Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc

Review chi tiết: Cuốn sách bann ước cha mẹ mình từng đọc và con bạn sẽ vui nếu bạn đọc nó - Tác giả Philippa Perry.

0
424
Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc
Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc

Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc – Philippa Perry, hứa hẹn rằng:

  • Hiểu rằng cách nuôi dạy của bạn có thể ảnh hưởng đến con cái bạn
  • Chấp nhận rằng bạn sẽ mắc sai lầm và học cách ứng xử với sai lầm
  • Phá vỡ các vòng lặp và khuôn mẫu tiêu cực từ thế hệ trước
  • Xử lý cảm xúc của chính bạn trước khi xử lý cảm xúc của con bạn

Cùng mình khám phá xem cuốn sách này có gì nhé!

Lý do “Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc” có trong tủ sách của mình?

Làm gương là cách tốt nhất để nuôi dạy một đứa trẻ – Đây là điều mình nghiệm được từ chính trải nghiệm của bản thân với vai trò là một người con.

Mình không thể phủ nhận việc mình ghét một vài tính xấu được thừa hưởng từ mẹ mình nhiều như thế nào, nhưng nó vẫn tồn tại và ẩn sâu bên trong con người mình. Mặc dù mình đã tìm rất nhiều cách để “tẩy trắng” nó nhưng dường như nó chỉ là một phần trên bề mặt.

Khi đọc cộng hưởng cuốn sách này, “Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc” mình mang một kỳ vọng rất lớn là tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Những từ khóa quan trọng để nuôi dạy một đứa trẻ trở thành một người tử tế và chính trực.

Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc
Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc

Tại sao không phải là tốt bụng và trung thực?

Mình không thích 2 đức tính này nếu chúng đứng đơn độc, nó gợi lên cho mình một cảm giác gì đó rất “ngớ ngẩn” hay đúng hơn là có chút “ngu ngốc”.

Mình không phủ nhận rằng tốt bụng và trung thực là 2 đức tính tốt đẹp, nhưng ở một góc độ nào đó thì nó lại rất dễ bị người khác “lợi dụng” và khiến bản thân gặp những “sự cố” không mong muốn.

Mình thích từ TỬ TẾ và CHÍNH TRỰC hơn.

Mình hình dung sự TỬ TẾ là một cái gì đó được kết hợp bởi lòng trắc ẩn và sự hiểu biết. Còn CHÍNH TRỰC là sự kết hợp của trung thực, dũng cảm và thông tuệ. Nghĩa là đứng trước một vấn đề cần cân nhắc nặng nhẹ giữa người và ta, giữa được và mất, không phải là chỉ biết lợi mình mà còn phải không làm hại người.

Mình không thích trải nghiệm hại mình, lợi người; cũng càng không thích trải nghiệm lợi mình, hại người. Hoặc là không hại ai, không thì cũng nên là cùng nhau được lợi.

Một từ khóa mình rất thích khi cộng hưởng cuốn sách này là CHỊU TRÁCH NHIỆM. Một người có thể chịu trách nhiệm là một người hội tụ cả 2 đức tính TỬ TẾ và CHÍNH TRỰC.

Chịu trách nhiệm của bạn thân, tìm cách cải thiện vấn đề, tự đúc rút bài học và tiến về phía trước.

Mình cho rằng, một người có khả năng chịu trách nhiệm là một người biết sống cho bản thân và cho xã hội.

Ta cần gì hơn ở một người như thế chứ!

Với tựa sách khá thú vị – Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc, tác giả Philippa Perry có thể sẽ mang tới nhiều bài học tâm lý hữu ích trong việc nuôi dạy con cái.

Phần 1. Di sản làm cha mẹ của bạn

“Trẻ không làm theo những gì ta nói, chúng làm theo những gì ta làm.”

Mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm này của tác giả Philippa Perry trong cuốn sách “Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc”.

