải có khả năng đánh cắp ý tưởng
Một câu nói rất hay của Picasso viết như thế này: “Người nghệ sĩ giỏi là người có khả năng sao chép, còn người nghệ sị vĩ đại thì phải có khả năng đánh cắp ý tưởng.”
Một trong những phi vụ “trộm cắp” lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ đó là vụ việc Apple “đột kích” Xerox PARC (một sân chơi lớn cho những ý tưởng số). Khi đó, Apple đã nhanh chóng “đánh cắp” ý tượng Smalltalk – 1 ngôn ngữ lập trình mới của Xerox.
Theo đó, Smalltalk có 3 tính năng đáng kinh ngạc:
Cách thức những chiếc máy tính kết nối với nhau
Cách thức hoạt động của ngôn ngữ lập trình định hướng đối tượng
(Đặc biệt nhất, khiến Jobs và đồng nghiệp hoàn toàn bị ấn tượng) giao diện đồ họa được tạo bởi kỹ thuật mã hóa ảnh nhị phân
Sau hơn 2 tiếng gặp gỡ và tìm hiểu về Smalltalk, Jobs và đội của mình đã quyết định biến ý tưởng đó thành của mình bằng cách tự thiết lập ngôn ngữ lập trình phiên bản cải tiến của Smalltalk và ứng dụng tích hợp với máy tính cá nhân.
Sau đó, Jobs nói với Ban Quản lý của Xerox như sau:
“Họ là những bộ não có khả năng sao chép nhưng không có ý tưởng nào về những gì máy tính có thể làm được. Họ đã nhận phần thất bại từ chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử công nghệ máy tính. Xerox đáng lẽ có thể sở hữu toàn bộ ngành công nghiệp máy tính này.”
Rõ ràng, hành động của Jobs có thể nói một cách hoa mỹ chính là: Biến ý tưởng của người khác thành của mình.
Và điều này được thấy rất rõ trong cuộc sống của chúng ta…
Ví dụ như hoạt động đọc sách. Đã không ít lần tôi lên tiếng bảo vệ cho những cuốn sách Self-help khi nhiều người cho rằng những cuốn sách này là giáo điều, trống rỗng và thiếu tính thực tiễn.
Đứng trên góc nhìn của tôi, tôi đặc biệt yêu thích các cuốn sách self-help, bởi chúng cho tôi rất nhiều cảm hứng viết lách, xây dựng thói quen, lối sống, học tập, phát triển sự nghiệp.
Nếu bạn để ý, các cuốn sách self-help có một mô típ dẫn dắt rất chúng đó là đi từ câu chuyện đến bài học. Vậy, bạn có bao giờ tự hỏi:
Làm sao để kể một câu chuyện lối cuốn? (Tôi nghĩ bạn sẽ muốn đọc cuốn: “Nghệ thuật PR bản thân” sẽ có hướng dẫn rất chi tiết.)
Làm sao để chọn điểm nhấn cho câu chuyện?
Làm sao đưa cốt truyền logic với bài học?
Làm sao để dẫn dắt người đó xuôi theo ý tưởng của mình?
Nếu chậm lại, những bài học, ý tưởng, lối dẫn truyện có thể sẽ là chất liệu rất đắt giá cho cuộc sống và công việc của bạn. Cho nên, đừng lướt qua quá nhanh trước khi thu được điều gì đó cho mình nhé.
Nếu bạn là một cô gái thích xem phim cung đầu của Trung Quốc, ví dụ như: Hậu cung Như ý truyện, Chân Hoàn truyện… bằng tư duy “đánh cắp ý tưởng”. Chắc chắn, bạn sẽ nhận ra một skill đỉnh cao của “các chị” trong hậu cung đó là nghệ thuật dẫn dắt câu chuyện, thương thảo, kỹ năng đàm phán, bán hàng, nghệ thuật thuyết phục…
Và nếu bạn giống tôi, đam mê với những bộ phim về người lính của Trung Quốc như: Lính đặc chủng, Đội đặc nhiệm, Học viện quân sự Liệt Hỏa,… thì bạn sẽ học được cách đạo diễn dẫn dắt câu truyện để truyền đến một thông điệp đầy cảm hứng về hình ảnh người lính. Bạn sẽ dễ dàng hiểu ra: nhân vật càng gần gũi với người thường (không bị anh hùng thái quá) sẽ dễ chiếm được cảm tình của người xem hơn.
Công việc…
Và cũng giống như thế, khi tôi viết cuốn sách Keep and More của mình đã có nhiều người rất bất ngờ về khả năng xây dựng một cuốn sách theo hướng cẩm nang hướng dẫn chi tiết và logic tới vậy. Cuốn sách vừa đóng vai trò khai mở và kích hoạt tư duy, vừa mang vai trò “cầm tay chỉ việc”, tính ứng dụng cao.
Vốn điều đó không phải tôi ngồi không và tự nghĩ ra mà là do tôi quan sát từ những cuốn sách yêu thích của mình. Tôi học hỏi cách triển khai sườn nội dung chính từ cách cuốn sách có ảnh hưởng tới tôi từ trước tới nay. Từ đó khai phóng ý tưởng, chọn lọc, loại bỏ và sắp xếp thành một cuốn sách của riêng mình. Tôi chọn viết một cuốn sách mà mình muốn đọc.
Bạn thấy đó, chúng ta luôn có nhiều hơn 1 bài học trong bất kỳ hoạt động nào xảy ra trong cuộc sống. Tại sao, ta không “đánh cắp” nó, biến những ý tưởng vô thưởng vô phạt với người khác thành siêu phẩm trong tay mình?
Và Steve Jobs là làm rất xuất sắc điều này.
(À, nói nhỏ cho bạn biết, sau này ý tưởng dự án Smalltalk của Jobs một lần nữa cũng bị Bill Gate đánh cắp. Và Gates giải thích rằng, tôi chỉ đáng đánh cắp thứ đồ của một tên trộm trước đã lấy đi từ chủ nhân thực sự của nó. Chúng ta tạm hiểu điều này giống như là “nghiệp quật” dành cho Jobs đi. Bởi sau vụ đó ông đã phát điên lên giống như 1 quả bom nguyên tử vậy.)
Bài học số 3. Sản phẩm của bạn chính là con người bạn
“Anh là hình ảnh phản chiếu của chính những thứ anh làm” – Steve Jobs
Apple II, sử dụng bảng mạch của Wozniak và trở thành máy tính cá nhân đầu tiên không chỉ dành cho những người có sở thích riêng với máy tính.
Macintosh, tạo ra cuộc cách mạng máy tính gia đình và phổ biến hóa giao diện người dùng đồ họa.
Toy Story và các bộ phim bom tấn khác của Pixar – mở ra sự kỳ diệu của hình ảnh kỹ thuật số
Chuỗi cửa hàng Apple – tái tạo vai trò của một cửa hàng trong việc định vị thương hiệu.
iPod – thay đổi cách con người thưởng thức âm nhạc.
iTune Store – sản phẩm cứu sống ngành công nghệ âm nhạc
iPhone – biến những chiếc điện thoại di động thành các thiết bị lướt web, gửi nhận email, quay video, chụp ảnh và nghe nhạc.
App Store – tạo ra một ngành công nghiệp sáng tạo nội dung mới
iPad – khởi đầu cho dòng máy tính bảng và giới thiệu một nền tảng cho các loại hình video, sách, tạp chí và báo kỹ thuật số.
iCloud – đánh bật máy tính khỏi vai trò trung tâm trong quản lý nội dung và giúp tất cả các thiết bị của chúng ta được đồng bộ hóa một cách trơn tru.
Và bản thân Apple – thứ mà Jobs coi là sáng tạo tuyệt đỉnh cuả bản thân, nơi mà các sức tưởng tượng được nuôi dưỡng, ứng dụng và thực hiện theo những cách thức sáng tạo đến mức đã thành công ty giá trị nhất thế giới.
Rõ ràng những thành tựu đã làm nên tên tuổi của Steve Jobs và chính những sản phẩm ấy thể hiện rất rõ về con người ông.
