Đừng tìm động lực, thay vào đó hãy thiết lập môi trường.
1. Động lực có thật sự quan trọng?
- Vì sao bạn biết việc học tiếng Anh rất quan trọng, nó có thể khiến thu nhập của bạn tăng lên, cơ hội trong cuộc sống và công việc cũng mở rộng hơn nhưng bạn vẫn không thể kiên trì với nó?
- Rõ ràng là bạn biết tập thể dục mỗi ngày cực kỳ có lợi cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần, ngoài ra còn có thể đẩy lùi các nguy cơ dẫn tới bệnh tật nhưng bạn vẫn không thể nào biến nó thành thói quen mỗi ngày?
96% trả lời rằng: TÔI CHƯA CHƯA CÓ ĐỘNG LỰC ĐỂ LÀM NÓ.
Bạn có nằm trong 96% đó hay không? Nếu có, đây là video dành cho bạn.
Động lực đang bị thổi phồng, có một thứ còn quan trọng hơn cả động lực. Đó là thứ gì thì mình sẽ tiết lộ cho bạn trong bài viết hôm nay!
Trước hết, ta cần trả lời câu hỏi: Động lực là gì? Và nó có vai trò gì trong cuộc sống của chúng ta?
Định nghĩa động lực
- Theo từ điển Oxford: động lực có nghĩa là 1) một hay nhiều lý do để con người hành động theo một phương hướng nhất định và 2) khát khao hoặc sự sẵn lòng để làm một điều gì đó với lòng nhiệt huyết
Vậy, động lực có vai trò gì trong cuộc sống?
- Động lực mang đến lý do để bạn bắt đầu chinh phục một mục tiêu nào đó
- Động lực góp phần nhỏ vào việc duy trì các hành động tiến tới mục tiêu
Giống như việc học tiếng Anh của bạn vậy! Có thể mức lương cao chưa đủ hấp dẫn để khiến bạn chăm chỉ học tập, nhưng để cưa đổ cô bạn cùng lớp học tiếng Anh, bạn sẽ sẵn sàng dành 2 – 3 tiếng để luyện tập tiếng Anh mỗi ngày. Chính việc tán đổ cô bạn cùng lớp mới là động lực là lý do để bạn bắt đầu. Và khi bạn thấy việc chăm chỉ luyện tập tiếng Anh của mình khiến bạn tiến gần hơn tới mục tiêu có người yêu thì bạn lại có thêm động lực để kiên trì với nó.
Mặt trái của động lực
Thế nhưng, động lực lại là một thứ thiếu tính ổn định. Tại sao mình lại nói vậy! Mình sẽ lấy một ví dụ từ chính trải nghiệm học tiếng Anh của bản thân.
Mình đã có rất rất nhiều lần xây dựng thói quen học tiếng Anh mỗi ngày, mỗi lần mình bắt đầu đều xuất phát tự một động lực khác nhau. Ví dụ như là
- Để lấy đủ 450 điểm Toeic để đạt điều kiện tốt nghiệp đại học
- Để giao tiếp được với người nước ngoài, mình nghĩ mình sẽ đi du lịch vòng quanh thế giới
- Để phục vụ công việc là một giảng viên đào tạo nội tại doanh nghiệp
- Để không thua kém cái đứa mình ghét
- Để chuẩn bị cho lần nhảy việc sắp tới và tăng cơ hội deal một mức lương tốt hơn
- Và lần gần nhất mình học tiếng Anh là để thai giáo cho em bé đang nằm trong bụng của mình.
Thế nhưng chưa lần nào, động lực dẫn mình tới kết quả mình mong muốn. Thậm chí, cái động lực đó dần hao mòn, kiệt quệ và dập tắt luôn hành động dẫn tới mục tiêu ban đầu của mình chỉ sau 1 – 2 tháng.
Động lực là một thứ thiếu tính bền vững. Nó có thể đóng vai trò quan trọng giúp bạn bắt đầu nhưng nó chắc chắn không phải thứ cốt lõi giúp bạn duy trì bền vững.
- Động lực có thể thay đổi theo tâm trạng
- Động lực có thể bị tác động bởi yếu tố bên ngoài
- Đặc biệt, động lực có thể hao mòn theo thời gian
Cho nên, lời khuyên của mình là: thay vì phụ thuộc vào “động lực”, chúng ta nên chú trọng xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc tích cực, tạo điều kiện cho bản thân phát huy tối đa tiềm năng của chính mình.
