7 bước giúp mình hình thành một thói quen mới

9
980
7 thói quen đơn giản giúp mình hình thành thói quen mới

Phần I. Tại sao ta cần những thói quen?

Thói quen là một chuỗi hành động có điều kiện do rèn luyện mà có (Định nghĩa bởi Wikipedia).

Với chủ đề thói quen, có rất nhiều câu nói hay truyền cảm hứng về chủ đề này:

  • Động lực khiến bạn lên đường và thói quen đưa bạn đến đích. – Zig Zaglar.
  • Mỗi ngày vứt bỏ một thói quen xấu, rồi sẽ đến lúc khiến ngay cả kẻ tồi tệ nhất cũng trở nên tốt đẹp – Benjamin Franklin.
  • Sự hỗn loạn thường sinh ra cuộc sống, còn trật tự thì sinh ra thói quen – Henry Brooks Adams
  • Thói quen của bạn sẽ quyết định tương lai của bạn – Jack Canfield
  • Người thành đạt trở nên thành công chỉ bởi vì họ hình thành thói quen suy nghĩ về thành công. – Napoleon Hill
  • Đầu tiên chúng ta tạo ra thói quen, sau đó thói quen tạo ra chúng ta –  John Dryden
  • Để thay đổi thói quen, hãy lập một quyết định lý trí, rồi thực hiện hành vi mới – Maxwell Maltz.

Và, mình rất nhớ một câu nói của thầy giáo dạy Vật Lý hồi cấp 3 của mình từng nói như thế này:

“Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận.”

Câu nói trên được hiểu là:

Nghĩ nhiều về một điều gì đó sẽ thúc đẩy não bộ của bạn, chỉ huy bạn hành động. Hành động một việc gì đó lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ hình thành một thói quen. Một thói quen duy trì trong thời gian đủ dài sẽ tạo nên tính cánh con người. Và rõ ràng, tính cách sẽ tạo nên số phận của chính người đó.

Tại sao ta cần những thói quen?

Thói quen có thể thay đổi cuộc đời của bạn!

Xem thêm: 5 thói quen giúp mình sống hạnh phúc hơn mỗi ngày

Thử ngẫm lại một vài ví dụ thực tế trong cuộc đời bạn nhé.

Hồi nhỏ ai đã từng bị sâu răng? Mình đã từng là một trong những đứa trẻ đó. Sâu răng là hệ quả của chuỗi ngày ăn đồ ngọt và lười đánh răng buổi tối khi còn nhỏ của mình. Bởi vậy mà men răng nhanh chóng bị phá hủy và vi khuẩn gây hôi miệng, sâu răng có “đất” để hoành hành.

Một ví dụ khác, bạn có từng là đứa trẻ thường xuyên đi học muộn? Vì sao ư? Có phải hầu hết các lý do đi học muộn đều bởi vì bạn đam mê ngủ nướng hơn là thức dậy đúng giờ báo thức của mẹ? Hệ quả với nhiều đứa trẻ lớn lên đã được gắn mác bản thân với danh hiệu “giờ cao su”. Những hệ quả mà chính họ vô tình mắc phải, đến mức trở thành “bệnh nan y” khó chữa.

Bạn thử để ý những người có thói quen vận động thể dục thể thao thường xuyên. Ví dụ như chay bộ hằng ngày chẳng hạn. Những người có thói quen chạy bộ hàng ngày thường có sức đề kháng, sức bền tốt hơn hẳn những người không có thói quen rèn luyện cơ thể. Người có thói quen chạy bộ, cũng sẽ giảm thiểu các bệnh liên quan tới tim mạch. Cơ bắp, xương, dây chằng cũng đàn hồi và dẻo dai hơn.

Bạn thấy đấy, đó là lý do tại sao người ta vẫn thường nói, thói quen có thể thay đổi cuộc đời là vì như thế.

Vậy, làm sao để hình thành một thói quen mới?

Phần II. 7 Bước đơn giản để hình thành một thói quen mới.

Hình thành một thói quen mới thật sự không phải việc đơn giản. Nó đòi hỏi rất nhiều động lực cũng như kỷ luật của người thực hiện.