Sáng tạo
Tư duy khác biệt
Thích kiểm soát
Theo đuổi sự hoàn hảo
Giá trị
Trường tồn
Đơn giản
Đi trước thời đại
Làm chủ cuộc chơi bằng cách tự tạo ra luật chơi riêng
“Triết lý bóp méo sự thật”
Có tư duy thẩm mĩ và thiết kế vượt bậc
Trước khi đọc cuốn sách này, nếu ai đó nói với tôi rằng Steve Jobs có một khả năng “bóp méo sự thật” siêu phàm, có thể tôi sẽ nghĩ rằng ông ấy thật lươn lẹo. Thực ra trong rất nhiều trường hợp ông đã “lươn lẹo” để đạt được mục đích, nhưng đó không phải điều mà cụm từ “bóp mẹo sự thật” này miêu tả.
Sự thật là…
“Khả năng bóp méo thực tại của Jobs được thể hiện khi ông nghĩ đến một kế hoạch thiếu hợp lý trong tương lai, như việc ông nói với tôi rằng tôi có thể thiết kế trò chơi Breakout chỉ trong vài ngày. Chúng ta hiểu rằng đó là điều bất khả thi, nhưng bằng cách nào đó ông ấy đã biết nó thành điều có thể.”
Chính khả năng này khiến ông có thể “thôi miên” người khác tin vào mục tiêu mà Jobs tin tưởng, thôi thúc mọi người trong đội thay đổi tiến trình hành động, sáng tạo và đột phá.
Và cũng chính nó khiến Jobs tập trung vào mục tiêu hơn bất cứ ai:
“Nếu bạn tin tưởng ông ấy, bạn có thể làm được nhiều thứ. Một khi Steve đã quyết định việc gì đó phải được diễn ra thì ông ấy sẽ tìm mọi cách để nó diễn ra.” – Theo lời kể của Elizabeth Holmes, cô bạn gái của Kottke – người bạn thân thiết của ông khi còn học tại Reed, sau này họ cùng trở thành môn ddeeer trung thành của Trung tâm Thiền Tassajara ở Carmel.
Tôi và sự hoàn hảo…
Từ những sản phẩm tôi làm ra bạn có thể dễ dàng nhận thấy tôi làm một người quan tâm tới tổng quan và nội dung thật sự. Những tiểu tiết bao gồm chính tả, hình ảnh, truyền thông sau đó, gần như không nằm trong sự chú ý của tôi. Thậm chí tôi hoàn toàn nhận thức được thiếu sót của mình những chưa lần nào khắc phục thành công ấy. Thứ tôi quan tâm và tập trung tuyệt đối luôn là giá trị thực thay vì hình thức, đồng thời tôi thích tìm cách nâng cao điểm mạnh thay vì dành thời gian để khắc phục điểm yếu.
Quan điểm của tôi chính là lấy điểm mạnh để làm lu mờ điểm yếu. Tất nhiên với những người “cầu toàn”, ưa hoàn hảo họ sẽ không vui vẻ khi nghe về quan điểm này của tôi. Thật tiếc tôi lại là một đứa trẻ tương đối bảo thủ, và tôi luôn cho rằng bây giờ chưa phải lúc.
Thực tế là tôi có ý định sẽ gửi bản thảo cuốn sách của tôi cho nhà xuất bản trong quý 1 của năm 2023 này, cho nên tôi cần phải thay đổi suy nghĩ về các lỗi chính tả, đúng hơn là lỗi gõ chữ của mình. Tôi thật sự không muốn mang đến cho các NXB về hình ảnh thiếu chỉn chu của mình.
Đặt lại đây là lời nhắc nhở chính mình bạn Hương nhé!
Trên đây là 3 trong nhiều bài học tôi nhận tượng khi đọc cuốn sách này. Tôi tin bạn cũng có thể tìm thấy nhiều điều thú vị hơn nữa cho mình từ Tiểu sử Steve Jobs.
Đánh giá cuốn sách Tiểu sử Steve Jobs
Lẽ ra bài viết này đã được xuất bản cách đây hơn 1 tuần, và sẽ viết theo một hướng hoàn toàn khác. Thế nhưng, tôi nhận ra tôi muốn viết về những bài học mà cuốn sách này đã mang đến cho tôi. Tôi muốn kể cho bạn nghe những gì tôi tìm thấy trong những ngày đồng hành cũng câu chuyện của vị vĩ nhân này.
Có rất nhiều điều trong Tiểu sử Steven Jobs mà tôi muốn kể cho bạn nghe. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra, tôi thật sự muốn thực hành bài học đầu tiên mà Jobs đã truyền cảm hứng cho tôi: Loại bỏ để tập trung. Đây cũng là cách mà tôi nghĩ tôi nên làm, bởi tôi không muốn cướp mất đi sự hồi hộp, mong chờ và hoang mang của bạn khi đọc cuốn sách này.
Có thể bạn sẽ còn vô cùng bất ngờ với một vài thông tin khác mà tôi chưa nhắc tới trong bài viết này như:
Một đứa trẻ bị bỏ rơi – đặc biệt – được chọn
Một người cha bỏ rơi con ruột của mình
Một tên khốn – một tên khốn có tài
Một đứa trẻ ngang bướng, bỏ học, dùng chất cấm
Một kẻ bốc mùi và coi việc tắm rửa là không cần thiết
Một người ám ảnh với việc ăn chay và trái cây
Một kẻ yêu thích Phật giáo những không thực sự vận dụng theo
Tình yêu nồng nhiệt dành cho 2 người phụ nữ
Bậc thầy đàm phán
Chuyên gia kể chuyện
Sử giả truyền cảm hứng
CEO lương 1 đô la 1 năm
…
Nếu ai đó muốn biết vĩ đại được mô tả như thế nào thì hãy đọc cuốn sách này. Đây quả thật là những thước phim được quay nhiều góc với rất nhiều phân cảnh diễn tả câu chuyện lịch sử mang những khúc cua gấp trong đời Steve Jobs và Apple. Lắm tài nhiều tật là một khẳng định sát nghĩa nhất với thiên tài tạo nên những cuộc cách mạng về công nghệ trong lịch sử.
Cuối cùng, nếu bạn muốn biết thế nào gọi là XUẤT CHÚNG bạn phải đọc cuốn sách này, Tiểu sử Steve Jobs (tác giả Walter Isaacson) – Tác phẩm duy nhất trên thế giới viết về Jobs được ông công nhận.
Điểm đánh giá: 10/10
Cảm ơn tác giả Walter Isaacson đã ghi lại những mô tả sát thực và khách quan về một thiên tài có sức ảnh hưởng rất lớn đến sự tiến bộ của thế.
Cảm ơn nhóm dịch Alenzaa và Alphabooks, NXB Thế Giới đã mang cuốn sách này đến với độc giả Việt Nam.
Nghĩ thiện, cuốn sách đạt giải thưởng Sách kinh doanh hay nhất TOP POINT năm 2017 của Nhật Bản do 100.000 CEO bình chọn.
Nghĩ thiện – Để cuộc đời và công việc viên mãn
“Tất cả những hiện tượng ở đời đều do tâm hồn, cách nghĩ của bản thân tạo ra. Tùy vào tâm hồn, tức cách nghĩ của ta mà kết quả cuộc đời, công việc có thể thay đổ 180 độ. Điều này thật sự rất đơn giản những việc hy vọng vào tương lai, luôn hành động tích cực, vui vẻ là điều kiện đầu tiên để công việc và cuộc đời trở nên tốt đẹp.” – Trích sách: Nghĩ thiện – tác giả Inamori Kazuo
Đôi nét về Inamori Kazuo
Tác giả Inamori Kazuo sinh năm 1932 tại Kagoshima, Nhật Bản.
Ông tốt nghiệp ngành Kỹ thuật trường đại học Kagoshima. Một số cột mốc về ông:
Năm 1959, thành lập công ty Kyota Caramic (nay là công ty Kyocera). Ông giữ chức vụ giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị.
