Thói quen quyết định bạn là ai!
Vì sao ta DỄ lặp lại một thói quen XẤU nhưng KHÓ hình thành một thói quen TỐT đến như vậy?
Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Ba cấp độ thay đổi hành vi
- Ta rất dễ cầm điện thoại lướt hàng giờ trước khi ngủ nhưng lại khó hình thành thói quen đọc sách trước khi ngủ.
- Ta rất dễ bị đồ ăn vắt “quyến rũ” vào nửa đêm nhưng lại khó hình thành thói quen uống một cốc sữa ấm khoảng 1 – 2 tiếng trước khi đi ngủ.
- Ta rất dễ nằm ỳ trên giường lướt Tóp Tóp sau khi tắt chuông báo thức buổi sáng nhưng lại khó hình thành thói quen BẬT DẬY & RỜI GIƯỜNG sau tiếng chuông báo thức
Tại sao?
Lý do khiến bạn luôn thất bại trong việc xây dựng thói quen?
Trong cuốn sách Atomic Habits, tác giả James Clear có chia sẻ 2 lý do quan trọng khiến ta gặp khó khăn trong việc thay đổi thói quen:
- Chúng ta cố gắng thay đổi SAI VIỆC.
- Chúng ta cố gắng thay đổi SAI CÁCH.
Tác giả chỉ ra rằng có 3 lớp cấp độ thay đổi hành vi của con người, bao gồm:
- Căn tính: niềm tin của bạn – cái bạn tin
- Quy trình: hành động của bạn – cái bạn làm
- Kết quả đầu ra: kết quả của bạn – cái bạn muốn có
Hầu hết chúng ta tập trung thay đổi hành vi dựa trên kết quả đầu ra (đi từ lớp số 3 => lớp số 1), nhưng tác giả khuyên chúng ta nên làm ngược lại. Nghĩa là thay đổi hành vị dựa trên căn tính (đi từ lớp số 1 => lớp số 3).
Ví dụ
Ví dụ hai người đang giảm cân: A và B.
Bạn A: áp dụng thay đổi hành vi dựa trên kết quả đầu ra
Bạn A đặt mục tiêu giảm 5 kg trong 30 ngày tới. Do vậy bạn A lên kế hoạch đến phòng tập Gym 4 buổi/ tuần, 2 giờ/lần tập. Bạn A thực hiện kế hoạch cắt giảm tinh bột, giảm uống trà sữa, đồ ngọt và đồ ăn vặt nhiều calo, ăn nhiều rau xanh và uống nhiều nước. Ngoài ta, bạn A còn uống thêm viên hỗ trợ giảm cân và thải độc để giúp cơ thể nhanh đạt được kết quả giảm cân mong muốn.
Nếu ai đó rủ bạn A đi uống trà sữa, bạn A sẽ nói rằng: Không, cảm ơn. Tôi đang cố giảm cân.
Đây là một câu trả lời rất thường gặp trong đời sống của chúng ta nhưng trong thâm tâm bạn bạn tin rằng mình là một người “thừa 5kg” và đang cố gắng trở nên thon thả hơn.
Bạn A hi vọng hành vi của mình sẽ thay đổi trong khi vẫn giữ niềm tin cũ.
Bạn B: áp dụng thay đổi hành vi trên căn tính
Cùng là mục tiêu giảm cân, nhưng khi được mời uống trà sữa, phản ứng của bạn B sẽ hoàn toàn khác.
“Không, cảm ơn. Tôi không uống trà sữa.”
Đây chỉ là một khác biệt rất nhỏ, nhưng với câu phát biểu này là dấu hiệu chuyển đổi trong căn tính. Trà sữa có thể là một phần trong cuộc sống cũ của bạn B nhưng không phải con người bây giờ của bạn B. Bạn B không định nghĩa mình là một người đang giảm cân, mà là một người không uống trà sữa/ không ăn vặt/ kiên trì tập luyện thể chất/ ăn uống lành mạnh…
Bằng niềm tin này, bạn B sẽ có những hành vi tương ứng với cách bạn B định nghĩa con người mình.