Từ trải nghiệm bản thân, mình thấy ẩn bên trong mình chính là những gì mình được chứng kiến và cảm nhận được từ các thói quen, lối sống của gia đình mình. Như là:

  • Cách mẹ mình quản lý tiền bạc và kiếm tiền.
  • Cách mẹ mình giữ im lặng trong các cuộc trò chuyện toxic của hàng xóm khi kể xấu về ai đó khiến họ khó chịu.
  • Cách mẹ mình nghĩ về ông ngoại, bà ngoại, về anh chị em trong nhà.
  • Cách mẹ mình đối xử với các mối quan hệ xã hội.
  • Cách mẹ mình than vãn mỗi lần phải làm điều gì đó một mình mà không được nhận sự giúp đỡ.

Bản thân mình ít nhiều là tấm gương phản chiếu con người của mẹ mình, nói rộng hơn là cho văn hóa và cách giáo dục của gia đình mình.

Có những điều mình thích và mình không thích về sự “thừa kế” này. Đương nhiên, sự thừa kế đó cũng bao gồm những điều là tốt và không tốt.

Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc
Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc

Đây không phải một công thức đổ lỗi, đây là một nhận định. Khi nhìn nhận được gốc rễ vấn đề này, mình có quyền chọn giữ hoặc loại bỏ sự kế thừa đó. Đương nhiên, việc lưu giữ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều với việc loại bỏ, bởi ít nhiều thì những “thói quen” đó đã đi theo mình nhiều năm trước khi mình phát hiện được chúng là gì và có tác động như thế nào tới bản thân của mình.

Cách phản ứng của bạn với con là một phần di sản của cha mẹ bạn

Trong cuốn sách “Cuốn sách bạn ước cha me mình từng đọc”, tác giả Philippa Perry có dùng một cụm từ rất hay để mô tả cho những điều như trên: DI SẢN LÀM CHA MẸ CỦA BẠN.

Theo tác giả, những gì cảm được đối xử trong thời thơ ấu sẽ trở thành “di sản” để bạn sử dụng trong quá trình nuôi dạy con cái.

Đôi khi sự bực dọc của cha mẹ xuất phát từ những kỳ vọng của họ dành cho con cái, hoặc chúng đến từ sự lo lắng những điều không hay sẽ xảy đến tới con cái của mình.

Tuy nhiên, cũng sẽ có lúc sự tức giận, những cảm xúc của cha mẹ lại không thật sự xuất phát từ vấn đề của con cái mà ở chính bản thân họ.

Một ví dụ khá quen thuộc ở nhiều gia đình, bao gồm cả ở nhà mình.

Một bà mẹ trở về nhà với thể trạng vô cùng mệt mỏi sau những chỉ trích nặng lời từ ông sếp khó ở tại công ty. Mở cửa nhà, đập vào mắt là đống đồ chơi lộn xộn cùng tiếng la hét ầm ĩ của cậu con trai 5 tuổi. Mọi thứ trở nên quá sức chịu đựng và người mẹ ấy cần chỗ để xả hết bức dọc trong người. Vậy là đứa con trở thành nạn nhân để trút giận. Sau cùng, đứa trẻ không biết mình làm sai chỗ nào trong khi hằng ngày nó vẫn bày bừa như vậy, cũng nô đùa vui vẻ như thế. Nhưng hôm này, mẹ của nó không còn mỉm cười với nó nữa, thay vào đó là sự khó chịu, quát mắng của mẹ.

Có phải mẹ không còn yêu thương mình nữa hay không?

Theo phân tích của Philippa Perry, những cảm xúc tồi tệ của bạn mẹ hoàn toàn là bắt nguồn từ công ty, từ những lời chỉ trích của ông sếp và đó hoàn toàn là vấn đề của riêng bà mẹ.

Vậy đứa con đóng vai trò gì ở đây? Căn phòng lộn xộn kia không đáng để tức giận hay sao?
Căn phòng lộn xộn, tiếng nô đùa inh ỏi của cậu con trai thực chất là một nút kích hoạt cảm xúc tồi tệ của bà mẹ “phát tiết” ra ngoài. Và cách bà mẹ phản ứng chính là cách mà bà mẹ ấy từng được nhận từ bố mẹ mình thời thơ ấu.

