Review sách: Bốn Thỏa Ước – Bí quyết sống TỰ DO, BÌNH AN, HẠNH PHÚC giữa thế giới BẤT ĐỊNH

Bốn Thỏa Ước - Cuốn sách hé lộ những giác ngộ bất ngờ về TỰ DO giữa thế giới BẤT ĐỊNH. Giải phóng bạn ra khỏi ngục tù tăm tối của cuộc đời!

2
642
Review sách: Bốn thỏa ước
Review sách: Bốn thỏa ước

“Đây là cuốn sách cực kỳ hữu ích mà bạn có thể áp dụng để ứng phó với mọi lời chỉ trích dưới bất kỳ hình thức nào.” – Trang tin HuffPost.

Giới thiệu sách: Bốn Thỏa Ước – Don Miguel Ruiz & Janet Mills

Mình biết tới cuốn sách Bốn Thỏa Ước này từ khá lâu về trước, chắc khoảng 3 – 4 năm về trước qua lời giới thiệu của chị Chi Nguyễn (The Present Writer). Không biết vì duyên cớ làm sao mà tới nay, năm 2024 mình mới quyết định đặt sách và đọc.

Ban đầu mình cứ nghĩ đây là một cuốn sách triết học khó đọc, cũng là một cuốn sách dày dặn nhiều trang nhưng hóa ra đó chỉ là những phỏng đoán riêng của mình. Sự thật thì cuốn sách chỉ vỏn vẹn 189 trang (chưa tới 200) với 7 chương sách viết rất ngắn gọn và dễ hiểu. Điều này khiến mình có chút bất ngờ khi nhận sách về tay.

Và sự bất ngờ nối tiếp bấp ngờ khi nội dung trong sách rất phù hợp với thế giới quan của mình, đồng thời khai mở cho mình nhiều tư duy tích cực về cuộc sống.

Review sách: Bốn thỏa ước
Review sách: Bốn thỏa ước

Mình đã dành 7 ngày – mỗi ngày đọc 1 chương sách để nghiền ngẫm, suy nghĩ thật sâu và kỹ những gì tác giả chia sẻ. Và mình biết ơn vì tất cả trải nghiệm mình có được từ cuốn sách này.

Chúng ta cùng xem bên trong cuốn sách nhỏ bé chứa đựng bí quyết gì mà khiến nó trở nên nổi tiếng và bán chạy trong suốt hơn một thập kỷ như vậy nhé!

Bốn Thỏa Ước – Giải phóng sự giam cầm & trả lại tự do

Mình bắt đầu cuốn sách này bằng 20 phút đọc cộng hưởng – phương pháp đọc mà mình từng nhắc trong bài viết trước TẠI ĐÂY.

Sau khi cộng hưởng xong, mình nhận ra mình cần sát sao hơn nữa trong bản kế hoạch tuần và to-do list mỗi ngày của bản thân. Có vẻ chúng còn hơi “nhẹ đô” với khả năng của mình, hay nói cách khác mình vẫn cho bản thân cơ hội để “lười biếng” và xao nhãng.

Review sách: Bốn thỏa ước
Review sách: Bốn thỏa ước

Cũng từ cuốn sách này mình lần nữa được nhắc nhở rằng:

  1. Biết mình là ai? là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn bước tới sự bình an trong tâm khảm, hạnh phúc và tự do
  2. Giấc mơ ở chung với sợ hãi thì sẽ thành ác mộng. Muốn có mộng đẹp ta phải bước qua được tảng đá sợ hãi kia.
  3. Tự do sẽ đến nếu ta hiểu rằng làm hài lòng bản thân mới là điều quan trọng. Ta sẽ mãi bị cầm tù nếu chỉ đang cố gắng làm hài lòng người khác để lấy được sự chấp nhận từ họ.
  4. Thở thôi cũng là một loại hạnh phúc, hãy hít thở sâu với lòng biết ơn để hạnh phúc luôn căng đầy.

Cuối cùng, điều mình cần hành động ngay lúc này là: Lên kế hoạch cho mọi mục tiêu và thực hiện theo dõi, đánh giá bằng checklist cụ thể.

Cùng mình khám phá “Bốn thỏa ước – Bí quyết sống tự do, bình an, hạnh phúc giữa thế giới bất định” này nhé!