Từ năm 1997, ông chỉ giữ chức chủ tịch danh dự của Kyocera.
1984, thành lập công ty Danin Denden (nay là công ty KDDI). Ông giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị.
Cùng năm 1884, thành lập quỹ Inamori, sáng lập giải thưởng KYOTO để biểu dương những người có thành tích cống hiến cho sự phát triển, tiến bộ xã hội của nhân loại.
Từ năm 2001, ông trở thành cố vấn tối cao của KDDI
2010, ông nhậm chức chủ tịch hãng hàng không Nhật Bản (JAL)
Từ năm 2015, ông trở thành cố vấn danh dự của JAL
30+ Thông điệp đẹp từ cuốn sách “Nghĩ thiện” – Tác giả Inamori Kazuo
“Để cuộc đời chỉ một lần duy nhất của chúng ta đơm hoa kết trái, phong phú và rạng ngời.” – Trích sách: Nghĩ thiện – tác giả Inamori Kazuo.
1. Phải cho chí lớn
“Vẽ một giấc mơ cao quý tuyệt vời và theo đuổi nó.”
Cuộc đời là một chuỗi đầy ắp những hy vọng tuyệt vời. Chỉ cần ta luôn giữ cách nghĩ tươi sáng, lãng mạn, không quên vẽ nên ước mơ thì cánh cửa tương lại sẽ mở ra.
Vững lòng tin vào khả năng của chính mình, chỉ nghĩ đến việc thực hiện, kiên trì nỗ lực thì dù có khó khăn thế nào, mơ ước chắc chắc thành hiện thực.
Để theo đuổi ước mơ khi không biết trước được tương lai, cần có ánh sáng soi rọi bóng tối. Chính nhờ có ánh sáng gọi là lòng tin mà chúng ta có thể tiếp bước con đường, có thể đi đến bến bờ thành công.
2. Phải luôn nhìn về tương lai
“Hạnh phúc chắc chắn trú ngụ trong một tâm hồn lạc quan”
Tin rằng chắc chắn mình có khả năng vô hạn và nỗ lực hết mình là điều vô cùng quan trọng. Chính bằng cách tin vào khả năng của bản thân như thế, nỗ lực như thế con người mới có thể tiếp túc tiến bộ.
Dù bị dồn vào bước đường cùng nhưng nếu dũng cảm đối mặt sự vật bằng thái độ chân thành, con người có thể phát huy tiềm lực mà lúc bình thường không thể đạt tới.
Làm việc hết sức mình là một việc rất khổ sở. Để có thể tiếp tục công việc khổ sở ấy hằng ngày, cần phải nỗ lực để yêu thích công việc mình làm. Người yêu công việc, tìm thấy niềm vui trong công việc, chắc chắn sẽ thu được thành công.
3. Không tiếc công nỗ lực
“Cảm giác trọn vẹn sẽ tìm đến với người không ngừng cố gắng.”
Chính hành vi làm việc hết mình, lao động chăm chỉ khiến con người trở nên tốt đẹp. Người nào né tránh những trải nghiệm vất vả, khó nhọc, thì khó thu được kết quả mỹ mãn.
Sống hết mình, không phí phạm dù chỉ một ngày. Không được lãng quên tinh thần nỗ lực không hối tiếc, không bỏ cuộc.
Trong cuộc đời và cả trong kinh doanh, chúng ta có thể tiếp tục chạy bằng tốc độ nước rút 100 mét.
4. Phải thành thật
“Theo đuổi những gì đúng đắn một cách đúng đắn”
Phải luôn bước đi trên con đường đúng đắn, trút hết lòng thành để làm việc. Không được có cách sống thỏa hiệp, chiều lòng người khác hay cho rằng “miễn sao sống tồn tại qua ngày là được.”
Nếu muốn đạt được mục tiêu cao, phải thử thách bằng thái độ cầu tiến, đi lên với ý chí mạnh mẽ bằng “bất luận là gì, phải leo lên, phải hướng thẳng đến đỉnh cao”.
Dũng khí không phải là tự tin với sức mạnh của cánh tay, tự hào mình mạnh mẽ, hay giỏi cãi nhau. Những gì mà một người vốn dĩ tính tình trậm lặng, nhút nhát, thận trọng nhưng qua nhiều lần đấu tranh, tích lũy kinh nghiệm có được mới chính là dũng khí thật sự.
5. Phải tập trung sáng tạo
“Cải thiện, cải tiến hôm nay hơn hôm qua, ngày mai hơn hôm nay, ngày mốt hơn ngày mai.”
Nếu chỉ vì một chút sao nhãng nỗ lực 1% cuối cùng mà có khi tất cả quay trở về con số 0. Để nỗ lực của bản thân đơm hoa kết trái, phải thường đặt yêu cầu tìm kiếm sự hoàn hảo.
Để làm trọn vẹn những điều mới mẻ, cần có tinh thần quyết tâm “dù có chuyện gì vẫn phải hoàn thành việc này”. Nếu không phải kiểu người dù gặp trở ngại ra sao vẫn có thể nỗ lực để vượt qua, thì không được thách thức.
Nghiên cứu sáng tạo mỗi ngày, dù chỉ là một bước nhỏ, nhưng sẽ dẫn đến sự đột phá khi nó được tích lũy đủ.
6. Không gục ngã trước thất bại
“Coi tai họa là món quà Trời ban cho chúng ta”
Điều quan trọng là không nhìn khổ nạn hay nghịch cảnh một cách tiêu cực, không chìm trong ca thán mà hãy xem đó là cơ hội tốt để ta củng cố ý chí của mình hơn nữa và hiên ngang đối mặt với chúng.
Nếu nhận ra mình đã phạm sai lầm đừng khổ sở một cách vô ích, mà quan trọng là phải tạo suy nghĩ mới, chuyển sang hành động mới sao cho lần tới không thất bại nữa. Điều đó mới là quan trọng.
Nếu gặp phải một tai họa thoạt nhìn tưởng chừng rất tàn nhẫn, phải nghĩ rằng điều đó sẽ là điều tốt đối với tương lai người đó. Có thể đó là “phần thưởng” mà ông Trời ban cho.
7. Trái tim phải trong sáng
“Hành động thành công hay không tùy vào vẻ đẹp của trái tim.”
Biết ơn vì được sống, không, đúng hơn là được cho sống bình thường không sân si, không lời bất mãn dù có trong cảnh ngộ như thế nào. Bằng cách nuôi dưỡng tâm hồn có thể cảm nhận như thế, bạn có thể thay đổi cuộc đời trở nên phong phú tuyệt vời và có ích.
Càng tránh xa ham muốn càng tốt. Dù không loại bỏ tam độc hoàn toàn thì cũng phải nỗ lực chế ngự, điều khiển được nó, đó là điều quan trọng.
Bằng việc phản tỉnh, chúng ta cảnh báo bản thân và chỉ cần chế ngự dù chỉ một chút những suy nghĩ ích kỷ, thì trái tim cao đẹp mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có sẽ xuất hiện.
8. Phải khiêm tốn
“Kiềm chế trái tim chỉ biết yêu bản thân mình.”
Người luôn luôn khiêm nhường, không chút cao ngạo. Đồng thời, là người bất kỳ lúc nào cũng có thể sẵn sàng gác chuyện của mình qua một bên, biết nghĩ và hành động vì xã hội, vì người khác. Tôi cho rằng chính những người có thể kiềm chế được lòng tham, ảo vọng như vậy là những người có nhân cách.
Tính cách mà ai cũng có từ khi mới sinh ra đều không hoàn thiện. Chính vì vậy, sau đó chúng ta cần phải nỗi lực để tích lũy những triết học tuyệt vời, nâng cao nhân cách của mình.
Nếu không có dũng khí hy sinh bản thân, nhất định không được trở thành người lãnh đạo. Người lãnh đạo phải là người vô tư lợi, biết để cái tôi của mình qua một bên để đánh giá sự việc.
9. Phải hành động vì đời, vì người
“Không ngại hy sinh bản thân, hết lòng vì người khác.”
