Review sách: Dám lên tiếng

Review chi tiết cuốn sách DÁM LÊN TIẾNG - Cách xử lý mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp tại nơi làm việc hiệu quả.

0
170
Review sách: Dám lên tiếng

Giới thiệu sách: Dám lên tiếng

Im lặng không khiến chúng ta vô can.

Chúng ta tưởng rằng im lặng sẽ giúp mọi chuyện lắng xuống, qua đi và dừng lại. Thực chất điều này chỉ khiến mọi thứ TẠM THỜI lắng xuống, qua đi và dừng lại, nó hoàn toàn không phải phương thuốc chữa khỏi tổn thương của những gì đã xảy ra. Tai hại hơn là trong bất kỳ mối quan hệ nào, sự im lặng có thể dẫn tới sự nguội lạnh và chai sạn về mắt cảm xúc, dẫn tới sự “đông cứng” của mối quan hệ.

Khi cầm trên tay cuốn sách DÁM LÊN TIẾNG của tiến sĩ, tác giả DAVID NAYLOR điều mình nghĩ tới không phải câu chuyện văn phòng công sở mà là những câu chuyện quay quanh việc giao tiếp trong mối quan hệ gia đình, điều gần gũi nhất trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

Cho nên, khi cộng hưởng cuốn sách này, mình đã bắt đầu với mục đích rất rõ ràng: Làm sao để giao tiếp hiệu quả trong mối quan hệ gia đình?

Quá trình cộng hưởng dẫn dắt mình tới 4 chú ý thú vị như sau:

  1. Chúng ta luôn có thể lùi lại một bước, không phải để nhún nhường mà để suy nghĩ thấu đáo hơn về những gì đang diễn ra, nguyên nhân thật sự phía sau và giải pháp tối ưu để giải quyết các vấn đề đó.
  2. Chúng ta đều có thể nói KHÔNG trong mọi trường hợp để TỰ BẢO VỆ chính mình. Đây không phải là một dạng cơ hội, đây là một sự lựa chọn.
  3. Chúng ta phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của mình, bao gồm hành vi xuất phát từ ý nghĩ tốt hay xấu. Đôi khi tốt – xấu không nằm ở nhận định của chúng ta, mà ở mỗi góc nhìn khác nhau nó sẽ được đánh giá tốt – xấu hoặc vô thưởng vô phạt.
  4. Hành vi trong một tập thể sẽ được kiểm soát tốt hơn khi chúng tuân theo những quy tắc được thỏa thuận từ trước giữa tất cả các thành viên.
Review sách: Dám lên tiếng
Review sách: Dám lên tiếng

Từ đây mình hiểu rằng, việc chấp nhận những cảm xúc chân thật của bản thân sẽ giúp ta kiếm chế sự lo lắng, bất an tốt hơn thông qua sự “khiêm nhường” cần thiết trong các mối quan hệ của cuộc sống và công việc.

Từ đây mình quyết định thực hiện 4 điều sau để cải thiện việc giao tiếp trong gia định hiệu quả hơn.

  1. Nói KHÔNG khi không muốn
  2. Thống nhất các nguyên tắc trong giao tiếp với chồng
  3. Mỗi khi có vấn đề xuất hiện, không lập tức phán xét hay quy chụp, lùi lại 1 bước để nhìn nhận rõ vấn đề và cùng tìm ra giải pháp.
  4. Mang tư duy chịu trách nhiệm mọi hành vi của mình.

Đây rất có thể là một cuốn sách hứa hẹn nhiều điều thú vị giúp cải thiện mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp các dân văn phòng. Và mình tin rằng các mối quan hệ khác cũng có thể áp dụng tương tự khi chúng ta nắm được những nguyên tắc cơ bản để không trở thành kẻ rụt đầu chỉ biết im lặng.

5 Bài học chiêm nghiệm từ sách “Dám lên tiếng”

Dưới đây là 5 bài học mình chiêm nghiệm được từ cuốn sách DÁM LÊN TIẾNG của tác giả David Naylor.

Bài học số 1. Sự ồn ào của thế giới được tạo ra từ những sự im lặng

Khi còn là một nhân viên văn phòng, mình thường xuyên mắc phải thị phi trên trời rơi xuống, chỉ đơn giản mình là một cô gái thân thiện.

Nhiều người cố gắng đánh đồng sự lịch sự của mình là một dạng thả thính. Nếu như mình vui vẻ chào hỏi anh bảo vệ, mình mỉm cười với đồng nghiệp nam, mình tiện tay giúp đỡ một anh nhân viên mới… Những hành động nay không hẳn xuất phát từ lòng tốt của mình mà nó đến chủ yếu ở vị trí công việc khi đó của mình – chuyên viên đào tạo nội bộ.

