“YouTube là nơi chưa đựng nhiều nội dung đa dạng, phong phú để đáp ứng nhu cầu của bất cứ ai. Mọi người thường tìm đến tôi và nói rằng YouTube đã thay đổi cuộc đời họ, thông qua YouTube, họ đã học được biết bao điều mà họ không nghĩ rằng mình có thể học được.” – Susan Wojcicki – CEO của YouTube.
Giới thiệu sách: YouTube Secrets – Sean Cannell & Benji Travis
Cơ duyên mình biết tới cuốn sách này là trong một lần lướt Facebook trong một Group về thử thách đọc sách, mình may mắn đọc được một phần ghi chú về cuốn sách này khá thú vị của một bạn tham gia thử thách. Đồng thời, với một sự cố nhỏ khiến kênh YouTube MANG BẦU TUỔI 30 của mình phải đập đi xây lại nhưng đang flop nặng nề. Với kì vọng tìm kiếm một giải pháp khác cho kênh YouTube bền vững và đạt được mục đích ban đầu của mình, mình đã quyết định chọn mua và đọc cuốn sách này – YouTube Secrets.
YouTube Secrets – Hướng dẫn căn bản về cách kiếm tiền từ YouTube, hai chuyên gia về video trực tuyến Sean Cannell và Benji Travis sẽ mang tới cho người đọc những bí quyết đạt được thành công trên YouTube đúc kết từ hàng trăm cuộc phỏng vấn với những YouTuber nổi tiếng, cũng như chính kinh nghiệm 10 năm hoạt động trên YouTube của họ.
Cho dù bạn là người mới hay YouTuber kì cựu, cuốn sách này sẽ giúp bạn xây dựng một lực lượng người theo dõi lớn mạnh, kiếm được thu nhập triệu đô và tạo nên những tác động to lớn đến cuốn sống của nhiều người.
Về tác giả Benji Travis
Benjin Travis là một YouTuber và chủ một doanh nghiệp. Trong suốt 10 năm hoạt động trên YouTube, anh đã có hơn 1 tỷ lượt xem thông qua các kênh cá nhân và có kinh nghiệm tạo dựng các doanh nghiệp thành công trên nền tảng này.
Dự án gần nhất của anh, Video Infulencers, là một trong những kênh YouTube hướng dẫn trực tuyến hàng đầu, đây cũng là nơi anh chia sẻ chiến lược để tăng sự ảnh hưởng và thu nhập từ video trực tuyến.
Về giác giả Sean Cannell
Sean Cannell là CEO của Think Media và là nhà đồng sáng lập của Video Infulencers. Anh là một trong những chuyên gia video trực tuyến hàng đầu hiện nay và cũng là chiến lược gia được xem nhiều nhất trên YouTube. Bên cạnh đó, anh cũng là một diễn giả quốc tế, huấn luyện viên và chuyên gia sáng tạo nội dung phong phú.
7 Nguyên tắc vàng xây dựng kênh YouTube kiếm tiền thành công
Đây là 7 Nguyên tắc VÀNG để xây dựng một kênh YouTube thành công mà mình đúc kết được từ trong cuốn sách này. Mình nghĩ nó cũng có thể áp dụng cho bất cứ kênh “truyền thông” nào trên Internet như: blog, facebook, tiktok, instagram,…
Cùng xem đó là gì nhé!
Nguyên tắc số 1. Can đảm
Khơi nguồn đam mê và vượt qua sợ hãi bằng 3 câu hỏi sau:
- Lý do bạn muốn bắt đầu một kênh YouTube là gì?
- Bạn mong đợi kết quả nào từ các video YouTube?
- Tầm nhìn 3 – 5 – 10 năm nữa của bạn về kênh YouTube này là gì?
Việc làm rõ lý do và kỳ vọng sẽ giúp bạn có động lực gạt bỏ nỗi sợ hãi bị phán xét, bình luận xấu hay nỗi sợ phải cố gắng mà không nhận được kết quả kỳ vọng.
Bạn cần tin rằng, những bình luận, những phán xét là một phần của thế giới đẹp đẽ; và hãy động viên chính mình rằng, họ đang ghen tị với sự dụng cảm của bạn mà thôi.
Nên nhớ rằng, trước khi các YouTuber thành công, họ cũng là người mới giống như bạn, bắt đầu bằng con số 0 mà đi lên.
