Tiếp tục series rèn luyện thói quen – Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ!
1. Nguyên tắc số 2 là gì?
Không phải tự nhiên mà…
- Cửa hàng trưng bày các cô ma-rơ-canh với vòng eo siêu nhỏ, bộ ngực cường điệu và đôi chân dài kiếm Nhật để bán hàng.
- Mạng xã hội cung cấp nút like, biểu tượng cảm xúc và những comment tung hô như đẹp quá, giỏi quá, mê quá chỉ trong vài phút, nhanh và nhiều hơn tất cả số lần bạn nhận được ở công ty hay ở nhà cộng lại.
- Quảng cáo được tạo ra bởi sự kết hợp phóng đại từ trang điểm, đạo cụ, ánh sáng, biểu cảm nhằm tạo ra những kích thích đầy cảm dỗ cho người xem.
Tất cả chúng đều đóng vai trò khiến cho chúng ta HÀNH ĐỘNG:
- Khách hàng dễ dàng ra quyết định mua hàng bởi hi vọng quần áo mặc lên người mình cũng “mê người” giống con ma-rơ-canh ở cửa hàng.
- Người dùng tải và dành thời gian cho mạng xã hội hơn vì nó thỏa mãn được sự “hư vinh” thầm kín bên trong mỗi người.
- Người xem tìm mua sản phẩm được quảng cáo với hi vọng bản thân sẽ đạt được “hình mẫu” được tô vẽ hoàn hảo trong quảng cáo.
Ở bài viết trước, mình đã chia sẻ 4 giai đoạn phát triển của bất kỳ một thói quen nào đó là: TÍN HIỆU – CƠN THÈM MUỐN – PHẢN HỒI – PHẦN THƯỞNG.
Tất cả sự “phông bạt” đằng sau mỗi cửa hàng thời trang, nền tảng mạng xã hội, mẩu quảng cáo chính là một dạng TÍN HIỆU kích thích CƠN THÈM MUỐN có được PHẦN THƯỞNG cuối cùng, để khiến chúng ta PHẢN HỒI bằng những hành động cụ thể.
Và đây cũng là nội dung của nguyên tắc số 2 – rèn luyện thói quen nguyên tử được tác giả James Clear chia sẻ trong cuốn sách THÓI QUEN NGUYÊN TỬ của mình.
Nguyên tắc số 2 được phát biểu như sau: “Nếu bạn muốn tăng cơ hội xảy ra một hành vi, bạn cần khiến cơn thèm muốn về nó trở nên hấp dẫn.”
Chính dự cảm về phần thưởng ta sẽ nhận được mới là thứ thôi thúc chúng ta hành động.
Giống như là:
- Khi ta còn bé, cảm giác mong nghĩ về ngày nghỉ lễ Tết Nguyên Đán có khi còn tuyệt hơn là khi mở lì xì.
- Khi ta lớn rồi thì mơ mộng ban ngày về một kỳ nghỉ 30/04 – 01/05 sắp tới có thể khoan khoái hơn cả khi ta thực sự trong kỳ nghỉ.
- Khi ta nấu ăn, cảm giác muốn nếm thử 1-2 miếng từ trên nồi (ăn vụng) khiến ta cảm thấy thích thú hơn sau khi ngồi xuống mâm ăn chính thức.
Vậy làm thế nào đến khiến cơn thèm muốn trở nên hấp dẫn?
2. Biến một thói quen trở nên khó cưỡng
Trước khi trả lời cho câu hỏi làm thế nào để khiến cơn thèm muốn trở nên hấp dẫn, chúng ta phải trả lời được cho 2 câu hỏi sau:
- Cơn thèm muốn là gì?
- Cách thức nó hoạt động ra sao?
Thèm muốn là động cơ thúc đẩy hành động. Mỗi một hành động được thi hành là vì sự dự cảm xảy ra trước đó. Chính cơn thèm muốn đã dẫn tới phản ứng.
- Giống như việc, một tay nghiện cờ bạc bị kích thích bởi cơn thèm muốn “đổi đời sau một ván cược” đã thôi thúc anh ta xuống tay đặt hết số tiền mình có vào ván cược thay vì kiên nhẫn làm thuê nhiều ngày để nhận về một nguồn thu nhập ổn định nhưng ít ỏi.
- Hay như cách bạn chọn một que kem mát lạnh vừa lấy trong tủ lạnh thay vì một cốc nước ấm trong ngày hè nắng gắt là hành vi được kích thích bởi cơn thèm muốn được giải nhiệt ngay tức thì mang tới.
Dựa vào nguyên lý trên, mà James Clear đã chia sẻ nguyên tắc số 2 trong thay đổi hành vi là khiến cho thói quen trở nên HẤP DẪN.
Chính sự mong đợi của một trải nghiệm mang tính tưởng thưởng đã tạo động lực cho ta hành động vào lúc ban đầu. Từ đó, công thức chồng lớp thói quen kết hợp bao bọc cảm dỗ đã ra đời.