Công việc của mình là giúp nhân viên mới hội nhập và thực hiện (làm gương) theo đúng văn hóa công ty.

Thế nhưng những thị phi vẫn cứ dội xuống đầu mình một cách rất vô căn cứ và mình đã chọn im lặng. Mình nghĩ im lặng là cách giải quyết hiệu quả nhất cho vấn để lúc bấy giờ. Và đúng là nó khá “hiệu quả”. Nó giúp những người tạo thị phi có nhiều căn cứ vô lý để thêu dệt câu chuyện. Nó tạo điều kiện cho mọi người suy đoán. Và có chăng, sau một thời gian dài thì những điều tiếng kia lắng xuống thì trong thâm tâm của người khác, câu chuyện thị phi kia vẫn là một phần để nói về mình. Cuối cùng, cái “hiệu quả” kia chỉ là hư ảo.

Lại nói về một tình huống khác, khi đó mình còn là sinh viên đi làm thêm ở một nhà hàng Pizza. Một buổi chiều khi bắt đầu ca làm việc, mình thấy chị quản lý đang nhíu chặt đôi lông mày trước bảng xếp lịch làm việc của nhà hàng. Mình đã đoán trúng điều mà chị đang băn khoăn, bức bối đó là làm sao để cắt giảm ca làm việc mà không gây tới sự hoang mang trong nội bộ, vẫn giữ được nhân sự gắng bó để vượt qua giai đoạn khó khăn của nhà hàng. Khi đó, nhà hàng đang trong tình trạng “nghèo khách”, doanh thu sụt giảm, do vậy yêu cầu từ cấp trên xuống là tiết giảm chi phí.

Mình đã mạnh dạn hỏi chuyện chị quản lý về điều mình suy đoán: Có phải chị đang đau đầu về việc cắt ca làm việc của bọn em không? Và chị quản lý đã thừa nhận đó là điều khiến chị ấy đang đau đầu. Mình vốn là một người khá mạnh dạn trong việc đề xuất ý tưởng, và mình đã chia sẻ về cách mà quản lý cũ của mình từng làm khi đối mặt với vấn đề tương tự, nó khá hiệu quả. Thế nhưng mình cũng không quên chia sẻ với chị quản lý về mong muốn của mình và các bạn nhân viên khác rằng, chúng mình muốn biết lý do tại sao phương án đó được thực thi. Mình chia sẻ với chị rằng, chúng mình sẽ có thể thông cảm và đồng hành với chị vượt qua khó khăn nếu như biết chính xác điều gì đang xảy ra và vai trò của chúng mình trong việc hóa giải khó khăn đó. Chị quản lý đã rất đồng tình với ý kiến của mình.

Sau đó, một buổi họp nhà hàng đã diễn ra và chị quản lý đã chia sẻ khó khăn mà nhà hàng gặp phải, đồng thời kêu gọi sự hợp tác và cảm thông từ các nhân viên. Mình nhận thấy các bạn nhân viên đều rất hưởng ứng và có những động thái tích cực để cải thiện tình hình “ế khách” của nhà hàng. Phản ứng này khác hẳn với trải nghiệm trước đó khi người sếp cũ của mình thực hiện cắt giảm và không nêu lý do. Chỉ đơn giản là cho đám nhân viên bọn mình biết đó là tất cả những gì cần làm.

Từ đó, ta có thể thấy việc “dám lên tiếng” để giải quyết vấn đề không chỉ là câu chuyện của các nhân viên với nhau, nhân viên với cấp trên mà là cả của cấp trên với cấp dưới. Sự lên tiếng này không chỉ đơn giản là việc chia sẻ thông tin, trình bày quan điểm mà còn là cách tạo ra môi trường an toàn để ikhai thác ý tưởng và giải quyết vấn đề.

Trong cuốn sách DÁM LÊN TIẾNG của tiến sĩ David Naylor, tác giả chia sẻ rằng:

“Sức mạnh của kẻ bắt nạt nằm ở chỗ, họ khiến mọi người tin rằng chỉ có một cách suy nghĩ và hành xử duy nhất – đó là cách của họ.”

Review sách: Dám lên tiếng
Review sách: Dám lên tiếng

Nếu như nhân viên của bạn không dám lên tiếng, thì phần nhiều là bởi bạn đang đóng vai một kẻ bắt nạt trong mắt của họ. Có thể bạn đã từng “đàn áp” họ bằng nhiều cách như phủ nhận ý kiến, ra lệnh khó hiểu hoặc các hành vi chuyên quyền khác.

Vậy nhà quản lý cần làm gì để giúp nhân viên của mình dám lên tiếng?

