Review sách: Sức mạnh của thói quen

Sức mạnh của thói quen - Cuốn sách hay nhất về thay đổi hành vi con người trong tổ chức và cộng đồng. Liệu đây có phải lời nói quá?

0
417
Review sách: Sức mạnh của thói quen - The Power of Habits
Review sách: Sức mạnh của thói quen - The Power of Habits

Sức mạnh của thói quen – The Power of Habits

Đừng cố gắng khuyên bảo ai đó khi họ không chủ động tìm kiếm lời khuyên từ bạn.
Một trong những trăn trở của mình trước hành trình nuôi dạy con sắp tới là: Làm sao để giúp con mình xây dựng thói quen tích cực từ nhỏ?

Mình biết, luôn có nhiều hơn một cách để làm gì đó và ngay từ ban đầu mình không có ý định “bắt ép” con phải làm điều gì đó.

Mình mang câu hỏi này đặt kỳ vọng trong 20 phút đọc cộng hưởng cuốn sách THE POWER OF HABIT của Charles Duhigg và một vài điều đã được làm sáng rõ.

Thứ nhất, luôn có nhiều hơn 1 con đường đi từ điểm A tới điểm B. Thứ hai, “để thành công, họ cần một thói quen chủ chốt để tạo ra một môi trường giúp tìm ra sức mạnh vượt qua trở ngại.”

Từ đây mình đã chọn ra 3 thói quen chủ chốt mà mình sẽ giúp con xây dựng ngay từ nhỏ:

  • Thói quen đọc (học)
  • Thói quen đúng giờ
  • Thói quen lắng nghe

Đây là 3 thói quen mà mình cho rằng là tiền đề để con có thể phát huy toàn diện sức mạnh cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ.

Review sách: Sức mạnh của thói quen - The Power of Habits
Review sách: Sức mạnh của thói quen – The Power of Habits

Nhiệm vụ của mình lúc này và cả sau này nữa là tạo ra môi trường cho thói quen đó được kích hoạt từ những hành động đơn giản từ bây giờ như:

  • Ngủ đúng giờ
  • Thức dậy đúng giờ
  • Đọc và ghi chép hằng ngày
  • Thai giáo ngôn ngữ cho con mỗi ngày.

Tất nhiên đây là những gì mình đã, đang và sẽ làm khi con còn trong bụng; khi con chào đời, thì một vài hoạt động khác cũng cần được thêm vào. Ví dụ như:

  • Đọc sách cùng con.
  • Đặt kệ sách trong phòng của con.
  • Cùng con thức dậy đúng giờ
  • Cùng con đi ngủ đúng giờ
  • Chia sẻ câu chuyện hằng ngày với con
  • Trò chuyện cùng con
  • Lắng nghe những ngôn ngữ của riêng con và thuật lại bằng ngôn ngữ của bản thân.
  • Làm gương cho con.

Tất nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn hành động. Nhưng mình tin với tiền đề là người có năng lực lắng nghe và đọc sách, cũng như ý thức về thời gian thì đây không phải hành trình quá khó khăn với mình.

Chỉ là thói quen ngủ và thức đúng giờ với mình hiện tại vẫn đang là một bài toàn lớn bởi những sự thay đổi của cơ thể trong những tuần cuối thai kỳ khiến giấc ngủ của mình đang giảm sút rất nhiều.

Với mục tiêu trở thành kiểu người có tinh thần TỰ HỌC chăm chỉ và kiên trì, mình đặt nhiều lòng tin ở bản thân. Mình sẽ làm được nó!

Bài học đúc rút từ cuốn sách “Sức mạnh của thói quen”

Một cuốn sách đều mở ra cho mình những góc nhìn mới hoặc củng cố cho những niềm tin mà mình đang đi tìm dẫn chứng và “đồng minh”. Và cuốn sách The Power of Habits cũng không ngoại lệ.

Dưới đây là 5 bài học đắt giá mà mình đúc rút được từ cuốn sách này!

Bài học số 1 – Khi thói quen được hình thành…!

Khi một thói quen hình thành, não bộ ngừng tham gia hoàn toàn vào việc ra quyết định.