Mình tin bạn từng trải qua những ngày hừng hức khí thế khi mới bắt đầu rèn thói quen mới. Bạn tuyên bố hào hùng với cả vũ trụ rằng: bạn sắp giảm cân, bạn sắp học tiếng Anh mỗi ngày, bạn sẽ đến phòng Gym 3 buổi mỗi tuần hay bạn chuẩn bị sẽ dậy vào lúc 5 giờ sáng mỗi ngày. Thế nhưng chỉ vài ngày sau đó, bạn chán nản và buông bỏ giữa chừng, trở về những hành động thường ngày như chưa hề có một tuyên bố hào hùng nào trước đó.

Mình đã từng như bạn. Sau nhiều lần thất bại, mình đã tự rút cho bản thân những bài học đắt giá.

Và ở bài viết này, mình sẽ giúp bạn tìm ra quy trình để tạo nên một thói quen mới, chỉ với 7 bước đơn giản.

Bước 1: Chỉ một thói quen

Một trong những lý do thất bại phổ biến trong việc hình thành thói quen mới đó là có quá nhiều mục tiêu cùng một lúc.

Lời khuyên cho bạn là hãy chỉ một thói quen.

Bước 1: Chỉ một thói quen

Có 5 lý do vì sao bạn chỉ nên bắt đầu với một thói quen duy nhất:

  • Tránh xao nhãng mục tiêu cần đạt được.
  • Tránh quá tải, dẫn đến sợ hãi, áp lực. 
  • Giảm nguy cơ chán nản do không đạt được thành tích như mong muốn. 
  • Với một thói quen, bạn đang đi theo hướng từ dễ đến khó.
  • Tập trung nguồn lực: tâm lực, trí lực, tài lực, thể lực…

Điều đó không có nghĩa bạn không thể bắt đầu cùng lúc nhiều thói quen. Nhưng theo kinh nghiệm của mình thì các thói quen nên ở dạng gối đầu với nhau. Điều này nghĩa là sao?

Một ví dụ cho dễ hiểu nhé!

Ví dụ mình từng có ba thói quen cần được hình thành: thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, đọc sách 30 phút mỗi ngày, học tiếng Anh 1 giờ mỗi ngày.

Trong 3 thói quen này, mình chọn ra một thói quen mà mình đánh giá là dễ dàng thực hiện và dễ thành công nhất. Sau đó hãy thực hiện nó trước 1 đến 2 tuần.

Và mình đã chọn việc đọc sách 30 phút mỗi ngày trước. Sau khi mình hết cảm giác sợ đọc sách và bắt đầu thấy việc đọc sách thú vị thì mình chuyển bắt đầu với việc học tiếng Anh. Tùy vào mỗi bạn mà hành trình từ không thích đọc sách đến có thể ngồi yên đọc sách chăm chú 30 phút sẽ khác nhau, với mình là khoảng 2 tuần.

Tương tự với việc đọc sách 30 phút mỗi ngày. Mình cũng thực hiện hình thành thói quen học tiếng Anh mỗi ngày. Dần dần khi hai thói quen trên đi vào hình trình mỗi ngày của mình thì mình sẽ bắt đầu với thói quen dậy sớm.

Và mình có được lịch trình hình thành thói quen dậy sớm lúc 6 giờ, đọc sách 30 phút và sau đó học tiếng Anh 1 giờ. Duy trì cho đến khi thành phản xạ tự nhiên, không cần gồng ép, không phải suy nghĩ nhiều về nó nữa thì lúc đó mình đã có thêm một thói quen mới rồi đó.

Bước 2: Xác định lý do để bắt đầu

Xác định lý do để bắt đầu là bước rất quan trọng.

  • Nó sẽ kéo bạn khỏi sự chán nản.
  • Nó cho bạn một tương lai, một viễn cảnh mong ước.
  • Nó là lý do để bạn hành động.

Vì vậy, nhất định bạn phải thực hiện bước này một cách nghiêm túc.