1. Thỏa ước thứ nhất – Sử dụng ngôn từ tích cực

Cách phá bỏ sự “giam cầm” trong tâm trí bạn…

Tâm trí ta là một mảnh đất màu mỡ, và những ngôn từ ta tiếp nhận vào tâm trí chính là hạt giống chờ gặp đất để trổ cây.

Câu hỏi đặt ra là: Bạn muốn mảnh đạt màu mỡ của mình mọc ra những cây mang trái ngọt, hoa thơm hay mặc cho mảnh đất ấy “ươm” lên những mầm cỏ dại?

Trong cuốn sách BỐN THỎA ƯỚC có một ý rất hay như thế này:

“Ngôn từ như con dao hai lưỡi, ngôn từ có thể KIẾN TẠO những giấc mơ tuyệt vời nhất, và cũng có thể HỦY DIỆT tất cả.”

Đúng vậy! Sức mạnh của ngôn từ phụ thuộc vào cách mà ta sử dụng nó. Nó có thể giam cầm một người trong tù ngục đầy sợ hãi và tối tăm. Nó cũng có thể mang đến tự do cho mọi người, tất cả phụ thuộc vào “hạt giống” tốt hay xấu mà ta gieo vào tâm trí – mảnh đất màu mỡ của riêng ta.

Review sách: Bốn thỏa ước
Review sách: Bốn thỏa ước

Mình thường tự nói với bản thân rằng:

  1. Mình thật may mắn!
  2. Mình thật là đứa trẻ thông minh!
  3. Mình đẹp v~
  4. Mình thật chăm chỉ!
  5. Ôi mình giỏi quá!

Bạn bè mình từng cho rằng mình là một đứa trẻ “TỰ LUYẾN” và có chút “ẢO TƯỞNG” nhưng hơn ai hết mình tin rằng, nếu bản thân mình không từ KHEN NGỢI chính mình thì chờ ai làm điều đó nữa?

Chính bởi những câu nói ẢO TƯỞNG ấy đã khiến mình tự tin bước qua vòng an toàn hết lần này đến lần khác. Vậy cái ảo tưởng kia liệu chăng nên phát huy tích cực?

Và điều này đã được cuốn sách giải đáp như sau: Ta sẽ tự giam cầm bản thân nếu ta để cho những ngôn từ tiêu cực len lỏi vào trong tâm trí ta. Chúng là những lời nguyền rủa, đổ lỗi, vạch trần và hủy diệt.

Thay vào đó, hãy khen ngợi, chịu trách nhiệm, biết ơn, nói lời yêu thương, quan tâm và sẻ chia để nuôi dưỡng hạt giống tốt đẹp trên mảnh đất màu mỡ của chính mình.

“Bất kể khi nào chúng ta nghe và tin quan điểm của một ai đó, nghĩa là ta đã ký một thỏa ước, và thỏa ước đó trở thành hệ thông niềm tin của ta.”

Do vây, hãy làm 2 điều sau đây:

  1. Chọn lọc các ý kiến tích cực, các quan điểm mang tính xây dựng và tin vào vào sự tích cực đó.
  2. Không ngừng khám phá chính mình, biết rõ mình là ai? có điểm mạnh – điểm yếu gì? để TRÁNH mắc vào cái bẫy của “XUA NỊNH” khiến ta rơi vào trạng thái ẢO TƯỞNG.

Tóm lại, thỏa ước dựa trên sự thật sẽ mang lại tự do cho chúng ta.

Thay vì tiếp nhận thông tin một chiều và bị gieo vào tâm trí những hạt giống xấu, hãy bắt đầu học cách sử dụng TƯ DUY PHẢN BIỆN khi tiếp xúc với mọi vấn đề. Đây là cách giúp ta tránh xa những định kiến cá nhân và nỗi sợ hãi mà người khác gieo rắc lên ta.

HÃY SỬ DỤNG NGÔN TỪ TÍCH CỰC!

2. Thỏa ước thứ hai – Không cho phép bản thân bị ảnh hưởng

“Này, bạn ngu quá!”

Bạn có cảm thấy bị xúc phạm khi ai đó nói điều này với mình không?

Nếu có thì mình thật tiếc phải thông báo với bạn rằng bạn đang tự giam cầm mình trong tù ngục tối tăm rồi đó.

Khi bạn cảm thấy bị xúc phạm, bị buồn bởi những lời nói tiêu cực từ bên ngoài tức là bạn đang ngầm thừa nhận rằng bạn đồng ý với những gì họ nói: BẠN NGU THẬT!