Do vậy hãy CỨ LÀM THÔI.
“Bạn không cần tuyệt vời để bắt đầu, nhưng bạn cần bắt đầu để trở nên tuyệt vời.”- Zig Ziglar.
Nguyên tắc số 2. Rõ ràng
Để bắt tay vào xây dựng một kênh YouTube bạn chỉ cần:
- Chia sẻ những gì bạn biết.
- Chia sẻ những gì bạn muốn người khác biết từ quan điểm cá nhân của riêng bạn.
Bạn không cần phải là Master được người người biết đến mới có thể chia sẻ và “lên tiếng”. Hãy cứ bắt đầu và từ từ học hỏi, sẽ luôn có một nhóm khán giả cần tới tài năng và kinh nghiệm của bạn.
Ngoài ra bạn cần trả làm rõ 3 câu hỏi sau để mang tới nội dung chất lượng cho khán giả mục tiêu của mình.
- Nội dung của bạn hướng đến đối tượng khán giả nào?
- Họ sẽ tìm kiếm nội dung gì?
- Vấn đề gì mà kênh của bạn có thể giúp họ trả lời?
Nên nhớ, lượng khán giả mục tiêu bạn nhắm đến càng ít ở thời điểm ban đầu thì tốc độ thành công của bạn sẽ càng nhanh.
Đừng cố gắng thỏa mãn số động, hãy tập trung phục vụ cho nhóm khán giả mục tiêu của bạn.
Nguyên tắc số 3. Kênh cá nhân
“Bạn sẽ không có cơ hội thứ 2 để tạo ấn tượng đầu tiên.” – Will Rogers
Hãy chăm chút cho kênh cá nhân của bạn trở nên ấn tượng trong mắt khán giả của mình.
Đừng xem nhẹ:
- Tên kênh
- Ảnh đại diện
- Lời giới thiệu kênh
Hãy tưởng tượng kênh của bạn là một ngôi nhà, hãy khiến cho khán giả dừng lại khi đi qua ngôi nhà của bạn nhé!
Nguyên tắc số 4. Nội dung
Bắt đầu tạo dựng sự ảnh hưởng lâu dài bằng những NỘI DUNG CHẤT LƯỢNG NHẤT QUÁN.
Thay vì tự hỏi: “Mình nên tạo video gì?”….thì hãy đặt lại câu hỏi thành: “Giá trị mà mình sẽ mang đến cho mọi người là gì?”
Đảm bảo mỗi video của bạn phải truyền tải một giá trị nào đó bằng việc trả lời câu hỏi: “Người xem nhận được giá trị gì thông qua video cả mình?”
- Tin tức và thông tin?
- Giải trí?
- Giáo dục?
- Nguồn cảm hứng và động lực?
- Sự kết nối và cộng động?
Nên nhớ, nếu khán giả không nhận được giá trị gì từ video của bạn thì tại sao họ phải ở lại xem nó chứ!
Có thể ban đầu bạn chưa tạo ra được những sản phẩm hoàn hảo như kỳ vọng nhưng đừng vội nản lòng, hãy bắt đầu với những thứ bạn ĐANG CÓ và từ từ phát triển nó dần lên.
Nguyên tắc số 5. Cộng đồng
Hãy gắn kết mối quan hệ với khán giả bằng việc tương tác cùng khán giả thông qua các lời kêu gọi như:
- Đăng ký kênh
- Bình luận dưới mỗi video
- Đặt tên cho cộng đồng của bạn
- Kết nối sâu với từng khán giả
Nguyên tắc số 6. Tiền mặt
Làm sao để biến nội dung thành tiền?
Câu trả lời là hãy TẠO ẢNH HƯỞNG, từ đó XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG và TIỀN sẽ bắt đầu chảy vào tài khoản của bạn.
Ngẫm lại chính bản thân mình, bạn sẽ thấy mỗi khi bạn xuống tiền cho một thứ gì đó thì nó sẽ nằm vào trong 1 trong 2 mạch cảm xúc.
- Do bạn thích
- Do bạn tin
Vậy nên, nếu bạn tạo dựng được sự ảnh hưởng bạn đã khiến họ tin bạn rồi, bạn xây nên cộng đồng bạn đã khiến họ thích bạn. Đó là lý do vì sao bạn kiếm được tiền sau đó, bởi bạn đã nắm giữ 2 tử huyệt cảm xúc quan trọng của khán giả của mình.