7 bước để hình thành một thói quen mới
Bước 2: Xác định lý do để bắt đầu

Bạn cần dành thời gian để hình dung, tưởng tượng với việc mình đã sở hữu thói quen mới. Khi sở hữu thói quen đó, bạn sẽ có những phần thường gì cho bản thân? Hãy để não bộ của bạn được kích thích bởi những phần thưởng đó. Hãy nghĩ về những phần thường đó, càng nhiều càng tốt.

HÃY CHO BẢN THÂN NHỮNG LÝ DO ĐỦ HẤP DẪN ĐỂ BẮT ĐẦU

Một ví dụ cho bạn nhé!

10 lý do mình đã viết ra khi quyết tâm với thói quen học tiếng Anh mỗi ngày:

  • Mình học tiếng Anh vì mình muốn có cơ hội tốt hơn trong công việc, mình nổi tiếng và có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực của mình.
  • Mình học tiếng Anh vì mình muốn đọc các tài liệu nước ngoài phục vụ cho công việc của mình.
  • Mình học tiếng Anh vì mình muốn mở rộng cơ hội sự nghiệp của mình ra nước ngoài.
  • Mình học tiếng Anh vì mình muốn có thu nhập chín số 0 một năm.
  • Mình học tiếng Anh vì mình muốn có bạn trai thành đạt, giàu có và đẹp trai.
  • Mình học tiếng Anh vì mình muốn đi du học vào 3 năm tới tại một trường đại học ở Châu Âu.
  • Mình học tiếng Anh vì mình muốn đi nhiều nơi trên thế giới. Mình muốn tới châu Âu, Ai Cập, Mỹ, Brazil, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
  • Mình học tiếng Anh vì mình muốn nói chuyện với người nước ngoài. Biết đâu mình sẽ có thêm một cơ hội từ sự giúp đỡ của họ!
  • Mình học tiếng Anh vì mình không muốn bị người khác coi thường. Mình không muốn bị quê khi không thể giao tiếp bằng ngoại ngữ.
  • Mình học tiếng Anh vì mình không muốn bị lạc hậu trong thời đại toàn cầu hóa. Mình không thể thành người tối cổ được.

Đó là cách mình tự tạo động lực cho chính bản thân, để bắt đầu hành trình xây dựng một thói quen mới.

Bây giờ, hãy ngồi xuống và viết ra 5 – 10 lý do khiến bạn quyết định phải sở hữu một thói quen nào đó nhé.

Xem thêm: Lý do tôi học Excel?

Bước 3: Đặt mục tiêu và chia nhỏ chúng

Bạn đã có lý do để bắt đầu, và giờ bạn cần có cho mình một mục tiêu. Mục tiêu sẽ giúp bạn có tầm nhìn dài hạn và động lực ngắn hạn để hành động.

Trước khi hành động, hãy xác định điểm đến của bạn. Nó sẽ giúp bạn đi đúng hướng, tập trung sự chú ý của bạn để đạt được mục tiêu đó một cách hiểu quả nhất. 

Mục tiêu bạn muốn đạt được khi hình thành thói quen mới này là gì? Hãy viết chúng xuống!

Một trong những kinh nghiệm của mình trong công cuộc hình thành thói quen mới đó là chia nhỏ các mục tiêu.

Chia nhỏ mục tiêu là việc mà đã giúp mình bước ra vùng thoải mái của bạn thân một cách hiệu quả và tự nhiên nhất. Từng chút, từng chút một.

7 bước để hình thành một thói quen mới
Bước 3: Đặt mục tiêu và chia nhỏ chúng

Hãy nhớ lại tuổi thơ của chúng ta một chút nhé!

Khi mình còn nhỏ, mẹ mình muốn bạn mình thuộc bảng cứu chương trong đợt nghỉ hè, trước khi bước vào năm học mới. Mẹ mình đã yêu cầu, mỗi ngày mình học thuộc một dãy trong bảng cửu chương. Như vậy, thay vì học thuộc cả bảng, mục tiêu nhỏ của mình chỉ là một dãy mỗi ngày.

Cuối ngày khi mẹ mình kiểm tra và thấy mình đã hoàn thành mục tiêu trong ngày. Và mình được nhận lời khen từ mẹ mình, kiểu như là: “Con giỏi quá”? Như vậy, mình lại có thêm niềm tin rằng mình thật giỏi, mình nghĩ rằng mình rất giỏi làm việc này. Mình tự dặn ngày mai phải thể hiện tốt hơn để được mẹ khen ngợi.