Trong thỏa ước thứ 2 này, tác gỉa Don Miguel Ruiz & Janet Mills nói rằng:

“Dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, đừng nghĩ người ta đang CỐ Ý NHẮM VÀO MÌNH.”

Đây cũng là nội dung của thỏa ước thứ 2: KHÔNG CHO PHÉP BẢN THÂN BỊ ẢNH HƯỞNG.

Khi bạn để ý tưởng, định kiến, quan điểm, lời nói của người khác làm ảnh hưởng tới mình tức là bạn đang:

  • Để cho thuốc độc ngấm vào mình
  • Nuốt hết rác rưởi cảm xúc của người khác vào trong mình.

Nên nhớ rằng, người khác làm gì cũng không liên quan đến bạn, tất cả chỉ liên quan đến họ.

  • Mọi người đều có giấc mơ riêng
  • Mọi người đều có thước đo riêng
  • Mọi người đều có thế giới riêng
  • Mọi người đều có hình mẫu hoàn hảo riêng
  • Mọi người đều có niềm tin, cảm xúc, quan điểm cá nhân của riêng họ

ĐÓ KHÔNG PHẢI BẠN – THẾ GIỚI CỦA BẠN!

Hãy quay lại thỏa ước số 1 mà chúng ta đã ký kết với nhau: SỬ DỤNG NGÔN TỪ TÍCH CỰC. Nhận thức rõ: MÌNH LÀ AI?

Review sách: Bốn thỏa ước
Review sách: Bốn thỏa ước

Bạn có người duy nhất CÓ QUYỀN quyết định với cuộc đời của mình, quyết định bản thân muốn gì, làm gì, nghĩ gì và như thế nào.

“Ai đó có thể cố tình gửi thuốc độc đến nhà bạn và bạn có quyền lựa chọn uống nó hoặc vứt đi.”

10 Hành động để rèn luyện bản thân tốt hơn mỗi ngày, tránh xa sự ảnh hưởng của người khác lên bản thân:

  1. Xóa bỏ những người bạn không thích, hoặc khiến bạn không vui, không thoải mái trong list bạn bè.
  2. Unfollow các người nổi tiếng tiêu cực, drama.
  3. Rời khỏi các hội nhóm tám chuyện, hóng drama.
  4. Giảm 1 nửa thời gian vô nghĩa trên MXH
  5. Tham gia một bộ môn vận động thể chất
  6. Ngủ sớm hơn hôm qua 5 phút.
  7. Dậy đúng lúc chuông báo thức reo: BẬT DẬY & RỜI GIƯỜNG
  8. Thực hành thiền định vào mỗi buổi sáng
  9. Không mở điện thoại check MXH ngay sau khi ngủ dậy
  10. Dành thời gian relax cho bản thân mỗi tuần

Yêu thương bản thân ngay từ hôm nay!

3. Thỏa ước thứ ba – Đừng bao giờ đưa ra giả định

“Nếu bạn cảm thấy cần thay đổi đối phương nghĩa là bạn không yêu con người thật của họ.”

Bạn nghĩ sao về quan điểm này?

Trước khi đưa ra quan điểm của bản thân, mình sẽ dẫn vài ví dụ khá thú vị trong cuốn BỐN THỎA ƯỚC này nhé:

Ví dụ 1

Khi bạn đi siêu thị và gặp crush của mình tại đó. Người ta quay lại nhìn và cười với bạn, bạn liền cảm thấy rằng họ đang bật đèn xanh với mình. Bạn bắt đầu ảo tưởng về tình cảm của đối phương với mình, bắt đầu mơ về việc 2 người hẹn hò, kết hôn và nghĩ tới việc đặt tên cho con của 2 người.

Sự ảo tưởng này xuất phát từ giả định bạn tự đặt ra: CRUSH THÍCH BẠN và bạn tin vào điều đó. Do vậy, bạn tự xây dựng lên giấc mơ của riêng mình.

Ví dụ 2

Bạn tự giả định rằng anh người yêu đương nhiên biết bạn muốn gì, nên bạn không nói cho anh ấy biết điều bạn muốn anh ấy làm. Bạn giả định rằng anh ta sẽ làm những điều bạn muốn cho bạn. Nhưng rồi anh ấy không thực hiện những gì mà bạn muốn như trong giả định của bạn, điều này khiến bạn tự đặt câu hỏi: “Tại sao anh ấy không làm chuyện đó? Anh ấy không thật sự yêu mình ư?”