Đến đây, mình muốn trích dẫn một câu rất hay trong cuốn Manifest như thế này: “Hãy làm giả nó cho đến khi bạn làm ra nó.”
Nghĩa là, hãy hành động như thế bạn là người bạn muốn trở thành trong tương lai.
Tư duy đúng để xây dựng thói quen mới thành công
Hãy bắt đầu từ việc tập trung vào con người mà bạn muốn TRỞ THÀNH. Giống như là:
- Mục tiêu không phải là đọc một cuốn sách, mục tiêu là TRỞ THÀNH một người đọc sách.
- Mục tiêu không phải là tham gia một cuộc chạy marathon, mục tiêu là TRỞ THÀNH một người chạy bộ.
- Mục tiêu không phải là học chơi một nhạc cụ, mục tiêu là TRỞ THÀNH một người chơi nhạc cụ.
Đằng sau một hệ thống HÀNH ĐỘNG đều có một hệ thống NIỀM TIN.
Nếu bạn tin rằng TÔI LÀ NGƯỜI CÓ THÓI QUEN ĂN UỐNG LÀNH MẠNH, bạn sẽ không ăn vặt lúc nửa đêm, hạn chế ăn đồ ăn nhanh, chú ý cách chế biến thức ăn dinh dưỡng, chú ý ăn đúng giờ và đủ bữa… Từ những hành vi như thế bạn sẽ trở thành một người có vóc dáng cân đối, có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.
Nên nhớ, động lực khiến bạn bắt đầu hành động, còn niềm tin khiến bạn kiên trì với nó.
Trở thành người viết tự do
Lấy trải nghiệm của mình làm một ví dụ. Thời điểm mình tin rằng mình là học sinh dốt Văn, mình đã rất sợ hãi công khai các bài viết của mình.
Sau khi mình thay đổi niềm tin rằng mình dốt văn thành mình sẽ trở thành một cây viết tự do đầy cảm hứng trong tương lai, mình đã viết nhiều hơn, chăm chỉ mỗi ngày và tạo cho bạn thân thói quen viết.
Từ thói quen viết mà rèn luyện được tư duy mạch lạc hơn, viết review sách có chiều sâu hơn, chi tiết hơn, cảm hứng hơn và nhận được lời khen từ các động giả.
Những lời khen này lại tiếp thêm cho mình động lực để hành động.
Hãy thay đổi niềm tin trước khi muốn thay đổi một điều gì đó trong cuộc sống của bạn.
Quá trình 2 bước trong thay đổi căn tính – Thói quen quyết định bạn là ai!
“Thói quen không phải là chuyện có được cái gì đó mà là việc trở thành ai đó.”
Tại sao ư?
Thói quen định hình căn tính như thế nào?
Trong phần trước, mình có nhắc tới 3 lớp cấp độ thay đổi hành vi: thay đổi kết quả đầu ra – thay đổi quy trình – thay đổi căn tính.
Phần này chúng ta sẽ bàn sâu hơn về việc: Thói quen định hình căn tính như thế nào?
Đầu tiên chúng ta phải khẳng định rằng: THÓI QUEN bạn có chính là cách bạn biểu hiện CĂN TÍNH của mình ra ngoài.
Ví dụ như:
- Bạn dọn giường mỗi ngày, bạn thể hiện căn tính là một người ngăn nắp.
- Bạn viết mỗi ngày, bạn thể hiện căn tính là một người sáng tạo.
- Bạn rèn luyện thể chất mỗi ngày, bạn thể hiện căn tính của một người ưa vận động.
Dù cho hiện tại, căn tính của bạn là thế nào thì bạn cũng chỉ tin vào nó khi bạn có BẰNG CHỨNG về nó. Giống như là:
- Bạn đi nhà thờ mỗi chủ nhật hàng tuần liên tục trong 20 năm, bạn có bằng chứng để tin rằng mình là một người ngoan đạo.
- Bạn luôn nhận được điểm cao trong các bài kiểm tra văn, bạn có bằng chứng để tin rằng mình là một người có năng khiếu viết.
- Bạn luôn tẩy trang và skincare đủ bước vào mỗi tối trong suốt 10 năm, bạn có bằng chứng để tin rằng bạn là một người yêu làn da.