Ngày hôm sau, mình tiếp túc hoàn thành việc học thuộc dãy số thứ hai trong bảng cửu chương. Mình tiếp tục nhận lời khen thứ hai, thứ ba, thứ tư… Cho đến khi mình hoàn toàn thuộc cả một bảng cửu chương.

Đến đây, mình muốn khen bản thân rằng: Bạn Hương thật thông minh!

Thấy không? Mẹ của mình đã giúp mình làm một thao tác nhỏ đó là chia nhỏ mục tiêu giúp mình. 

Bạn thử tưởng tượng, nếu mẹ bạn yêu cầu trong một ngày học thuộc toàn bộ bảng cửu chương với một đứa trẻ lớp hai. Liệu rằng bạn sẽ hoàn thành nó chứ? Nếu không, có vẻ như nét mặt thất vọng hoặc tệ hơn là một trận đòn sẽ làm bạn ám ảnh thật sự phải không? Có lẽ bạn có thể sẽ nghĩ mình học dốt môn Toán, mình ghét môn Toán, mình không có năng khiếu với môn Toán. Thật tai hại.

Và đó cũng có thể là hệ quả nếu như chúng đặt mục tiêu qua lớn và đã không chia nhỏ nó ra để thực hiện khi hình thành một thói quen mới.

CHIA NHỎ MỤC TIÊU LÀ BÍ QUYẾT ĐẮT GIÁ MÌNH NGHIỆM RA ĐƯỢC

Như vậy, hãy thử bắt đầu bởi các mục tiêu nhỏ như:

  • Chạy bộ 1km thay vì 5km trong ngày đầu tiên ra trận.
  • Học 5 từ mới thay vì 50 từ tiếng Anh mới khi mới bắt đầu tự học tiếng Anh.
  • Đọc một trang sách thay vì đọc một cuốn trong ngày đầu tiên.
  • Thức dậy sớm hơn ngày hôm qua 10 phút thay vì từ 9 giờ thay đổi thành 4 giờ sáng.

Xem thêm: Hạnh phúc bắt đầu từ những điều giản đơn

Bước 4: Lên kế hoạch hành động

Sẽ có 4 điều mình rất quan tâm khi lên kế hoạch hành động:

  1. Thời gian biểu
  2. Các “vật cản” ngáng đường
  3. Nguồn cảm hứng
  4. Lời cam kết

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn nhé.

7 bước để hình thành một thói quen mới
Bước 4: Lên kế hoạch hành động

1. Thời gian biểu

Hãy đưa thói quen mới vào một khung giờ cố định trong ngày. Điều này giúp não bộ làm quen và ghi nhớ hành động. Khi hành động lặp lại liên tục trong thời gian đủ lâu, não bộ sẽ hiểu hành động đó là một phản xạ tự nhiên trong ngày và thực hiện một cách tự động.

CÙNG MỘT HÀNH ĐỘNG, CÙNG MỘT KHUNG GIỜ

Một vài ví dụ.
  • Nó sẽ giống như việc thức dậy vào mỗi sáng, bạn sẽ đi đánh răng và rửa mặt vậy.
  • Bạn thường đi ngủ lúc 2 giờ sáng, và lâu dần cơ thể bạn sẽ quen với việc sẽ buồn ngủ vào lúc 2 giờ sáng chứ không phải 11 giờ đêm.
  • Bạn thường hay mở facebook mỗi khi ngủ dậy, vì vậy phản xạ mỗi khi tỉnh giấc của bạn sẽ là cầm vào điện thoại và mở app Facebook ra đầu tiên để lướt.

Các ví dụ này quen chứ? Và giờ thì hãy lên thời gian biểu cho thói quen mới của bạn đi nào!

2. Xác định những “vật cản” trên đường và loại bỏ chúng

Một trong những việc quan trọng mà rất nhiều lần mình đã bỏ qua và nhận cái kết không như ý. Đó là KHÔNG xác định trước những cản trở có thể gặp phảingăn chặn chúng làm hỏng lộ trình tiến tới mục tiêu của mình trước khi nó xuất hiện.