Giống như buổi sáng thức dậy, bạn vô thức với tay và uống một cốc nước lọc, đi vào nhà vệ sinh đánh răng và rửa mặt mỗi ngày vậy. Hoàn toàn không cần dùng tới ý chí nhưng nó vẫn cứ diễn ra như một con robot được lập trình.

Thú thực thì mình đang cố gắng biến thói quen dậy sớm và ngủ đúng giờ của mình thành một hoạt động hằng ngày mà không cần nỗ lực như vậy. Nói một cách khác, mình muốn vặn lại đồng hồ sinh học của bản thân theo đúng lịch trình mong muốn 11 giờ buồn ngủ – 6 giờ sáng rời giường.

Trong cuốn sách SỨC MẠNH CỦA THÓI QUEN của tác giả Charles Duhigg có chia sẻ rằng: Cách thói quen mới được hình thành là đặt một gợi ý, một hành động và một phần thưởng cùng nhau, sau đó tạo một sự thèm khát làm động lực cho vòng lặp.

Đây cũng là điều được James Clear, tác giả cuốn sách THÓI QUEN NGUYÊN TỬ áp dụng vào hệ thống xây dựng thói quen tốt – loại bỏ thói quen xấu mà mình đã chia sẻ cực kỳ chi tiết ở các bài viết trước trên trang cá nhân. Bạn cũng có thể xem bài viết tổng hợp qua blog cá nhân của mình.

Quay trở lại bài toán dậy sớm và ngủ đúng giờ mỗi tối của mình, theo tác giả Charles Duhigg, nguyên tắc để thay đổi một thói quen bằng cách tạo ra sự thèm khát mới, trên gợi ý cũ và phần thưởng cũ.

Ông tin rằng, việc xóa bỏ một thói quen xấu là rất khó, thậm chí là không thể nhưng thay đổi chúng thì hoàn toàn khả thi.

Trước hết nói về thói quen ngủ không đúng giờ của mình. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc ngủ không đúng giờ của mình – ngủ muộn là do mình mải xem điện thoại. Mình thường xem review phim trên FB khi nằm lên giường trước khi đi ngủ. Từ đó, khiến mình bị cuốn vào và video phim được đề xuất rất khéo léo của FB và mắt mình cứ cố mở to ra để xem cho hết video này tới video khác. Thậm chí mình còn cố chống lại cơn buồn ngủ để tiếp tục thỏa mãn sự tò mò qua từng đoạn review phim.

Theo gợi ý của tác giả Charles Duhigg, để thay đổi thói quen, trước hết mình cần tìm ra cơn thèm khát khiến hành động của thói quen đó được diễn ra.

Review sách: Sức mạnh của thói quen - The Power of Habits
Review sách: Sức mạnh của thói quen – The Power of Habits

Cơn thèm muốn của mình khi xem review phim trước khi ngủ chính là sự buồn chán muốn tìm đến một cái gì đó để giải trí. Vậy GIẢI TRÍ chính là key-word quan trọng để tìm ra phương án thay đổi thói quen.

Việc mình cần làm là: thay thế hành động cũ đáp ứng cơn thèm khát của bản thân bằng một hành động mới lành mạnh hơn.

Sau đó, mình đã chọn cầm cuốn tiểu thuyết văn học lên giường thay cho chiếc điện thoại. Những tình tiết trong cuốn tiểu thuyết đáp ứng “vừa khít” cơn thèm khát GIẢI TRÍ trước khi đi ngủ của mình. Đồng thời nó giúp não bộ mình bớt vài phần “mệt mỏi” so với việc nhìn vào một màn hình ánh sáng xanh của điện thoại – thức kích thích chúng ta tiết ra các chất ngăn chặn cơn buồn ngủ.

Gần đây, mình đã và đang áp dụng khá hiệu quả việc thay đổi thói quen xem review phim trước khi ngủ bằng việc đọc tiểu thuyết văn học. Chính sự thay đổi này có tác động một phần rất lớn trong việc đi ngủ đúng giờ.

