Cần bao lâu để hình thành thói quen mới? Đây chắc chắn là một câu hỏi không hề xa lạ với bất cứ ai đang cố gắng thay đổi thói quen của mình.
21 ngày có đủ để hình thành một thói quen mới?
Có lẽ bạn rất quen thuộc với thông tin như là: cần 21 ngày để hình thành một thói quen nào đó.Liệu có thật sự là 21 ngày?
Theo nghiên cứu của một nhà nghiên cứu tâm lý sức khỏe Đại học College London, Phillippa Lally đã cho ra một kết quả:
“Con người phải mất từ 18 đến 254 ngày để hình thành một thói quen. Tính ra trung bình sẽ khoảng 66 ngày, tương được với hơn 2 tháng để hành vi của con người trở thành tự động. Nói cách khác, chúng ta có thể sẽ mất từ 2 – 8 tháng để hình thành một thói quen chứ không phải là 21 ngày.”
Và trong cuốn sách THÓI QUEN NGUYÊN TỬ của tác giả James Clear, ông cũng chia sẻ một nhận định tượng tự, đó là: Thói quen được hình thành dựa trên tần suất thực hiện không phải theo thời gian.
Một giáo sư tại Đại học Florida, đã chia các sinh viên lớp chụp ảnh phim của mình thành hai nhóm.
– Nhóm 1 sẽ thuộc về nhóm “số lượng”: Họ được chấm điểm hoàn toàn dựa trên số lượng sản phẩm họ làm ra.
– Nhóm 2 sẽ thuộc về nhóm “chất lượng”: Họ chỉ cần nộp duy nhất 1 bức ảnh trong suốt học phần, để đạt được điểm A thì bức ảnh phải gần như hoàn hảo.
Vào cuối kì, ông nhạc nhiên khi phát hiện ra tất cả những bức ảnh xuất sắc nhất đều là sản phẩm đến từ nhóm “số lượng”.
Thực tế, trong suốt học phần, các sinh viên nhóm “số lượng” liên tục chụp các bức ảnh với các thử nghiệm các cách bố cục, ánh sáng và thử nhiều phương pháp khác nhau trong phòng tối, và hỏi hỏi từ sai lầm của mình. Trong quá trình tạo ra hàng trăm bức ảnh, họ mài giũa kỹ năng của mình.
Trong khi đó, nhóm “chất lượng” chỉ ngồi tính toán độ hoàn hảo và họ không làm gì để chứng minh nỗ lực của mình ngoài trừ các lý thuyết chưa được kiểm chứng và 1 bức ảnh xoàng xĩnh.
Voltaire từng viết, “Cái tốt nhất chính là kẻ thù của cái tốt.”
Vận động và hành động
Từ ví dụ trên, tác giả cuốn sách ATOMIC HABITS, James Clear đã đưa ra 2 khái niệm là vận động và hành động.
Ông cho rằng:
– Vận động là quá trình lên kế hoạch, chiến lược cũng như học hỏi. Điều này tốt nhưng chúng không làm ra sản phẩm. Giống như hành vi của nhóm “chất lượng”, họ vận động không ngừng nhưng hành động quá ít.
– Hành động là kiểu hành vi sẽ tạo ra sản phẩm. Đây chính là kiểu của nhóm “số lượng”, họ liên tục hành động, kiểm chứng, điều chỉnh và hành động.
Đây cũng là kết quả nghiên cứu khá thú vị mà bạn có thể đã bắt gặp trong bộ môn triết học Mac-Lenin khi tìm hiểu về quy luật lượng – chất.
“Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định, sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất.” – nhà giáo dục, tư tưởng, nhà triết học người Đức, Ph.Ăng-ghen.
Nó cũng giống việc sau khi bạn đọc chuỗi bài viết về THÓI QUEN NGUYÊN TỬ của mình và học được phương pháp rèn luyện thói quen hiệu quả cùng các kinh nghiệm mà mình đúc rút được từ trải nghiệm bản thân; thì đây là một dạng của VẬN ĐỘNG. Và nó không khiến bạn tạo ra một thói quen mới, hoặc phá bỏ một thói quen cũ bởi nó thiếu hành động thực tế.
Đổi lại, sau khi biết được những phương pháp và kinh nghiệm rèn luyện thói quen, bạn bắt tay vào hành động, thực hiện các hành vi cần thiết một cách kiên trì, bạn sẽ tạo ra những đổi khác trong hệ thống thói quen hằng ngày của mình. Nghĩa là bạn tạo ra một kết quả mới thông qua hệ thống hành động của mình.
Một ví dụ khác, nếu mình phác thảo 20 ý tưởng cho kênh YouTube THÓI QUEN NGUYÊN TỬ của mình thì đây là quá trình VẬN ĐỘNG. Nhưng nếu mình thực sự ngồi xuống, tạo một video rồi đăng lên YTB thì đây chính là HÀNH ĐỘNG.
Tại thời điểm khi mình viết bài viết này, kênh YTB THÓI QUEN NGUYÊN TỬ thực sự đã xuất bản video đầu tiên vào chủ nhật tuần trước, mình rất tự hào về bản thân vì đã làm điều đó.
Câu hỏi đặt ra là: Nếu như vận động không tạo ra sản phẩm, thì liệu nó có cần thiết?
