VIẾT TRUYỀN CẢM, NÓI THÔNG SUỐT hứa hẹn là một cuốn sách thú vị và mang nhiều bài học. Hãy cùng mình học tập những bài học giá trị từ cuốn sách này nhé!
Giới thiệu chung: Viết truyền cảm nói thông suốt
Hãy viết như khi bạn nói.
Đây là điều mình đúc rút được từ sau hơn chục bài viết được nhiều người quan tâm và yêu thích trong 1 tháng vừa qua. Trong đó có một bài viết đạt mốc 2,4K lượt chia sẻ, lượt tiếp cận lên tới hơn 600K.
Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ nhất khi mình thực hiện đọc cộng hưởng cuốn sách VIẾT TRUYỀN CẢM NÓI THÔNG SUỐT của tác giả Charlie Corbett sáng nay.
Và đây là 3 từ khóa mình cực kỳ tâm đắc:
1. RÕ RÀNG
Bạn không thể viết rõ ràng nếu như không có một tư duy rõ ràng. Bạn sẽ hỏi mình làm sao để rèn luyện tư duy rõ ràng? Câu trả lời của mình là VIẾT nhiều lên.
Viết là quá trình tiếp nhận, sàng lọc và đúc rút thông tin. Nó giống như hoạt động đọc và ghi chép hằng ngày của mình.
Mình thu nạp thông tin mới từ sách. Mình đặt ra các câu hỏi đối thoại với tác giả. Mình gạn lọc lại những thông tin hữu ích và giá trị với bản thân. Cuối cùng mình hệ thống và diễn đạt lại chúng bằng ngôn ngữ của bản thân thông qua hoạt động viết.
Viết càng nhiều, tư duy càng sáng rõ.
Theo như trải nghiệm cá nhân của mình, viết là cách tốt nhất để bạn buông bỏ những suy nghĩ rối ren trong bộ não, dọn dẹp tâm trí gọn gàng để tiếp nhận và lưu trữ các thông tin thật sự có ý nghĩa.
Ví như bộ não của chúng ta là căn phòng trống, thông tin giống như đồ đạc chứa bên trong. Nếu bạn không sắp xếp đồ đạc trong đó một cách gọn gàng và hợp lý, bạn sẽ bị nhấn chìm trong đống đồ đạc đó và tất nhiên bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đồ đạc của mình. Vứt bỏ những đồ đạc không dùng tới, vô nghĩa hoặc hết giá trị để nhường chỗ cho những đồ đạc hữu ích với cuộc sống của bạn.
Cho nên, nếu bạn muốn tạo những bài viết rõ ràng, thoát ý trước hết hãy cứ viết xuống mọi thứ dù cho chúng chưa là những sản phẩm hoàn hảo.
Cốt lõi của vấn đề chính là sự kiên trì tập luyện của bạn.
2. NHẤT QUÁN
Thông điệp nhất quán. Giọng điệu nhất quán. Phong cách nhất quán trên mọi phương tiện truyền thông sẽ tạo nên thương hiệu riêng cho bạn.
Sẽ rất khó để nhận diện được bạn nhanh chóng nếu như bạn không tạo ra một “hình ảnh” riêng cho mình.
Sự đa dạng hóa có thể giúp bạn tiếp cận với nhiều khán giả nhưng nó không giúp bạn gắn bó sâu với họ.
Sự nhất quán sẽ giúp bạn tiếp cận sâu vào một nhóm khán giả tiềm năng và biến họ trở thành fan trung thành cho những sản phẩm sáng tạo của bạn.
Đây là điểm quan trọng thứ 2 giúp bạn chiếm lấy sự quan tâm của khán giả và tạo dựng mối quan hệ bền vững với khán giả của mình.
3. ĐƠN GIẢN
Hãy viết sao cho ngay cả bà của bạn cũng phải hiểu những thứ bạn đang viết.
Đây là lời khuyên mà tác giả Charlie Corbett dành cho chúng ta – những người dùng ngòi bút để chinh phúc thế giới xung quanh mình.