Người thật sự cần chịu trách nhiệm cho cảm xúc tiêu cực này không phải là đứa trẻ mà là chính bà mẹ.

Vậy làm sao thoát khỏi sai lầm này?

“Bạn có thể tự gọi tên những cảm xúc phiền toái của mình và viết nên câu chuyện khác về chúng – những câu chuyện mà trong đó chúng ta không bắt các con phải chịu trách nhiệm.”
Hãy dành thời gian nghĩ về cảm giác của chính bản khi còn THƠ BÉ để biết cảm giác của con cái khi vô cơ trở thành nạn nhận cho sự giận dữ vô lý của bạn.

Bài tập thực hành

  1. Tìm xem cảm xúc này có hoàn toàn can dự tới tình huống này và liên quan tới con cái ở thời điểm hiện tại hay không?
  2. Vì sao tôi lại ngăn mình nhìn tình huống này từ góc nhìn của con?

Khen sao cho đúng?

Đôi lúc, chúng ta tức giận và để con cái chịu tổn thương, nhưng rồi sau đó ta nhận ra mình đã làm sai, vậy phải làm sao để sửa lỗi?

  • Đền cho con một phần thưởng nào đó để giảm đi cảm giác cắn rứt?
  • Vờ quên đi sai lầm của bản thân và tin rằng đứa trẻ cũng không để bụng?

“Điều con trẻ cần ở chúng ta là sự thành thật và đáng tin cậy chứ không phải là sự hoàn hảo.”

Nếu chúng ta đã sai, hãy dũng cảm hàn gắn sau rạn nứt, bằng cách:

  1. Xác định đâu là ngòi nổ của bản thân dẫn tới sự rạn nứt.
  2. Thay đổi phản ứng của bản thân: Nói lời xin lỗi với con, nói ra bạn đã làm sai ở đâu.

“Bạn sẽ không sợ nữa nếu diễn đạt nỗi sợ ấy thành lời.”

Chúng ta không hoàn hảo, chúng ta cũng mắc sai lầm và con trẻ cũng vậy. Hãy tạo không gian để cả hai thực hành lòng bao dung với đối phương, dành cho bạn và cả cho con bạn nữa.

Một lời khuyên khác mà mình rất thích trong phần đầu tiên của cuốn sách này, đó là lời khuyên: NGƯNG PHÁN XÉT – KHÔNG DÁN NHÃN.

Chúng ta thường khen ngợi con rằng:

  • Bức tranh đáng yêu đó!
  • Con làm toán giỏi thế!

Đây là một dạng của phán xét và dán nhãn. Bạn dán nhãn sự đáng yêu vào cả quá trình sáng tạo và tô vẽ của con. Bạn dán nhãn toàn bộ sự nỗ lực của con chỉ bằng một bài toán đúng.

Thật không công bằng!

Con người luôn thay đổi không ngừng trưởng thành, đặc biệt là trẻ con. Do vậy hãy khen ngợi nỗ lực của con, mô tả những gì bạn thấy và cảm nhận, khuyên khích con thay vì phán xét.

Hãy thử nói với con rằng:

  • Mẹ rất ấn tượng với cách con đặt nhiều tâm tư vào bức tranh này. Mẹ thích ngôi nhà vì nhìn như thể nó đang mỉm cười. Nó khiến mẹ thấy hạnh phúc.
  • Mẹ thích cách con chăm chú tập trung khi làm toán.

Những lời khen này khiến con cảm thấy được ghi nhận toàn bộ quá trình thay vì kết quả mà có thể ở đó có những sự bất chấp hành vi, và khi lớn lên chúng ta thường dùng đến từ “bệnh thành tích”.

“Nhân cách và tính nết của con được định hình từ những gì con chứng kiến và cảm nhận trong môi trường của mình, chứ không chỉ từ cách ta ứng xử với con cái.”

Do vậy, việc tạo ra môi trường tích cực cho sự phát triển của con là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với những bậc làm cha làm mẹ.