Thực tế, “trạng thái vận động ta cảm giác như mình đang tiến triển mà không sợ đối mặt với nguy cơ thất bại.”
Thực chất thì đây cũng làm một cách TRÌ HOÃN THẤT BẠI. Khi ta không hành động, không tạo ra sản phẩm hay kết quả thì ta không cần đối mắt với nỗi sợ thất bại, sợ bị chỉ trích, sơ bị cười chê.
Thế nhưng, vận động lại chính là bạn đang chuẩn bị cho một thứ gì đó được hoàn thành.
Ví dụ như kế hoạch làm việc tuần, kế hoạch giảm cân, kế hoạch đi du lịch, học phương pháp xây dựng thói quen hiệu quả, phương pháp học tiêng Anh hiệu quả,…
Vận động cần thực hiện song song cùng hành động. Bởi nhờ hành động, bạn mới có thể kiểm chứng sự chuẩn bị của mình có hiệu quả hay không. Nhờ hành động bạn mới có cơ hội để rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương pháp, kế hoạch, cách làm. Cũng nhờ hành động, bạn mới có căn cứ để đo lượng, cải tiến và tối ưu.
Giống như chu trình PDCA: Plan – Do – Check – Action. Đây là một chu trình khép kín được lặp đi lặp lại để tạo ra sản phẩm tối ưu nhất, phương pháp hiệu quả nhất được áp dụng rất rộng rãi trong cả công việc, cuộc sống và học tập.
Cần bao lâu để hình thành thói quen mới?
Lúc này, câu hỏi của chúng ta là: Cần bao lâu để hình thành một thói quen mới?
Trước hết, ta phải trả lời cho câu hỏi “Dấu hiệu nào cho thấy thói quen đã được hình thành?”
James Clear chia sẻ: “Hình thành thói quen là quá trình một hành vi trở nên TỰ ĐỘNG dần dần thông qua sự lặp đi lặp lại.”
Nó giống như:
– Bạn đánh răng vào mỗi sáng
– Bạn bật đèn ngủ mỗi khi chuẩn bị đi ngủ
– Bạn cắn móng tay mỗi khi căng thẳng
Đến đây, mình nhớ tới một câu nói của Lỗ Tấn: “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi.”
Mình thấy rằng, thói quen cũng giống đường đi vậy, nhờ việc “đi mãi” nên mới “thành đường”.
– Muốn tạo đường mới thì đi qua đi lại thật nhiều giống như việc bạn liên tục lặp lại hành vi đánh răng vào mỗi buổi sáng trong suốt thời thơ ấu, để rồi lớn lên nó trở thành một hành vi gần như vô thức mỗi sáng thức dậy.
– Muốn bỏ đường cũ thì đừng đi lại nó nữa, lâu dần cỏ dai, cây cối sẽ mọc lại và khiến cho con đường cũ biến mất. Chính là mình muốn nói, nếu bạn muốn bỏ đi một thói quen nào đó, hãy làm gián đoạn các hành vi tạo nên thói quen đó. Gián đoạn đủ lâu, thói quen sẽ biến mất.
“Tất cả thói quen đều đi theo mỗi quỹ đạo giống nhau, từ thực hành có nỗ lực đến hành vi tự động, 1 quá trình gọi là sự tự động hóa.”
Những ngày đầu tiên, có thể bạn sẽ cần đến sự nỗ lực và tập trung rất lớn của ý thức để bắt đầu hành vi mới. Sau vài lần hành vi được tái diễn, bạn sẽ thấy nó trở nên dễ dàng hơn, tất nhiên nó vẫn cần sự tập trung của ý thức. Và tới một thời điểm, khi bạn vượt ngưỡng đường biên thói quen, khi mà ở đó bạn lặp lại hành vi đủ nhiều khiến nó trở nên tự động, đó là lúc THÓI QUEN đã được hình thành.
Quay trở về câu hỏi: Cần bao lâu để hình thành một thói quen mới?
– 21 ngày?
– 30 ngày?
– 66 ngày?
– 128 ngày?
Thực tế, không có một con số tuyệt đối nào được chứng minh là thời lượng cần thiết để hình thành một thói quen mới.
Bởi trong chính “định nghĩa” của thói quen đã thể hiện: chừng nào hành vi trở nên TỰ ĐỘNG thì khi đó thói quen được hình thành.
Và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nền tảng của mỗi người và mức độ khó – dễ của mỗi thói quen đối với họ.
Thói quen là bản năng thứ 2 của con người, mà bản năng chính là một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Do vậy, hãy cứ kiên trì hành động, duy trì hành động cho tới khi bạn không cần phải tự nhắc nhở bản thân mình cần làm gì đó nữa, khi ấy thói quen đã được hình thành.
Chúc bạn một ngày tốt lành!
Đọc thêm:
- Review sách: Thói quen nguyên tử – James Clear
- Cách tốt nhất để bắt đầu một thói quen mới thành công
- Bí quyết rèn luyện thói quen nhẹ nhàng và hiệu quả
- Động lực và cám dỗ – Đòn bẩy duy trì thói quen
MUA SÁCH: TẠI ĐÂY
CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC
- Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
- Facebook: Hương Nguyễn
- Fanpage: Hương Nguyễn Blog
- YouTube: THÓI QUEN NGUYÊN TỬ