Nhiều người lầm tưởng rằng cần viết những điều hoa mĩ, sử dụng các từ ngữ nặng học thuật sẽ khiến mình có vẻ thông minh hơn. Nhưng sự thật là, nó chỉ cho thấy bạn mang một bụng “sách vở” giáo điều mà thiếu đi chất liệu cuộc sống, chính là từ trải nghiệm cuộc sống của bạn.
Nếu bạn có một trải nghiệm cuộc sống phong phú, bạn sẽ có nhiều chất liệu để giải nghĩa cho những thông điệp mà mình muốn chia sẻ một cách gần gũi, chất thực với khán giả đại chúng.
Và bí quyết mà bạn có thể áp dụng để giúp cho các bài viết của mình trở nên gần gũi, đơn giản là hãy viết như khi bạn nói.
Viết như khi bạn nói sẽ giúp bạn buông xuống những áp lực “hoa mĩ” để thể hiện sự thông minh ảo của mình để hướng tới mục đích thực tế hơn là chính phục người đọc, những khán giả mục tiêu của bạn.
Viết như khi bạn nói cũng là cách bạn kéo gần khoảng cách của mình với khán giả. Nó là một phương pháp hữu hiệu để biến bài viết của bạn giống như cuộc đối thoại 1:1 với người đọc. Điều này tạo nên sự gắn kết bền chặt giữa bạn và các khán giả của mình.
Tóm lại, để tạo nên những bài viết chất lượng thu hút người đọc, thì việc đầu tiên bạn cần làm là tạo cho mình thói quen viết hằng ngày để rèn luyện tư duy rõ ràng, mạch lạc. Tiếp đến là mang tới sự nhất quán, dễ nhận diện để khán giả không nhầm lẫn bạn giữa đám đông. Cuối cùng, hãy làm mọi thứ trở nên đơn giản và gần gũi, đây là bước quan trọng để bạn tiến gần hơn với khán giả của mình.
7 Bài học thú vị từ cuốn sách “Viết truyền cảm nói thông suốt”
Đây là 7 bài học giá trị và thú vị mà mình học được từ cuốn sách VIẾT TRUYỀN CẢM NÓI THỐNG SUỐT của tác giả Charler Corbett.
Bài học số 1. Không có gì được gọi là một ý tưởng tồi
“Tôi có thể đưa ra những ý tưởng hay bằng cách nào?” Đây là 5 thói quen nuôi dưỡng những ý tưởng hay:
1. Thói quen đọc
Có đến hơn 90% các ý tưởng viết bài của mình đến từ sự tích lũy trong quá trình đọc.
Đọc không chỉ cho mình biết thêm về những góc nhìn khác nhau trong cuộc sống mà nó còn mang lại cho mình những chất liệu tốt để tạo nên ý tưởng mới.
Vậy đọc gì và đọc như thế nào?
Theo mình, bạn nên đọc đa dạng thể loại và hình thức, ví như sách (hư cấu và phi hư cấu), báo, tài liệu học thuật, các bài viết trên MXH, website/blog,…
Hãy đọc sâu nếu bạn muốn nghiên cứu và tìm hiểu về thông tin nào đó và đọc lướt nếu bạn muốn nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng.
Giống như kênh YTB THÓI QUEN NGUYÊN TỬ của mình cũng được xây dựng dựa trên các chất liệu mình thu lượm được từ các cuốn sách mình đã đọc, kết hợp với trải nghiệm của cá nhân mình. Từ đó mình tạo ra những nôi dung chia sẻ kinh nghiệm tự học và rèn luyện thói quen, những điều mà bạn thân mình đã trực tiếp thực hành và kiểm nghiệm.
Bạn đang đọc bài viết này – một sản phẩm lấy cảm hứng từ việc đọc cuốn sách VIẾT TRUYỀN CẢM NÓI THÔNG SUỐT của tác giả Charlie Corbett.
Đọc là nền tảng hình thành nên các ý tưởng.
2. Nói chuyện với mọi người
“Nếu bạn muốn giữ cho mảnh đất tâm trí mình luôn màu mỡ, hãy nói chuyện với tất cả mọi người từ tất cả các lĩnh vực về tất cả mọi thứ.”