Phần 2. Môi trường của con bạn

Giao tiếp hiệu quả không phải thao túng, mà là để tạo nên mối quan hệ tốt.

Một trong những cách bắt đầu một cuộc cãi vã trong mối quan hệ vợ chồng là:

“Anh lúc nào cũng lờ em đi, cứ cắm đầu vào cái điện thoại.”

Ta dễ dàng gắn nhãn cho một hành động nào đó của đối phương trong khi không biết chắc chắn sự thật đằng sau hành động đó là gì.

Sẽ tốt hơn nếu ta bắt đầu từ cảm nhận của bản thân:

“Em cảm thấy tổn thường vì anh không trả lời em mà cứ nhìn chằm chắm vào cái điện thoại.”

Trong một cuộc cãi vã, “người chiến thắng” có hả dạ thì cái giá phải trả cũng chính là bạn đời của họ.

Chính bởi sự gán nhãn vô cớ từ ta dành cho đối phương, khiến cho họ cảm thấy không được thấu hiểu, thậm chí bị coi thường và tổn thương. Bằng cách đi từ cảm nhận của riêng mình trước hành động của đối phương, ta có thể nói rõ cho đối phương mong cầu rõ ràng của chính mình.

Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc
Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc

Trong cuốn sách Bốn Thỏa Ước cũng từng đề cập tới vấn đề này, đó là sự định kiến, thứ khiến ta “ngộ nhận” các hành vi thành cảm xúc tiêu cực.

Không ai có đủ khả năng đoán được chính xác bạn muốn gì trong mọi trường hợp, bằng cách chia sẻ rõ ràng, mọi việc sẽ được giải quyết nhanh và hiệu quả hơn.

Giống như việc một người khác giới tặng bạn một bó hoa, điều đó không có nghĩa anh ta muốn cưới bạn, đôi khi chỉ đơn giản anh ta muốn cảm ơn bạn vì điều gì đó, hoặc đang thể hiện bản thân là người đàn ông lịch lãm mà thôi.

Mọi sự ngộ nhận của bạn đều ẩn chứa định kiến và phán xét cá nhân. Đây là điều tối kị trong mọi mối quan hệ lành mạnh.

Việc chồng bạn không thường xuyên nói lời “mật ngọt” không thể hiện rằng anh ấy không yêu bạn. Việc người chồng thường xuyên nhường nhịn bạn cũng không thể hiện anh ta yêu bạn. Đó đơn giản chỉ là sự phỏng đoán dựa trên “kinh nghiệm” cá nhân từ ai đó, và nó không đúng tuyệt đối trong mọi trường hợp.

Quay trở lại các cuộc tranh cãi ở các gia đình, từ trong cuốn “Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc” của tác giả Philippa Perry, tác giả có chia sẻ 5 lưu ý quan trọng giúp tháo gỡ cuộc tranh cãi:

  1. Thừa nhận cảm xúc của bạn và quan tâm đến cảm xúc của người kia.
  2. Nhận định bản thân chứ không nhận định người khác.
  3. Đừng phán xét, hãy suy xét trước.
  4. Hãy đón nhận sự tổn thường của bạn chứ không sợ hãi nó.
  5. Đừng suy diễn chủ ý của người khác.

Bản thân mình chỉ muốn gói gọn 5 lưu ý trên thành một bài học nhỏ như sau: Thay vì DÁN NHÃN đối phương hãy nêu ra CẢM NHẬN thật sự của bạn.

  • Thay vì nói: Bố 60 tuổi rồi, bố sẽ không bao giờ mặc lại cái nào này nữa nhỉ. Bố cho con nhé!
  • Hãy nói: Con thích cái áo của bố. Bố cho con nhé!

“Không có ai sai chỉ bởi vì kinh nghiệm của họ khác với kinh nghiệm của ta.”

Phần 3. Cảm xúc

Tất cả các bậc cha mẹ đều mắc lỗi, và sửa sai quan trọng hơn bản thân những lỗi lầm.
Đó là lý do mà mình luôn nhắc nhở bản thân rằng: Mình cần học làm mẹ.