Cũng giống như việc viết ra 5 – 10 lý do để bắt đầu. Mình đã viết cụ thể từng “vật cản” có thể làm mình bỏ cuộc hoặc làm mình xao nhãng trong việc thực hiện hành động để xây dựng thói quen mới. Và đương nhiên, mình đã lên luôn phương án loại bỏ cho nó.

PHÒNG BỆNH HƠN CHỮA BỆNH, LOẠI BỎ VẬT CẢN TRƯỚC KHI NÓ XUẤT HIỆN

7 bước để hình thành một thói quen mới
Bước 4: Lên kế hoạch hành động
Một ví dụ nè!

Các “vật cản” trong việc hình thành thói quen dậy sớm của mình:

  • Thay đổi thời gian dậy đột ngột làm mình khó thích nghi => Thay đổi từng chút một. Không đột ngột chuyển từ 9 giờ sáng thức dậy sang 5 giờ sáng. Thay vào đó, mình chia nhỏ mục tiêu dậy sớm của bản thân. Có thể giai đoạn đầu sẽ là từ 9 giờ sáng sang 8 giờ sáng. Từ 8 giờ sang 7 giờ. Từ 7 giờ sáng 6 giờ 30….
  • Thức dậy không biết làm gì, ngồi chán, mình lại ngủ => Mình thiết kế hoạt động sau khi thức dậy. Và mình chọn học tiếng Anh và đọc sách để làm hoạt động bắt đầu.
  • Không ngủ đủ giấc sẽ làm cơ thể mình rất mệt mỏi => Mình điều chỉnh giờ đi ngủ, dậy sớm thì nên đi ngủ sớm. Cơ thể chúng ta sẽ chia chu kỳ ngủ 90 phút một chu kỳ. Mình thường ngủ là 5 chu kỳ. (Phần này các bạn lên Search Google có rất nhiều bài viết nói về chu kỳ ngủ của con người.)
  • Sáng dậy lạnh, mình thường không muốn ra khỏi chăn => Mặc ấm trước khi bỏ chăn ra khỏi người, mình có thể chuẩn bị sẵn áo ấm ở trong tầm với tay của mình.
  • Không biết dậy để làm gì, chán không muốn dậy => Mình đã tự lên một kế hoạch ngày mới trước khi đi ngủ ở tối hôm trước. Nó đã cho mình động lực để thức dậy đó.
Còn bạn?

Bạn đã viết chúng xuống chưa? Và bạn đã nghĩ phương án để loại bỏ chúng rồi chứ? Hãy bắt đầu nhé!

3. Tìm nguồn cảm hứng & tự tạo động lực

Dù làm việc gì nếu có ai đó cổ vũ mình thì thật tuyệt, còn nếu đen không có ai cổ vũ thì hãy tự cổ làm điều đó nhé.

“Hoặc là một ngọn núi, hoặc dựa vào một ngọn núi.” Thành ngữ Somali

Một trong những tip giúp mình có thể tìm nguồn cảm hứng đó là: Hãy tham gia vào một cộng đồng có chung mục tiêu hoặc hành động giống như bạn.

CHỦ ĐỘNG TÌM KIẾM CỘNG ĐỒNG CỦA MÌNH

Một vài ví dụ.
  • Mình muốn duy trì thói quen đọc sách: Mình tham gia những CLB đọc sách, tham gia các Group đọc sách, review sách, hoặc follow Facebook và Blog huongnguyentt.vn của tôi chẳng hạn.
  • Mình muốn tạo lập thói quen sống tối giản: đương nhiên rồi, các fanpage, hội nhóm, blog hoặc website chuyên về lối sống tối giản là những nơi mình cần có mặt.
  • Mình muốn tạo lập thói quen học tiếng Anh: mình follow những fanpage học tiếng Anh, tham gia các Group tự học, tham gia cộng đồng của các bạn học sinh, sinh viện cổ vũ nhau học tập…
  • Mình muốn tạo lập thói quen viết lách: mình tham gia các Group viết lách, làm Blog, tạo content…

Mình đã ở đó, bởi họ đang có những suy nghĩ, hành động, mục tiêu tương đồng với mình.

