Review sách: Nghề tay trái không tay trắng

Nghề tay trái không tay trắng :Mang tới vài góc nhìn và gợi ý tích cực về nghề tay trái cho bất cứ ai muốn mở rộng cơ hội và thu nhập.

0
251
Review sách: Nghề tay trái không tay trắng
Review sách: Nghề tay trái không tay trắng

Giới thiệu sách: Nghề tay trái không tay trắng

Bắt đầu tháng 6 với cuốn sách “Nghề tay trái, không tay trắng” của tác giả Vương Đông.
Cũng giống với các cuốn sách khác, mình bắt đầu cuốn sách này bằng việc đọc cộng hưởng cuốn sách trong 20 phút để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Làm sao để mở rộng thu nhập của bản thân?

Chỉ còn vài tuần nữa thôi, bạn Hương của chúng ta sẽ bước vào thời gian ở cữ giống như bao bà mẹ bỉm sữa khác. Mình muốn tận dụng thời gian này để chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho những tháng ngày ở cữ mà nghe đồn là khá vật vả và thật dễ gây trầm cảm.

Có 3 từ khóa khiến mình cực kỳ lưu tâm khi cộng hưởng cuốn sách này.

  1. Kỹ năng
  2. Nhạt nhẽo
  3. Khuyến khích

Tất cả chúng ta đều có thể bắt đầu nghề tay trái với sở thích cá nhân có sẵn của chúng ta. Giống như mình là sở thích muốn được “phát biểu”. Mình muốn được chia sẻ góc nhìn cá nhân của bản thân tới nhiều người, và hiện nay mình đang làm nó hằng ngày thông qua hoạt động viết. Mỗi ngày nhìn vào từng dòng chữ được gõ xuống, nó khiến mình cảm thấy bản thân thật “có ích” và vui vẻ hơn nữa khi có ai đó ấn chia sẻ bài viết của mình. Mình biết, mình có những độc giả âm thầm, lặng lẽ vẫn đang dõi theo và ủng hộ mình, ủng hộ cho sở thích muốn “phát biểu” của mình.

Trong cuốn sách, mình nhận được thông điệp từ tác giả rằng, hãy biến sở thích thành một kỹ năng để tạo ra thu nhập của cho mình. Tuy nhiên, đừng vội tìm kiếm lợi ích từ sở thích, mà hãy khiến cho sở thích trở thành đam mê mãnh liệt, từ đó tôi rèn nó thành một kỹ năng và sau đó mới tới việc kiếm tiền từ nó.

Sự kiên trì là thứ mà mình nghĩ không thể thiếu trong hành trình này.

Review sách: Nghề tay trái không tay trắng
Review sách: Nghề tay trái không tay trắng

Mặt khác, từ khóa “nhạt nhẽo” lại mang tới cho mình một ý tưởng về việc tạo ra những công thức của riêng mình. Áp dụng và cải tiến liện tục công thức đó để tìm ra công thức “xịn xò” và tối ưu nhất trong từng trường hợp.

Bản thân mình đã tìm được công thức viết kịch bản cho kênh YouTube THÓI QUEN NGUYÊN TỬ và đang áp dụng nó trong mỗi lần sản xuất video mới. Nhưng việc cải tiến thì chưa thật sự được tiến hành một cách nghiêm túc. Cho nên, mình quyết định sẽ biến sự nhạt nhẽo của công thức viết kịch bản bằng việc học hỏi và rút kinh nghiệm thêm từ những kênh YouTube khác. Từ đó, cái tiến công thức viết kịch bản của bản thân sao cho mượt mà hơn, đi vào lòng người hơn nữa.

Từ khóa “khuyến khích” mang tới cho mình một thông điệp: Hãy mở rộng sức ảnh hưởng của bản thân thông qua đòn bẩy của mạng xã hội, giống như trang cá nhân FB, Group FB, Thread… tận dụng cả Blog cá nhân và kênh YouTube THÓI QUEN NGUYÊN TỬ nữa.

Cuối cùng mình rút ra 3 điểm chính cần thực hiện ngay:

  1. Tập trung viết vào một từ khóa.
  2. Đọc và ghi chép thành hệ thống và tổng hợp chúng thành các bài viết ngắn trên MXH.
  3. Mỗi ngày tự học từ các video trên YouTube.