Nguyên tắc số 7. Sự kiên định
“Người ta đầu xây thành La Mã chỉ trong một ngày.”
Chia sẻ của YouTuber Jerry (kênh Barnacules Nerdgasm – 900.000 sub), anh nói rằng:
“Đừng để bản thân nản chí nếu mọi thứ diễn ra một cách chậm rãi. Tôi đã cần đến 4 năm để có được 10.000 lượt đăng ký đầu tiên, nhưng sau đó tôi chỉ cần 2 năm để có 700.000 lượt đăng ký tiếp theo.”
Có một sự thật mà các YouTuber thành công thừa nhận: Họ không biết được chính xác video nào sẽ mở ra cách cửa đến với thành công. Cho nên việc chủ động tạo ra cơ hội thành công chính là hãy kiên trì tạo ra những video chất lượng nhất quán.
Bạn càng chăm chỉ, bạn càng nhận nhiều may mắn.
Hãy tin tưởng và hành động giống như việc bạn ở đây, đọc đến những dòng chữ này vậy!
7 Bài học giá trị đúc rút từ cuốn sách YouTube Secrets
Đây 7 Điều mình đúc rút được từ cuốn sách YOUTUBE SECRETS sau 7 ngày đọc và sketchnote:
- Cơ hội bị hầu hết mọi người BỎ LỠ vì nó thường lẩn khuất trong sự bình thường của cuộc sống.
- Mọi thứ đều phụ thuộc vào sự CHĂM CHỈ mà bạn bỏ ra để trở nên thành công trên nền tảng này!
- Nếu bạn làm những gì bạn yêu thích, thì bạn sẽ thấy công việc thật nhẹ nhàng.
- Niềm đam mê và tình yêu đối với nội dung bạn tạo ra và những người bạn đang giúp đỡ rất quan trọng.
- Sự cam kết với những HÀNH ĐỘNG NHỎ sẽ mang đến KẾT QUẢ TO LỚN.
- Bất kỳ điều TUYỆT VỜI nào cũng cần THỜI GIAN.
- Mục tiêu được tạo ra từ những câu hỏi TẠI SAO? của riêng bạn:
– Tại sao bạn sáng tạo ra video?
– Tại sao bạn muốn 1 kênh YouTube?
– Tại sao bạn muốn theo đuổi thành công trên nền tảng này?
PHỤC VỤ KHÁN GIẢ là ưu tiên hàng đầu và đừng quên VÌ SAO BẠN ĐẮT ĐẦU.
Một vài chiêm nghiệm khác từ cuốn sách “YouTube Secrets”
Đây là một vài chiêm nghiệm khác trong qua trình mình đọc và ghi chép lại cuốn sách này, có thể bạn sẽ thích một trong những điều dưới đây hoặc chúng sẽ cho bạn một ĐỘNG LỰC nào đó.
Cùng xem chúng ta có gì…!
1. Thời điểm tốt nhất để bắt đầu là…
“Thời điểm tốt nhất để bắt đầu với YouTube là năm 2005, nhưng cơ hội tốt thứ hai là NGAY LÚC NÀY.”
Còn nhớ hơn 2 năm trước khi mình khởi động dự án Blog Hương Nguyễn – Một blog cá nhân chuyên viết review sách và những bài học đúc rút từ sách mà mình học được, mình đã rất sợ hãi khi công khai các bài viết của bản thân.
Nỗi sợ ấy đến từ việc mình có niềm tin rằng mình không giỏi viết, mình là một con dân khối A chính hiệu và viết với mình không chung một trục quay.
Nhưng rồi 255 bài viết đã được xuất bản trong 2 năm rưỡi đã khẳng định rõ ràng với mình rằng: chẳng ai “ngu dốt” mãi trong sự kiên trì đầy nỗ lực cả.
Giờ mình viết không tới nỗi giỏi xuất sắc nhưng có thể kiếm được tiền từ nó, có thể sản xuất nội dung nói lên tiếng nói của bản thân, có thể khiến người khác tò mò và đặt câu hỏi, cũng khiến ai đó viết xuống dòng cảm ơn.
Trong cuốn sách YouTube Secrets có trích một câu nói của Zig Ziglar rất cảm hứng như thế này: “Bạn không cần tuyệt vời để bắt đầu nhưng bạn cần bắt đầu để trở nên tuyệt vời.”