Theo mình, họ cần tạo một môi trường an toàn để nhân viên được lên tiếng. Điều này được thể hiện bằng việc lắng nghe và thúc đẩy việc nhân viên nếu ra đón góp. Tiếp nhận những đón góp bằng sự tôn trọng và thái độ tích cực, cầu thị.

Điều này không chỉ giúp nhân viên có một môi trường làm việc lành mạnh, nó còn thúc đẩy nhân viên sáng tạo và động não. Mặt khác, việc được cấp trên khuyến khích nếu ý kiến cũng giúp cũng cố niềm tin và sự tôn trọng dành cho cấp trên. Ngoài ra, nhà quản lý cũng được hưởng lợi từ việc tạo ra môi trường an toàn để nhân viên lên tiếng, họ có thể nắm bắt tình hình tại nơi làm việc một cách nhanh chóng, cũng có thể nhận về những ý tưởng thú vị giúp giải quyết vấn đề trong công việc, giảm bớt gánh nặng cho nhà quản lý.

Nếu môi trường làm việc thiếu vắng sự lên tiếng thì điều gì sẽ xảy ra?

Rất có thể là những “thị phi” không đáng có giống trường hợp của mình sẽ thường xuyên xảy ra, gây đến sự hoang mang trong nội bộ. Mặt khác các chủ đề thị phi cũng ảnh hưởng tới mối quan hệ đồng nghiệp trong công ty, làm giảm hiệu suất làm việc.

Thiếu vắng sự lên tiếng đòi hỏi nhà quản lý phải “chiến đầu” một mình, thiếu đi sự đồng hành và thấu hiểu của nhân viên trong tổ chức.

Thiếu vắng sự lên tiếng cũng có thể tạo môi trường thuận lợi cho các hành vi thiếu chuẩn mực sinh sôi, nảy nở trong tổ chức. Kéo theo các nguy hại về hiệu suất công việc cũng như danh tiếng của tổ chức.

Tóm lại, dám lên tiếng là một hành vi cần được khuyến khích trong mọi tổ chức. Nó không chỉ góp phần tạo nên môi trường cởi mở, tiếp nhận đa chiếu mà nó còn là một cách gắn kết mối quan hệ trong tổ chức, giúp sự phối hợp giữa các cá nhân trong tổ chức nhịp nhàng và hiệu quả hơn.

Dám lên tiếng không chỉ cần sự dũng cảm của người lên tiếng mà còn cả sự dũng cảm của người tiếp nhận thông tin.

Bài học số 2. Dừng lại, chờ đợi và lắng nghe

Đây là việc đầu tiên mà người quản lý cần làm nếu muốn thúc đẩy tinh thần “dám lên tiếng” của đội ngũ nhân viên.

  • Dừng lại là cách mà nhà quản lý chủ động tạo ra môi trường an toàn để nhân viên lên tiếng.
  • Chờ đợi là việc nhà quản lý sử dụng sự kiên nhẫn của mình và đứng ở góc nhìn của nhân viên để tiếp nhận vấn đề.
  • Lắng nghe là chìa khóa giúp nhà quản lý nằm bắt chính xác vấn đề nhân viên của mình gặp phải, những rắc rối tiềm ẩn nằm sâu trong đội ngũ và hỗ trợ nhân viên tìm ra phương án giải quyết vấn đề hiệu quả nhất.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ bàn sâu hơn về việc LẮNG NGHE.

Hầu hết chúng ta đều muốn đóng vai trò là người nói mà ít ai muốn trở thành người lắng nghe. Tại sao vậy?

Đơn giản đó chỉ là một nhu cầu rất con người được chỉ ra trong tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu được thể hiện bản thân.

Review sách: Dám lên tiếng
Review sách: Dám lên tiếng

“Con người có hai tai và một cái miệng, vì vậy ta phải lắng nghe nhiều hơn nói.” (Ngạn ngữ Đan Mạch)

Thế nhưng mình phải thừa nhận rằng lắng nghe không phải là một kỹ năng dễ luyện tập, đặc biệt nếu bạn là một người có cái tôi lớn. Lắng nghe đòi hỏi người thực hiện biết cách hạ cái tôi xuống, điều tiết cảm xúc cá nhân, nghe chuyện chứ không phán xét. Quả là không dễ dàng!

Làm sao để rèn luyện kỹ năng lắng nghe hiệu quả?