Nói chuyện không chỉ là một phương thức giao tiếp, nó còn là một phương thức “đào ý tưởng” rất hiệu quả.
Hãy nhớ lại những lần bạn nói chuyện với ai đó rồi tự nhiên trong đầu bật nảy ra một ý tưởng vô cùng tuyệt vời để giải quyết vấn đề nào đó không liên tới câu chuyện mà 2 người đã đề cập.
Hãy nhớ lại những lần bạn nói chuyện với đồng nghiệp và cả hai cùng tìm ra một ý tưởng thú vị cải thiện hiệu quả công việc.
Nói chuyện với mọi người ở các linh vực khác nhau sẽ giúp bạn thu thập thêm nhiều thông tin ở các lĩnh vực đó. Mà thông tin chính là chất liệu để sáng tạo, để tạo ra ý tưởng mới.
Tuy nhiên, một lưu ý dành cho bạn khi nói chuyện với mọi người ở các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực bạn chưa có nhiều hiểu biết là hãy sử dụng bộ 3 câu hỏi WHAT – WHY – HOW?
– Nó là cái gì?
– Tại sao lại là nó?
– Nó như thế nào?
Bộ 3 câu hỏi này giúp bạn đào sâu thông tin và tìm kiếm những chất liệu “xịn xò” lưu lại kho ý tưởng của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo quá trình thu nạp thông tin một cách chủ động bao gồm: thu nạp, sàng lọc, sắp xếp/tổ chức, lưu trữ thông tin.
“Tôi nghĩ rằng tò mò về mọi khía cạnh của cuộc sống vẫn là bí mật của những người sáng tạo tuyệt vời.” – Nhà sáng lập 1 hãng quảng cáo toàn câu Leo Burnett.
3. Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi là cách giúp bộ não có thời gian “tiêu hóa” những thông tin bạn thu nạp được trong quá trình tích lũy chất liệu sáng tạo.
“Chỉ khi bộ não được trao cơ hội tiêu hóa lượng thông tin mà bạn dành cả ngày để tích lũy, nó mới có thể đưa ra câu trả lời.”
Hãy rời bàn làm việc, và…
– Dạo bộ
– Tắm và thư giãn
– Nấu ăn
– Tươi cây
– Đi ngủ
…
- Lực đẩy Archimedes được tìm thấy khi Archimedes đang nằm trong bồn tắm thư giãn.
- Nhà vật lý Newton tìm ra lý thuyết về lực hấp dẫn khi đang nghỉ ngơi dưới gốc cây.
- Mình tìm ra ý tưởng xây dựng kênh YTB THÓI QUEN NGUYÊN TỬ khi đang ngồi nhặt rau dưới nhà bếp để chuẩn bị nấu cơm.
Có thể bạn chưa để ý, hầu hết những ý tưởng thú vị và hay ho của bạn đều nảy ra khi bạn đang “thư giãn” đầu óc.
Đó có thể là lúc bạn đang tản bộ dưới công viên gần nhà, bạn đang tắm, chuẩn bị đi ngủ, đang hái rau, đang nấu ăn, hay đang lái xe trên đường về nhà,…
Chúng luôn xuất hiện vào lúc bạn không ngờ tới nhất, khi bạn còn chưa chuẩn bị đón chào một ý tưởng xuất sắc ra đời.
Ý tưởng là một thứ gì đó mà không phải bạn gọi chào thì chúng sẽ tới mà là khi bạn đã dọn dẹp tâm trí đủ thoáng rộng để có chỗ cho chúng được sinh ra.
Do vậy, đừng bỏ qua khoảng thời gian thư giãn và nghỉ ngơi mỗi ngày nhé!
4. Tập thể dục
Theo nghiên cứu gần đây của Đức, các bài tập thể dục nhẹ nhàng được chứng minh là có lợi cho những vùng não liên quan đến quá trình hình thành trí nhớ.
Một bài báo trên tớ The Guardian của Ben Martynoga chỉ ra rằng: tập thể dục không chỉ giúp ghi nhớ những ký ức mà còn giúp mọi người tỉnh táo và tập trung.