Bạn cảm thấy tổn thương, bạn bắt đầu phàn nàn và đối phương không biết mình đã làm sai điều gì. Vì vậy, hai người đều cảm thấy không vui và hạnh phúc nữa.

Ví dụ 3

Bạn quyết định kết hôn và giả định rằng chồng của mình phải hiểu mình muốn gì trong cuộc đời. Nhưng bạn nhanh chóng vỡ mộng khi phát hiện ra chồng bạn không hề hiểu bạn như bạn nghĩ. Điều đó làm bạn không vui và tích lũy trong lòng sự thất vọng mỗi ngày một tăng lên. Khi chồng bạn đi làm về, bạn tỏ ra thờ ơ, thậm chí là không vui, bạn tìm cách gây chú ý bằng những phàn nàn trong khi đối phương không hiểu điều gì khiến vợ mình phản ứng như vậy. Các cuộc cãi vã bắt đầu tăng lên, mâu thuẫn ra đình bắt đầu xuất hiện và hôn nhân của bạn dần trở nên mệt mỏi.

Đây cũng là kết quả của việc tự đặt giả định của mình lên người khác.

Trong cuốn sách BỐN THỎA ƯỚC, tác giả chia sẻ một quan điểm mà mình rất tâm đắc như thế này: “Khi đặt ra giả định, chúng ta tin nó là sự thật.”

Và chính “lòng tin” ấy sẽ xây dựng lên những giấc mơ có phần ảo tưởng trong ta. Ta sẽ sống trong thất vọng, bất an khi phần ảo tưởng kia không trở thành sự thực.

  1. Ta giả định rằng người khác cũng nhìn cuộc sống giống ta.
  2. Ta giả định rằng người khác cũng suy nghĩ, cảm nhận, phán xét và lạm quyền giống ta.

Ta tự bào chế thuốc độc cảm xúc và gửi đến mọi người bằng chính những giả định “thiếu căn cứ” của mình.

Vậy làm sao để giữ bản thân không đặt ra giả định tiêu cực ấy?

  1. Đặt câu hỏi trong giao tiếp và tìm câu trả lời rõ ràng cho nó thay vì tự mình đưa ra giả định, câu trả lời mà mình tự nghĩ.
  2. Tự hỏi bản thân muốn gì?

Giao tiếp rõ ràng, minh bạch rất quan trọng để ta không mang ĐỊNH KIẾN cá nhân để nhận định vấn đề.

Quay trở về câu hỏi đầu bài viết: Mình tin nếu ai đó thay đổi, đó là vì họ muốn thay đổi, không phải vì bạn thay đổi được họ.

Nếu bạn nghĩ rằng cần thay đổi ai đó, nghĩa là bạn đang đặt giả định rằng: người hoàn hảo phù hợp với bạn là phiên bản sau khi đã thay đổi của họ.

Vậy thì lời khuyên sẽ là: Bạn nên tìm một người mà bạn không cần thay đổi họ.

Nếu họ không thay đổi được theo ý bạn thì bạn sẽ thất vọng, nếu họ thay đổi theo ý bạn thì rất có thể họ cũng sẽ không vui. Chúng ta cần gì trong một mối quan hệ?

Chẳng phải là HẠNH PHÚC hay sao!

4. Thỏa ước thứ tư – Luôn cố gắng hết sức

Cố gắng hết sức KHÔNG PHẢI là cố cho bằng người ta…

“Một người muốn vượt qua đau khổ nên đã tìm gặp một thiền sư và hỏi rằng:
– Thưa thầy, nếu con thiền 4 tiếng một ngày thì mất bao lâu mới vượt qua nỗi đau khổ này?
– Khoảng 10 năm.
– Vậy nếu con thiền 8 tiếng một ngày thì mất bao lâu?
– Chẳng khoảng 20 năm.
– Tại sao chứ?
– Con đến đây không phải để hi sinh niềm vui hay cuộc sống của mình. Con đến đây để sống, để hạnh phúc, để yêu thương. Nếu cố hết sức của con là 2 tiếng, nhưng con lại cố thiền đến 8 tiếng, con sẽ mệt mỏi, hiểu sai vấn đề và không tận hưởng cuộc sống. Chỉ cần cố gắng hết sức, con sẽ ngộ ra rằng con luôn sống, luôn yêu thương, luôn hạnh phúc, dù mỗi ngày con thiền bao nhiều đi chăng nữa.”