Đối với việc thức dậy đúng giờ với mình vẫn là một bài toàn đang giải dở dang. Chính xác là mình chưa tìm được phần thưởng phù hợp cho việc dậy sớm hiện này.

Trước đây, mình từng dậy sớm, nó diễn ra khoảng 2 năm rồi bị gián đoạn, sau đó được hình thành lại, rồi lại bị gián đoạn, cứ bấp bùng như vậy cho tới bây giờ.

Giai đoạn gần nhất mà mình có thói quen dậy sớm lúc 6 giờ là cách 1 tháng về trước, khi đó phần thưởng mình dành cho bản thân mỗi ngày dậy sớm là 1 tiếng chép kinh Phật. Giờ kinh Phật chép xong, nhưng thói quen thì chưa hoàn toàn được thiết lập, mình phải dùng rất nhiều ý chí mới có thể rời giường đúng giờ. Quả là một thử thách khá gian nan.

Tất nhiên mình hoàn toàn có thể đổ lỗi cho việc mang thai những tháng cuối khiến cơ thể mình khá mệt mỏi vào mỗi buổi sáng thức dậy, nhưng chắc chắn đó không phải là tất cả.

Do vậy, mình vẫn đang cố gắng tìm kiếm phần thưởng thích hợp để thôi thúc cơn thèm khát bên trong mình, khiến cho việc rời giường vào mỗi buổi sáng trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Nếu bạn có ý tưởng nào hay ho, mong bạn sẽ chia sẻ cho mình nhé!

Bài học số 2 – Thói quen chủ chốt

Nếu bạn tập trung vào thay đổi hay tu dưỡng những thói quen CHỦ CHỐT, bạn có thể tạo ra sự chuyển đổi rộng rãi.

Câu hỏi đặt ra là: Thói quen chủ chốt là gì?

Để trả lời cho câu hỏi này, hãy đi tới một nghiên cứu được chia sẻ trong cuốn sách SỨC MẠNH CỦA THÓI QUEN của tác giả Charles Duhigg như sau:

Vào khoảng những năm 2000, kiến thức phổ về cách giảm cân tốt nhất là thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ. Bác sĩ đưa cho các bệnh nhân béo phì chế độ ăn uống nghiêm ngặt và khuyên họ tham gia tập thể hình, tham dự những buổi tư vấn thường xuyên – có thể tham dự mỗi ngày – và chuyển đổi hoàn động hằng ngày, ví dụ như leo câu thang bộ thay vì dùng thang máy. Người ta nghĩ chỉ bằng cách làm xáo trộn hoàn toàn cuộc sống của ai đó mới có thể triệt bỏ được thói quen xấu của họ.

Nhưng qua thời gian dài xem xét hiệu của những phương pháp đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra mình đã thất bại. Các bệnh nhân sẽ đi cầu thang vài tuần những đến cuối tháng, nảy sinh nhiều rắc rối. Họ bắt đầu ăn kiêng và tập thể hình, nhưng sau khi sự nhiệt tình lần đầu tiên giảm dần, họ trở lại thói quen cũ là ăn uống va xem tivi.

Thay đổi quá nhiều cùng lúc làm cho sự thay đổi không còn hiệu quả nữa.

Sau đó, năm 2009, một nhóm các nhà nghiên cứu do Viện Sức khỏe Quốc gia hỗ trợ xuất bản một nghiên cứu về một cách tiếp cận khác để giảm cân. Họ tập hợp một nhóm 600 người béo phì và yêu cầu họ tập trung viết ra mọi thứ họ ăn ít nhất một ngày trong tuần.
Kết quả, sau 6 tháng nghiên cứu, những người lưu lại danh sách món ăn hàng ngày giảm cân hơn 2 lần những người khác.

Các nhà nghiên cứu đã không đề ra bất cứ thói quen nào trong đó. Đơn giản họ chỉ yêu cầu mọi người viết những gì họ ăn mỗi tuần 1 lần. Nhưng thói quen chủ chốt đó – ghi lại danh sách món ăn – tạo ra một cấu trúc giúp những thói quen khác phát triển.