Trái tim và hành động với tình cảm tử tế, biết nghĩ đến người khác thật ra không chỉ đem lại điều tốt cho người khác mà chắc chắn những điều tốt đẹp ấy sẽ quay trở lại với ta.
Hành vi đáng kính trọng nhất trong những hành vi của con người là làm điều gì đó vì người khác. Bình thường, con người thường có khuynh hướng nghĩ về mình trước tiên nhưng thật ra, bất kỳ ai cũng có trái tim cảm nhận hạnh phúc tột bậc khi có ích cho người khác, khi làm cho người khác vui sướng. Bản tính con người tuyệt đẹp như vậy đấy.
Khi tất cả suy nghĩ trong tim con người và việc họ làm điều tiến hành theo chiều hướng tốt đẹp, hòa hợp với vũ trụ thì cuộc đời sẽ biến chuyển tốt đẹp. Khi có những suy nghĩ ích kỷ, ngược lại với cách nghĩ của vũ trụ, tức ngược lại với dòng chảy của vũ trụ, thì không thể nào có được kết quả tốt.
Câu truyện khiến tôi tâm đắc nhất trong cuốn sách “Nghĩ thiện”
Có một câu chuyện như thế này:
“Chú tiểu Usnsui ở một ngôi chùa nọ hỏi “địa ngục và cực lạc khác nhau như thế nào?, vị sư già trả lời “địa ngục và cực lạc có bề ngoài hoàn toàn như nhau”. Nơi nào cũng có một cái nồi to, bên trong nồi là mì udon đang được nấu sôi ngon lành. Nhưng muốn ăn udon trong đó phải dùng đôi đũa dài như cái sào phơi đồ.
Những người rơi xuống địa ngục đều là người có trái tim ích kỷ, chỉ biết nghĩ “mì của mình, mình phải ăn trước” nên ai nấy nhất loạt thọc đôi đũa dài như cái sào ấy vào nồi hòng ăn trước người khác. Nhưng vì đũa dài quá nên chẳng thể nào gắp được. Họ quay sang giành giật lẫn nhau, cứ thế udon vương vãi khắp nơi mà chẳng ai gặp được cọng nào. Người nào may mắn gắp được cũng chẳng thế nào đưa lên miệng bằng đôi đũa dài ấy. Rốt cuộc chẳng ai ăn được gì. Đó là quang cảnh ở địa ngục.
Ngược lại, ở cực lạc, tuy điều kiện giống vậy nhưng quang cảnh vô cùng êm đềm. Mọi người ai nấy đều tử tế, biết nghĩ đến người khác nên không nghĩ cho mình trước, ai cũng dùng đôi đũa dài ấy gắp udon và mời người bên kia nồi. Thế là người ngồi bên kia nói cảm ơn và dùng đũa gắp udon cho người kia. Vì vậy, dù đôi đũa dài như sào phơi đồ đi nữa, người ở cực lạc đều được thưởng thức mì udon trong bầu không khí hòa thuận, vừa ăn vừa nói lời cảm tạ.
Cùng một hoàn cảnh, điều kiện, dụng cụ giống nhau nhưng với địa ngục – đã trở thành một nơi kêu gào, là hét, tranh giành thì cực lạc lại cho một quanh cảnh hoàn toàn khác hẳn. Có thể nói đó là sự khác biệt trong trạng thái tâm hồn của những con người ở đó.
Tới đây, tôi lại nhớ tới một công thức rất thú vị như thế này:
Ngoại cảnh + phản ứng = kết quả
Bạn chọn kết quả nào thì cần có phản ứng tương xứng với nó!
Đánh giá cuốn sách Nghĩ thiện – tác giả Inamori Kazuo
Thực ra, ban đầu tôi mua cuốn sách này là bởi tò mò về tựa sách. Trong một lần ngồi trên xe của đối tác, tôi vô tình bị tên cuốn sách này hấp dẫn. Thêm vào đó là một lời nói đùa mà tôi đã cho là thật: Đây là một cuốn sách cổ.
Thật ngớ ngẩn khi một cuốn sách cổ có thể đặt mua ở Tiki, vậy mà tôi vẫn không mảy may nghi ngờ cho đến khi đọc hết cuốn sách này.
Quả thật với dòng self-help thì nội dung trong cuốn sách này quả thực không quá hấp dẫn với tôi. Tôi nghĩ có thể do tôi ít bắt gặp bản thân trong những câu chuyện của tác giả. Thế nhưng đứng ở một góc độ rộng hơn để nhìn nhận những câu chuyện kể về chính cuộc đời tác giá, thì tôi nghĩ cuốn sách này đã làm tốt vai trò của nó.
Nghĩ thiện – Để cuộc đời và công việc viên mãn.
Và nếu như:
bạn đang khởi nghiệp
bạn mới tốt nghiệp
bạn đang mệt mỏi với những ngày tăng ca
bạn đang cảm thấy thế giới quay lưng lại với mình
… thì cuốn sách này là lựa chọn không tồi chút nào.
Điểm đánh giá: 5/10
Cảm ơn NXB Trẻ và dịch giả Nguyễn Đỗ An Nhiên đã mang Nghĩ thiện về với độc giả Việt Nam.
“Kỷ luật tự giác là trao cho mình quyền đặt ra quy tắc trò chơi, còn lười biếng là trao quyền đặt quy tắc cho người khác. Bạn không khắt khe với mình, sẽ có người khác khắt khe với bạn.” – Trích sách: Kỷ luật tự giác – tác giả Tiểu Dã.
Vì sao cuốn sách “Kỷ luật tự giác” có trong tủ sách của tôi?
Cuốn sách này được cho vào giỏ hàng Tiki của tôi trong một ngày “tỉnh giấc”. Tỉnh giấc ở đây chính là tôi nhận ra mình đang lười biếng và bỏ bê việc đọc & viết mỗi ngày. Nói một cách khác chính là tôi đã không tự giác và kỷ luật bản thân trong một thời gian, đây là một điều cần được thay đổi.
Và thế là “Kỷ luật tự giác” được thêm vào giỏ hàng và nhấn nút thanh toán. Cuốn sách về tay từ cuối tháng 12 năm 2022, nhưng mãi đến những ngày cuối tháng 1 năm 2023 tôi mới sờ tới nó.
Không sao! Dù sao cuốn sách đã được đọc và mang đến cho tôi điều tôi muốn: Những bài học và nút kích hoạt hành động.
Và, dưới đây chính là những gì tôi có được…
Bài học tôi có được từ cuốn sách “Kỷ luật tự giác”
Tôi không chắc dùng từ “bài học” liệu có phù hợp hay không, nó có thể là những ý tưởng, những quyết định hoặc những chiêm nghiệm nảy sinh trong quá trình tôi đọc cuốn sách này. Mặc dù vậy, chúng ta cũng cứ tạm dùng từ “bài học” nhé.
Bài học số 1. Chiếc Blog vắng vẻ bởi vì vắng bóng của sự lao động hăng say
Tiểu Dã kể với tôi rằng, cậu ấy có quen một tác giả rất xuất sắc, làm ở một văn phòng luật khá bận rộn. Tuy công việc hằng ngày vất vả nhưng anh ấy vẫn luôn kiên trì đọc sách và viết lách mỗi ngày.
“Nhiều tác giả trẻ viết văn rất qua loa lấy lệ, nhưng anh ấy chọn cách nghiêm túc sáng tác từng bài một. Anh tỉ mỉ lập dàn ý, sắp xếp bố cục, lựa chọn câu từ, cân nhắc kĩ càng rồi mới viết. Khi viết xong, anh kiểm tra lại, xác nhận không còn lỗi sai mới đăng tác phẩm hoàn chính ấy lên, khiêm tốn nói mong mọi người chỉ bảo nhiều hơn.”