  1. Tập trung hoàn toàn vào người nói và câu chuyện/thông tin người nói đang chia sẻ.
  2. Không ngắt lời
  3. Khuyến khích người nói chia sẻ nhiều hơn bằng cách đặt câu hỏi mở.
  4. Tạo ra những phản ứng tích cực thể hiện sự quan tâm và chuyên chú như gật đầu, sử dụng các từ ngữ như “vâng”, “tôi hiểu”, “vậy sao”,…
  5. Không phán xét
  6. Đặt bản thân vào vị trí của người nói
  7. Luyện tập thường xuyên

Việc lắng nghe không chỉ giúp người nói cảm thấy được tôn trọng, an toàn mà còn giúp bạn nắm bắt thông tin một cách chủ động và hiệu quả.

Bản thân mình tự nhận là một người giỏi lắng nghe. Mình có thể ngồi hàng giờ nghe người khác chia sẻ mà không phán xét. Mình cũng không cố gắng đưa ra lời khuyên khi không được yêu cầu. Mình sẵn sàng chia sẻ câu chuyện và trải nghiệm của bản thân nếu người nói đề nghị. Và mình luôn tin rằng, trong mọi câu chuyện đều có thể có góc nhìn thứ 2 tích cực.

Và một nguyên tắc bất di bất dịch mà mình đã dành nhiều năm để luyện tập đó là không “đưa chuyện” đi xa.

Nếu bạn muốn cuộc sống của mình trở nên hạnh phúc, hãy thử bắt đầu bằng việc lắng nghe nhiều hơn.

“Người hạnh phúc là người lắng nghe; kẻ bất hạnh là kẻ thổ lộ.” – (Ralph Waldo Emerson)

Bài học số 3. Không liên can tới tôi? Không phải chuyện của tôi?

Đây là suy nghĩ của mình khi mình giữ im lặng trước một vấn đề nào đó. Đây cũng là một trong những nguyên do khiến họ chúng ta không lên tiếng.

Mình sẽ im lặng khi mình biết lên tiếng không tạo nên kết quả, và mình sẽ lên tiếng khi mình biết im lặng khiến mình đánh mất sự chính trực (một trong những tính cách khiến mình tự hào) của bản thân.

Sự bàng quang không tự nhiên sinh ra, không ai sinh ra đã có trong mình sự thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh mình. Sự thờ ơ này được vun đắp từ những lần “nhiệt tình” bị ghét bỏ, hãy bị “bịt miệng” bởi những người có quyền lực hơn. Từ trải nghiệm trong quá khứ chúng ta rút ra bài học để bảo vệ sự an toàn của bản thân bằng cách giữ im lặng. Chúng ta tự nhắc nhở chính mình rằng, tôi không liên quan gì tới chuyện này cả, không phải trách nhiệm của tôi. Do vậy, tôi không lên tiếng chứ không phải không dám lên tiếng.

Thế nhưng, điều tồi tệ nằm sau những lần không lên tiếng đó. Chúng ta dần thích nghĩ với việc không lên tiếng của mình, nó trở thành rào chắn bảo vệ chúng ta khỏi những ảnh hưởng xung quanh và chúng ta lầm tưởng đó cách giữ an toàn. Chính bởi lầm tưởng này, ta nghĩ rằng mình nên chọn im lặng, và dần dần trước những vấn đề xảy ra xung quanh, ta dần mất đi dũng khí để lên tiếng.

Review sách: Dám lên tiếng
Review sách: Dám lên tiếng

Giống như một đứa trẻ chọn cách nói dối bởi trước đó chúng ta bị trách phạt vì lỡ làm sai và “trót dại” thừa nhận lỗi sai của mình với người lớn.

Giống như ý tưởng táo bạo bạn muốn trình bày luôn nằm trong đầu bạn cho tới khi rời khỏi công ty, nó vẫn luôn ở đó và chỉ có 1 mình bạn biết tới sự tồn tại của nó. Thậm chí, đến một ngày bạn phát hiện ra ai đó có cùng ý tưởng với bạn và ý tưởng đó đã được thực hiện hóa thành công, bạn lại nghĩ tại sao khi ấy mình không mạnh dạn lên tiếng.

Hành vi này của bạn rất có thể được đúc rút từ kinh nghiệm có sẵn trong quá khứ, sau những lần ý tưởng của bạn bị từ chối hoặc bị chê bai bởi cấp trên và đồng nghiệp. Những tiếng nói ác ý đó cứ luôn luẩn quẩn trong đầu bạn, nó sẽ vang lên rõ ràng nhất vào lúc bạn định chia sẻ ý tưởng mới của mình. Bạn bắt đầu tin vào những gì người khác nói. Và từ đó bạn bỏ đi quyền lên tiếng của mình.