Hơn những thế, mình đã gặp những người làm điều đó tốt hơn mình, mình sẽ học được nhiều điều hay của họ. Có thể họ sẽ làm mình thấy ghen tị, ngưỡng mộ, thậm chí là đố kị vì họ có những thành quả mà mình đang mơ ước. Bất cứ điều gì thì nó đều đã giúp mình có động lực làm điều mình đang cố gắng.

Mình cũng đã bắt gặp rất nhiều người bạn khác cũng giống như mình, là những newbie. Và không khó để kết bạn với họ, cùng cổ vũ nhau đâu.

Tin mình đi! Bạn sẽ có nhiều hơn một nguồn động lực khi tham gia vào đúng cộng đồng đấy.

Xem thêm: 5 tip giúp mình hình thành thói quen đọc sách

4. Hãy cam kết

“Nếu bạn tin tưởng vào những gì bản thân đang nỗ lực, hãy để nhiệt huyết tuôn trào thông qua lời nói. Đừng cố gắng giữ chúng cho riêng mình! Hãy mời người khác đồng hành cùng bạn trong hành trình tươi đẹp mà bạn đang xây dựng.” – Trích cuốn “Phụ nữ hơn nhau ở khí chất” – Tác giả Jessica Honegger.

Bạn thấy đấy, hãy coi việc hình thành thói quen của chúng ta như một thử thách trong cuộc sống.

Nếu chúng ta tin tưởng nó là một thói quen tốt, thì còn chờ gì nữa mà không “tuôn trào thông qua lời nói”. Lời tuyên bố đó không phải để cho người khác biết, mà nó chính là lời cam kết của bản thân chúng ta dành cho chính mình.

CAM KẾT LÀ BẠN ĐỒNG HÀNH CỦA MỌI THỬ THÁCH

7 bước để hình thành một thói quen mới
Bước 4: Lên kế hoạch hành động

Xem thêm: Thử thách 14 ngày viết gì đó!

Bạn có tin không?

Mình phát hiện ra con người ta thường có xu hướng ngó nhìn người ta thất bại. Sự thật có vẻ hơi tiêu cực nhưng biết sao được. Ai mà không thích drama chứ? Chúng ta sẽ có một đội ngũ “săm soi” theo kiểu mong chờ chúng ta thất bại hoặc mong chờ chúng thành công để họ bắt chước. Không sao cả nhưng chúng ta đang có đội ngũ giám sát miễn phí cho công trình của mình rồi. Và biết đâu, trong số họ sẽ có người thật tâm cổ vũ chúng ta.

Hãy tận dụng!

Lời nhắn cho bạn: Đừng để bị “quê” quá nhé! Ha ha. Đùa thôi, hãy cứ cam kết. Và luôn nhớ rằng, lời cam kết này là dành cho bạn, chỉ mình bạn và cuộc sống của chính bạn.

Bạn đang có 5 – 10 lý do để bắt đầu mà. Phải không? Bạn tin tưởng vào điều bạn đang làm sẽ giúp cuộc sống bạn trở nên tốt đẹp hơn chứ? 

Bạn còn chờ gì mà chưa cam kết? Hãy làm tất cả những gì giúp bạn có được thói quen tốt đẹp ấy.

Bước 5: Bắt đầu ngay bây giờ

Chúng ta đã có ít nhất 5 lý do để bắt đầu.

Chúng ta có những mục tiêu cho mình.

Chúng ta có cả một kế hoạch kỹ càng.

Chúng ta đã nghĩ đủ rồi.

Bây giờ là lúc chúng ta cần HÀNH ĐỘNG NGAY.

Đừng đợi chờ, đừng chọn ngày, đừng trì hoãn. Việc của chúng ta bây giờ là HÀNH ĐỘNG.

HÀNH ĐỘNG – HÀNH ĐỘNG – HÀNH ĐỘNG

7 bước để hình thành một thói quen
Bước 5: Bắt đầu ngay bây giờ

Chỉ có hành động mới cho ra kết quả. Mình đã từng tự hỏi: mình có muốn những lý do để bắt đầu của bạn trở thành hiện thức không? HÃY HÀNH ĐỘNG.