Mình cũng quyết định, từ hôm này sẽ bắt đầu với slogan mới: CÀNG KIÊN TRÌ, CÀNG TIẾN XA để nhắc nhở bản thân hãy tập trung, cố gắng, kiên trì nhích từng bước nhỏ, dù chỉ là 1% nhỏ bé.

Mình muốn nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết của bản thân, mở rộng thu nhập và gia tăng sức ảnh hưởng của bản thân trong năm 2024 này.

4 Bài học đắt giá từ cuốn sách “Nghề tay trái không tay trắng”

Đây là 4 bài học mà mình chiêm nghiệm được từ cuốn sách Nghề tay trái không tay trắng – tác giả Vương Đông.

Bài học số 1

“Cách tốt nhất để xác thực mức độ kỹ năng đó đến đâu là xem liệu có ai sẵn sàng trả tiền cho kỹ năng đó của mình hay không.”

Nếu có thể bắt đầu nghề tay trái từ sở thích của chính mình thì đây sẽ là lựa chọn hoàn hảo nhất, bởi 3 lý do sau:

Thứ nhất, bạn sẽ có nhiều động lực làm việc hơn. Thời gian đầu “khởi nghiệp” có thể bạn rất khó để có thu nhập ổn định, thậm chí là có thu nhập từ nghề tay trái. Nhưng đổi lại, nếu nghề tay trái phát triển từ sở thích của bạn thì cảm giác “thất vọng” có thể sẽ được giảm lược đi rất nhiều. Thậm chí, bạn cũng không bị gánh nặng về mặt lợi ích vật chất làm cho mệt mỏi hay chán nản.

“Khi bắt đầu lựa chọn nghề tay trái, tốt nhất bạn không nên chỉ nhăm nhe kiếm tiền, bởi như thế, việc hành nghề tay trái sẽ trở thành vì cái lợi trước mắt.”

Hãy nhìn cái lợi ích lâu dài của nó.

Review sách: Nghề tay trái không tay trắng
Review sách: Nghề tay trái không tay trắng

Thứ hai, thông qua kiên trì phát triển nghề tay trái từ sở thích, bạn có cơ hội rèn luyện các kỹ năng liên quan và nâng cao năng lực của bản thân. Chính động lực từ sở thích sẽ kéo bạn duy trì sự tập trung dài hạn, đồng thời giúp bạn cởi mở với việc học tập điều mới, kỹ năng mới để phát triển sở thích thành món nghề kiếm tiền trong dài hạn.

Thứ ba, một người hết mình với sở thích của bản thân sẽ thật hạnh phúc biết bao. Mỗi ngày thức dậy sẽ là một cơ hội để làm việc mình yêu thích, yêu thích việc mình làm. Hơn nữa, mỗi ngày như vậy, bạn lại cho mình cơ hội phát triển sở thích của mình trở nên “điêu luyện” và chuyên nghiệp hơn.

Giống như việc bạn thích viết vậy. Bạn càng viết nhiều, viết càng có chiều sâu, văn phong sẽ mượt mà hơn. Không chỉ thế, nó còn thúc đẩy bạn đọc nhiều hơn, mở mang nhiều hơn, từ đó năng lực viết và đọc của bạn đồng thời cũng được nâng cao.

Sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình để làm nghề tay trái không chỉ giúp điều chỉnh cuộc sống của bạn, mà còn giảm bớt một số áp lực do công việc chính mang lại.

Bài học số 2. Tư duy quyết định lối ra

Khi cầm trên tay cuốn sách “Nghề tay trái không tay trắng”, câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong đầu mình là: Làm thế nào để tìm được nghề tay trái phù hợp?

Tác giả Vương Đông khuyên rằng, hãy bắt đầu từ sở thích của bạn. Lời khuyên này kéo theo một thắc mắc khác rằng, tại sao không phải bắt đầu từ thế mạnh của chúng ta?

Đọc đến chương 3, mình vẫn chưa tìm được câu trả lời cho thắc mắc ấy nhưng đổi lại, tác giả chia sẻ rất rõ ràng lý do nên bắt đầu từ sở thích. Đơn giản là: ĐỘNG LỰC.