Trong phần trước, mình chia sẽ rằng để lên tiếng, con người ta cần dũng cảm. Ở phần này mình muốn đút kết rằng, để lên tiếng, con người ta cũng cần sự cổ vũ. Sự cổ vũ từ bên trong niềm tin vào chính bản thân mình. Sự cổ vũ từ mọi người xung quanh. Sự cổ vũ từ những thành tích trong quá khứ.

Dám lên tiếng sẽ không còn là lời kêu gọi sáo rỗng của các nhà quản lý nhân sự nữa nếu như họ biết cách trao gửi niềm tin tới đội ngũ của mình. Tôi gọi đây là hoạt động trao quyền lên tiếng.

Bạn đã trao quyền lên tiếng cho đội ngũ, cho con cái, cho vợ/chồng mình hay chưa?

Bài học số 4. Lợi ích quyết định hành vi.

  • Chúng ta chăm chỉ đăng ảnh selfie lên MXH vì mong muốn được chú ý, lượt thích và những lời khen có cánh đầy hấp dẫn mời gọi ta đăng hình chăm chỉ hơn.
  • Chúng ta ăn thức ăn nhanh bởi hương vị của chúng vô cùng kích thích vị giác, mang lại cảm giác thỏa mãn ngay tức thì.
  • Chúng ta đến phòng tập Gym mỗi ngày vì khao khát có được thân hình săn chắc, vóc dáng trong mơ, cơ thể khỏe mạnh,…

Mỗi hành đồng, thói quen, quyết định của chúng ta trong cuộc sống đều đi kèm với một lợi ích nào đó. Nó có thể là lợi ích tức thời sẽ tới ngay lập tức hoặc lợi ích về lâu dài trong tương lai.

Quyết định lên tiếng hay không trước một sự kiến của chúng ta cũng vậy. Chúng được quyết định trước sự cân nhắc về lợi ích và nguy hại mà ta sẽ nhận được sau khi hành động.

  • Nếu tôi lên tiếng, tôi có đi ngược với đám đông không (một việc làm không mấy an toàn).
  • Nếu tôi lên tiếng, liệu tôi có mất đi cơ hội nào đó không?
  • Nếu tôi lên tiếng, có làm ảnh hưởng tới lợi ích của người khác hay không và nó có dẫn tới sự thù địch sau đó hay không?
  • Nếu tôi lên tiếng, chiến thắng có đứng về phía tôi không?
  • Nếu tôi lên tiếng, tôi có còn được an toàn?
Review sách: Dám lên tiếng
Review sách: Dám lên tiếng

Cân nhắc giữa được và mất để ra quyết định là một việc làm thật sự khó khăn và đầy thử thách. Bởi lợi ích và nguy hại có thể xảy đến với chính chúng ta, cũng có thể là người xung quanh, tổ chức, thậm chí là cộng đồng.

Điều gì tác động tới quyết định của chúng ta trước sự được – mất khi lên tiếng? Hay nói cách khác, lợi ích nào sẽ được ưu tiên đằng sau những quyết định khó khăn đó.

Điều này phụ thuộc vào những bài học có trong quá khứ của mỗi chúng ta.

  • Đó có thể là những lần từ chối đến từ bố mẹ.
  • Đó có thể là những lần bị bắt nạt bởi bạn bè ở trường học.
  • Đó có thể là những lần thất bại trên con đường chinh phục mục tiêu.
  • Đó có thể là những lần vụt mất cơ hội tại nơi làm việc

Chúng đều ít nhiều có tác động rất mạnh tới sự ưu tiên của chúng ta khi đứng trước sự lựa chọn ảnh hưởng tới lợi ích của bản thân và người khác. Bởi đôi khi việc lên tiếng của chúng ta có thể gây bất lợi cho bản thân nhưng mang tới một lợi ích nào đó cho người khác. Nghĩa là khi đó ta cần phải hi sinh lợi ích cá nhân để nhường cho người khác.

Sự trả giá đó liệu có đáng?

Mình không thể trả lời câu hỏi này cho bạn, bạn cũng không thể trả lời câu hỏi này cho mình.

Chúng ta chỉ có thể trả lời câu hỏi này cho chính bản thân mình.

Dám lên tiếng là một ván cược liên quan tới lợi ích mà mỗi chúng ta đều phải tự mình quyết định.

Ván cược này không có thắng thua nhưng sẽ luôn có một bài học sau mỗi quyết định của chúng ta. Chỉ là bạn có đủ tỉnh táo và đừng “lùi lại” một bước để tìm ra bài học đó hay không mà thôi.