- Bạn luôn học tiếng Anh ít nhất 1 giờ mỗi tối, bạn có bằng chứng mình là một người chăm chỉ.
- Bạn duy trì tới phòng tập kể cả trời đổ mưa, bạn có bằng chứng cho thấy mình là một người kiên trì rèn luyện.
Bạn càng LẶP ĐI LẶP LẠI một hành vi bao nhiêu thì càng củng cố CĂN TÍNH với hành vi đó bấy nhiêu. Nghĩa là bạn càng có nhiều BẰNG CHỨNG cho một niềm tin nào đó thì lòng tin của bạn về điều đó càng MẠNH MẼ.
- Nếu bạn luôn đến trễ trong mọi cuộc hẹn, bạn sẽ tin mình là một người cao su giờ.
- Nếu bạn luôn được điểm kém trong các bài kiểm tra toán, bạn sẽ tin mình là một học sinh kém thông minh.
- Nếu bạn thường xuyên bỏ cuộc trong các thử thách của cuộc sống, bạn sẽ tin mình là một kẻ thiếu ý chí, nghị lực.
Thế nhưng, ta hoàn toàn có thể “lợi dụng” những bằng chứng này để xây dựng niềm tin của mình, như James Clear – tác giả cuốn sách Atomic Habits chia sẻ: “Tôi trở thành tác giả thông qua thói quen của mình.”
Và bạn cũng có thể:
- Tin rằng mình là kiểu người thích đọc nếu bạn hoàn thành 1 cuốn sách.
- Tin rằng bạn là kiểu người thích vận động nếu bạn đến phòng tập.
- Tin rằng bạn là kiểu người thích âm nhạc nếu bạn tập chơi guitar.
Mỗi hành động bạn thực thi giống như một lá phiếu cho loại người bạn muốn TRỞ THÀNH. Câu hỏi lúc này là: Bạn bỏ phiếu cho loại người nào?
- Người đọc sách?
- Người kỷ luật?
- Người viết tự do?
- Người ngăn nắp?
- Người thất bại?
- Người overthinking?
- Người kém cỏi?
… nó nằm ở sự LỰA CHỌN của chính bạn.
2 bước thay đổi căn tính
Con đường thực tế nhất để thay đổi con người hiện tại của bạn là thay đổi ĐIỀU BẠN LÀM.
- Mỗi khi bạn viết được một trang, bạn là tác giả.
- Mỗi khi bạn luyện tập violong, bạn là người chơi nhạc.
- Mỗi khi bạn rèn luyện thân thể, bạn là vận động viên.
- Mỗi khi bạn khích lệ người khác hành động, bạn là người truyền cảm hứng.
Mỗi hành động như vậy là một lần bạn đang bỏ phiếu cho loại người bạn đã trở thành. Do vậy, nhiệm vụ của chúng ta là tạo ra các thùng phiếu ấy.
Mỗi lá phiếu đại điện cho một hành động tương ứng với con người bạn muốn trở thành. Khi thùng phiếu đầy thì cũng là lúc bạn bước ra với phiên bản MỚI của chính mình.
Lưu ý, bạn không cần một số phiếu tuyệt đối mới “thắng cử”, bạn chỉ cần đa số phiếu nghĩa là thắng trong đa số thời gian.
Quay trở lại câu hỏi ban đầu: Thói quen định hình căn tính như thế nào?
Đây là 2 bước thay đổi căn tính:
- Bước 1. Quyết định kiểu người bạn muốn TRỞ THÀNH.
- Bước 2. Chứng minh với bản thân bằng các thắng lợi nho nhỏ.
Nếu bạn muốn trở thành người có thói quen đọc sách, thay vì đặt câu hỏi: “Làm sao để đọc sách mỗi ngày?” thì hãy bắt đầu với câu hỏi: “Kiểu người nào sẽ đọc sách mỗi ngày?”
Câu trả lời là: Đó là một người kiên trì và ham học hỏi. Từ câu trả lời này ta sẽ bắt đầu các hành vị để chứng mình với bản thân rằng mình là người kiên trì và ham học hỏi (thay đổi dựa trên căn tính)
Hành vi đó có thể là gì?