Rõ ràng trước khi trở thành blogger thành công, YouTuber thành công, Tiktoker thành công; “họ” cũng là một người mới bắt đầu từ số 0 giống MÌNH của hiện tại vậy. Vậy thì CỨ LÀM THÔI nhỉ!
Bạn đã sẵn lòng để trở nên tuyệt vời chưa?
2. Khi bạn không biết bắt đầu từ đâu, hãy bắt đầu từ…
- Những gì bạn biết
- Những gì bạn muốn người khác biết từ quan điểm cá nhân của riêng bạn
Đây là lời khuyên thú vị nghe chừng đơn giản những lại có sức mạnh truyền dũng khí hành động từ cuốn sách YOUTUBE SECRETS mà mình đọc hôm nay.
Mình cũng đã từng đọc trong cuốn TUẦN LÀM VIỆC 4 GIỜ một câu đại ý như là: bạn sẽ luôn giỏi hơn một nhóm người nào đó trong một lĩnh vực nào đó, và họ sẽ là khán giả và khách hàng của bạn.
Nỗi sợ mình không đủ giỏi để làm điều gì đó là nỗi sợ thường gặp ở rất nhiều người, trong đó có mình.
Nhưng rồi sẽ phải có ai làm điều đó chứ? Tại sao không phải làm mình.
Trong một bài viết trên blog cá nhân của mình, mình từng chia sẻ cách tự học tốt nhất là “dạy cho ai đó điều bạn muốn học”. À tất nhiên bạn sẽ không dạy những điều mình không biết hoặc không chắc chắn, mà hãy đi từ những cái bạn đã biết. Sau đó, chính người học sẽ giúp bạn mở rộng những gì bạn cần biết thông qua những thắc mắc của họ. Điều đó thúc đẩy bạn học tập chuyên sâu và kiên trì hơn để có lời giải thích đáng cho bản thân và cho chính người học.
Dạy cho người khác, bạn cần tổng hợp và hệ thống lại thông tin một cách logic, sau đó “chuyển giao” kiến thức đó cho họ để họ có thể hiểu và giải quyết vấn đề nào đó của họ.
Quá trình đó là quá trình rất quan trọng để bạn liên kết các thông tin mình có và cũng là cơ hội để bạn tư duy, tìm tòi và mở rộng kiến thức của mình.
Nếu ta cứ luôn chờ đợi, thì biết đến bao giờ sẽ giỏi. Cứ đi rồi sẽ đến là câu nói rất thích hợp trong tình huống này. Chúng ta hãy “Bắt đầu với kết quả cuối cùng và nỗ lực ngược lại để biến giấc mơ trở thành sự thật.” – Wayne Dyer.
3. Tại sao nội dung của bạn bị “flop”?
“Bạn sẽ không có cơ hội thứ 2 để tạo ấn tượng đầu tiên.” – Will Rogers
Lý do bạn ngừng đọc một cuốn sách là gì? Có phải bởi bạn nhận thấy nó không đủ sức níu giữ sự chú ý của bạn, hoặc bạn không nhận được thông tin đủ tốt, hay bạn không tìm thấy cảm hứng và động lực để tiếp tục đọc?
Tất cả nội dung khác cũng vậy, bao gồm những bức ảnh bạn đăng trên mạng xã hội, bài viết của bạn, video của bạn, lời nói của bạn, slide thuyết trình của bạn, câu chuyện bạn kể,… chúng sẽ bị “bỏ đi” nếu khán giả không tìm thấy điều khiến họ phải “ở lại”.
Nói cách khác, nếu nội dung không có giá trị với cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ bỏ dở. Giá trị ở đây bao gồm giá trị thông tin và giá trị giải trí.
Do vậy, để nội dung của bạn được chú ý thì bạn cần giải quyết được câu hỏi: Khán giả nhận được giá trị gì thông qua nội dung của bạn?
Đó là tin tức, thông tin, giải trí, giáo dục, nguồn cảm hứng, động lực hay sự kết nối cộng đồng?