Hãy rời khỏi bản làm việc nửa giờ để đi bộ, đạp xe, chạy bộ trong không khí trong lành sẽ giúp bạn thư giãn, để não bộ được nghỉ ngơi và trở nên nhạy bén hơn sau đó.
5. Tự tạo nhà máy sản xuất ý tưởng của riêng bạn
Một cuốn sổ tay, một tập giấy note, hay đơn giản là app ghi chú trên điện thoại cũng có thể giúp bạn lưu trữ lại những ý tưởng xẹt ngang qua đầu bất cứ lúc nào. Đó chính là nhà máy sản xuất ý tưởng của riêng bạn và là một cách hữu hiệu để giúp bạn không bao giờ rơi vào tình trạng “cạn” nguồn cảm hứng.
Tóm lại,
– Đọc là tiền đề của việc hình thành ý tưởng – hãy đọc thật nhiều.
– Nuôi dưỡng sự tò mò và nói chuyện với đủ kiểu người.
– Luôn dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục thường xuyên.
– Luôn chuẩn bị sẵn “kho chứa” cho những ý tưởng.
Bài học số 2. Sự rõ ràng và ngắn gọn là trụ cột của mọi bài viết hay
Làm thế nào để viết tốt? là câu hỏi mà mình đã từng vật lộn rất lâu để tìm ra câu trả lời.
Theo tác giả cuốn sách VIẾT TRUYỀN CẢM NÓI THÔNG SUỐT, Charlie Corbett:
“Cái hay không nằm ở ngôn từ hoa mỹ hay văn phong dí dỏm vui tươi, mà là khả năng kể một câu chuyện hay.”
Vậy làm sao để kể một câu chuyện hay?
Trước đó chúng ta phải nhớ kỹ một sự thật không thể chối bỏ rằng: những viên gạch nền của mọi bài viết đều tuân theo thứ tự sau: từ, câu và đoạn văn.
Do vậy, để viết tốt bạn cần nhớ 3 nguyên tắc sau:
1. Bạn không thể viết rõ rằng chừng nào chưa tư duy rõ ràng.
2. Ai cũng phải hiểu được những thứ bạn viết.
3. Viết như thể bạn đang nói chuyện mặt-đối-mặt với một người thông minh.
“Một người viết giỏi cũng giống như một người đọc giỏi, cần có óc quan sát.”
Dưới đây là 10 lời khuyên mà tác giả Charlie Corbett dành cho những ai muốn tạo ra những bài viết hay:
1. Sử dụng câu và từ ngắn gọn, súc tích.
2. Dùng câu ở thể chủ động sẽ tốt hơn bị động. Bởi câu chủ động được ưa thích hơn vì nó rõ ràng và mạnh mẽ hơn khi đưa ra luận điểm.
3. Sử dụng các động từ rõ ràng và có ý nghĩa.
4. Tránh mọi thuật ngữ khó hiểu.
5. Sử dụng các phép ẩn dụ, ví von độc đáo.
6. Tránh dấu chấm than!
7. Luôn nghĩ về người đọc.
8. Khi hoàn thành một bài viết hãy ra ngoài khoảng 1 giờ sau đó trở lại và đọc lại nó.
9. Viết thật ngắn gọn
10. Hãy tận hưởng việc viết lách.
Quay trở lại với câu hỏi đầu bài viết, làm thế nào để viết tốt? Câu trả lời là hãy kể một câu chuyện.
Và đây là công thức được những người kể chuyện giữ gìn như báu vật, cấu trúc 4 phần:
1. DẪN
Nếu muốn kể một câu chuyện hay bạn không nhất thiết phải bắt đầu từ đầu. Hãy sử dụng chiến lược “In media res”, chiến lược nhắm vào giữa mọi thứ.
Chọn ra điểm kịch tính nhất và đưa lên đầu câu chuyện. Nó sẽ thu hút sự chú ý của người đọc, khiến họ tiếp tục phải “lật trang” hoặc “cuộn xuống”
2. DỤ
Phần dụ là sự thể hiện rõ ràng mục đích câu chuyện của bạn, quan điểm của bạn là gì?