Từ đây, ta có thể đúc rút được, thói quen chủ chốt là một loại thói quen “kích hoạt” những thói quen khác được hình thành trong cuộc sống, công việc, mối quan hệ,…

Review sách: Sức mạnh của thói quen - The Power of Habits
Review sách: Sức mạnh của thói quen – The Power of Habits

Ví dụ 

Lấy trải nghiệm của bản thân mình làm ví dụ, mình nhận ra thói quen đọc sách của mình đóng vai trò là thói quen chủ chốt trong cuộc sống của mình trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây.

Mình đã từng chia sẻ về lý do ban đầu khiến mình quyết định đọc sách là bởi mình muốn “cai nghiện facebook”. Thế nhưng, những “phản ứng” dây chuyền từ từ diễn ra sau đó.
Khi nhìn lại toàn bộ cuộc sống của mình từ ngày mình quyết định cầm độc một cuốn sách chạy lên sân thượng ngồi một mình để đọc, “bánh xe” cuộc đời đã thay đổi từ đó.

Điều đầu tiên là mình đã cai nghiện được FB nói riêng và MXH nói chung, việc này giúp mình học được một thói quen khác tích cực hơn đó là không so sánh bản thân với người khác, tập trung vào bên trong nội lực của mình.

Thứ hai, mình chú tâm hơn tới sức khỏe bao gồm cả thể chất lẫn tinh thần. Mình bắt đầu xây dựng thói quen ngủ sớm và dậy sớm. Tiếp đó là thói quen ăn uống lành mạnh, mình còn nhớ lần đầu tiên mình đạt mốc 40 kg trong đời là sau khi mình thực hiện chế độ ăn sạch eat clean và duy trì thói quen tự nấu ăn ở nhà.

Từ thói quen tự nấu ăn ở nhà mình cũng chuyển hướng đến các thói quen chăm sóc cơ thể tại nhà như: gội đầu bằng bồ kết tự nấu, tẩy da chết body, để ý nhiều hơn tới chất lượng quần áo thay vì chạy theo số lượng.

Tiếp tục từ thói quen chú tâm vào chất lượng thay vì chất lượng mình đã ngưng việc mua sắm online bừa bãi, bỏ tiền chạy theo đống mỹ phầm skin care vô tội vạ nhưng vẫn đảm bảo có làn da khỏe mạnh nhờ thói quen ăn uống lành mạnh.

Các thói quen tốt khác cũng dẫn được hình thành sau đó. Ví dụ thói quen tự học, xem các kênh YouTube phát triển bản thân, viết nhật ký, giờ là viết hằng ngày…

Chuỗi dây chuyền này cho mình biết được, mình đã chọn đúng thói quen chủ chốt để “cải vận” của chính mình.

Tất nhiên, chúng ta sống trên nền tảng khác nhau, theo đuổi những giá trị khác nhau, mục tiêu khác nhau nên thói quen đọc sách có thể là thói quen chủ chốt với mình, nhưng nó không có nghĩa là phù hợp với bạn.

Lời khuyên

Có lẽ tới đây, bạn sẽ băn khoăn, làm sao để tìm xác định được thói quen chủ chốt.

Thú thực thì mình phải thừa nhận là mình không hề biết thói quen đọc sách sẽ là thói quen chủ chốt cho cuộc sống của mình sau 5 năm áp dụng. Và nếu nó trở thành thói quen chủ chốt của mình tới thời điểm này thì hoàn toàn là do mình “ăn may”. Mình thật sự chưa nghiệm ra công thức, hay quy trình để tìm ra thói quen chủ chốt và chưa chia sẻ được đến cho bạn. Mình rất lấy làm tiếc vì điều này.

Mình kỳ vọng rằng trong các chương sau đó của cuốn sách sẽ mang tới lời giải câu hỏi này, và mình nhất định sẽ chia sẻ lại với bạn.

Bởi vậy, trong khi chờ đợi câu trả lời, thì mình nghĩ chúng ta có thể bắt đầu từ những thói quen nhỏ, những thói quen thông dụng mà nhiều người thành công thường áp dụng. Phải có gì đó “ẩn sâu” sau những thói quen đó thì mới được nhiều người thành công ứng dụng chứ, phải không?