Chỉ cần bạn thỏa mãn ít nhất 1 trong những điều kiện trên, nội dung của bạn sẽ thu hút một tệp khán giả nhất định vậy thì sao mà flop được nhỉ 🙂
Bản thân mình mới quay trở lại việc viết hằng ngày trên Facebook trong 8 ngày (kể từ ngày 1/4/2024), mình đã bỏ bê FB của mình và rất hiếm sản xuất nội dung mới cho “khán giả” của mình trong vài tháng qua.
Sáng nay, bỗng bài viết hôm qua mình viết (Bài viết: tại đây) nhận được sự quan tâm của rất nhiều người lạ. Họ ấn follow mình, share bài viết của mình, mình chưa có bài viết nào trên trang cá nhân có nhiều lượt share như vậy (trong Group thì có nhiều rồi).
Mình tự hỏi: Điều gì khiến họ hành động như vậy?
Phải chăng đó là giá trị nội dung mình mang tới sau 8 ngày “trở lại” với tâm thế thật sự muốn chia sẻ, muốn viết và muốn phát biểu ý kiến riêng?
Mình không rõ chắc chắn nguyên nhân do đâu, nhưng mình biết rằng nếu như bạn nghĩ mình chưa đủ tốt để tạo ra những nội dung viral giống như anh Đức Nhân chẳng hạn thì hãy cứ bắt đầu với những thứ bạn ĐANG CÓ và từ từ phát triền dần nó lên.
Nếu bạn đang sợ hãi, nếu bạn đang nản lòng thì mình nghĩ đó là bạn “lặp lại” chưa đủ mà thôi.
Tham gia thử thách 21 ngày đọc sách này là một cách giúp mình “lặp lại” đủ nhiều để tạo nên những thay đổi tích cực.
Mình mong là bạn cũng cảm nhận được điều đó ở chính bản thân bạn. Chúng mình cùng ủn mông tiến bộ nhé!
4. Sách & mạng xã hội
Mình không thích đọc sách…
….Đó là quá khứ của 5 năm về trước, nhưng mình cực thích đi mua sách. Không biết vì sao nữa, có thể mình làm vậy là để tỏ ra mình cũng “tri thức” như bao người thì phải.
Chỉ cho đến khi mình vào Sài Gòn, ở cùng với sự cô đơn, tẻ nhạt cũng luồng suy nghĩ tiêu cực dẫn sâu trong trí óc thì mình mới tìm tới sách.
Mình chỉ muốn thay thời gian chìm trong biển thông tin không lành mạnh mà mình nhận được từ FB thành thời gian cầm sách lên và đọc.
Mình đã đọc cho có trong suốt hơn 1 tuần chỉ để “cai facebook” và mình dần thoát khỏi cảm giác “thèm” tin tức nóng hổi của facebook, thoát khỏi cảm giác buồn bất chợt nhưng không rõ lý do, thoát khỏi cái cảm giác cô đơn không ai bên cạnh.
Thoát đi cái bóng ấy, mình bắt đầu để tâm hơn vào những dòng chữ hiện ra trong những cuốn sách.
Ồ, có gì đó thú vị dần lộ ra dưới những hàng chữ ngay ngắn ấy.
Cho đến hôm nay, sau 5 năm cầm cuốn sách đọc như một hình thức ziết thời gian thì mình đã thích và biết ơn sách rất nhiều.
Mình học, mình nghiệm, mình vui và mình “khỏe mạnh” hơn trong cả tâm hồn và thể chất.
Tuyệt hơn cả mình không còn “nghiện” facebook như trước nữa mà dùng nó như một công cụ để truyền tải nội dung, chia sẻ tiếng nói và lưu giữ khoảnh khắc thú vị trong cuộc sống của mình.
Mình không để những người mình không thích, những đố kỵ do sự tự ti của bản thân tạo ra làm ảnh hưởng tới những niềm vui nhỏ bé mỗi ngày của mình nữa. Biết thương chính mình, biết quý sức khỏe, biết yêu và trân trọng bản thân hơn.
Mình đã từng đổ lỗi cho mạng xã hội đã làm mình mệt mỏi, tiêu cực và buồn phiền. Sự thật thì mình đã không biết “làm chủ” nó mà để nó thao túng mình.
Có một câu rất hay trong cuốn YOUTUBE SECRETS viết như thế này:
“Nội dung là lửa, mạng xã hội là xăng.” – Jay Baer.