Tác giả cho rằng, phát triển từ sở thích thành nghề phụ không chỉ mang tới niềm vui, giá trị tinh thần mà còn có thể duy trì động lực lâu dài “chờ đợi” lợi ích vật chất từ nó.

Câu hỏi lúc này sẽ là: Làm sao để khai thác sở thích thành nghề tay trái?

Có 2 điểm bạn cần lưu ý tới nếu muốn khai thác sở thích của mình thành một nghề:

  1. Kỹ năng bạn có
  2. Nắm bắt đúng thời điểm

Ví dụ như sở thích ĐỌC của mình vậy. Mình đang trên hành trình khai thác sở thích ĐỌC của bản thân phát triển thành một kênh YouTube lấy tên là THÓI QUEN NGUYÊN TỬ – Kênh chia sẻ kinh nghiệm tự học và rèn luyện thói quen qua những cuốn sách hay.

Mình có sẵn 3 kỹ năng khá mạnh để khai thác sở thích ĐỌC của bản thân thành một nghề tay trái, bao gồm:

  1. Kỹ năng viết
  2. Kỹ năng tổng hợp thông tin
  3. Kỹ năng đào tạo và huấn luyện (biết ơn công việc cũ của bản thân thật nhiều)

Từ 3 kỹ năng trên, mình biến những thông tin từ sách thành những bài học có tính thực tiễn để áp dụng vào cuộc sống của bản thân, sau đó chia sẻ trải nghiệm và kinh nghiệm tới mọi người.

Bạn cũng có thể khai thác sở thích của bản thân bằng cách lập một sơ đồ tư duy để brainstorm.

Review sách: Nghề tay trái không tay trắng
Review sách: Nghề tay trái không tay trắng

Hãy viết xuống toàn bộ những từ khóa, những kết nối, những hoạt động nhằm phục vụ sở thích của bạn.

Ví dụ như bạn có sở thích nấu ăn. Vậy thì các từ khóa liên quan sẽ là: dụng cụ nhà bếp, công thức món, nguồn thực phẩm, gia vị, màu sắc, bảo quản, sơ chế, review ẩm thực, cách nuôi trồng, cuộc thi nấu ăn, sáng tạo món, chụp món ăn, đánh giá món ăn, kinh doanh đồ ăn, …

Từ các từ khóa liên quan, bạn sẽ dễ dàng tìm được nghề tay trái có thể phát triển dựa trên các kỹ năng có sẵn của mình.

Ví dụ bạn thích nấu ăn và có thế mạnh về viết lách. Vậy đừng ngại chia sẻ các hiểu biết về ẩm thực, công thức món, cảm nhận của bản thân với mọi người thông qua các bài viết trên mạng xã hội, blog cá nhân, các website cộng đồng,… Bạn cũng có thể phát triển nghề viết quảng cáo cho ngành F&B, các nhà hàng, quán ăn,…

Ví dụ bạn thích nấu ăn và có thể mạnh chụp ảnh. Đừng ngại show ra thế mạnh của bản thân thông qua những bức ảnh. Bạn có thể nhận các hợp đồng chụp ảnh cho các quán ăn, nhà hàng,… Chụp ảnh menu, poster quảng cáo,…

Tác giả Vương Đông chia sẻ 4 bước giúp bạn kiếm được “hũ vàng đầu tiên” từ sở thích của mình:

  1. Xác định loại sở thích của bạn
  2. Tìm các nền tảng liên quan
  3. Nâng cao kỹ năng của bạn
  4. Giữ vừng nhiệt huyết và động lực

Giống như sở thích ĐỌC của mình – Đây là sở thích thuộc kiểu xã hội. Do vậy nền tảng phù hợp giúp mình phát triển sở thích thành nghề tay trái có thể là Facebook, YouTube, Blog, Tiktok,…

Các kỹ năng mình cần nâng cao và đầu tư:

  • Tư duy phản biện
  • Tư duy logic
  • Edit ảnh/ video
  • Viết – ghi chú hiệu quả

Xác định khoảng trống giữa mục tiêu và nền tảng có sẵn của bạn là bước quan trọng để bạn biết mình cần hành động gì tiếp theo.

Cho nên, hãy dành thời gian định vị bản thân ở hiện tại và làm rõ mong muốn của mình trong tương lai là gì, để có kế hoạch hành động phù hợp và hiệu quả nhé!