Ngẫm lại chính mình…
Tôi chính là nghĩ gì viết nấy, tất nhiên với những bài hướng dẫn, giải thích tôi cũng sẽ lập dàn ý, chắt lọc nội dung rồi mới viết và xuất bản. Nhưng dù là kiểu bài gì tôi cũng đều bỏ qua bước kiểm tra chính tả trước khi đăng bài. Hầu hết các bài viết của tôi đều có lỗi gõ máy. Có rất nhiều lần tôi tự dặn bản thân phải nghiêm túc xem lại bài viết trước khi đăng, thế nhưng cái sự háo hức đăng tải bài mới trong tôi vẫn luôn thắng thế.
Từ giờ tôi muốn các tác phẩm của mình phải được thực hiện theo đúng quy trình:
Làm rõ mục đích viết bài? Đối tượng độc giả?
Lập dàn ý
Viết bài
Kiểm tra & chỉnh sửa
Chia sẻ công khai
Và bài viết này đang được thực hiện theo 5 bước ở trên.
Một quyết định nhỏ…
Sau hơn 2 tháng không đăng bài trên Blog Phụ Nữ Tự Do, tôi nhìn lại bảng số liệu thống kê và nhận thấy, tôi đã bỏ bê nó quá lâu rồi, tôi cần quay trở lại. Bởi vì thế mà tôi quyết định trước khi kết thúc tháng 1 này tôi sẽ phải lên bài viết tiếp theo trên blog ấy.
Tôi không thể bỏ bê những độc giả, những cô gái, những phụ nữ độc thân cùng tôi theo đuổi cuộc sống tự do tài chính một cách buồn tẻ như vậy được. Họ vẫn ở đó, chờ tôi chia sẻ những thông tin, kiến thức về quản lý tài chính cá nhân dành cho phụ nữ độc thân.Tôi nợ những con người ấy những bài viết mới!
Quy trình tiếp nhận bản thảo của NXB Trẻ, tại đây.
Tháng 2/2023, tôi sẽ bắt tay vào việc viết để gửi bản thảo đến các nhà xuất bản. Nhất định phải hành động một cách kỷ luật tự giác nhé!
Bài học số 3. Bạn có danh sách hoạt động lành mạnh sẽ làm khi rảnh cho riêng mình chưa?
Có rất nhiều lần rảnh quá không biết làm gì nên tôi thường lượt facebook, tiktok rồi xem review phim trên youtube. Tôi từng nghe ai đó nói rằng, cuộc đời sẽ được quyết định bởi các hoạt động khi có thời gian rảnh.
Nếu được chọn lựa, ai mà chẳng muốn có cuộc đời phong phú, đáng ngưỡng mộ. Câu hỏi đặt ra đó là: cái giá bạn sẵn sàng trả cho cuộc đời giá trị là những gì?
Ngay từ hôm nay, hãy viết xuống danh sách các hoạt động lành mạnh sẽ làm khi rảnh của riêng mình nhé. Giống như là:
Đọc sách một cuốn sách hay
Viết nhật ký
Khám phá một khu vực mới
Trồng cây, tưới hoa, gieo hạt rau
Thăm một viện bảo tàng
Đi leo núi
Spa tại nhà
Thiền
Học một ngoại ngữ mình thích
Tự sơn móng tay, móng chân
Tự làm các sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên
Tham gia một hoạt động cộng đồng
Thiền
Lượn hiệu sách hoặc cafe sách
Đi chạy bộ
Tô màu hoặc vẽ tranh
Xem lại ảnh cũ
Xem lại phim cũ
Tắm nắng
Bắt đầu viết Blog
…
Trên đây là một vài gợi ý dành cho bạn!
Bài học số 4. Ghi chép & đánh giá những cuốn sách đã đọc
Ghi chép lại những ý tưởng, bài học, thông điệp hay ho từ những cuốn sách mà mình đã đọc. Đây không chỉ là hoạt động dành cho bản thân, giúp mình có thể ghi nhớ lại những điều tốt đẹp và áp dụng chúng cho cuộc sống. Đây còn là cách truyền động lực đọc sách cho mọi người xung quanh. Bản thân tôi chính là minh chứng sống.
Có rất nhiều bạn bè khi đọc được cuốn sách hay sẽ kể cho tôi nghe và tôi cũng vậy. Chúng tôi tìm thấy niềm vui chỉ bằng vài dòng trong cuốn sách, thả mình và tận hưởng cuộc sống, cùng nhau tạo dựng thói quen lành mạnh cho bản thân. Thật thú vị.
Năm 2023, tôi cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành 60 cuốn sách và cố gắng sẽ ghi chép lại những suy nghĩ, bài học và ý tưởng của mình về chúng. Đánh giá chúng khách quan để giúp những ai cần nó có thêm những cân nhắc khi chọn đọc và tìm hiểu kiến thức, thông tin từ sách.
2023 chúng mình cùng tích cực nhé các bạn!
Review sách: Kỷ luật tự giác – tác giả Tiểu Dã
Có thể rất nhiều người có cái nhìn không mấy tích cực về sách self-help, và tôi tin rằng họ đã đặt nhầm kỳ vọng vào những cuốn sách này. Rõ ràng, sách self-help không mang vai trò chỉ dẫn cách làm hay nghiên cứu kiến thức mới. Vai trò của sách self-help là kích hoạt người đọc.
Chúng kích hoạt những mong muốn sâu kín không dám thừa nhận hoặc không thể đọc tên của chúng ta. Chúng kích hoạt những dây thần kinh hành động. Nhưng chúng sẽ chỉ là những lời sáo rỗng nếu không có được sự phối hợp của chính người đọc: hành động.
Cho nên, một lần nữa tôi phải lên tiếng bênh vực cho những cuốn sách self-help luôn bị tiếng xấu một cách oan uổng. Chúng thật sự cần tồn tại để thực hiện sứ mệnh của mình.
Và cuốn sách “Kỷ luật tự giác” cũng đã hoàn thành tốt sứ mệnh của nó đối với tôi: kích hoạt tính kỷ luật tự giác trong tôi.
Nếu bạn bỗng chợt thấy mình thật lười biếng, thấy cuộc đời này vô vị, thấy mọi điều trong cuộc sống đang không như ý,… có lẽ việc bạn cần làm ngay bây giờ chính là đặt mua cuốn sách này về ngay hôm nay.
“Tự do không phải là thích gì làm nấy. Tự do là có khả năng, bản lĩnh để không làm điều mình không muốn.” – Trích sách: Kỷ luật tự giác – tác giả Tiểu Dã.
100+ Thông điệp nổi bật từ cuốn sách “Kỷ luật tự giác” – Tác giả Tiểu Dã.
Phần 1. Tự giác bao nhiêu tự do bấy nhiêu
Sống một ngày thế nào, sống một đời như thế
Người giỏi giang thường hiểu rõ điều này từ sớm và tạo cho mình thói quen kỷ luật tự giác. Chính thói quen ăn sâu bén rễ trong ý thức và cơ thể ấy đã giúp họ bỏ xa những người sống cho qua ngày đoạn tháng.
Việc hôm nay, hôm nay làm; buồn ngày mai, ngày mai tính. Tâm thế và thói quen tốt sẽ dẫn dắt những người có năng lượng thần kỳ ấy trở nên tốt đẹp hơn.
Khi cuộc sống còn chưa lên đỉnh, khi bản thân còn chưa phát triển toàn diện, đừng tự tạo ra chướng ngại cản bước tiến của mình.
Chọn kỷ luật tự giác nghĩa là có trách nhiệm với bản thân, với công việc, với người yêu và người thân.
Muốn có thành tự hơn đã số người bình thường, nhất định phải làm được những việc người bình thường không làm được.
Có công mai sắt, có ngày nên kim.
Chúng ta luôn mong có cuộc sống nhàn hạ, nhưng tiền đề là chúng ta có nguồn vốn và bản lĩnh xứng với nó.
Kẻ yếu từ chối thay đổi, người mạnh chẳng sợ bấp bênh
Cuộc sống luôn có rất nhiều chuyện khó lòng đoán định, trốn tránh không giải quyết được vấn đề gì.
Mập mà không vận động thì sẽ mập mãi, người học dốt mà không cố gắng thì mãi mãi không đạt điểm cao, nhân viên mới đi làm không đủ năng lực lại không chủ động thích nghi với hoàn cảnh và nâng cao khả năng của bản thân thì đời đời không thể thăng tiến.