Chúng ta không sinh ra để làm mẹ, cũng không sinh ra để làm con, chúng ta đều phải học tập để làm tốt vai trò của mình. Cho bản thân thử – sai – học và thử – sai – học – …

Không có gì đáng xấu hổ khi ta chưa biết điều gì đó, ta luôn có cơ hội để khám phá, học tập, thử nghiệm và rút ra bài học cho mình.

Một từ khóa mình rất thích trong phần 2 của cuốn “Cuốn sách bạn ước cha mẹ từng đọc” của tác giả Phillippa Perry là KẾT NỐI.

Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc
Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc

“Nếu con biết con sẽ được bạn để ý và vỗ về mà không bị đánh giá, con sẽ kể với bạn những gì đang xảy ra.”

Kết nối với con bằng quan sát – lắng nghe – phản hồi. Cụ thể:

  • Tìm hiểu vì sao con có cảm xúc đó?
  • Giúp con diễn đạt cảm xúc đó thành lời.
  • Tìm cách thích hợp để con tự bày tỏ cảm xúc đó mà ta không trách phạt hay đánh giá.

Hãy để con tự tìm ra bài học cho chính mình.

“Nếu bạn coi trọng cảm xúc của con và vỗ về khi con cần, con sẽ dần dần học cách tiếp nhận sự an ủi đó và cuối cùng có khả năng tự an ủi chính bản thân mình.”

Khi ta cảm thấy tệ, ta không cần ai đó điều chỉnh nó giúp ta. Ta cần được cảm thông chứ không cần ai đó giải quyết nó hộ ta. Đó là lý do khi bạn cảm thấy buồn bực, khó chịu, bạn luôn muốn nói với một ai đó biết lắng nghe. Hầu hết trong các trường hợp, bạn không cần lời khuyên, cũng không cần sự giúp đỡ, bạn cần một người có thể lắng nghe và đồng cảm với cảm xúc hiện tại của mình.

Trẻ con cũng vậy!

Chúng cần ai đó hiểu chúng cảm thấy thế nào, để chúng không cảm thấy cô đơn với cảm giác đó.

Khi con nói: “Chúng ta chẳng bao giờ đi chơi cả.” Điều đó không có nghĩa rằng chúng ta “tả thực” mà chúng mà bày tỏ một loại cảm xúc “buồn chán” ở thì hiện tại.

Thay vì nói rằng: “Tuần trước con đã được đi công viên nước rồi mà.”

Hãy thử bắt đầu lại:

  • Con: Chúng ta chẳng bao giờ đi chơi cả.
  • Ta: Con có vẻ đang buồn chán? (=> Giúp con gọi tên cảm xúc)
  • Con: Vâng, chúng ta đã ở nhà cả ngày nay.
  • Ta: Ừ, đúng vậy. Bây giờ con thích làm gì? (=> Tìm hiểu nhu cầu thật sự của con)
  • Con: Con muốn tới công viên nước.
  • Ta: Ở đấy lần trước vui con nhỉ! (=> gọi tên cảm xúc)
  • Con: Vâng

Từ đây ta đang kết nối với con với 2 bước rất nhỏ:

  1. Cảm thông với con bằng cách giúp con miêu tả cảm xúc hiện tại thành lời.
  2. Tìm hiểu nhu cầu thật sự của con bằng câu hỏi tìm hiểu mong muốn của con.

Những gì cha mẹ cảm thấy không có nghĩa là con cái cũng có chung cảm nhận vậy. Bởi trải nghiệm của cha mẹ và con cái là khác nhau, góc nhìn của cha mẹ và con cái cũng khác nhau, từ đó dẫn tới các cảm nhận rất khác nhau.

Để kết nối được với con, cha mẹ cần:

  1. Thấu hiểu cảm xúc của con
  2. Chấp nhận cảm xúc của con, bao gồm cả tích cực và tiêu cực.
  3. Cảm thông những cảm xúc đó.