Một vài gợi ý dành cho bạn:

  • Ghi chép chi tiêu cá nhân – Quản lý tài chính cá nhân
  • Thói quen đọc
  • Thói quen tự học
  • Thói quen dậy sớm
  • Thói quen viết hằng ngày.
  • Thói quen lập to-do list
  • Thói quen thiền định
  • Thói quen tập thể dục
  • Thói quen ăn uống lành mạnh.
  • Thói quen đúng giờ

Mình mong rằng, bạn sẽ sớm tìm ra thói quen chủ chốt cho cuộc đời mình.

Bài học số 3 – Nghị lực

“Nghị lực không phải chỉ là một kỹ năng. Nó là sức lực giống như sức lực của tay hay chân bạn và nó mỏi mệt khi nó làm việc nhiều hơn, nên chỉ có lại ít sức lực cho những thứ khác”

Bởi vậy, mình nghĩ rằng bản thân cần NGƯNG ĐA NHIỆM, NGƯNG ĐA MỤC TIÊU, nên tập trung vào 1 việc, 1 mục tiêu ở 1 thời điểm.

Review sách: Sức mạnh của thói quen - The Power of Habits
Review sách: Sức mạnh của thói quen – The Power of Habits

Bài học số 5 – Khủng hoảng là cơ hội

Thỉnh thoảng “khủng hoảng” sẽ trở thành cơ hội VÀNG buộc ta phải dừng lại và nhìn nhận điều gì đang thực sự diễn ra.

Giống như, bạn đột ngột bị chẩn đoán mắc bệnh đại tràng, ta bỗng muốn dừng lại để xem xét cách ta ăn uống, sinh hoạt và tập luyện mỗi ngày. Ta bỗng thấy bản thân cần có trách nhiệm với sức khoẻ đang “bật chuông” báo động.

Ta lên kế hoạch tập luyện, bổ sung dinh dưỡng, điều chỉnh thực đơn, kiêng bia rượu, thuốc lá, điều chỉnh lịnh trình sinh hoạt, nghỉ ngơi.

Ta cho bản thân cơ hội hay đúng hơn là ép mình bước vào vòng lặp của những thói quen mới.

Review sách: Sức mạnh của thói quen - The Power of Habits
Review sách: Sức mạnh của thói quen – The Power of Habits

Nếu mang sự quyết tâm cao hoặc bằng sự “sợ hãi” đủ lớn, rất có thể lối sống của ta sẽ hoàn toàn thay đổi sau đó, theo hướng tích cực hơn.

Ngược lại, nếu ta xem xét với cái nhìn bi quan, có thể là cho rằng sẽ không thể có điều gì được thay đổi với sự thật trước mắt. Ta thả trôi mọi sự cho số phận, sống chung với căn bệnh “chết tiệt” kia.

“Khủng hoảng” sẽ là sức mạnh giúp tạo xây dựng lại hệ thống thói quen mới tích cực hơn hoặc phá huỷ hoàn toàn lòng tin của ta về hệ thống.

Tất cả dựa vào sự lựa chọn của mỗi người.

Đánh giá sách: Sức mạnh của thói quen – The Power of Habits

Sức mạnh của thói quen – Có điểm nhấn nhưng không đạt kỳ vọng.

Tối nay mình đã hoàn thành xong cuốn SỨC MẠNH CỦA THÓI QUEN – tác giả Charles Duhigg.

Mình kỳ vọng ở cuốn sách này là những giải thích khoa học rõ ràng cùng những chỉ dẫn ở dạng “cầm tay chỉ việc” hơn là những nghiên cứu hàn lâm.

Đồng ý cuốn sách làm tốt trong việc chỉ ra sức mạnh to lớn của thói quen đối với cá nhân, tổ chức và cả trong cộng đồng nhưng nó chưa đủ để làm thỏa mãn mình.