- Dành ít nhất 5 phút mỗi ngày để đọc
- Ghi chép lại những kiến thức, thông tin hữu ích của sách.
- Áp dụng thông tin từ sách vào cuộc sống.
Trọng tâm chú ý lúc này không còn là đạt kết quả nào đó mà là TRỞ THÀNH KIỂU NGƯỜI nào đó.
Bạn có đang TRỞ THÀNH con người mà bạn MUỐN trở thành không?
Hãy để lại lời cam kết với bản thân dưới phần bình luận của bạn viết này để chúng mình cùng ủn mông nhau nhé!
THÓI QUEN QUYẾT ĐỊNH BẠN LÀ AI
Chúc bạn một ngày tốt lành!
Bạn có thể đọc các bài viết tại chuyên mục PHÁT TRIỂN BẢN THÂN để tìm tham khảo thêm các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mà mình đã trải qua hoặc sưu tầm được.
Đọc thêm: Quản lý thời gian – Ma trận quản lý thời gian Eisenhower
Phương pháp đúng để thay đổi thói quen thành công
“Thói quen chính là lối tắt học được từ kinh nghiệm.”
Ở phần trước trước, mình đã nhắc tới 2 lý do vì sao chúng ta gặp khó khăn trong việc xây dựng thói quen tốt và từ bỏ thói quen mới.
- Chúng ta thay đổi sai việc
- Chúng ta thay đổi sai cách
Sai việc được nhắc đến ở đây là chúng ta cố gắng thay đổi hành vi dựa trên kết quả đầu ra và niềm tin cũ. Thay vào đó, chúng ta nên bắt đầu với việc thay đổi niềm tin cũ (căn tính) để định nghĩa lại kiểu người ta muốn trở thành, và từ đó thực hiện những hành vi tương ứng với kiểu người mới ấy. Ta gọi hoạt động này là thay đổi dựa trên căn tính.
Ở phần này, mình sẽ bàn về lý do thứ hai, thay đổi sai cách.
Ví dụ
Trước tiên, cùng nhìn lại cách cũ cùng ta vẫn thường làm khi thay đổi một thói quen nào đó.
- Bạn muốn hình thành thói quen đọc sách và bạn nghĩ rằng mình cần mua thật nhiều sách và cố gắng hoàn thành mục tiêu đọc 50 trang sách mỗi ngày. Nhưng rồi bạn chợt phát hiện ra đọc 5 trang sách trong ngày đầu tiên thôi cũng là thử thách quá khó khăn. Hay là đặt sách xuống lượt Top Top một lúc rồi quay lại với việc đọc. Sau đó,… và không có sau đó nữa.
- Bạn muốn xây dựng thói quen tiết kiệm tiền và bạn lên YouTube học được vài mẹo nhỏ như là gửi tiết kiệm trước chi tiêu, tự nấu ăn, cắt bỏ chí phí trà sữa, đồ ăn vắt, giảm chi phí mua sắm online….Bạn hào hứng áp dụng các mẹo nhỏ đó vào cuộc sống của mình. Sau 7 ngày, 14 ngày bạn cảm thấy mình thật giỏi biết bao và bạn càng tin tưởng các mẹo nhỏ kia hữu ích với mình. Nhưng rồi, bất chợt bạn thân của bạn rủ bạn đi thưởng trà ngày chủ nhật. Bạn nghĩ rằng mình đã sống tiết kiệm và cố gắng kỷ luật bản thân trong suốt những ngày qua, và giờ là lúc mình cần tưởng thưởng cho bản thân. Bạn nhận lời cô bạn, và sau đó bạn thấy mình xách về túi lớn túi nhỏ những quần áo, mĩ phẩm và tệp hóa đơn ăn uống lộn xộn. Tài khoản của bạn bỗng chốc trở về hiện trạng như chưa từng có mẹo nhỏ nào được áp dụng trong đời. Bạn tự an ủi bản thân rằng đó chỉ là sự cố. Nhưng rồi bạn thấy mình không còn nhiều tiền trong tài khoản, và dù cố gắng ăn mì gói thì bạn cũng chỉ đủ sống trong 5-7 ngày nữa mà thôi. Khi tài khoản cạn kiệt, bạn nghĩ tới số tiền tiết kiệm gửi đi vào đầu kỳ lương. Ồ, rút ra một nửa chi tiêu chắc không sao cả. Và cái bẫy của những thói quen chi tiêu không lành mạnh lại quay trở về với bạn. Thật sầu nản!