Bài học số 5. Lôi kéo người tham gia

10 câu hỏi hay giúp bạn “lôi kéo” mọi người tham giao vào cuộc thảo luận hiệu quả:

  1. Nếu chúng ta có cảm giác an toàn hơn về mặt tâm lý, chúng ta sẽ nói về điều gì và ai sẽ là người được hưởng lợi.
  2. Bạn có thể nói thêm đôi điều về lý do khiến bạn nghĩ rằng/cho rằng/tin rằng điều này là đúng không? Tôi muốn hiểu rõ hơn.
  3. Điều gì ngăn cản bạn/chúng ta nêu ra vấn đề (khó khăn) này?
  4. Điều gì sẽ mang lại sự an toàn cao hơn để chúng ta bàn kỹ hơn về vấn đề này?
  5. Điều gì khiến chúng ta chắc chắn về sự can thiệp/cách suy nghĩ này? Đây là vấn đề thực sự phức tạp.
  6. Có điều gì mà tôi/chúng ta chưa hiểu?
  7. Chúng ta/bạn cảm thấy sự can thiệp/cách suy nghĩ này có điểm nào chưa được chắc chắn?
  8. Cuộc trò chuyện của chúng ta có bỏ sót ai hay điều gì hay không?
  9. Trong lúc trao đổi vấn đề này, chúng ta có cố tình phủ nhận điều gì không?
  10. Khi nào chúng ta ở trạng thái tốt nhất mà không như thế này nữa?
Review sách: Dám lên tiếng
Review sách: Dám lên tiếng

10 câu hỏi trên được chia sẻ trong chương “Hướng dẫn cách lên tiếng” trong cuốn sách DÁM LÊN TIẾNG của tiến sĩ David Naylor.

Đặt câu hỏi đúng rất quan trọng. Nó không chỉ cải thiện chất lượng cuộc đối thoại mà còn thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa đôi bên.

Đặt câu hỏi đúng cho phép người hỏi xác định chính xác có thông tin quan trọng, nhận được những kết quả có giá trị, đồng thời giúp người hỏi khai thác đúng chiều của vấn đề để tìm ra giải pháp thích hợp.

Nhà lãnh đạo cần biết cách đặt câu hỏi đúng để khai thác thông tin giá trị và thúc đẩy sự “dám lên tiếng” của đội ngũ. Chỉ khi đội ngũ thật sự lên tiếng, khi ấy hiện thực mới trở nên sáng rõ.

Một cuốn sách viết sâu về từ khóa “dám lên tiếng”, một từ khóa đã trở thành một vấn đề lớn trong xã hội hiện nay.

Một số người không dám lên tiếng, một số người lên tiếng không đúng lúc, một số khác tự biến tiếng nói của mình trở thành “rác thải” mang sự tăm tối đến người khác.

DÁM LÊN TIẾNG bàn đến một khía cạnh của việc cất lời trong môi trường công sở, nơi mà lợi ích tức thời là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hành vi bất kỳ ai.

Bài học số 6. Vai trò của nhà lãnh đạo?

Người lãnh đạo đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và duy trì văn hóa “dám lên tiếng” trong tổ chức.

Còn nhớ cách đây 5 năm, mình đã cảm thấy rất may mắn khi tìm được một công việc vừa ý chỉ sau 3 ngày Nam tiến (vào Sài Gòn sinh sống). Khi ấy, mình được nhận vào một công ty khá lớn kinh doanh dịch vụ F&B ở vị trí chuyên viên đào tạo nội bộ. Mình nhanh chóng thích nghi được văn hóa làm việc ở công ty mới nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp cùng phòng đào tạo.

Thế nhưng, mình nhận ra con người dũng cảm trước giờ của mình tự nhiên biến đi đâu mất.
Mình dè dặn trong việc chia sẻ ý tưởng, mình cũng cẩn trọng trong việc biểu đạt cảm xúc. Và tệ nhất là mình im lặng trước những điều “chướng mắt”, chỉ bởi vì khi đó mình cần giữ công việc này.

Mình biết điều đó là sự lựa chọn của bản thân và rất không nên đổ lỗi cho môi trường làm việc mới khiến mình trở nên như vậy.

Review sách: Dám lên tiếng
Review sách: Dám lên tiếng

Tuy nhiên, khi xét trên góc độ vai trò của nhà quản lý ở đâu trước hình vi im lặng của đội ngũ, thì mình nghĩ sự biến đổi trong hành vi của mình đến từ cảm giác thiếu an toàn trong môi trường làm việc.

Ví dụ như, mình có thể sẽ bị đánh cắp ý tưởng nếu chia sẻ thông tin quá sớm với đồng nghiệp. Mình có thể bị quy chụp rằng không trung thành với đường lối, chính sách của công ty. Mình có thể bị quy chụp rằng cố gắng thể hiện vượt cấp để dành lấy sự chú ý của cấp cao hơn. Mình có thể bị quy chụp rằng thiếu tính hòa nhập với tổ chức và đồng nghiệp.