Có lẽ mình đã đặt kỳ vọng hơi quá cho một cuốn sách tập trung giải quyết vấn đề về mặt TƯ DUY – NHẬN THỰC bằng những nghiên cứu và dẫn chứng để làm sáng tỏ 1 luận điểm được đưa ra rất rõ ràng từ trong tựa của cuốn sách. Sự tham lam của mình không thể dùng để phủ định những giá trị mà cuốn sách mang tới. Cuốn sách này cần nhiều hơn 1 tuần để chiêm nghiệm sâu hơn.

Mặc dù không đạt được kỳ vọng “tham lam” của mình nhưng cuốn sách mang tới 2 điểm nhấn rất thú vị cho mình. Mình nghĩ đây là 2 điểm cực kỳ có giá trị với bản thân mình trong hiện tại.

1. Thói quen chủ chốt

Đây là khái niệm đầu tiên mình biết tới khi đọc cuốn sách này. Và khi nhìn lại những trải nghiệm cá nhân mình phát hiện ra mình có những thói quen chủ chốt rất đáng giá như:

  • Thói quen đọc sách
  • Thói quen viết và đúc kết
  • Thói quen theo dõi thu chi cá nhân

Những thói quen này dẫn mình tới rất nhiều các thói quen tích cực khác, cũng như giúp mình loại bỏ nhiều thói quen độc hại từng tồn tại trong cuộc sống của mình.

Ví như, mình đã loại bỏ được các thói quen như:

  • Thói sân si, soi mói
  • Thói mua sắm mất kiểm soát
  • Thói ăn uống kém lành mạnh.
  • Thói chi tiêu bốc đồng…

Mình nghĩ rằng, ai cũng nên tìm cho bản thân bộ thói quen chủ chốt để rèn luyện, khi rèn luyện được chúng rồi, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh các thói quen khác của bản thân.

Review sách: Sức mạnh của thói quen - The Power of Habits
Review sách: Sức mạnh của thói quen – The Power of Habits

2. Thay đổi thói quen bằng việc thay thế các hành vi sau những gợi ý để mang tới cùng một phần thưởng

Lấy thói quen của chồng mình làm ví dụ.

Anh có thói quen uống nước ngọt có ga mỗi khi ngồi vào máy tính để chơi game. Uống nước ngọt có ga hằng ngày là một thói quen rất có hại cho sức khỏe, mặc dù nó mang lại cảm giác đã khát ngay tức thì.

Khi nhận thức được sự ảnh hưởng của việc uống nước ngọt có ga thường xuyên rất có hại cho bản thân, chồng mình đã điều chỉnh hành vi bằng cách đổi loại thức uống.

Với gợi ý ngồi xuống máy tính để chơi game, chồng mình đã pha nước hoa qua ngâm và bỏ thật nhiều đá lạnh để mang tới cảm giác đã khát, thoải mái tương tự giống nước ngọt.

Bởi anh nhận ra, thứ anh thật sự cần không phải lon nước ngọt có ga, mà là sự thoải mái sau khi uống từng ngụm nước ngọt mát vào trong cuống họng.

Bằng một thay đổi hành vi rất nhỏ thói, chồng mình đã từ từ thoát khỏi vòng “vây hãm” của các sản phẩm đóng chai không dinh dưỡng trước đây. Đối với chồng mình và cả mình, đây là một bước đột phá. Mình không hi vọng rằng thói quen uống nước ngọt của anh sẽ khiến con trai của mình học theo và nạp vào người những thành phần năng lượng không dinh dưỡng này quá sớm.

Muốn thay đổi thói quen, bạn phải phá vỡ những việc làm tùy hứng hằng ngày bằng những hành vi có kiểm soát.

“Đầu tiên, chúng ta tạo nên thói quen và sau đó chính thói quen thống trị và điều khiển chúng ta”. – John Dryden.

Điểm đánh giá: 7.0/10

MUA SÁCH: TẠI ĐÂY

Một vài gợi ý khác cho bạn

Bạn chắc chắn sẽ muốn đọc các cuốn sách tuyệt vời khác. Mời bạn đến với chuyên mục: Review sách nhé!

Các đầu sách khác:


CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC

  1. Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
  2. Facebook: Hương Nguyễn
  3. Fanpage: Hương Nguyễn Blog
  4. YouTube: THÓI QUEN NGUYÊN TỬ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here