Chúng ta từ chối thay đổi vì muốn được hưởng thụ sự ổn định, sợ mất đi sự thoái mái. Nhưng ổn định, thoải mái có thể là một cái bẫy dịu dàng mà cuộc đời giăng ra cho chúng ta.
Kẻ yếu từ chối thay đổi, họ luôn nghĩ rằng vẫn còn đủ pho mai, bởi vậy cứ giậm chân tại chỗ, không có chí tiến thủ, miệng ăn núi lở. Người mạnh lại chẳng sợ bấp bênh, họ chủ động thay đổi, tích cực tìm kiếm những miếng pho mát mới.
Họ yêu cầu bản thân phải tích cực, chủ động đương đầu với mọi rối ren sau thay đổi, hăng hái tìm kiếm những thay đổi trong cuộc sống, không trốn tránh, không lần lữa.
Thay đổi là đau ngắn, bảo thủ là đau dài.
Chỉ ai biết yêu bản thân mới có thể giữ vững kỷ luật tự giác
Họ luôn có thật nhiều kế hoạch mới cho cuộc đời, luôn nghĩ cách để sống thoải mái hơn.
Cuộc sống và sự nghiệp liên quan mật thiết với nhau, yếu tố mấu chốt quyết định chất lượng cuộc sống và sự phát triển sự nghiệp là bạn có yêu bản thân và có tự giác hay không.
Từ nửa cuối năm ngoái, tôi liên tục sáng tác, ít nhất hai nghìn chữ mỗi ngày, từ một cây bút vô danh trở thành một tác giả có thể nuối sống bản thân bằng nghề viết lách.
Hãy yêu bản thân, kiểm soát bản thân, tìm kiểm một bản thân tốt đẹp hơn.
Nếu yêu bản thân, điều tối thiểu bạn phải làm được là ăn có giờ, ngủ có giấc.
Khi học được cách yêu thương cơ thể, không làm những điều có hại cho bản thân, không giày vò chính mình bằng những cảm xúc tiêu cực, bạn sẽ phát hiện ra, cuộc sống cuả bạn bước vào một kỷ nguyên mới.
Người yêu bản thân và có tinh thần kỷ luật tự giác luôn toát lên vẻ tự tin, lạc quan, cho bạn cảm giác dễ chịu như được đắm mình trong gió xuân mát lành, dường như mọi vấn dề khó khăn rồi sẽ được giải quyết thuận lợi. Mỗi lần lột xác là một lần chào tạm biệt cái tôi kém cỏi để hướng đến cái tôi tốt đẹp hơn.
Phía sau hạnh phúc và may mắn là kỷ luật tự giác
Phía sau hào quang là sự cố gắng, duy trì suốt bao tháng ngày không phải ai cũng biết.
Có câu nói thế này, số phần là cái cớ của kẻ yếu, là lời khiêm nhường của người mạnh.
Dù cho người khác không nhìn thấy hay có nghĩ thế nào, thời gian cũng sẽ chứng kiến từng chút nỗ lực ta bỏ ra. Quãng thời gian lặng lẽ tích góp từng chút đó trông có vẻ u ám, những rồi một ngày nào đó sẽ tỏa ánh hào quang.
Kiến thức mình học được chỉ thuộc về riêng mình, không ai có thể cướp đi. Thêm một kỹ năng là bớt một lần nhờ vả người khác.
Ta thường nhìn vào thành công của người khác mà không thấy những gì họ đã bỏ ra.
Không biết mình muốn gì, suốt đời không thay đổi
Nếu trong lòng bạn ấp ủ ước mơ lớn, muốn tạo ra một thế giới rộng mở của riêng mình, tốt nhất là hãy bắt tay vào thực hiện nó ngay đi.
Không ai có thể sống thay ta, người có thể quyết định cuộc sống của ta chỉ có chính ta.
Nếu muốn sống thật ý nghĩa, hãy làm điều mình muốn làm.
Chiếu rọi bản thân để soi sáng cả thế giới
Thanh niên nên có chí hướng lớn lao để thay đổi thế giới.
Người khiêm nhưỡng, nhưng làm việc phải xông xáo, còn trẻ thì đừng ngại ngần.
Chuẩn bị trước càng tốt bao nhiêu, sau này càng ít phiền phức bấy nhiêu, có biến cố cũng không đến mức luống cuống tay chân.
Môi trường công sở khác với môi trường đại học, không ai cầm tay chỉ dẫn, dạy đi dạy lại một bài cho đến khi bản hiểu, bạn chỉ có thể dựa vào nỗ lực của bản thân để bắt kịp người khác.
Đừng cho rằng cả thế giới đang bắt nạt bạn, vì thật ra “cả thế giới” không biết bạn là ai đâu.
Quy tắc thiết thực nhất trên đời chính là nói chuyện bằng kết quả.
Nhanh chóng trưởng thành mới là lựa chọn khôn ngoan nhất.
Hãy mơ lớn và dốc hết mình vì nó. Chưa một lần thử sức thì không có lý do để oán trách cuộc đời.
Phần 2. Khó khăn trong quá trình rèn luyện kỷ luật tư giác
Ham muốn: Không thể đã có phô mai lại có cả bánh kem
Kể bị ham muốn nhấn chìm có thể nhận được vinh quang vẻ vang, vật chất đủ đầy trong chốc lát, nhưng sau giây phút sướng vui ngắn ngủi sẽ là sự trống rỗng và cô đơn đằng đẵng.
Học cách kiểm soát ham muốn không phải là hy sinh, mà là tạm thời từ bỏ để có được cuộc đời rộng mở hơn.
Thỏa mãn ham muốn là bản năng của con người, nhưng cách thức và chừng mực đều do bản thân ta quyết định.
Hãy dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu, đọc nhiều sách, ra ngoài nhiều hơn để khám phá thế giới đầy màu sắc.
Khi cuộc sống chưa đi đến hồi kết hãy gạt bỏ ham muốn phi thực tế để nắm giữ trân trọng những điều tốt đẹp trong đời.
Hãy gạt bỏ ham muốn phi thực tế để nắm giữ, trân trọng những điều tốt đẹp trong đời.
Cảm xúc: đừng đối đầu với thế giới, đối đầu với chính mình đi
Khả năng làm chủ cảm xúc sẽ quyết định ta đi được bao xa.
Nếu đổ lỗi cho người khác vì mọi bất hạnh mình gặp phải, có lẽ ta sẽ mãi mãi mắc kẹt trong bất hạnh. Sức lực nhỏ bé của chúng ta không đủ để khiến thế giới vận hành theo ý mình.
Điều tiết, giải tỏa cảm xúc một cách thích hợp là nhu cầu thiết yếu và hết sức bình thường của con người; song nếu quá mức, ta không những không thế thoát khỏi cảm xúc tệ hại mà cuối cùng còn làm tổn thương bản thân và người thân yêu.
Từ xưa đến nay, những người có thể làm nên nghiệp lớn đều phải trải qua sóng gió lớn, đều có thể ung dung trước những cảm xúc vui buồn.
Con người thường không bị đánh gục bởi áp lực từ thế giới bên ngoài, mà bởi cảm xúc của chính mình.
Tiền bạc: cố gắng làm tốt mọi chuyện, bình tĩnh chờ đợi kết quả
Bạn mất bao nhiêu thời gian để mập được như thế, đừng mơ mộng viển vông có thể phôi phục vóc dáng chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi.
Không chỉ lúc giảm cân, chúng ta làm việc gì, lập kế hoạch nào cũng cần xem xét tính khả thi của nó.
Trên đời này không có thành công nào đến trong chốc lát, chỉ khi tiến hành tuần tự từng bước theo kế hoạch khả thi, công sức, nỗ lực tích lũy theo năm tháng, ta mới thu được kết quả tốt.
Nếu bạn đang ấp ủ một kết hoạch nào đó, hãy bắt đầu ngay đi, cân nhắc, phân tích, chỉnh sửa cho phù hợp và từng bước thực hiện.