Thỉnh thoảng mình cũng nhầm tưởng “cố gắng hết sức” là cố gắng giống người ta.

  • Người khác đọc 100 trang sách mỗi ngày, mình cũng cố cho được như vậy nhưng thực ra đọc 2 trang là mắt đã díu chặt lại rồi.
  • Người khác chạy 15km mỗi ngày, mình cũng ráng cố cố 15km nhưng thực tế chạy khoảng km là mình đã thở không ra hơi rồi.
  • Người khác viết 5000 từ mỗi ngày, mình cũng cho là phải cố bằng như thế nhưng lần đầu viết xuống, còn chẳng biết viết gì thì sao mà viết nổi 500 chữ chứ nói gì tới 5000 từ.
  • Người khác luyện học tiếng Anh 4 tiếng mỗi ngày, mình học ngày đầu đã đòi phá “kỷ lục”… nhưng ngồi yên nghe tiếng Anh 15 phút thôi là chân tay, đầu óc đã mệt mỏi, buồn phiền rồi.

Ta quên mất rằng “cố gắng hết sức” là hết sức của mình, không phải theo sức của người ta. Ta bỗng quên mất ta và người khác có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, mục đích sống khác nhau, định nghĩa hạnh phúc khác nhau. Cơ sao ta cứ phải copy “hết sức” của người khác vào cuộc đời mình khi chúng ta là 2 cá thể độc lập?

  • Cố gắng hết sức của mình chắc chắn khác người khác.
  • Cố gắng hết sức ngày khỏe chắc chắn nhiều hơn ngày ốm.
  • Cố gắng hết sức việc mình thích chắc chắn tốt hơn việc mình chẳng ưa.
  • Cố gắng hết sức điều mình giỏi chắc chắc khác hẳn điều mình chưa biết.
  • Cố gắng hết sức khi tâm trạng vui vẻ đương nhiều khác những hôm uể oải, mệt mỏi.

Chúng ta đều có một khung “sức” khác nhau trong từng lĩnh vực, vấn đề trong cuộc sống. Chỉ cần “hết sức” của mình chứ đừng vượt quá sức. Giống như cuộc đua chạy bền vậy, mỗi giai đoạn sẽ “cố gắng hết sức” khác nhau. Lúc cần tăng tốc phải tăng tốc, lúc cần giữ sức bền thì phải giữ sức bền; bởi mục đích cuối cùng mới là điều quan trọng nhất.

Trong chương thỏa ước thứ 4 của cuốn BỐN THỎA ƯỚC của Don Miguel Ruiz & Janet Mills có một ý mình rất thích thế này:

HÀNH ĐỘNG = SỐNG HẾT MÌNH

THỂ HIỆN BẢN THÂN MÌNH LÀ AI? = HÀNH ĐỘNG

Vậy từ đây có thể suy luận rằng: SỐNG HẾT MÌNH chính là THỂ HIỆN BẢN THÂN MÌNH LÀ AI?

Review sách: Bốn thỏa ước
Review sách: Bốn thỏa ước

Điều này được mình thể hiện qua những hành động như là:

  • Đọc và học mỗi ngày
  • Viết và chia sẻ mỗi ngày
  • Thức dậy đúng giờ
  • Đúng dealine
  • Đúng hẹn
  • Giữ chữ TÍN với chính bản thân
  • Sống ở thì hiện tại

Qua đây, bạn cảm nhận được mình là người như thế nào không? (mình rất vui nếu bạn đọc tới đây là để lại bình luận nhé!)

Tại đây, tác giả còn chia sẻ một ý nữa mà mình cực kỳ tâm đắc:

“Khi không cố gắng hết sức nghĩa là bạn đang TỪ CHỐI quyền được là chính mình.”

Mình nghĩ mỗi chúng ta đều có quyền lựa chọn trong mọi tình huống của cuộc sống, kể cả khi bạn rơi vào trạng thái mà người ta gọi là “không còn sự lựa chọn nào khác” thì trước đó chúng ta đã lựa chọn 1 chuỗi các nguyên nhân trước đó để dẫn tới kết quả như hiện thời.

  • 3 năm trước ta chọn học tập chăm chỉ thay vì trốn học bỏ thi, thì có thể hiện tại ta có thể chọn vào ngồi trường mình yêu thích.
  • 5 năm trước ta chọn tu dưỡng bản thân thay vì tiêu pha hoang phí vào thú vui vô bổ, có thể hiện tại ta sẽ chọn được công việc ưng ý với mình.
  • 3 năm trước ta chọn nếp ăn uống sinh hoạt lành mạnh, thì có thể hiện tại ta sẽ được chọn cuộc sống khỏe mạnh, vui vẻ.
  • 5 năm trước ta chọn học thêm ngoại ngữ, thì có thể hiện tại ta sẽ chọn cơ hội tốt hơn.