Đọc sách NGHE TAY TRÁI KHÔNG TAY TRẮNG để thu nạp thêm các thông tin hữu ích khác giúp bạn biến sở thích thành thu nhập trong tương lại bạn nhé!

Bài học số 3. Các bài viết của mình được triển khai như thế nào?

Mình đang đọc cuốn NGHỀ TAY TRÁI KHÔNG TAY TRẮNG của tác giả Vương Đông, trong chương 7 của cuốn sách này, tác giả có chia sẻ 5 bước sáng tạo trong viết lách như sau:

  1. Mở đầu: Điền chủ đề
  2. Phân tích lý luận: Đưa ra những góc nhìn độc đáo, mới lạ
  3. Phân tích ví dụ điển hình: căn cứ hỗ trợ lý luận
  4. Kết nối: hình thành các mối quan hệ thân thiết
  5. Kết bài: Tiến hành tổng kết đối với chủ đề
Review sách: Nghề tay trái không tay trắng
Review sách: Nghề tay trái không tay trắng

Theo cách tác giả phân tích chi tiết, mình nhận ra dàn ý của một bài văn nghị luận theo chương trình học của môn Ngữ Văn tại Việt Nam có phần tương đương và dễ hiểu hơn rất nhiều.

Bản thân mình, khi quyết định xây dựng kênh YouTube THÓI QUEN NGUYÊN TỬ đã phải quay lại học cách lập dàn ý cho bài văn nghị luận xã hội thông qua các video trên YouTube. Và mình chợt phát hiện ra, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường mình đã được trang bị một bộ công cụ cực kỳ mạnh cho cuộc sống và công việc sau này. Chỉ là mình đã không được ai nói nhỏ cho biết điều đó.

Dưới đây là dàn ý mục mà mình áp dụng cho các kịch bản YouTube (có chủ ý) và cả những bài viết của bản thân (một cách vô tình):

  1. Đặt vấn đề – Đưa ra luận điểm/quan điểm
  2. Đưa ra luận cứ và lý lẽ thuyết phục người đọc đồng thuận với ý kiến của bản thân.
  3. Đưa ra dẫn chứng, ví dụ minh họa chứng minh những luận cứ, lý lẽ trên là đúng.
  4. Đúc rút bài học
  5. Lời khuyên cá nhân và tổng kết

Dàn ý này có thể sẽ được xáo trộn ở mục 2 và mục 3, nhưng về cơ bản mình sẽ triển khai các mục theo như thứ tự ở trên.

Nếu bạn để ý, bài viết này cũng đang triển khai theo đúng dàn ý trên.

Trong trải nghiệm gần 5 năm làm đào tạo nội bộ ở các doanh nghiệp, các giáo án đào tạo của mình cũng triển khai với khung sườn tương tư, chỉ khác cách gọi mà thôi.

Ví dụ như phần quan điểm/luận điểm là các nội dung chính của bài giảng. Phần ví dụ có thể sẽ là hoạt động nhóm, hoạt động đào tạo, trải nghiệm của học viên để cuối cùng thúc đẩy họ đưa ra kết luận cuối cùng, dẫn tới phần bài học đúc rút…

Trong các bài thuyết trình, các bài nói truyền động lực hay cảm hứng cũng tương tự, cấu trúc 5 mục này cũng sẽ được vận dụng rất linh hoạt. Mọi quan điểm đưa ra đều đi cùng với các lý lẽ thuyết phục và các dẫn chứng mình họa, cuối cùng mang tới một lời kêu gọi hành động nào đó.

Ồ, mình ngộ ra môn Ngữ Văn thật tuyệt vời. Vậy mà ngày xưa mình lại ghét nó vô cùng. Tại sao ư?

Tại vì mình không thích cái “tương đối”, mình thích sự tuyệt đối của Toán – Lý – Hóa, luôn có một kết quả rõ ràng và nhất quán. Với môn Ngữ Văn khi ấy, mình không biết lý do tại sao cô giáo chấm điểm 6, điểm 7, cho điểm 8, điểm 9? Số điểm này phục thuộc vào yếu tố nào? Chưa một giáo viên nào giải thích điều đó, và mình cũng không đủ hứng thú và quá tò mò để đặt câu hỏi. Hay đúng hơn là “chả dám hỏi”.