3. CHỐT
Đây là phần mở rộng của phận dụ. Phần này bạn cần tập trung giải quyết 1 cách trực diện và theo trình tự thời gian những điểm mâu thuẫn và câu hỏi chưa được giải đáp mà bạn đặt ra trước đó.
4. ĐẨY
Kết lại câu chuyện của bạn bằng sự hân hoan. Bạn có thể kết chuyện bằng một ý tưởng hoặc một khái niệm mới. Bạn cũng có thể kết màn bằng một câu trích hay và ấn tượng.
Hãy để lại một bài học nào đó để người đọc được chiêm nghiệm.
Bạn nên nhớ: Ai cũng có thể viết hay cả.
Nếu bạn “quan sát” thì bài viết này đang được thực hiện theo đúng câu trúc 4 phần DẪN – DỤ – CHỐT – ĐẨY.
Hãy thử áp dụng cấu trúc 4 phần này trong bài viết tiếp theo của mình nhé. Xem điều bất ngờ gì sẽ xảy ra.
Bài học số 3. “Giao tiếp tồi – viết tệ và nói vô duyên – được sinh ra từ lười biếng.”
Trích nguyên văn từ cuốn sách VIẾT TRUYỀN CẢM NÓI THÔNG SUỐT của tác giả Charlie Corbett, có vẻ hơi “nặng lời” nhưng mà mình thấy rất đúng.
Lấy chính trải nghiệm của bản thân mình là một ví dụ.
Nếu bạn theo dõi mình thường xuyên thì có lẽ bạn đã biết mình là một học sinh dốt văn khi còn đi học. Mình đã tin vào điều đó trong suốt quãng thời gian “mài mông” trên ghế nhà trường. Chính bởi niềm tin này mà mình nghĩ rằng bộ môn viết là một bộ môn năng khiếu và mình không nên lãng phí thời gian cho những gì không nằm trong năng khiếu trời sinh của mình.
Thế nhưng, đâu đó khi bạn ở đây là đọc bài viết này thì nhiều khả năng bạn được Facebook đề xuất tới bài viết của mình. Điều đó có thể tạm thời khẳng định rằng mình đã và đang sản xuất ra những nội dUng chất lượng bằng hình thức VIẾT.
Và mình rất tự hào khẳng định rằng đây chắc chắn là kết quả của sự chăm chỉ (đương nhiên là có chút may mắn), mà không phải là năng khiếu trời cho.
Trong năm 2024 mình đã xuất bản hơn 100 bài viết trên trang cá nhân, 19 bài viết trên Blog cá nhân, 12 video trên kênh YTB THÓI QUEN NGUYÊN TỬ. Những con số trên chưa bao gồm những bài mình viết cho khách hàng và đối tác.
Từ ngày 1 tháng 4 năm 2024 mình thực hiện đọc và viết hằng ngày không bỏ sót bất cứ ngày nào cho tới ngày 12 tháng 6 năm 2024 mình đi sinh bạn Bắp và tạm dừng hoạt động viết trong khoảng 3 tuần và quay lại với việc viết hằng ngày đã hơn 1 tháng.
Lượt tiếp cận và tương tác tăng dần theo thời gian cùng với sự chăm chỉ và kiên trì của mình. Đây là hành trình rõ ràng nhất cho sự biến đổi của một học sinh dốt văn tới một người có thể tạo ra những sản phẩm viết có lượt chia sẻ lên tới hơn 2,4K.
Và mình lần nữa phải khẳng định rằng, đây chính là kết quả của sự chăm chỉ và kiên trì.
– Đọc 10 trang sách mỗi ngày, sau 30 ngày bạn sẽ hoàn thành 1 cuốn sách, sau 1 năm là 12 cuốn.
– Viết 1 trang mỗi ngày, sau 30 ngày bạn sẽ có một cuốn mini book của riêng mình. Đây cũng là cách mình tạo ra cuốn ebook đầu tay của bản thân.
– Luyện tập nói chuyện trước gương 10 phút mỗi ngày, sau 30 ngày bạn sẽ tự tin đứng trước đám đông và nói lên quan điểm của mình một cách mạch lạc.