Cuối cùng, mình muốn nói: chúng ta có quyền lựa chọn cuộc sống tốt đẹp bằng cách cố gắng hết sức từ ngày hôm nay, không phải hôm qua, ngày mai hay tháng sau mà là hôm nay, ngay lúc này, ngay bây giờ!

Thực hành 4 thỏa ước:

  1. Sử dụng ngôn từ tích cực
  2. Không để bị ảnh hưởng
  3. Không đưa ra giả định
  4. Cố gắng hết sức

… để hoàn toàn làm chủ cuộc đời của chính mình!

Bài học đáng suy ngẫm từ cuốn sách “Bốn Thỏa Ước”

Ngoài bốn thỏa ước trên, cuốn sách BỐN THỎA ƯỚC còn để lại cho mình 3 bài học rất đáng suy ngẫm sau đây:

1. Bản thỏa ước quan trọng nhất

  • Mình là ai?
  • Mình cảm thấy như thế nào?
  • Mình tin vào điều gì?
  • Mình hành xử như thế nào?

Đây là những gì bạn sẽ tuyên bố trong bản thỏa ước với bản thân mình – Bản thỏa ước quan trọng nhất của mỗi người.

Tập hợp những tuyên bố trên sẽ tạo ra tính cách của riêng bạn, thứ được nuôi dưỡng bằng hành động và thói quen thường ngày của chính bản. Và bản thỏa ước được lập trình như hệ thống niềm tin bên trong bạn.

Đây là những gì mình chắt lọc lại trong chương đầu tiên của cuốn sách BỐN THỎA ƯỚC – Bí quyết sống tự do, bình an, hạnh phúc giữa thế giới bất định của tác giả Don Miguel Ruiz & Janet Mills.

Review sách: Bốn thỏa ước
Review sách: Bốn thỏa ước

Trong chương này, tác giả có đề cập tới một quan điểm khá thú vị thế này: Hình mẫu hoàn hảo là nguyên nhân khiến chúng ta không chấp nhận bản thân cũng như không chấp người khác khị họ là chính họ.

Mình tạm gọi là ĐỊNH KIẾN.

Chính định kiến đã tạo ra một phiên bản xấu xí trong mỗi chúng ta như thói soi mói – nói xấu – bới móc – chỉ trích người khác và chính bản thân mình.

Một hệ thống giống như là:

  • Con gái là phải dịu dàng, duyên dáng.
  • Phụ nữ phải kín đáo nhẹ nhàng.
  • Đàn ông là phải gánh vác tài chính gia đình.
  • Đàn ông phải có sự nghiệp riêng.
  • Làm tốt việc nhà là trách nhiệm của phụ nữ.
  • Chúng ta phải…

Chính bởi ta luôn tin rằng hình mẫu hoàn hảo kia là thước đo chung cho tất cả mọi người nên ta có cái cớ để tự trách bản thân khi không đạt được những “giá trị” mang tính kỳ vọng đó.

Ta quên mất rằng, mỗi chúng ta là một bản thể vô cùng độc lập và ai sinh ra cũng mang trong mình cả ĐIỂM MẠNH – ĐIỂM YẾU.

Việc một người có điểm yếu nào đó không có nghĩa họ là một phiên bản lỗi so với ai đó mà đó chỉ là những gì họ đang sở hữu mà thôi.

Gạt bỏ kỳ vọng với hình mẫu hoàn hảo là bước đầu tiên giúp chúng ta tiến gần tới phiên bản hàng auth của chính mình.

2. Trả lại tự do cho chính mình

Ngưng làm hài lòng người khác để TRẢ TỰ DO cho chính mình…!

Nói thì dễ, làm thì khó… nhưng nếu dễ thì Bác Hồ đâu phải rời xa quê hương cả mấy chục năm để tìm đường cứu nước, trả tự do cho dân tộc đâu phải không nào…!

Chúng ta có tự do không?

Để trả lời cho câu hỏi này, thì phải quay về câu hỏi: TỰ DO LÀ NHƯ THẾ NÀO?