Bạn thấy mình trong đó không?
Đâu đó, trong hai ví dụ trên mình đều thấy mình ở đó, hừng hực quyết tâm kỷ luật bản thân để đạt được kết quả mới. Sau đó, dần dần bị chính những kỷ luật khắt khe đó nhấn chìm trong mệt mỏi và kiệt sức.
Có lẽ đây không phải chuyện của riêng cá nhân mình!
Phương pháp để thay đổi thói quen thành công
Ở phần trước trước chúng ta bàn về chủ thể cần thay đổi, thì trong phần này chúng ta sẽ thảo luận về PHƯƠNG PHÁP để thay đổi.
Trong cuốn sách Atomic Habit tác giả James Clear có chia sẻ về vòng lặp thói quen, mà trước đó đã được trình bày trong cuốn The Power of Habit của tác giả Chales Duhigg rằng:
“Tất cả thói quen đều tiến triển qua bốn giai đoạn theo một trật tự như sau: tín hiệu – cơn thèm muốn – phản hồi – phần thưởng.”
Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy vòng lặp này xuất hiện ở hầu hết các hoạt động xung quanh cuộc sống của mình.
Như là:
- Khi điện thoại có chuông báo tin nhắn mới, bạn phát sinh nhu cầu muốn biết nội dung tin nhắn. Do vậy bạn cầm lấy điện thoại và mở phần tin nhắn ra đọc. Bạn cảm thấy thỏa mãn khi nhu cầu muốn biết nội dung tin nhắn của mình được đáp ứng.
- Bạn thức dậy vào buổi sáng và muốn mình tỉnh táo hơn, bạn quyết định pha một tách cafe và uống. Sau đó, bạn thấy mình tỉnh táo hẳn ra và bạn cảm thấy nhu cầu của mình đã được thỏa mãn.
- Bạn ngửi thấy mùi thơm từ tiệm bánh mì pate trên đường đi bộ đến chỗ làm, bạn bắt đầu thèm bánh mì pate và bạn quyết định mua một cái để ăn. Bạn lập tức được thỏa mãn mong muốn được ăn một chiếc bánh mì pate của mình.
Đầu tiên, có một TÍN HIỆU nảy ra, nó kích hoạt não bạn khởi động một hành vi nào đó như là tiếng chuông báo tin nhắn, bạn thức giấc vào buổi sáng, mùi thơm từ tiệm bánh mì. TÍN HIỆU này có nhiệm vụ báo động về một phần thưởng nào đó, như là thỏa mãn cảm giác tò mò về nội dung tin nhắn, sự tỉnh táo hay cơn thèm ăn.
Tiếp theo, CƠN THÈM MUỐN tạo ra động lực thúc đẩy đằng sau mọi thói quen. Bạn muốn biết nội dung tin nhắn, bạn muốn tỉnh táo, bạn muốn ăn bánh mì. CƠN THÈM MUỐN đại diện cho sự khao khát có được phần thưởng, khao khát đó càng mạnh thì cơn thèm muốn “càng vật vã”, động lực càng mãnh liệt.
Sau đó, PHẢN HỒI là bước mà thói quen được biểu hiện, nó có thể dưới dạng suy nghĩ hoặc hành động. Bạn cầm điện thoại và mở tin nhắn, bạn pha cafe và uống, bạn mua bánh mì. PHẢN HỒI chính là hoạt động để bạn có được phần thưởng sau cùng.
Cuối cùng, sau những phản hồi sẽ đưa ta đến PHẦN THƯỞNG, phần thưởng chính là mục tiêu cuối của mọi thói quen.