Bước 6: Ghi nhận thành tích

Ghi nhận thành tích của bản thân. Đừng bỏ qua việc tự khen ngợi và tưởng thưởng cho chính mình. Dù chỉ là những thành tích nhỏ bé. Hãy bắt đầu từ đó.

Bạn sẽ không tưởng tượng hết được sức mạnh của việc tự thưởng bản thân có động lực ghê gớm như thế nào đâu.

Vốn dĩ, con người ai cũng thích được khen ngợi. Hãy khen ngợi và thưởng cho chính mình từ những thành tích nhỏ. Như vậy chúng ta sẽ liên tục mong chờ những phần thường lớn hơn ở những thành tích lớn hơn.

Hãy nhớ lại việc học bảng cứu chương của mình. Mình có động lực hơn dù chỉ nhận được một lời khen ngợi của mẹ.

Bạn còn chờ gì mà không ghi nhận thành tích này?

BƯỚC LÊN DÙ CHỈ MỘT BƯỚC CŨNG ĐÃ LÀ TIẾN LÊN PHÍA TRƯỚC. RẤT ĐÁNG GHI NHẬN

7 bước để hình thành một thói quen mới
Bước 6: Ghi nhận thành tích

Mình thường viết nhật ký và khen tặng bản thân mỗi khi đạt được thành tích nhỏ nào đó trong hành trình học tiếng Anh của mình. Ví dụ như 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày, 10 ngày, 14 ngày, 21 ngày... liên tiếp chăm chỉ. Chẳng phải rất đáng khích lệ hay sao. Hoặc một biến đổi nhỏ bạn đã tốt hơn cũng rất đáng để bạn ghi nhận chính mình.

Xem thêm: Cột mốc 30 ngày học tiếng Anh của mình

Hãy tạo ra những phần thường cho những cố gắng của chính bạn nhé!

Bước 7: Duy trì và đột phá

Có lẽ bạn rất quen thuộc với thông tin như là: cần 21 ngày để hình thành một thói quen nào đó.

Liệu có thật sự là 21 ngày?

Theo nghiên cứu của một nhà nghiên cứu tâm lý sức khỏe Đại học College London, Phillippa Lally đã cho ra một kết quả:

Con người phải mất từ 18 đến 254 ngày để hình thành một thói quen. Tính ra trung bình sẽ khoảng 66 ngày, tương được với hơn 2 tháng để hành vi của con người trở thành tự động. Nói cách khác, chúng ta có thể sẽ mất từ 2 – 8 tháng để hình thành một thói quen chứ không phải là 21 ngày.

Điều mình muốn nhắc tới ở đây là gì?

Quên con số 21 ngày kia đi, đừng quan tâm đến những con số. Việc của chúng ta là duy trì, duy trì hành động của chúng ta cho đến khi hành động đó trở thành phản xạ, hoặc dễ hiểu hơn là tự động. Hãy tập trung vào việc duy trì liên tục những hành động cho đến khi nó trở thành thói quen.

Vậy khi đã trở thành thói quen thì sao?

Hãy cứ tiếp tục duy trì nó.

Hoặc bạn có thể làm mới nó. Nếu bạn là một người mau chán giống như mình.

Ví dụ như mình có thói quen đọc sách mỗi ngày. Bây giờ mình đã nâng cấp việc đọc sách của mình đó là thực hiện review chúng. Kể lại về cuốn sách mình đã đọc cho người khác. Điều này giúp mình có nhiều động lực đọc sách hơn. Hơn nữa cũng sẽ giúp mình đọc sách tập trung hơn, biết cách rút bài học từ sách và áp dụng vào thực tế cuộc sống.

Đó mới là cái đích thật sự mà mình muốn khi hình thành thói quen đọc sách cho mình.

DUY TRÌ LIÊN TỤC, LIÊN TỤC, LIÊN TỤC, KHÔNG NGẮT QUÃNG

7 bước để hình thành một thói quen mới
Bước 7: Duy trì và đột phá

Bạn luôn có thể biến thói quen thành cơ hội kiếm tiền!