Rất nhiều người cũng dùng mạng xã hội như mình, nhưng họ dùng nó để truyền đi ngọn lửa tích cực như những thói quen tốt, những ghi chép hay, những đúc rút, bài học hữu ích. Cùng có nhiều người dùng mạng xã hội để làm giàu có bản thân và doanh nghiệp của họ.
Còn mình? Mình đã dùng mạng xã hội làm gì sau khi thoát khỏi sự tháo túng của nó?
- Mình dùng MXH để chia sẻ những kiến thức, đúc rút, kinh nghiệm của bản thân với mọi người.
- Mình dùng MXH để lưu giữ những niềm vui nho nhỏ mà mình có được trong đời.
- Mình dùng MXH để kết nối với thế giới, những người bạn, người thầy, những người đồng đội, những người chung sở thích.
- Mình dùng MXH để học hỏi từ mọi người xung quanh, những điều mình chưa biết hoặc không biết.
- Mình dùng MXH để giải trí với những mẩu chuyện hay, những thước phim ngắn và cả những đoạn hội thoại vui vẻ với bạn bè.
Bây giờ mình thích cả sách và mạng xã hội.
Mình đọc sách và chia sẻ review, trích dẫn, đúc rút mà mình học được từ trong mỗi cuốn sách lên mạng xã hội. Và mạng xã hội giúp mình mang những điều tích cực đến nhiều người.
Follow mình: TẠI ĐÂY
5. Cạnh tranh và hợp tác – Cái nào tốt hơn?
Nay mình đọc được câu này rất hay trong cuốn YouTube Secrets:
“Cạnh tranh giúp chúng ta đi nhanh hơn, nhưng hợp tác giúp chúng ta đi xa hơn.” – Mahfuz Ali Shuvra.
Từ trải nghiệm bản thân mình hoàn toàn đồng ý với vế đầu tiên của câu nói trên, nhưng vế thứ 2 thì mình muốn bổ sung thêm ý kiến.
Không phải mọi sự hợp tác đều mang tới sự tiến bộ, bởi có những sự hợp tác là cùng nhau lao xuống hố. Việc lựa chọn đối tác là điều cực kỳ quan trọng.
- Thứ nhất, đôi bên hợp tác đều phải đi chung hướng, không thể một ông rẽ trái, một ngài rẽ phải được.
- Thứ hai, đảm bảo giá trị mang lại cho nhau là win-win. Tức là đôi bên đều được thỏa mãn một mục tiêu nào đó của riêng họ. Nếu một bên lõm, bên lồi thì rất có thể đó không phải là hợp tác mà là lợi dụng.
- Thứ ba, bình đẳng về cả quyền lợi và trách nhiệm.
- Thứ tư, thực lực đôi bên phải tương đương, hoặc tốt nhất là có tính bù trừ. Mỗi bên đều phải có khả năng làm việc độc lập tốt và hiểu rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình; thực hiện tốt những gì mình phụ trách.
- Thứ năm, mang tinh thần học hỏi lẫn nhau để lắng nghe và tôn trọng đóng góp của đôi bên.
Hợp tác tốt và đúng sẽ giúp bạn nâng cao hiệu quả công việc, giảm bớt áp lực và tạo điều kiện nâng đỡ thành tích và tên tuổi.
Hợp tác không tốt có thể làm lụi bại nhiều giá trị hữu hình và vô hình bao gồm: tiền bạc, danh tiếng, mối quan hệ.
Quan điểm của mình là: Nếu không thể hợp tác, không sao hãy cứ độc lập cho đến khi gặp được đối tác thích hợp.
Đánh giá sách: YouTube Secrets – Hướng dẫn căn bản về cách kiếm tiền YouTube
Điểm đánh giá: 8,5/10 cho cuốn sách này, mình sẽ còn đọc lại và thực hiện những bài tập nhỏ trong cuốn sách này trước khi bắt đầu kênh YouTube mới của bản thân.
Hi vọng bạn cũng có một trải nghiệm tuyệt vời với cuốn sách YouTube Secrets này giống mình. Chúc bạn một ngày mới tốt lành!
MUA SÁCH: TẠI ĐÂY
Một vài gợi ý khác cho bạn
Bạn chắc chắn sẽ muốn đọc các cuốn sách tuyệt vời khác. Mời bạn đến với chuyên mục: Review sách nhé!
Các đầu sách khác liên quan:
CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC
- Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
- Facebook: Hương Nguyễn
- Fanpage: Hương Nguyễn Blog