Đừng nuối tiếc quá khứ, đừng ảo tưởng về tương lai, hãy cứ sống thật tốt cho hiện tại.
Tình cảm: chỉ người có kỷ luật tự giác mới có tự do
Sự ổn định về mặt cảm xúc là tố chất cần thiết của người trưởng thành và vô cùng quan trọng trong tình yêu.
Ham muốn kiểm soát khiến con người quên đi cách thể hiện tình yêu đúng đắn, không biết phải làm thế nào mới thực sự tốt cho đối phương.
Trong tình yêu, kiểm soát là vô ích. Người yêu bạn dù có thể nào cũng không nỡ làm tổn thương bạn, người không yêu bạn sớm muộn cũng sẽ rời xa bạn, dù bạn có tìm đủ mọi cách để ràng buộc.
Trong phương diện tình cảm, kiểm chế ham muốn, cảm xúc của mình là biểu hiện của sự chín chắn.
Cách duy nhất để giữ người mình yêu ở lại là cùng người ấy trưởng thành.
Tình yêu không phải là một người đòi một người cho, một người ra lệnh một người hy sinh, mà là sự cộng hưởng về tinh thần nảy sinh giữa hai cá thể độc lập.
Chỉ có hai linh hồn tự do, bình đẳng mới có thể đồng hành giúp nhau phát triển trong hành trình dài lâu của cuộc đời.
Khó khăn: không than vãn, cố gắng trở thành người mình ao ước
Đừng chờ đến lúc khó khăn chất chồng rồi bùng nổ, không thể trì hoãn thêm nữa mới giải quyết, tới khi đó bạn sẽ không chịu nổi đâu.
Nếu không hài lòng với hiện tại, cảm thấy mình có tài mà không gặp thời, cách tốt nhất là ngậm miệng lại, đào sâu chôn chắt tất cả oán hờn vô ích, phân tích tình hình hiện tại, nghĩ cách thay đổi bản thân.
Chúng ta hoàn toàn có cơ hội biến mình thành hình mẫu lý tưởng của bản thân.
Hãy nhớ rằng, nguồn động lực để nang cao kỷ luật tự giác là tìm ra việc mình thật sự thích. Biết mình muốn làm gì, muốn trở thành người như thế nào là đã tìm ra sứ mệnh và mục đích của cuộc đời.
Mỗi một việc bạn làm hiện giờ đều quyết định hình ảnh của bạn sau này.
Bạn là người quyết định cuộc đời mình hạnh phúc hay bất hạnh.
Từ biệt: buông tay quá khứ, chào đón tương lai
Một người buông bỏ được quá khứ mới có thể hướng tới tương lai.
Người có thể thoát khỏi quá khứ, mạnh mẽ vươn lên giống như phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn đều là anh hùng.
Nếu không hài lòng với quá khứ, nếu còn chút tinh thần cầu tiến, hãy dốc hết sức mình, chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi, để lột xác.
Chắc hẳn ai cũng mong chờ vào tương lai và sẵn sàng trả giá để thực hiện mong muốn đó.
Cuộc sống có rất nhiều điều để ta theo đuổi, rất nhiều mục tiêu để ta thực hiện.
Dù sống theo cách nào, ta cũng nên khiến mỗi giai đoạn trong cuộc đời trở nên rực rỡ, tràn đầy sức sống.
Phần 3. Những việc cần làm để có cuộc sống tự do
Thời gian: mọi sự thay đổi về lượng đều dẫn đến sự thay đổi về chất
Thời gian không nói dối, tất cả những gì bạn có được quyết định bởi mọi thứ bạn bỏ ra.
Không có năng khiếu trời ban thì nhất định phải cố gắng hơn người khác, có thế mới đạt được thành tựu.
Trong mỗi phút giây hiện tại, ta phải sống thật ý nghĩa, nỗ lực tạo nên điều tuyệt vời, có thế mới có được tương lai như mong muốn.
Mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ của ngày hôm qua tạo nên tôi của ngày hôm nay.
Công việc: phải tự giác, phải tự do, phải hiệu quả
Khi dứt bỏ những cảm xúc tiêu cực đó, tập trung trong giờ làm việc, hiệu suất sẽ tự khắc tăng lên.
Những người thành đạt có rất nhiều đặc điểm chung, họ có thể kiểm soát chặt chẽ thời gian của mình, biết cách kiềm chế bản thân, kìm hãm ham muốn, bản năng trong mình.
Tự do không do người khác trao cho bạn, mà do chính bạn trao cho bản thân.
Ai cũng ghét bị trói buộc, ai cũng khao khát tự do, nhưng kỷ luật tự giác và tự do không hề mâu thuẫn; trái lại, kỷ luật tự giác có thể giúp bạn đạt tới trạng thái tự do nhanh hơn.
Chúng ta phải học cách thu xếp mọi thứ, thôi than vãn “thiếu thời gian”
Kế hoạch: sống lâu không bằng sống sâu
Chắc hẳn ai cũng có kế hoạch cho cuộc đời mình, nghĩ về việc mình muốn trở thành ai, muốn làm công việc gì, muốn có gia đình thế nào, muốn qua lại với những người bạn ra sao, muốn tìm người bạn đời như thế nào để chung sống nối quãng đời còn lại.
Bạn đối xử với thời gian như thế nào, thời gian sẽ đối xử lại với bạn y như thế.
Điều chúng ta có thể làm là xác định mỗi ngày còn sống là một ngày theo đuổi mục tiêu đời mình, nghiêm túc sống thật tốt theo những gì đã vạch ra.
Một năm phong phú giá trị hơn hẳn một đời mông lung.
Bất kể thế nào, bạn phải có dự định cụ thể cho tương lai, càng cụ thể càng tốt.
Sau khi xác định được phương hướng, mọi thứ còn lại sẽ dễ dàng hơn: ta cần lập kế hoạch dài hạn, kế hoạch ngắn hạn, chia mục tiêu, nhiệm vụ theo từng giai đoạn cụ thể, lên lịch trình hằng ngày, để mọi thứ đều đi đúng hướng.
Đời dài hay ngắn do ông trời quyết định, nhưng cuộc sống sâu sắc, ý nghĩa hay nhàm chán, mờ nhạt đều phụ thuộc vào quyết định của ta.
Vật chất: không bị ràng buộc để tâm hồn tự do
Bạn đầu, chúng tôi tưởng cô có sở thích tích trữ đồ đạc, nhưng sau này mới phát hiện ra, chỉ là nội tâm của cô quá nghèo nàn mà thôi.
Người bị vật chất chi phối thường có vài đặc điểm chung: Một là không biết tiết chế. Hai là thiểu kỷ luật với bản thân. Bà là không có tự tin và thiếu cảm giác an toàn.
Người có kỷ luật tự giác hiểu rằng, phải kiểm soát ham muốn của mình, dồn sức lực vào những việc có giá trị.
Giảm bớt gánh nặng, chủ động sống tối giản mới là thương yêu bản thân.
Thói quen: dũng cảm tiến lên có quyền lựa chọn
Nhiều người ca thán xây dựng thói quen thật khó khăn, nhưng cũng có những người thành công nhờ tạo dựng thói quen tốt.
Nuôi dưỡng thói quen tốt càng sớm càng tốt.
Thói quen đầu tiên là liệt kê ba việc mình phải làm hằng ngày. Thói quen thứ hai là chia công việc theo mức độ quan trọng. Thói quen thứ ba là ghi chép.
Có thể lúc mới đầu bồi dưỡng những thói quen nhỏ này, bạn sẽ gặp khó khăn, dễ nản, luôn phải thúc giục bản thân. Song lâu dần, bạn sẽ ngạc nhiên với những lợi ích chúng đem lại: thời gian làm việc được rút ngắn, có thêm nhiều tự do, đầu óc và cơ thể được giải phóng. Bạn không còn phải buồn rầu vì nghĩ xem “phải làm gì? làm thế nào?” mà chỉ cần nghĩ xem bước tiếp theo nên “làm thế nào cho tốt.”