Ước gì khi ấy không “hèn nhát” thì có lẽ kết quả môn Ngữ Văn khi ấy cũng không đến nỗi tệ.

Nếu khi ấy đủ dũng cảm, mình sẽ hỏi thầy cô rằng:

  • Tại sao em cần học môn Văn?
  • Dựa vào đâu, các thầy cô chấm điểm cho các bài văn ấy?

Vốn khi dùng từ “nếu” là đã biết nó không thể thay đổi, nhưng khi biết dùng đến từ “nếu” tức là biết vấn đề nằm ở đâu.

Mình cho rằng, bản thân vẫn đủ may mắn để nhận ra sự diệu kỳ của môn Ngữ Văn để bây giờ mình có thể gõ xuống những dòng chữ khiến người khác muốn ấn nút chia sẻ, dành thời gian để đọc. Và tuyệt hơn cả, mình cũng có thể mạnh dạn giải thích cho con cái của mình ý nghĩa đẹp đẽ của môn Ngữ Văn trong tương lai.

Cảm ơn mỗi ngày của bản thân đã không ngừng học tập để tiến bộ và vươn xa.

Có thể bây giờ khi ngẫm lại, bạn cũng sẽ nghiệm ra điều diệu kỳ của một môn học nào đó từng khiến bạn sợ hãi hoặc chán ghét. Biết đâu, bạn sẽ còn tìm được ra những giải pháp thú vị cho cuộc sống của chính mình hiện tại thì sao!

Hãy cởi mở và bao dung!

Bài học số 4. Phương pháp “tính ngược”

Mình không áp dụng nổi phương pháp đặt mục tiêu SMART

SMART là một công cụ đặt mục tiêu rất phổ biến hiện nay, có vẻ như ai cũng đã từng nghe về nó.

SMART – THÔNG MINH, nhưng mình lại không theo kịp cái thông minh này. Rất nhiều lần, mình đặt bút xuống viết mục tiêu theo khung SMART nhưng nó luôn khiến mình lấn cấn ở đâu đó, cảm giác nó không mang đến cảm hứng thực sự và nhanh chóng bị lãng quên.

Mình không rõ mình đã làm sai ở chỗ nào, hay trước giờ mình chưa từng hiểu đúng. Mỗi lần nhìn thấy cụm từ MỤC TIÊU SMART mình lại muốn trốn tránh nó, không muốn “lại gần”.

Thế nhưng, mục tiêu thì vẫn phải lập. Mình nhận ra rằng khả năng theo sát mục tiêu dài hạn của mình còn rất hạn chế, cho nên mình chọn việc đặt mục tiêu ngắn hạn cho bản thân.

Mình từng có một bài viết về điều này trên trang cá nhân cách đây đúng 1 tháng tròn (6/5/2024). Trong bài viết, mình có chia sẻ rằng:

“Mình không đặt mục tiêu 1 năm, 3 năm, 5 năm nữa; cũng không cố gắng làm nó trở nên rõ ràng nữa. Mình chọn viết xuống giấc mơ hão huyền của mình và đặt nó nguyên ở đó. Mình không cố gắng chia nhỏ nó thành các giai đoạn ngắn mà mình chỉ ngồi đó mơ màng hình dung xem để tới các đích đó mình cần trải qua cái mốc nào. Nó giống như các trạm dựng chân trên đường quốc lộ BẮC – NAM vậy.

Rồi mình chọn “trạm dừng chân” gần nhất, dễ nhất và chỉ tập trung nhìn vào nó.

Mình đổi việc lập kế hoạch quý, tháng thành kế hoạch tuần và ngày.”

Và tới nay, nó vẫn đang hoạt động hiệu quả.

Sáng nay, đọc trong chương 9 của cuốn sách NGHỀ TAY TRÁI KHÔNG TAY TRẮNG của tác giả Vương Đông, tác giả cũng chia sẻ một phương pháp có tư duy giống với cách mình đang đặt mục tiêu ngắn hạn hiện nay. Tác giả gọi đó là PHƯƠNG PHÁP “TÍNH NGƯỢC”.