Nếu thiếu 3 bước đầu tiên TÍN HIỆU – CƠN THÈM MUỐN – PHẢN HỒI thì hành vi sẽ không xảy ra. Nếu thiếu cả bốn thì hành vi sẽ không lặp lại.
Nghĩa là, dù bạn thực hiện cả 3 bước đầu tiên, nhưng không đạt được PHẦN THƯỞNG gì thì bạn sẽ không lặp lại hành vi đó của mình nữa.
Phần quan trọng nhất của phương pháp?
Thời đại học, trong bộ môn TRIẾT HỌC có một ý làm mình ám ảnh tới bây giờ, đó là: Mọi hành vi của chúng ta đều hướng tới một LỢI ÍCH nào đó, bao gồm cả vật chất và tinh thần.
Nó giống như là, bất cứ khi bạn làm điều gì đó trong cuộc sống thường ngày thì đều để đạt được một lợi ích nào đó.
Ví dụ như:
- Bạn làm việc chăm chỉ để kiếm được nhiều tiền hơn.
- Bạn đi ngủ để đảm bảo sức khỏe sinh học của mình.
- Bạn đánh răng mỗi ngày vì bạn muốn có cảm giác răng miệng sạch sẽ.
- Bạn bật ti vi vì bạn cần được giải trí.
Tất nhiên, không phải ai thực hiện một hành vi nào đó cũng vì một lợi ích giống nhau.
- Có người đọc sách để giải trí.
- Có người đọc sách để cai mạng xã hội
- Có người đọc sách để mở mang kiến thức.
- Có người đọc sách để làm màu
- Có người đọc sách để giết thời gian…
Chỉ bản thân chúng ta mới biết ta muốn gì!
Và chỉ chúng ta mới có thể tạo ra chuỗi hoạt động để thay đổi thói quen hiệu quả nhất với mình. Và đòn bẩy ở đây chính là dựa trên 4 giai đoạn của vòng lặp thói quen: TÍN HIỆU – CƠN THÈM MUỐN – PHẢN HỒI – PHẦN THƯỞNG.
Phần thưởng là thứ cực kỳ quan trọng trong chuỗi vòng lặp thói quen này, nó quyết định chuỗi hành vi có được lặp lại hay không, nếu hành vi không được lặp lại, thói quen sẽ không hình thành.
4 Nguyên tắc để xây dựng thói quen thành công
Dựa trên vòng lặp này, ta có thể xây dựng nên 4 NGUYÊN TẮC để xây dựng thói quen tốt:
- Tín hiệu: Hãy khiến nó trở nên rõ ràng.
- Cơn thèm muốn: Hãy khiến nó trở nên hấp dẫn.
- Phản hồi: Hãy khiến nó trở nên dễ dàng.
- Phần thưởng: Hãy khiến nó tạo ra cảm giác thỏa mãn.
Bất cứ khi nào bạn muốn thay đổi hành vi của mình, thay vì hỏi rằng: Làm sao để thay đổi thói quen ABC?
Hãy thử hỏi bản thân:
- Làm sao để khiến nó trở nên rõ ràng?
- Làm sao để khiến nó trở nên hấp dẫn?
- Làm sao để khiến nó trở nên dễ dàng?
- Làm sao để khiến nó tạo ra cảm giác thỏa mãn?
Với thói quen xấu, bạn chỉ cần làm ngược lại đến khiến hành vi không xảy ra và lặp lại nữa.
Mục đích tối hậu của thói quen là giải quyết vấn đề trong đời sống với ít năng lượng và nỗ lực nhất có thể.
Tạo ra thói quen tích cực là cách để dành năng lượng cho những thử thách mới.
Đọc thêm: Review sách: Thói quen nguyên tử – James Clear
MUA SÁCH: TẠI ĐÂY
CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC
- Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
- Facebook: Hương Nguyễn
- Fanpage: Hương Nguyễn Blog
- YouTube: THÓI QUEN NGUYÊN TỬ
10 Điểm cho tác giả nhen
Mong bạn sẽ ủng hộ blog thường xuyên nhé!
[…] Đọc lại bài viết: THÓI QUEN QUYẾT ĐỊNH BẠN LÀ AI? […]