Nhìn qua lăng kính của con để thấu hiểu – chấp nhận – cảm thông! Một cuốn sách thú vị đấy!

Phần 4. Đặt nền tảng

Có 2 tuýp cha mẹ chủ yếu:

  1. Tuýp người điều chỉnh: lấy người lớn làm trung tâm và sống quy củ nề nếp.
  2. Tuýp người hỗ trợ: Lấy trẻ em làm trung tâm và xuôi theo trẻ thay vì cô gắng gò chúng hòa nhập với họ.

Vậy đâu mới là tuýp cha mẹ “tốt” cho con?

Theo mình thì việc kết hợp 2 tuýp cha mẹ này sẽ mang tới sự nuôi dưỡng tốt nhất cho con.

Thứ nhất, nếu gò ép con theo một quy củ nề nếp cố định, có thể sẽ hạn chế không gian phát triển, sáng tạo và vượt ngưỡng của con. Còn nếu hoàn toàn xuôi theo con thì rất có thể khiến con rơi vào trạng thái “mông lung”, bất định, lòng vòng thậm chí là “lạc lối” bởi những “định hướng” ảo của các chuyên gia MXH tự xưng.

Thứ hai, nếu lấy người lớn là trung tâm, rất có thể cha mẹ sẽ phớt lờ đi mong muốn, ước vọng của con, khiến con cảm thấy bị áp lực, thiếu tôn trọng và quên mất việc tôn trọng ý kiến và mong cầu của người khác. Nếu lấy con làm trung tâm, cha mẹ có thể đang nuôi dưỡng những đứa trẻ ích kỷ, chỉ biết tập trung vào bản thân mà quên đi sự hiện diện của người khác trong cuộc sống của mình, ví dụ như cha mẹ của chúng.

Cho nên, mình chọn việc kết hợp cả 2 tuýp người trên để:

  1. Tạo môi trường bệ phóng giúp con phát huy thế mạnh của bản thân trên nền tảng có sẵn của con.
  2. Cho con một khuôn khổ giới hạn về mặt đạo đức và an toàn để con nhận biết được đúng – sai, phải – trái, trở thành con người tử tế và có trách nhiệm.

Do vậy, việc cần làm của cha mẹ khi chọn phương án giống mình là:

  1. Quan sát để xác định đúng những gì con mong muốn.
  2. Giúp con nhận ra thứ con đang thiếu và cần bổ sung.
  3. Tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng để con có thể tự bổ sung những điều cần thiếu.
Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc
Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc

Vẫn quan điểm cũ, mình nghĩ cha mẹ không thể thay con lựa chọn bất cứ điều gì, chúng ta nên giữ vai trò là người khơi gợi, dẫn dắt và tạo môi trường tích cực cho sự phát triển của con.

Ngoài ra, việc làm gương giúp con biết cần tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình cũng là điều mà mình bậc cha mẹ nào cũng nên trang bị cho bản thân. Bởi chỉ khi con người biết tự chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình, họ mới có thể có trách nhiệm trong mọi hành vi trong cuộc sống.

Phần 5. Các điều kiện để có sức khỏe tinh thần tốt

Khi không hồi đáp thích đáng các gợi ý của con, ta vô tình dạy con ngưng cố gắng.

Một số cách để kết nối với con khi con chưa thể nói:
  • Thở cùng nhau
  • Hát cùng nhau
  • Ngắm nhìn nhau

Cha mẹ cần chừa khoảng trống để con được thể hiện rằng con là ai. Học cách lắng nghe con hiệu quả:

  • Quan sát con
  • Danh sự chú ý cho con
  • Nói chuyện với con bằng cách tường thuật lại mọi việc làm cho con khi làm bất cứ công việc nhà hay việc nào.
  • Để khoảng trống để con tán gẫu lại với ta.
  • Cố gắng cho con thấy mọi thứ
  • Nhìn vào những gì con đang nhìn
  • Để con khoe với ta những gì con thích thú
  • Khi con nhìn vào thứ gì đó, hãy đưa con tới gần thứ đó, cùng ngắm nhìn và quan sát nó với con.
  • Lắng nghe con!
Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc
Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc

Điều cần nhắc nhở bản thân và chồng: Không “cắm đầu” vào điện thoại trước mặt con. Điều này có thể khiến con bối rối hoặc khiến con nghiện màn hình.