Trong cuốn sách BỐN THỎA ƯỚC có chia sẻ như thế này: Tự do là khi tinh thần ta tự do, khi ta tự do thể hiện chính bản thân mình.

Mình thì thích giải thích từ TỰ DO bằng một ví dụ hơn.

Có phải bạn luôn cảm thấy những đứa trẻ 2 – 3 – 4 tuổi sống rất tự do không? Tại sao vậy?

  • Chúng thoải mái làm những gì chúng thích.
  • Chúng khám phá thế giới bằng các thử nghiệm, chúng chẳng sợ gì, cứ thử, cứ chơi.
  • Chúng không quna tâm quá khứ, chẳng sợ hãi tương lai.
  • Chúng chỉ sống trong hiện tại.
  • Chúng không sợ thể hiện cảm xúc của bản thân: vui vẻ – cáu gắt – mệt mỏi – đói bụng – phấn kích…
  • Chúng càng không sợ bày tỏ sự yêu thương với người xung quanh.

Bạn có muốn giống những đứa trẻ ấy không, sống cuộc đời tự do, vui vẻ?

Mình tin là ai trong chúng ta cũng đều khao khát điều đó, chỉ khác là tự do của lũ trẻ được xây từ sự ngây thơ, còn chúng ta cần xây lên từ nhận thực rõ ràng về bản thân và khát khao bên trong mình.

Đến đây, mình muốn nhắc tới 3 bước xây dựng giấc mơ thứ 2 – giấc mơ mới mà mình đúc rút được từ cuốn sách BỐN THỎA ƯỚC.

Review sách: Bốn thỏa ước
Review sách: Bốn thỏa ước

Trước khi bàn về 3 bước xây dựng giấc mơ thứ 2, ta phải nhắc tới định nghĩa của giấc mơ thứ nhất và thứ 2 là gì?

  • Giấc mơ thứ nhất được tạo bởi khát khao của bạn nhưng dựa trên kỳ vọng của người khác và nỗi sợ hãi thường trực trong ta. Giống như là có một công việc ổn định sau khi ra trường vậy.
  • Giấc mơ thứ hai hay còn gọi là giấc mơ mới: Nơi bạn biết mình là ai và muốn điều từ từ bên trong sâu thẳm của mình, gạt bỏ các giả định, những định kiến mà người khác đã gieo rắc vào tâm trí bạn trong suốt quá trình bạn lớn lên.

Vậy, làm sao để xây lên giấc mơ thứ 2?

  1. Bước 1. Xác định điều gì bạn muốn thay đổi?
  2. Bước 2. Thỏa ước nào cần được phá bỏ?
  3. Bước 3. Thực hành thỏa ước mới (4 thỏa ước)

Dễ bạn dễ hình dung thì mình sẽ lấy một ví dụ từ chính trải nghiệm cá nhân của mình nhé!

  • Bước 1: Cách đây 3 năm, khi mình quyết định mở blog cá nhân – 1 kênh chuyên review sách và các bài học từ sách mình đúc rút được. Khi đó, mình nghĩ rằng mình muốn trở thành một cây viết tự do có tầm ảnh hưởng trong tương lai, cụ thể là trong ngách sách.
  • Bước 2: Sau đó xác định được niềm tin độc hại khiến mình sợ hãi và cần được loại bỏ là: Mình không có khả năng viết lách, bằng chứng là mình chưa từng nhận điểm cao trong các bài văn mình viết.
  • Bước 3: Thực hành hệ thống thỏa ước mới rằng mình hoàn toàn có thể viết tốt hơn bằng việc đọc và rèn luyện viết hằng ngày. Gạt bỏ giả định rằng viết lách cần năng khiếu, nhớ rõ mình muốn gì, sử dụng các ngôn từ tích cực để động viên bản thân, bỏ qua những bình luận xấu (thực ra là không có – ai mà thèm quan tâm bạn đang làm gì chứ), cố gắng viết mỗi ngày.

Kết quả là gì ư? Blog Hương Nguyễn của mình là câu trả lời!

Bước ra khỏi vòng vây của sự sợ hãi chính là khởi đầu cho một điều tốt đẹp phía trước.
Một cách giúp bạn làm điều đó quyết liệt và dứt khoát hơn là hãy hỏi bản thân: NẾU CHỈ CÒN 1 NGÀY ĐỂ SỐNG, BẠN SẼ LÀM GÌ?