Những gì chúng ta muốn làm một cách thoải mái, chúng ta phải học làm một cách siêng năng trước.
Những gì chúng ta muốn làm một cách thoải mái, chúng ta phải học làm một cách siêng năng trước.
“Những gì chúng ta muốn làm một cách thoải mái, chúng ta phải học làm một cách siêng năng trước đã.” – Samuel Johnson
Một câu nói khác mà mình rất thích của Benjamin Franklin đó là: “Chăm chỉ là mẹ của may mắn”
Nếu bạn muốn thay đổi điều gì đó, hãy bắt đầu bằng sự chăm chỉ.
Bài học số 4. Trung thực là nền tảng của thương hiệu cá nhân
Nếu bạn không thể trung thực với chính mình, bạn không thể tạo nên thương hiệu cá nhân bền vững.
Mình biết tới cụm từ thương hiệu cá nhân lần đầu tiên vào năm 2021 với lối tư duy như là:
– Bạn cần xuất hiện như một chuyên gia trong lĩnh vực của mình
– Bạn cần trao thật nhiều giá trị đến cộng đồng bằng các bài viết, bài nói về chuyên môn.
– Bạn cần chỉn chu và nổi bật, thậm chí là lồng lộn trước ống kính máy quay.
– Bạn cần chọn ra từ khóa bạn muốn và liên tục nói về nó.
– …
Đại ý chính là hãy DIỄN TRÒN VAI thương hiệu mà bạn muốn trở thành, cho đến khi bạn và người khác tin điều đó là sự thật. Khi đó, bạn đã thành công xây dựng thương hiệu cá nhân của riêng mình.
Mình đã rất mệt mỏi với lối tư duy đó khi cố gắng xây dựng thương hiệu cá nhân trên MXH cho riêng mình.
Mình bắt đầu với việc chụp nhiều ảnh hơn, make up nhiều hơn, quần áo lồng lộn hơn, nói nhiều đạo lý hơn,… và giả vờ như mình cực kỳ hiểu biết trong lĩnh vực đó.
Thật sự mệt mỏi!
Mình tự nói với bản thân rằng “Thôi bỏ đi, chẳng cần thương hiệu cá nhân làm gì cả.”
Thế nhưng mình không hay biết rằng, thương hiệu cá nhân của mình thực chất là những thứ mình không hề cố tình xây lên. Nó là những thứ mình vẫn thường làm, thường nghĩ, thường nói. Giống như là một người chăm chỉ đọc sách trong mắt mọi người vậy.
Mình chưa từng cố gắng thể hiện rằng mình là một người đam mê đọc sách, thích đọc sách, chăm đọc sách, yêu sách, mê sách,… Mình chỉ đơn giản thực hiện việc đọc như một thói quen và chia sẻ những bài viết về sách trên trang cá nhân của mình một cách rất tự nhiên.
Ấy vậy mà khi ai đó muốn tìm kiếm một đầu sách để giải quyết vấn đề hoặc theo chủ đề nào đó, họ sẽ inbox cho mình. Đây chính là phiên bản đúng của thương hiệu cá nhân – Những điều người khác nghĩ về khi nhắc tới bạn, một người đọc sách.
Mình nhận ra thương hiệu cá nhân không cần xây, đúng hơn là không cần diễn mà bạn cần TRUNG THỰC.
– Trung thực với thói quen và tính cách của mình
– Trung thực với trải nghiệm của mình
– Trung thực với tính cách của mình
– Trung thực với năng lực của mình
Tác giả cuốn sách VIẾT TRUYỀN CẢM NÓI THÔNG SUỐT, Charlie Corbett cũng có cùng ý kiến với mình. Ông cho rằng:
“Hãy trung thực, rõ ràng và là chính mình.”
Thương hiệu cá nhân là điều giúp người khác phân biệt bạn trong đám đông. Nó chính là dấu ấn cá nhân của riêng bạn, chỉ tìm thấy trên bạn, ở con người bạn.