2. Cám dỗ có thật sự là điều cần tránh xa?
Chúng ta thường hay gắn động từ “cám dỗ” với một điều gì đó không mấy tích cực, thậm chí là xấu xa.
Ví dụ như: cám dỗ bởi quyền lực, cám dỗ bởi tiền tài, cám dỗ bởi đồ ăn nhanh,…
Theo Wikipedia định nghĩa: Cám dỗ là động từ chỉ sự khêu gợi lòng ham muốn đến mực làm cho sa ngã.
Thế nhưng, liệu có phải lúc nào cám dỗ cũng là điều cần tránh xa?
Theo mình thì KHÔNG PHẢI.
- Giá như mình dễ dàng bị bộ môn chạy bộ cám dỗ
- Giá như mình sớm bị cám dỗ bởi những cuốn tiểu thuyết văn học từ sớm
- Giá như mình bị cám dỗ bởi những âm điệu lạ lùng của ngoại ngữ
… thì tuyệt vời biết bao.
Đôi khi, cám dỗ cũng có thể mang đến những khía cạnh tích cực, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bản thân và hoàn thiện nhân cách.
- Cám dỗ tạo cơ hội để con người học hỏi và trưởng thành
- Cám dỗ là động lực thúc đẩy con người phát triển
- Cám dỗ thúc đẩy con người vượt qua giới hạn
- Cám dỗ giúp con người nhận thức rõ ràng giá trị bản thân
Ví dụ: Khi bạn bị cám dỗ bởi thành công của người khác, bạn có thể lấy đó làm động lực để học hỏi, rèn luyện và cố gắng hơn nữa để đạt được thành công tương tự.
Cám dỗ không phải lúc nào cũng xấu. Nó có thể trở thành động lực thúc đẩy con người phát triển, giúp con người nhận thức rõ ràng giá trị bản thân và học hỏi những bài học quý giá. Tuy nhiên, con người cần phải có sự tỉnh táo và bản lĩnh để có thể vượt qua cám dỗ một cách hiệu quả và hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Mình cho rằng, nếu biết tận dụng “cám dỗ” đúng cách, nó sẽ trở thành một loại gia vị cuộc sống, là một thử thách, đúng hơn là một cơ hội để cho ta có thể rèn giũa chính mình, bứt phá và tìm kiếm giá trị của bản thân.
Và trong lĩnh vực rèn luyện thói quen, cám dỗ là một đòn bẩy khá mạnh nếu ta biết tận dụng đúng cách. Và đó cũng là nội dung của phần 3 trong bài viết này!
3. Thiết kế môi trường – Tận dụng “cám dỗ” làm đòn bẩy thói quen
“Tôi chưa bao giờ gặp ai có thể luôn luôn duy trì thói quen tốt trong một môi trường tiêu cực.” – James Clear, tác giả cuốn sách ATOMIC HABITS.
Thói quen xấu thì khó bỏ, thói quen tốt thì khó xây.
Chiến lược dài hạn duy trì thói quen
James Clear cho rằng: Tự kiềm chế là chiến lược ngắn hạn và không thể dùng lâu dài. Bạn chỉ có thể kháng cự cám dỗ được 1 – 2 lần, nhưng bạn khó có thể có khả năng tập trung sức mạnh ý chí để đè bẹp cơn thèm muốn của mình.
Mình hoàn toàn đồng ý với James Clear về quan điểm trên.
Các thói quen tốt thường đem tới cảm giác khó chịu tức thời nhưng về dài hạn nó mang tới sự dễ chịu và tác động tích cực to lớn. Ngược lại thói quen xấu lại dễ dàng mang tới sự thỏa mãn tức thì, còn về dài hạn… như bạn biết rồi đấy, luôn là những tác động không mấy tích cực.
Thay vì chống lại cám dỗ, mình cho rằng chúng ta có thể chủ động tạo ra những cám dỗ có lợi cho chúng ta. Biến những cám dỗ đó thành động lực.
Trải nghiệm cá nhân
Trong 5 năm kể từ lúc bắt đầu rèn luyện cho mình thói quen đọc sách hằng ngày, mình thừa nhận rằng mình đã có rất nhiều khoảng “nghỉ” không đọc, lười đọc, không muốn đọc sách.