Review sách: Nghề tay trái không tay trắng
Review sách: Nghề tay trái không tay trắng

Phương pháp này được hiểu đơn giản như sau:

Ví dụ bạn có hẹn với cô bạn thân tại trung tâm thương mại gần nhà lúc 10 giờ sáng chủ nhật. Vậy bạn có thể “tính ngược” các mốc hoạt động như sau: Đi bộ đến trung tâm thương mại <– Thay đồ & Trang điểm <– Ăn sáng <– Tắm & vệ sinh cá nhân <– Thiền buổi sáng <– Thức dậy

Thời gian cho mỗi hoạt động là:

  • Đi bộ từ nhà đến TTTM: 15 phút.
  • Thay đồ & trang điểm: 60 phút
  • Ăn sáng: 20 phút
  • Tắm & vệ sinh cá nhân: 30 phút
  • Thiền buổi sáng: 15 phút

Tổng cộng bạn cần 2 tiếng 20 phút để chuẩn bị. Vì thế, thời gian muộn nhất là 7:40 bạn phải thức dậy. (Thực ra bạn nên thức giấc lúc 7:30 cho chắc nha)

Sử dụng phương pháp tính ngược để đặt mục tiêu cần 3 bước như sau:

  • Bước 1. Đặt mục tiêu rõ ràng (10 giờ gặp bạn ở TTTM)
  • Bước 2. Bắt đầu từ mục tiêu, tính thật kỹ để tìm ra các mốc quan trọng (các hoạt động xảy ra buổi sáng)
  • Bước 3. Sắp đặt các điểm cột mốc quan trọng vào chu kỳ thích hợp (Sắp xếp thứ tự trước sau của các hoạt động)

Sau cùng, bạn sẽ tìm ra cột mốc quan trọng gần nhất mình cần thực hiện ngay là gì, đó chính là mục tiêu ngắn hạn chúng ta đang tìm kiếm.

Với phương pháp tính ngược như trên, áp lực về việc nghĩ về một mục tiêu xa với 1 năm, 3 năm, 5 năm sẽ giảm xuống. Đồng thời, bạn có thể nhìn thấy rõ ràng cột mốc mục tiêu gần nhất mà bạn cần đạt được để chạm tới mục tiêu dài hạn của bản thân.

Cứ như vậy, tịnh tiến dần lên, bạn sẽ dần chinh phục được mục tiêu dài hạn của chính mình.

Ngoài ra, trong cuốn sách, tác giả Vương Đông cũng đề cập tới bảng tầm nhìn Vision Board và bảng theo dõi cá nhân. Đây là 2 công cụ giúp bạn tập trung và truyền động lực kiên trì với mục tiêu của mình.

Bản thân mình hiện đang sử dụng To-do list và Habits Tracker để theo dõi cá nhân. Mình vẫn chưa “sẵn lòng” làm Vision Board mặc dù đây là lần thứ 4 mình được tiếp xúc tới cụm từ này. Chắc là cần chút chất xúc tác để “bắt đầu” nó sớm trong tương lai.

Bạn từng làm Vision Board chưa? Có kinh nghiệm nào muốn chia sẻ cho mình và mọi người về nó không?

Mình rất biết ơn nếu bạn dành thời gian chia sẻ đôi chút về nó dưới phần bình luận của bài viết này!

Mong rằng qua bài viết trên, bạn tìm được giá trị hữu ích cho chính mình nhé!

Review sách: Nghề tay trái không tay trắng – Vương Đông

Theo lời giới thiệu, cuốn sách chia thành 3 phần bao gồm 10 chương nhỏ.

  • Phần 1. Giới thiệu lý do vì sao lại làm thêm nghề tay trái, vị trí của nghề tay trái và cách biến sở thích thành động lực thực hiện nghề tay trái.
  • Phần 2. Liệt kê một số nghề tay trái phổ biến và phù hợp với những người “lơ ngơ” mới vào nghề, cùng cách kỹ năng và phương pháp nghề cần có để nhanh chóng thành công và kiếm được tiền cho mình.
  • Phần 3. Bao gồm các hướng dẫn để thiết lập lộ trình phát triển nghề tay trái thành công, đồng thời hướng dẫn cách kỹ năng cần thiết để phòng tránh các rủi ro cho người mới bắt đầu.

Đây là tổng hợp 3 điểm sáng mà mình tâm đặc từ cuốn sách này!