Hỗ trợ thay vì giải cứu con, nếu bạn “giải cứu” con khi con làm được, bạn đã tước mất sức mạnh và năng lực của con.

Trẻ con không cần nhiều đồ chơi. Khi có quá nhiều lựa chọn, chúng sẽ lo là mình chọn nhầm. Nhiều đồ chơi có thể phá hủy sự tập trung của trẻ.

Phần 6. Hành vi – Mọi hành vi đều là giao tiếp

  • Con bạn sẽ bắt chước hành vi của bạn, không phải bây giờ thì là sau này.
  • Bạn hành xử thế nào thì bạn sẽ dạy con hành xử như thế, con tiếp thu cả những hành vi mà bạn không tán thành.
  • Nên nhớ, bạn và con đang ở trong một mối quan hệ chứ không phải một trận đầu (cần phân định thắng thua). Hãy tham gia cùng con, đứng ở góc nhìn của con để cảm nhận và suy xét, làm người đồng hành cùng con.
  • Cách tốt nhất để con thích làm việc lặt vắt trong nhà là để con chơi với bất cứ thứ gì khi con chập chững (chơi chính là làm việc). Hợp tác với con bằng cách chơi cùng con, và con sẽ hợp tác với bạn bằng việc bắt chước làm việc nhà.
  • Trẻ em học về lòng biết ơn thực tâm qua thị phạm. Không ép con nói cảm ơn mà hãy thị phạm cho con thấy.
  • Công việc thực sự của người cha mẹ không phải là dọn dẹp, mà là ở bên con và giúp con phát triển.
  • Luôn thông báo về lịch trình tiếp theo cho con, thay vì cắt ngang hoạt động nào đó của con và bắt con dừng nó lại ngay lập tức. Con cần hiểu và chuẩn bị tinh thần cho việc chuyển đổi.
Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc
Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc

Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc

Mình đọc cuốn sách này với kỳ vọng tìm được từ khóa quan trọng trong việc nuôi dạy con sở hữu 2 đức tính TỬ TẾ và CHÍNH TRỰC.

Kỳ vọng của mình được thỏa mãn ở một mức độ chấp nhận được sau khi gấp lại hơn 300 trang sách này.

Đầu tiên, phải nhắc tới quan điểm trước giờ của mình trong việc DẠY là làm gương, người lớn cũng thế, trẻ con cũng vậy.

Thế nhưng, mình vẫn mang đôi chút băn khoăn và lo lắng khi nghĩ tới hành trình nuôi dạy con sắp tới của bản thân.

Làm gương thế nào? Làm sao để vừa làm gương vừa khiến con muốn theo gương của mình mà không phải của người khác? Hay làm sao giúp con nhận thức được đúng – sai, phải – trái. Bởi, mình biết rằng không phải lúc nào con cũng nhất nhất theo gương của mình.

Quay lại kỳ vọng của mình khi đọc cuốn sách “Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc” của tác giả Philippa Perry, mình đã tìm được 3 từ khóa mà mình muốn.

1. Thành thật

Thành thật ở đây là thành thật biểu lộ cảm xúc của bạn cho con biết. Thay vì gán nhãn cho suy nghĩ của con, cấm cản con làm những điều bạn không thích, hãy bộc lộ cảm nhận, suy nghĩ của bạn một cách chân thành với con.

Đây không những là cách giúp con biết được lý do gốc rễ của việc con không được làm gì đó mà nó còn là lời cổ vũ con bốc lộ suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách chân thật.

Con không cần giả vờ mình ổn, con không cần nói dối, con không cần diễn kịch chỉ để làm vui lòng của cha mẹ, sau này là của xã hội.