Wow! Bất ngờ phải không?

Để mình lấy một vài ví dụ cho bạn nhé!

  • Bạn có thói quen đọc sách. Bạn thường có những đánh giá về một cuốn sách nào đó trên các diễn đàn sách. Và nhà xuất bản tìm tới bạn. Họ gửi tặng sách của họ cho bạn để bạn đọc nó và review về nó. Bạn share một đường link mua sách và sau đó thì bạn sẽ có hoa hồng nếu ai đó mua sách qua đường link của bạn.
  • Bạn có thói quen viết lách. Bạn tìm hiểu về viết lách. Và sau năm tháng bạn tích lũy rất nhiều kinh nghiệm viết lách cho mình. Bạn bắt đầu có những bài viết thu hút và tạo giá trị. Một doanh nghiệp nào đó tìm tới bạn. Họ đặt đơn hàng đầu tiên cho bạn. Và bằng kinh nghiệm viết lách của mình. Bạn có những thu nhập đầu tiên từ chính thói quen lâu năm của bạn.
  • Bạn có thói quen học ngoại ngữ vào mỗi buổi sáng. Bằng sự kiên nhẫn của mình, bạn đã thành thạo và tự tin với ngôn ngữ mới đó. Bạn tìm kiếm những công việc part-time như dịch thuật tài liệu để kiếm thêm chút tiền tiêu vặt. Đó có thể là điều sẽ xảy ra với bạn nếu bạn có những thói quen tốt trong cuộc sống.

Xem thêm: Khóa học Excel sau quá trình tự học.

Bạn hãy nhìn lại những thói quen tốt của chính mình đi! Bạn thấy gì trong đó? Nó đang giúp bạn tốt hơn mỗi ngày chứ?

Đó cũng chính là điều chúng ta đã nhắc ở đầu bài viết:

THÓI QUEN TỐT CÓ THỂ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI CỦA BẠN

Phần kết

Nếu bạn muốn bắt đầu một thói quen mới thì đây chính là bí quyết của mình. 7 bước đơn giản giúp mình hình thành một thói quen mới:

  1. Chọn một thói quen
  2. Xác định lý do để bắt đầu
  3. Đặt mục tiêu và chia nhỏ chúng
  4. Lên kế hoạch hành động
  5. Hành động ngay bây giờ
  6. Ghi nhận thành tích
  7. Duy trình và đột phá

ĐỪNG CHỜ ĐỢI NỮA, HÃY HÀNH ĐỘNG NGAY ĐI.

“Gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phần”

SỐ PHẬN LÀ NẰM TRONG TAY BẠN

7 bước hình để hình thành một thói quen mới

———————

Cảm ơn những thói quen đã cho mình con người của ngày hôm nay. Mình luôn trân trọng và tự hào về những quyết định của mình trong quá khứ. Cảm ơn bạn đã lắng nghe chia sẻ của mình.

Chúc bạn thành công với những lựa chọn của mình!

Đừng quên rằng…!

Hương đã thiết kế một khóa học đặc biệt dành cho những ai mong muốn:

  • Thoát khỏi rắc rối tài chính đang mắc phải
  • Giải phóng bản thân khỏi con nghiện mua sắm
  • Xây dựng quỹ dự phòng cho bản thân 6 – 12 tháng

Thì khóa học: 30 NGÀY THAY ĐỔI – TẠO LẬP THÓI QUEN CHI TIÊU TÍCH CỰC SAU 30 NGÀY là khóa học dành cho bạn.

Tìm hiểm thêm về khóa học tại đây!

Hương Nguyễn – Phụ Nữ Tự Do.


Nếu bạn thấy nội dung này là có giá trị, hãy mời Hương một cốc cafe nhé!

Hoặc,

Số tài khoản: 19037057180015 Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Thu Hương Ngân hàng Techcombank chi nhánh Tân Bình.



CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC

  1. Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
  2. Linkedin: Nguyễn Thị Thu Hương
  3. Facebook: Hương Nguyễn
  4. Fanpage: Hương Nguyễn Blog

9 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here