Mặt khác, việc cất tiếng trở nên khó khăn với mình khi nhân định của mình về cấp trên là thiếu năng lực để tiếp nhận và xử lý thông tin mà mình sẽ cũng cấp. Mình cho rằng việc đề xuất ý tưởng và thông tin cho cấp trên mà không dẫn tới những hành động cụ thể để cái thiện các vấn đề liên quan là một hành động vô nghĩa. Mà mình không cần “thách thức” quyền lực của cấp trên bằng cách tỏ ra “khôn” hơn họ.

Bởi vậy, mình cho rằng văn hóa “dám lên tiếng” sẽ không thể hình thành nếu thiếu đi cảm giác an toàn mà người lên tiếng cần có. Và việc xây dựng văn hóa “dám lên tiếng” càng trở nên khó khăn hơn nếu như người quản lý xây dựng được niềm tin ở đội ngũ, khiến họ tin rằng người quản lý có năng lực lắng nghe, tiếp nhận và xử lý vấn đề mà họ đề cập.

Thế mới thấy, để trở thành một nhà quản lý không hề dễ dàng. Họ không chỉ gánh vác trách nhiệm điều phối công việc chuyên môn mà họ còn phải có năng lực dẫn dắt và xây dựng đội ngũ đi theo đúng đường lối và văn hóa doanh nghiệp hướng tới.

Do vậy, không ngừng trau dồi năng lực chuyên môn và năng lực lãnh đạo chưa bao giờ là một lời khuyên lỗi thời trong bất kỳ trường hợp nào.

Hãy trở thành nhà lãnh đạo luôn sẵn sàng cho sự dám lên tiếng của đội ngũ.

Một thông điệp đầy thú vị từ cuốn sách DÁM LÊN TIẾNG của tác giả David Naylor do nhà xuất bản Công Thương và Thái Hà Books mang tới độc giả Việt Nam.

Review sách: Dám lên tiếng

Một cuốn sách nữa được hoàn thành trong năm 2024 – DÁM LÊN TIẾNG của tác giả David Naylor.

LẮNG NGHE – IM LẶNG – CHỊU TRÁCH NHIỆM là 3 từ khóa đọng lại sâu sắc trong tâm trí mình sau khi gấp trang sách cuối cùng lại.

1. Lắng nghe

  •  “Lắng nghe” khác với “nghe” ở điểm nào?
  • Tại sao phải lắng nghe?
  • Lắng nghe như thế nào?
  • Làm sao để biết người khác đang lắng nghe mình?

Bạn biết không, một trong những đức tính khiến mình trở thành một người đáng tin cậy để chia sẻ những suy nghĩ thầm kín đối với mọi người xung quanh và cả những người xa lạ trên MXH đó chính là năng lực LẮNG NGHE.

Mình dùng từ “năng lực” là bởi mình cho rằng lắng nghe không chỉ đòi hỏi kiến thức, kỹ năng mà còn cần một thái độ cực kỳ tôn trọng sự khác biết và quyền được lên tiếng của người khác.

Kiến thức ở đây là gì, là hiểu biết xã hội để bạn biết vấn đề của người nói đang ở mức độ nào và điều họ cần tới ở ta là gì. Có lẽ mình nên dùng từ trải nghiệm thì thích hợp hơn.

Kỹ năng ở đây là khả năng tạo ra môi trường an toàn để người nói “trút hết” những tâm tư trong lòng, những suy nghĩ trong đầu. Ngoài ra, bản thân người lắng nghe còn cần có kỹ năng đặt câu hỏi để khơi gợi người nói chia sẻ nhiều hơn. Bên cạnh đó là kỹ năng chọn lọc thông tin và biết giữ khoảng cách an toàn với các thông tin đó. Nghĩa là không để bản thân bị cuốn theo những cảm xúc mà người nói reo rắc vào bạn thông qua những thông tin một chiều.

Một nguyên tắc mà mình luôn tuân thủ trong quá trình lắng nghe là KHÔNG ĐƯA RA LỜI KHUYÊN khi không được yêu cầu. Đôi khi người nói họ chỉ cần có người nghe và họ sẽ tự mình tìm cách giải quyết vấn đề của họ, chúng ta không cần “ôm rơm nặng bụng”. Hơn nữa, mình cho rằng dù cố gắng thấu hiểu đến đầu thì khi bản thân không phải là người trực tiếp trải qua những điều họ từng trải thì khi đó chúng ta không thể thấu hiểu 100% những gì họ cảm thấy, muốn và cần. Có lẽ chỉ ở một phần rất nông nào đó mà thôi.