Con cần được cổ vũ tôn trọng cảm xúc của bản thân. Không có bất cứ cảm xúc nào là xấu cả, nó chỉ xấu khi chúng ta hành xử không đúng mực nhân danh cảm xúc đó mà thôi.

2. Lắng nghe

Thượng đế cho chúng ta 2 cái tai và 1 cái miệng là bởi điều là cần làm là lắng nghe nhiều hơn.

Lắng nghe là một cách thể hiện sự tôn trọng, và cũng là cách giúp ta thu thập thông tin hiệu quả.

Lắng nghe là sự kết hợp của nghe và đặt cái tâm vào trong đó. Ta nghe dựa trên góc nhìn của ta và cả người nói.

Lắng nghe sẽ giúp ta biết được điều thật sự con muốn nói với ta là gì, cũng là cách giúp con bình tĩnh tiếp nhận đầy đủ thông tin trong mọi cuộc giao tiếp.

Lắng nghe để tỉnh táo loại bỏ sự phán xét phiến diện, để đồng cảm và để bao dung với bản thân và người khác nữa.

Một người chính trực và tử tế sẽ không áp đặt định kiến phiến diện của bản thân lên người khác. Họ sẽ mang trái tim nóng và cái đầu lạnh để suy xét các góc độ khác nhau của vấn đề. Và để làm được điều này, lắng nghe là một trong việc cần phải làm.

Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc
Review sách: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc

3. Gắn kết

Một nội tâm yếu đuối sẽ không thể có trái tim dũng cảm để trở thành một người chính trực.

Một nội tâm mạnh mẽ không đồng nghĩa với việc giỏi chịu sự cô đơn, đôi khi cô đơn lại là biểu hiện của một người mang đầy sợ hãi.

Gắn kết giúp cho người ta dễ đồng cảm, thấu hiểu và bao dung cho người khác.

Bởi vậy, mình cho rằng để tạo nên một đứa trẻ tử tế và chính trực thì sự gắn kết là không thể thiếu trong cuộc đời của chúng.

Gắn kết với gia đình, người thân, bạn bè, xã hội, môi trường, đặt bản thân là một phần trong đó để nâng cao tinh thần trách nhiệm.

Gắn kết cần được xây dựng từ bên trong mỗi gia đình, giúp cho đứa trẻ lớn lên dễ dàng hòa nhập với môi trường xung quanh, biết cách tự bảo vệ bản thân trước những cảm dỗ của xã hội. Và đây cũng là cho dựa vững chắc để đứa trẻ dũng cảm đương đầu với khó khăn trong cuộc sống.

Với vai trò là một người đọc chuẩn bị bước vào hành trình nuôi dạy con trẻ, mình kỳ vọng nhiều hơn ở cách dẫn dắt, diễn đạt của cuốn sách này.

Không biết do vấn đề ở dịch giả hay tác giả nhưng cuốn sách này chưa thật sự mang tới những quan điểm rõ ràng, rành mạch một cách dễ nắm bắt.

Mình thích những cuốn sách được viết với văn phong giản đơn, với những quan điểm rõ ràng và những bằng chứng, lập luận chặt chẽ. Cuốn sách này với mình là chưa làm tốt điều đó.

Cho nên điểm đánh giá mình dành cho cuốn sách không cao như cái tựa gây tò mò của nó.

6,5/10 là tất cả những gì mình dành cho cuốn sách này.

Nhìn chung thì cuốn sách vẫn mang tới những điểm nhấn khá thú vị mà tích cực, bạn có thể đọc lại trong các bài viết trước của mình.

Chúc bạn có trải nghiệm tích cực với cuốn sách này.

ĐĂT SÁCH: TẠI ĐÂY

Một vài gợi ý khác cho bạn

Bạn chắc chắn sẽ muốn đọc các cuốn sách tuyệt vời khác. Mời bạn đến với chuyên mục: Review sách nhé!

Các đầu sách khác:


CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC

  1. Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
  2. Facebook: Hương Nguyễn
  3. Fanpage: Hương Nguyễn Blog
  4. YouTube: THÓI QUEN NGUYÊN TỬ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here