Một điểm thú vị là bạn không thể nhờ người khác xây dựng thương hiệu cá nhân giúp mình được, bởi nó giống như bạn thuê ai đó sống hộ cuộc đời của chính mình vậy. Thật vô lý!
Bạn có thể sẽ là phiên bản khác nhau trong mắt của những người khác nhau. Ví dụ như mình, sẽ có người nhận diện mình như là:
– Một người đọc sách hằng ngày.
– Một người viết
– Một người có giọng nói truyền cảm
– Một người có ý tưởng khác người.
– Một người cá tính mạnh.
– Một người thông minh.
– Một người giỏi giao tiếp
– Một người giỏi ứng biến.
Tại sao ư? Bới với mỗi góc nhìn khác nhau, mình lại để lại những khía cạnh dấu ấn khác nhau.
Họ ấn tượng với bạn ở điểm nào, thì đó chính là thương hiệu cá nhân của bạn trong lòng họ.
Tất nhiên, nếu đại đa số mọi người đều thấy mình là một người chăm chỉ đọc sách và viết lách thì rõ ràng đây là một thương hiệu rất mạnh khi nhắc tới mình. Và mình khá hài lòng với thương hiệu “vô tình” có được này – Thương hiệu được xây lên bởi sự trung thực với chính mình của bản thân.
Do vậy mình nghĩ tư duy đúng để xây dựng thương hiệu cá nhân thành công không phải là DIỄN SÂU với vai diễn thương hiệu bạn mong muốn mà là tìm cách phóng đại căn tính/niềm tin của bạn một cách sắc nét và rõ ràng.
Mình tin mình là một người kiên trì và chăm chỉ. Và mình phóng đại niềm tin này bằng cách:
– Đọc sách, viết lách hằng ngày.
– Cải tiến liên tục phương pháp đọc sách hiệu quả, viết hằng ngày và tự học.
– Chủ động học hỏi từ những người có thói quen mình thích (đọc sách, viết lách, dậy sớm, tự học,…)
– Chia sẻ hằng ngày những trải nghiệm của bản thân từ việc đọc và tự học
– Duy trì bền vững những thói quen tích cực
– Chia sẻ lại chính những bài học mình có được từ sự chăm chỉ và kiên trì đến mọi người.
Mình tin rằng, thương hiệu cá nhân là một phần có sẵn nằm sâu bên trong con người bạn. Việc của bạn chính là khiến chúng hiện diện ra bên ngoài thế giới.
Bài học số 5. Quy tắc để tự tin nói chuyện trước đám đông
5 Quy tắc cần tuân thủ giúp bạn tự tin nói chuyện trước đám đông:
1. Sự ngắn gọn là linh hồn của sự hấp dẫn. Theo nghiên cứu, 18 phút là thời gian tối đa để thu hút chú ý của mọi người.
2. Những bài phát biểu hay nhất là những câu chuyện. Chúng có phần mở đầu thu hút khán giả, phần giữa giúp giải trí và phần kết thúc khiến mọi người muốn nghe thêm.
3. Nói chuyện với khán giả như thể đó là một người bạn cũ.
4. Nói chậm.
5. Không có gì có khả năng thu hút sự chú ý của mọi người giống như sự im lặng.
Mình thật sự phải dành lời khen cho cuốn sách này, VIẾT TRUYỀN CẢM NÓI THÔNG SUỐT của tác giả Charlie Corbett. Mình đã góp nhặt được khá khá những bài học hay từ cuốn sách này bao gồm kỹ năng viết và nói.
Bài học số 6. Chiến lược truyền thông xã hội
“Mọi người chia sẻ các bài đăng để thấy họ là người thông minh hơn, dí dỏm hơn và đồng cảm cũng như có lòng trắc ẩn với những nỗi đau của nhân loại.” – Trích sách VIẾT TRUYỀN CẢM NÓI THÔNG SUỐT.
7 lời khuyên về việc đưa ra chiến lược truyền thông xã hội hằng ngày:
1. Trước khi bạn đăng bất cứ điều gì, hãy tự hỏi: Nó có thực sự thu hút được sự quan tâm của ai không?
2. “Chúng ta là những gì chúng ta lặp đi lặp lại. Xuất sắc suy cho cùng không phải là một hành động mà là một thói quen” – Aristole. Thường xuyên là từ khóa để được chú ý.