  1. Tư duy quyết định lối ra. Một khi tư duy sai lầm thì khi bắt tay vào thực hiện công việc bạn có thể đi chệch hướng, xa rời mục tiêu ban đầu và sẽ gặp rất nhiều khó khăn mà không mang lại kết quả tốt đẹp.
  2. Sử dụng phương pháp đảo ngược để thiết lập kế hoạch khả thi chinh phục mục tiêu cuối cùng. Để lập ra một kế hoạch khả thi, hãy bắt đầu từ điểm kết thúc mà bạn mong muốn nghĩa là mục tiêu cuối cùng bạn muốn chạm tới, từ đó suy ngược các mốc, các điểm, các công việc bạn cần hoàn thành. Chính các mốc, các điểm, các công việc đó sẽ cho bạn biết, ngay bây giờ, tại thời điểm xuất phát bạn cần bắt đầu từ đâu, sử dụng “phương tiện” gì, cần bao nhiêu nguồn lực. Cái này hiểu đơn giản là, muốn biết input cần gì hãy đặt câu hỏi, bạn muốn output là cái gì?
  3. Triển khai một bài viết không hề khó. Nó hoàn toàn là những kiến thức rất sáng nghĩa trong chương trình trung học phổ thông của bạn – Những bài văn nghị luận. Đưa ra quan điểm – Chứng minh quan điểm bằng lập luận, lý lẽ và dẫn chứng. Từ đó, đúc rút bài học cuộc sống và chia sẻ tiếng nói cá nhân của bản thân với độc giả.

Bạn cần luôn nhớ rằng, ở mỗi góc nhìn khác nhau có thể nhìn ra những vẫn đề khác nhau. Việc đúng – sai chỉ mang tính tương đối, chúng ta có quyền bảo vệ quan điểm của bản thân, cũng có quyền tìm hiểu về góc nhìn của người khác. Nhưng hãy luôn ở trong tâm thế mở rộng góc nhìn để bao dung và tiếp thu cái mới.

Cái gì phù hợp thì mình tiếp nhận, cái gì chưa hợp thì ta bỏ qua. Tránh công kích, hay buông lời sát thương tới người khác. Chẳng ích cho ta, chẳng vui cho họ.

Review sách: Nghề tay trái không tay trắng
Review sách: Nghề tay trái không tay trắng

Đánh giá chung về cuốn sách, đây không hẳn là một thể loại self-help, nhưng cũng không phải dạng sách cầm tay chỉ việc. Có lẽ ngay từ ban đầu, tác giả viết cuốn sách này với mục đích chia sẻ góc nhìn “rất” cá nhân của bản thân về nghề tay trái mà thôi.

Phần khiến mình mong chờ nhất trong cuốn sách chính là phần số 2, nhưng trái ngược với kỳ vọng thì đây lại là phần khiến mình lấn cấn nhất trong cả cuốn sách. Mình không rõ vấn đề thật sự nằm ở tác giả hay dịch giả mà phần này mang tới những từ ngữ không sáng nghĩa, thậm chí phần diễn đạt khá lòng vòng. Các thông tin thiếu đi những dẫn chứng cụ thể khẳng định cho nhận định của tác giả. Nếu có thể nói nhỏ cho tác giả điều mình muốn bổ sung thì đó chắc chắn là những số liệu thông kê có căn cứ. Tác giả cũng không chia sẻ “thoát ý” về từng nghề tay trái như lời giới thiệu. Mà vốn dĩ những gì được đề cập trong phần này khá chung chung, có phần hơi cẩu thả.

Phần 1 và phần 2 mang tới cho mình 3 bài học như trên, do vậy mình vẫn nên dành lời khen cho cuốn sách về những gì điều mình học được.

Điểm đánh giá 6,0/10.

Chúc bạn có trải nghiệm thú vị cùng cuốn sách này!

ĐẶT MUA SÁCH: TẠI ĐÂY

Một vài gợi ý khác cho bạn

Bạn chắc chắn sẽ muốn đọc các cuốn sách tuyệt vời khác. Mời bạn đến với chuyên mục: Review sách nhé!

Các đầu sách khác:


CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC

  1. Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
  2. Facebook: Hương Nguyễn
  3. Fanpage: Hương Nguyễn Blog
  4. YouTube: THÓI QUEN NGUYÊN TỬ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here