  • Tôi chọn sẽ là mình
  • Tôi chọn không lo làm hài lòng người khác nữa
  • Tôi chọn không sợ họ nghĩ gì nữa
  • Tôi chọn không quan tâm những gì họ nghĩ nữa
  • Tôi chọn sống cho chính mình

Mình hi vọng rằng bạn đã, đang và sẽ từng bước TRẢ TỰ DO cho chính mình!

3. Hạnh phúc và khổ đau

“Lý do duy nhất bạn đau khổ là vì BẠN CHỌN đau khổ. Lý do duy nhất bạn hạnh phúc là vì bạn chọn hạnh phúc.”

Đây là thông điệp cuối cùng mà mình nhận được từ cuốn sách BỐN THỎA ƯỚC của tác giả Don Miguel Ruiz & Janet Mills.

Và mình quyết định mình chọn cuộc sống ở thiên đàng:

  • Mình chọn biết ơn vào mỗi sáng.
  • Mình chọn đọc sách để mở mang.
  • Mình chọn viết để chia sẻ.
  • Mình chọn yoga để khỏe mạnh.
  • Mình chọn nấu nướng để thể hiện yêu thương.
  • Mình chọn tha thứ để chữa lành.
  • Mình chọn sống cuộc đời của mình.
  • Mình chọn sống là mình.
  • Mình chọn sống cuộc đời tự do.
Review sách: Bốn thỏa ước
Review sách: Bốn thỏa ước

Sự lựa chọn được thực thi sau khi kí vào 4 bản thỏa ước:

  • Sử dụng ngôn từ tích cực
  • Không để bị ảnh hưởng
  • Không đưa ra giả định
  • Luôn cố gắng hết sức

Mình mong bạn cũng có thể mạnh mẽ đưa đến sự lựa chọn của riêng mình. Trên tất cả mình mong chúng ta đều sẽ hạnh phúc.

Đánh giá sách: Bốn Thỏa Ước – Don Miguel Ruiz & Janet Mills

Cuốn sách này vượt qua cả sự kì vọng của mình trước khi đọc. Nó mang đến cho mình một trải nghiệm rất sâu sắc về 2 chữ TỰ DO. Tự do là kết quả của một chuỗi các sự lựa chọn.

  • Tôi chọn sống trong những ngôn từ tích cực
  • Tôi chọn không cho phép bản thân bị ảnh hưởng, lôi kéo
  • Tôi chọn không bao giờ đưa ra giả định
  • Tôi chọn cố gắng hết sức mình

Cuốn sách này mang tới sự giác ngộ và làm thay đổi cả tư duy và hành động của mình. Mình rất recommend cho các bạn yêu thích sự TỰ DO hay đang vô tình “giam cầm” mình trong những suy nghĩ tiêu cực của cuộc sống.

Có lẽ, cuốn sách này sẽ là chia khóa mở chiếc còng tay đang gông kìm giấc mơ và hạnh phúc của bạn.

Điểm đánh giá: 8,0/10

MUA SÁCH: TẠI ĐÂY

Một vài gợi ý khác cho bạn

Bạn chắc chắn sẽ muốn đọc các cuốn sách tuyệt vời khác. Mời bạn đến với chuyên mục: Review sách nhé!

Các đầu sách khác liên quan:


CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC

  1. Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
  2. Facebook: Hương Nguyễn
  3. Fanpage: Hương Nguyễn Blog
  4. YouTube: THÓI QUEN NGUYÊN TỬ

2 COMMENTS

  1. Cảm ơn chị nhé,xem xong review của chị em cảm thấy cuốn sách nói nó quá đúng với Tậm Trạng của e trong suốt mấy năm qua.Đôi lúc quan tâm quá mức,suy nghĩ về những định kiến,những giả định mà e đặt ra,khiến em mệt mỏi,bị overthinking,mà thực những cái đó chả giúp ích gì cho e mà còn làm e kiệt quệ.Cảm ơn chị 1 lần nx,vì đã tóm tắt rất dễ hiểu,em cx có biết cuốn sách này lây từ chị Chi nhưng chưa đọc nay biết đến Trang Review Sách Của Chị,thấy nó thực sự chất lựog và hay ạ,chúc trang Blog ngày càng lớn mạnh ạ

    • Cảm ơn em, hi vọng em sẽ đọc cuốn sách này để tìm cho mình những giá trị hữu ích trong cuộc sống. Sắp tới blog sẽ ra thêm kênh YouTube, rất mong em sẽ ủng hộ kênh nha!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here