- Sau khi làm [THÓI QUEN HIỆN TẠI], tôi sẽ làm [THÓI QUEN MỚI]
- Sau [THÓI QUEN TÔI CẦN], tôi sẽ thực hiện [THÓI QUEN TÔI MUỐN]
Ví dụ:
- Nếu bạn muốn đọc tin tức nhưng bạn cần phải thực hành lòng biết ơn:
- Sau khi uống tách cà phê sáng (thói quen hiện tại), tôi sẽ nói một lời cảm ơn về những điều đã xảy ra trong ngày hôm qua (thói quen mới)
- Sau khi tôi thực hành lòng biết ơn (thói quen cần), tôi sẽ đọc tin tức (thoi quen muốn)
2. Nếu bạn muốn xem phim Netflix, nhưng bạn cần đọc sách:
- Sau khi tôi ăn tối (thói quen hiện tại), tôi sẽ đọc 10 trang sách (thói quen mới).
- Sau khi tôi đọc 10 trang sách (thói quen cần), tôi sẽ xem phim trên Netflix (thói quen muốn).
Bộ đôi công thức trên dựa trên nguyên lý bao bọc cám dỗ (thứ ta thèm muốn bên trong thứ chúng ta cần làm). Nghĩa là, thứ ta thèm muốn đóng vai trò như một phần thưởng cho những gì ta cần làm.
- Sau khi bạn đọc xong 10 trang sách bạn sẽ nhận được phần thưởng là xem phim Netflix.
- Sau khi bạn thực hành thiền biết ơn, bạn sẽ nhận được phần thưởng là đọc tin tức.
Bao bọc cám dỗ là một cách làm cho thói quen của bạn trở nên hấp dẫn hơn. Chiến lược này sẽ kết đôi với một hành động bạn muốn thực hiện với một hành động bạn cần phải làm.
Nguyên tắc số 2 để thay đổi hành vi: KHIẾN NÓ TRỞ NÊN HẤP DẪN dựa trên giai đoạn thứ 2 trong trình tự vòng lặp thói quen là CƠN THÈM MUỐN.
Khiến cơn thèm muốn rõ nét bằng cách khiến cho nó liên kết với một phần thường HẤP DẪN, THU HÚT và KHÓ CƯỠNG là chiến lược kích thích HÀNH VI được thực hiện.
Ngược lại, nếu muốn dừng hành vi nào đó, hoặc ngăn chặn nó xảy ra, bạn cần khiến cơn thèm muốn biến mất hoặc trở nên khó chịu.
3. Ứng dụng – Cách nhà quảng cáo thao túng chúng ta
Nếu bạn để ý, việc tạo ra những cơn thèm muốn được áp dụng rất nhiều trong các công thức viết content bán hàng như:
- Công thức AIDA: Gây chú ý – Tạo hứng thú – Tạo mong muốn – Hành động. Mục đích cuối cùng là dẫn tới hành động của khách hàng bằng cách tạo ra cơn thèm muốn của họ, khiến họ liên tưởng tới phần thưởng sẽ nhận được sau khi hành động.
- Công thức PAS: Problem (Vấn đề) – Agitate (Kích thích) – Solve (Giải pháp). Cũng giống công thức ở trên, giải pháp ở đây chính là dịch vụ/sản phẩm của chúng tôi. Hãy mua tôi đi/dung thử tôi đi/inbox cho tôi… Đây sẽ là phần thưởng của cơn thèm muốn giải quyết vấn đề đã được khuếch đại đôi chút “thái quá” của nhà bán hàng.
Thậm chí, bạn cũng có thể bắt gặp việc ứng dụng cơn thèm muốn này trong các tiêu đề “giật tít” như là: hiệu quả nhất, nhanh nhất, tiết kiệm nhất, thành công, miễn phí,… có cả 1 bộ hơn 60 từ khóa thôi miên chuyên dùng để lồng ghép vào các tiêu đề, khiến cho bài content hay quảng cáo trở nên khó cưỡng đối với khán giả.
Bạn thấy không, nguyên tắc số 2, khiến cơn thèm muốn trở nên hấp dẫn không chỉ mang tới lợi ích trong việc rèn luyện thói quen mà còn được các nhà quảng cáo, tiếp thị, bán hàng sử dụng để thao túng chúng ta mua hàng của họ.
Có thể thấy, nguyên tắc số 2 – khiến nó trở nên hấp dẫn là một nguyên tắc rất mạnh trong việc thay đổi hành vi con người. Cho nên, bạn nhất định phải ứng dụng nó vào cuộc sống của mình để chủ động tạo nên những hành vi và thói quen mà mình mong muốn nhé!
Đọc thêm:
- Review sách: Thói quen nguyên tử – James Clear
- Cách tốt nhất để bắt đầu một thói quen mới thành công
- Bí quyết rèn luyện thói quen nhẹ nhàng và hiệu quả
- Động lực và cám dỗ – Đòn bẩy duy trì thói quen
MUA SÁCH: TẠI ĐÂY
CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC
- Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
- Facebook: Hương Nguyễn
- Fanpage: Hương Nguyễn Blog
- YouTube: THÓI QUEN NGUYÊN TỬ