2. Im lặng

  • Khi nào nên im lặng?
  • Tại sao phải im lặng?
  • Im lặng phải chăng là biểu hiện của sự hèn nhát?

Im lặng đôi khi rất quan trọng trong việc giao tiếp, nó có thể giúp ta chậm lại vài nhịp để nhìn nhận kỹ hơn vấn đề. Nó cũng là cách giúp ta không bị lép vế trước đối phương. Hơn thế nữa nó còn là cách giúp xác định được mức độ “nguy hiểm” của đối thủ trước mắt.
Im lặng đúng lúc là một cách giải quyết vấn đề tốt, nhưng im lặng mãi mãi có thể gây tới những nguy hại trong tương lai dài hạn.

Review sách: Dám lên tiếng
Review sách: Dám lên tiếng

Giống như những tin đồn nơi công sở, nếu bạn mãi im lặng bạn sẽ trở thành một kẻ hèn nhát, một người đến việc lên tiếng bảo vệ chính mình cũng không làm được.

Im lặng có thể sử dụng như một kế hoãn binh để chờ thời cơ thích hợp rồi lên tiếng.

Im lặng sẽ là vàng nếu ta đặt để đúng chỗ, im lặng sẽ trở thành cục tạ đè người nếu ta để nó nuốt chứng ta trong những tin đồn vô căn cứ.

Học cách im lặng cũng quan trọng như học cách lắng nghe. Nó cần được thực hiện với đúng người, đúng việc, đúng thời điểm.

3. Chịu trách nhiệm

Một người dám lên tiếng là một người dám chịu trách nhiệm. Họ sẵn sàng đối mắt với những rủi ro không còn an toàn sau khi lên tiếng.

Giống như việc nói KHÔNG vậy, dám lên tiếng là một cách tự bảo vệ chính mình. Bất luận bạn lên tiếng ở vấn đề gì, bất luận chuyện gì xảy ra thì nó cũng đều mang tới một kết quả nào đó cần phải xem xét bao gồm tích cực và tiêu cực.

Khi bạn dám chịu trách nhiệm, bạn sẽ có đủ dũng cảm để lên tiếng.

Ban đầu, khi cầm cuốn sách này trên tay với cái tựa rất thu hút DÁM LÊN TIẾNG, mình đã liên tưởng tới những câu chuyện ngoài lề công việc trong công sở như hành vi bắt nạt, chia rẽ, các hành vi thu địch trong mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa đồng nghiệp với nhau. Và lên tiếng như là một cách bảo vệ lẽ phải và sự công bằng tại nơi làm việc.

Thế nhưng sau khi gấp lại trang sách cuối cùng, mình nhận ra cuốn sách chia sẻ ở một khía cách bao quát hơn, thậm chí là đi sâu hơn về vấn để cải thiện chất lượng công việc hơn là giải quyết mối quan hệ ở nơi làm việc. Một cách tiếp cận rất thú vị và bất ngờ.

Dám lên tiếng không chỉ giúp cho tổ chức nhanh chóng tìm ra những kẽ hở trong việc vận hành doanh nghiệp, mà nó còn giúp tạo ra không gian chia sẻ ý tưởng vô cùng tích cực.

Mọi tổ chức muốn tiến xa đều cần những con người dám lên tiếng, lên tiếng phê bình và tự phê bình để cải thiện và hoàn thiện hơn từng ngày. Điều này đòi hỏi tổ chức phải sở hữu đội ngũ quản lý có năng lực tạo ra môi trường an toàn và đáng tin cậy để văn hóa dám lên tiếng được hình thành và duy trì tích cực bên trong tổ chức.

Dám lên tiếng đôi khi chỉ đơn giản là dám chia sẻ ý tưởng, suy nghĩ và giải pháp của bản thân trong thời điểm thích hợp với con người thích hợp với tinh thần xây dựng và cởi mở.

Mình hi vọng rằng đây sẽ là cuốn sách mang tới những thông điệp giá trị cho nhà quản lý cũng như những ai muốn bước ra khỏi vòng an toàn của chính mình.

Thuyền to thì gió lớn. Liệu bạn có dám sở hữu một chiếc thuyền to không?

MUA SÁCH: TẠI ĐÂY

Một vài gợi ý khác cho bạn

Bạn chắc chắn sẽ muốn đọc các cuốn sách tuyệt vời khác. Mời bạn đến với chuyên mục: Review sách nhé!

Các đầu sách khác:


CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC

  1. Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
  2. Facebook: Hương Nguyễn
  3. Fanpage: Hương Nguyễn – Càng kiên trì, càng tiến xa
  4. YouTube: THÓI QUEN NGUYÊN TỬ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here