Mỗi lần đều có một lý do rất “chính đáng” cho việc không chăm chỉ và thiếu kỷ luật của bản thân. Có khi là bận yêu đương, có lúc do mải đi nhậu, có khi lại do lướt Top Top thú vị hơn, có lúc vì vài lượt like trên facebook mà cày ngày đêm,… chúng xuất hiện một cách rất tình cờ, tự nhiên và mang mình đi xa khỏi thói quen đọc hằng ngày.
Bởi vậy, mình đã rất nhiều lần phải lên kế hoạch LẤY LẠI THÓI QUEN ĐỌC SÁCH.
Bằng cách tận dụng sự “cám dỗ” làm đòn bẩy thói quen, đây là 4 mẹo nhỏ mình luôn áp dụng và lần nào cũng thành công:
- Tạo ra sự cám dỗ đọc sách bằng việc đặt sách ở mọi nơi dễ thấy: bàn làm việc tại công ty, trên đầu giường, cạnh chỗ để túi xách, trong balo, bên trên mặt laptop, cạnh chỗ sạc pin điện thoại.
- Lượt Tiki săn sale sách rẻ. Các deal mua sách giá hời chính là một loại cám dỗ khiến mình muốn mang sách về nhà. Và rõ ràng, khi sách ngập nhà tự nhiên thấy tiếc tiền nên mình lại cầm lên và đọc. Mình không có đam mê mua hàng online trừ mua sách, do vậy nó thật sự rất hữu hiệu với mình, còn với những bạn mê shopping online thì mình không chắc về mẹo này.
- Tới hiệu sách để đọc sách chùa. Khi bạn tới một không gian mà ai cũng cắm đầu vào đọc sách, xung quanh ngập trong sách, thì sự cám dỗ của niềm vui đọc và khám phá điều mới bỗng nhiêu rạo rực lạ thường. Việc bạn cầm một cuốn sách lên và đọc là một hành vi hết sức bình thường đến nỗi hiển nhiên.
- Chủ động kết nối và nói chuyện thường xuyên hơn với những người đọc sách. Chính những chia sẻ về những cuốn sách họ đã đọc, cám dỗ hư vinh về việc được nhiều người ngưỡng mộ vì đọc được nhiều sách hay, có những bài chia sẻ sâu sắc khiến mình muốn bắt chước giống họ.
Vừa hay, những mẹo nhỏ này của mình được James Clear định nghĩa trong cuốn sách ATOMIC HABITS là chiến lược tạo tín hiệu rõ ràng cho các thói quen tốt và khiến các tín hiệu cho các thói quen xấu trở nên vô hình.
Ứng dụng
Câu hỏi đặt ra là: Bạn chọn lợi ích tích cực ở thời điểm tương lai, hay sự thỏa mái ngay tức thời hiện tại?
Câu trả lời chỉ mình bạn mới có đáp án.
Để đào tận gốc thói quen xấu, phá bỏ chúng một cách triệt đề thì ta nên bắt đầu bằng việc giảm bớt tiếp xúc với các tín hiệu gây ra nó.
Giống như là:
- Nếu bạn dường như chẳng bao giờ hoàn thành được việc gì, hãy bỏ điện thoại qua phòng khác trong vài giờ.
- Nếu bạn liên tục cảm thấy mình không đầy đủ, hãy từ bỏ theo dõi các tài khoản MXH kích thích lòng ghen tị và đố kỵ của bản thân.
- Nếu bạn tốn quá nhiều thời gian xem tivi, hãy chuyển tivi ra khỏi phòng ngủ.
- Nếu bạn chơi điện tử quá nhiều, hãy ngắt điện tay cầm điều khiến và cất vào tủ sau mỗi lần chơi.
Tối ưu hóa môi trường là cách tốt hơn để xóa bỏ thói quen xấu thay vì tự kiềm chế bản thân bằng quá nhiều năng lượng và ý chí.
Bạn có những thói quen xấu nào muốn phá bỏ? Hãy để lại dưới bình luận để chúng ta thảo luận xem cách nào giúp bạn thoát khỏi sự vây hãm của chúng nhé!
Đọc thêm:
- Review sách: Thói quen nguyên tử – James Clear
- Cách tốt nhất để bắt đầu một thói quen mới thành công
- Bí quyết rèn luyện thói quen nhẹ nhàng và hiệu quả
MUA SÁCH: TẠI ĐÂY
CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC
- Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
- Facebook: Hương Nguyễn
- Fanpage: Hương Nguyễn Blog
- YouTube: THÓI QUEN NGUYÊN TỬ