3. Càng đăng nhiều thì càng có nhiều người nhìn thấy bạn.
4. Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để xây dựng sự tương tác chỉ hiệu quả nếu bạn làm điều đó thường xuyên.
5. Đừng ấn chia sẻ một cách vô tri, hãy để lại vài dòng bình luận của bạn về nội dung bạn chia sẻ lên trang các nhân của mình. Nếu không bạn chẳng khác nào con rô bốt ngớ ngẩn chia sẻ bài đăng vì sếp bạn đã yêu cầu cả.
6. Khi viết bài, đừng chỉ tìm cách đẩy bán cho mọi người. Hãy bắt đầu bằng việc mang lại lợi ích cho họ trước.
7. Tìm cách khơi gợi phản ứng cảm xúc của mọi người: cười, tò mò, sợ hãi,… nó sẽ khiến bài đăng của bạn trở thành tâm điểm của mọi người.
Cuối cùng, bạn nên nhớ: truyền thông xã hội không phải là giao tiếp 1 chiều. Đó là một cuộc trò chuyện.
Review sách: Viết truyền cảm nói thông suốt
Mình thích cuốn sách này!
Mình là người thích những thứ đơn giản, đi thẳng vào trọng tâm, không cầu kỳ khoa trương, đánh trực diện vào vấn đề. Và cuốn sách này là những gì mình muốn.
Viết sao cho truyền cảm, nói sao cho thông suốt?
ĐƠN GIẢN – RÕ RÀNG – DỄ HIỂU là 3 từ khóa bạn cần nằm lòng để tạo nên nhưng nội dung “chạm” tới khán giả.
– Ngôn từ đơn giản
– Ý tứ rõ ràng
– Văn phong dễ hiểu
Tác giả Charlie Corbett đưa ra những lời khuyên và kỹ thuật giúp chúng ta cải thiện kỹ năng “giao tiếp” theo cả 2 hình thức viết – nói. Tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng ngôn từ đơn giản, dễ hiểu và tránh sử dụng từ ngữ phức tạp, rườm rà.
Ngoài ra, tác giả còn chỉ cho chúng ta những công thức và kỹ thuật viết – nói giúp bạn truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả mà vô cùng đơn giản.
Mình đặc biệt ấn tượng với công thức kể chuyện 4 bước: DẪN – DỤ – CHỐT – ĐẨY. Đây là công thức có thể áp dụng với nhiều thể loại nội dung khác nhau, từ thuyết trình, viết lách, quảng cáo đến bán hàng,…
Nếu bạn đã chán ngấy những cuốn sách hướng dẫn cường điệu các công thức content cồng kềnh với thứ ngôn ngữ “nước đôi” thì hãy để VIẾT TRUYỀN CẢM NÓI THÔNG SUỐT dẫn lối cho bạn, giúp bạn nói ít mà hiệu quả nhiều thông qua 10 chương sách ngắn gọn này nhé!
Mình nghĩ bạn sẽ trở thành fan của cuốn sách này đó.
Điểm đánh giá: 7.5/10
ĐẶT SÁCH: TẠI ĐÂY (Nếu bạn mua sách qua link này mình sẽ được nhận 1 phần hoa hồng và bạn vẫn được mua với giá ưu đãi: https://s.shopee.vn/3VQVAgKjGD)
Một vài gợi ý khác cho bạn
Bạn chắc chắn sẽ muốn đọc các cuốn sách tuyệt vời khác. Mời bạn đến với chuyên mục: Review sách nhé!
Các đầu sách khác:
- Review sách: Sức mạnh của thói quen
- Review sách: Nghề tay trái không tay trắng
- Review sách: Dám lên tiếng
CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC
- Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
- Facebook: Hương Nguyễn
- Fanpage: Hương Nguyễn – Càng kiên trì, càng tiến xa
- YouTube: THÓI QUEN NGUYÊN TỬ
Một bản review sách rất là chi tiết và dễ hiểu