Thay vì ngưỡng mộ người khác được tự do nhờ kỷ luật tự giác, chi bằng bắt đầu thay đổi bản thân ngay bây giờ đi.
Những thói quen tốt sẽ giúp chúng ta tiến bước trên muôn nẻo đường đời.
Những thói quen tốt sẽ mang lại nhiều thay đổi bất ngờ cho cuộc sống của bạn, giải thoát bạn khỏi những rối ren phức tạp trong công việc và sinh hoạt hằng ngày.
Nhiều người ca thán xây dựng thói quen thật khó khăn, nhưng cũng có những người thành công nhờ tạo dựng thói quen tốt.
Thái độ: bạn đối xử với thế giới thế nào, thế giới sẽ đối xử với bạn thế ấy
Chúng ta sống không phải để thay đổi thế giới, mà là để thế giới không thể thay đổi mình.
Đừng cho rằng cả thế giới đang ngáng đường bạn, thật ra thế giới này có biết bạn là ai đâu.
Hãy dành tâm trí, sức lực cho những điều có giá trị. Dù có ham muốn vật chất cũng đừng để nó bánh trướng nuốt chửng bản thân
Trên đời không có thành công trong chớp mắt, chỉ có thành tựu đánh đổi bằng những nỗ lực, kiên trì tích lũy theo năm tháng.
Hãy tưởng tượng cuộc sống là một cuốn sách. Mỗi khi mệt nhoài, muốn dừng bước, hãy tự nói với mình, mới được vài chương, còn quá sớm để kết luận nó sẽ kết thúc buồn hay vui. Hơn nữa mình hoàn toàn có thể sửa đổi kết cục của câu chuyện này.
Phần 4. Điều cần duy trì cho cuộc sống ngày một tốt lên
Tinh tế: vừa tốt đẹp vừa tự tại
Lốt xác rất đau khổ, song nó đem lại thành quả to lớn. Những rắc rối hiện tại đều đang lót đường cho một bản thân tốt đẹp hơn.
Hãy để cuộc đời mình trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho người khác.
Sống theo kiểu mình thích thật ra không khó đến vậy, chỉ cần đầu tư chút thời gian mỗi ngày thôi. Chút thời gian đó cũng là để chiều chuộng chính bạn sau này.
Thời gian sẽ cho bạn phản hồi tốt nhất, được thể hiện trên gương mặt và cơ thể bạn.
Cuộc sống chất lượng cao bắt nguồn từ kỷ luật tự giác và tình yêu dạt dào với cuộc sống của con người.
Quá trình thay đổi sẽ không dễ dàng, cũng không nhẹ nhàng, nhưng nếu kiên trì vượt qua, bạn sẽ bất ngờ trước khả năng tiềm tàng của mình, kinh ngạc vì mình đã có được cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ sự cố gắng của bản thân.
Cảnh giới: không ngừng nhìn lại, không ngừng vươn cao
Sau mỗi giai đoạn, chúng ta nên nhìn lại một cách tổng quát về những thu hoạch và tổn thất trong giai đoạn đó để tiếp tục cải thiện trong giai đoạn tiếp theo.
Mỗi giai đoạn, mỗi kinh nghiệm đều nên để lại cho ta bài học nào đó, giúp ta vỡ vạc ra nhiều điều, có vậy mới không sống uống phí.
Là người trong cuộc, trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường, chỉ có cách đứng ngoài cuộc, làm người quan sát mới có thể tinh tường nhận ra vấn đề nằm ở đâu.
… chính là bỏ ra một tháng để ghi chép xem mình thường dành thời gian để làm gì.
Hãy quay đầu nhìn lại quá khứ để có một tương lại tươi sáng hơn. Người có kỷ luật tự giác có thể kiểm soát việc học tập, công việc và cuộc sống của mình, cũng nhờ vậy nắm giữ được cuộc đời mình.
Khó khăn hiện tại đều là để trải đường cho ngày mai tươi sáng hơn.
Khí chất: Đừng ngừng suy ngẫm và làm việc kể cả khi đang dưỡng da
Làm một người tự giác mới có thể kiểm soát bản thân một cách hữu hiệu, để sắp xếp những việc vặt vãnh trong đời, làm cuộc sống vừa ngăn nắp trật tự vừa tự tại nhẹ nhàng, giúp ta sống theo cách mình muốn.
Người có kỷ luật tự giác có thể cầm lòng trước ham muốn để nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống.
Tự do: tự giác bao nhiêu tự do bấy nhiêu
Tự do không phải làm muốn gì làm nấy, mà là có khả năng, bản lĩnh để không làm điều mình không muốn.
Lên kế hoạch, lấp thời gian biểu cho riêng mình, sắp xếp công việc sao cho ổn thỏa mới có nhiều sự ủng hộ về mặt tinh thần lẫn vật chất.
Kỷ luật tự giác là trao cho mình quyền đặt ra quy tắc trò chơi, còn lười biếng là trao quyền đặt quy tắc cho người khác.
Người có kỷ luật tự giác mới có thể nắm giữ cuộc sống, công việc của mình, làm chủ nhịp độ của bản thân, nội tâm vừa phong phú vừa kiên định.
Đỉnh cao: những người nỗ lực rồi sẽ gặp nhau ở đỉnh cao
Thomas D. Cory từng dành năm năm để nghiên cứu cuộc sống của 176 người giàu và nhận thấy 76% người giàu kiên trì tập thể dục hơn 30 phút mỗi ngày, một nửa trong số họ dậy sớm ít nhất 3 tiếng trước khi bắt đầu làm việc.
Người nỗ lực chưa bao giờ bỏ cuộc vì thấy khó khăn, họ chỉ biết không ngừng leo lên vị trí cao hơn. Nên khi họ có thành tựu, bạn không cần phải thèm thuồng, đó là điều họ xứng đáng nhận được.
Có rất nhiều con đường dẫn lên đỉnh núi, những biển chỉ dẫn lên đường nào cũng khắc dòng chữ kỷ luật tự giác. Không có thành công nào dễ dàng, chỉ có kỳ tích nhờ tinh thần bất khuất không ngại tram ngàn lần thử sức.
Tự do không phải là phóng túng, lại càng không phải chiều theo ý mình.
Người có kỷ luật tự giác sẽ dẫn dắt mình bước lên vị trí cao.
…ví dụ như dậy sớm.
Giờ phút này, ta không biết đỉnh cao cuộc đời nằm ở đâu. Những mỗi một hành động sẽ quyết định tầm cao ta có thể vươn tới.
Người có kỷ luật tự giác sẽ lên kế hoạch cho tương lai của mình.
Tương lai: mạnh mẽ tiến lên, sống thật ý nghĩa
Ở trong vùng an toàn sẽ được sung sướng nhất thời, nhưng về lâu dài lại không phải lựa chọn sáng suốt.
Nhân tố đảm bảo cho cuộc sống bền vững là khả năng đi tới đâu sinh tồn được ở đó.
Theo tháp nhu cầu của Maslow, khi đạt tới một độ cao nhất định, con người không chỉ cố gắng làm việc vì vất chất, mà còn để thể hiện giá trị của bản thân.
Chúng ta phải thử sức, phải liều lĩnh vài lần trong đời mới có thể hiểu rõ bản thân, hiểu bản chất của công việc và cuộc sống, thấu tỏ ý nghĩa cuộc đời.
Tương lai của mỗi người nên nằm trong tay bản thân, chứ không nên bị dư luận cùng những người xung quanh chi phối.
Tôi không cần ổn định, chỉ muốn được yên lòng, tôi không muốn thấy bản thân còn trẻ mà tâm hồn đã già nua.
Thời gian là giám khảo công bằng nhất, nó sẽ cho điểm xứng đáng với công sức ta bỏ ra, ai cũng như ai.
Mạnh mẽ tiến lên, sống thật ý nghĩa.
Một vài gợi ý khác cho bạn
Bạn chắc chắn sẽ muốn đọc các cuốn sách tuyệt vời khác. Mời bạn đến với chuyên mục: Review sách nhé!