Nghỉ việc giữa mùa dịch? 20 câu hỏi giúp bạn ra quyết định

7
898

Nghỉ việc giữa mùa dịch. Một quyết định không hề dễ dàng với hầu hết những người làm công ăn lương.

Đó cũng là câu chuyện của tôi.

Nhưng tôi đã ra quyết định và đang tận hưởng cảm giác hạnh phúc trong nó. Còn bạn? Bạn đang lo lắng điều gì? Tôi sẽ giúp bạn tìm câu trả lời trong bài viết này nhé.

Có lẽ một chút gợi ý sau đây, sẽ cho bạn chút tự tin để ra quyết định.

——————–

“Đừng cống hiến vì công việc, hãy cống hiến vì cuộc sống của chính bạn”.

Đây là điều mà tôi đã từng nhắc tới trong bài viết: Tặng bạn một góc nhìn khác về công việc.

1. Câu chuyện của tôi

Tôi đã mất 3 tháng mệt mỏi cho sự do dự của mình khi không dứt khoát nghỉ việc. Khoảng thời gian mệt mỏi nhất không phải lúc bạn không tìm được một công việc mới đâu. Khoảng thời gian mệt mỏi nhất chính là lúc bạn đấu tranh có nên nghỉ việc hay không đó.

Tôi đã nhấc lên đặt xuống các phương án nghỉ do sự biến động của dịch bệnh.

Thật sự quá nhiều thứ phải lo nghĩ, đắn đo. 

  • Mình sẽ làm gì sau khi nghỉ việc?
  • Đang giai đoạn các công ty cắt giảm biên chế, mình nghỉ có là dại dột?
  • Rồi mình sẽ sống thế nào nếu như không có một công việc mới sau khi nghỉ?
  • Lấy gì để ăn khi nghỉ việc mà không kiếm được nguồn thu nhập khác?
  • Liệu công ty có trả lương tháng cuối không? Có khi nào sẽ cố tình giam lương của mình không?

Các câu hỏi trên cứ luẩn quẩn quanh đầu tôi suốt 2 tháng trời cho đến ngày tôi quyết định gửi mail thông báo nghỉ. Đó là ngày tôi cảm thấy mình được sống đúng giá trị cốt lõi của bản thân mình. Đó là ngày mà tôi bắt đầu ngủ ngon hơn bao giờ hết trong chuỗi ngày đắn đo suy nghĩ.

Câu chuyện của tôi.

Tôi phát hiện ra, mình chỉ lo lắng thứ có thể sẽ mất đi khi nghỉ việc nhưng lại bỏ quên thứ mình sẽ bỏ phí khi cứ cố giữ việc.

Thú thực quãng thời gian tôi phân vân cho quyết định nghỉ việc. Tôi luôn nghĩ ngợi quá nhiều một cách không tích cực. Hơn nữa tôi luôn có cảm giác mệt mỏi và vô ích khi làm việc. Các suy nghĩ tiêu cực bắt đầu hoạt động:

  • Tôi bắt đầu ngó lại quyền lợi cá nhân của mình. Mặc dù trước đó tôi làm như điên vẫn thấy vui vẻ.
  • Tôi cảm thấy hiệu suất làm việc của mình bị giảm đi trông thấy.
  • Khả năng sáng tạo của tôi như giảm sút.
  • Tôi lười tương tác nhóm hơn.
  • Tôi chỉ mong tới hết giờ làm để tắt máy tính, tắt mạng.
  • Tôi chán ghét thứ 2 đầu tuần.
  • Tôi cảm thấy nghi ngờ những chỉ thị của cấp trên.
  • Tôi cảm thấy các kỹ năng của tôi đang bị lãng phí.
  • Và đặc biệt, tôi không hề nhìn thấy một tương lai tốt đẹp nào đó cho mình, kể cả sau khi hết dịch.

Nếu bạn từng giống như tôi, hãy đọc hết bài viết này nhé. Tôi tin bạn sẽ ra được một quyết định nào đó. Có thể là in tờ A4 hoặc cũng có thể là tập trung vào công việc hiện tại của mình.

2. 20 câu hỏi giúp bạn ra quyết định nghỉ việc

Thử tham gia một cuộc phỏng vấn nhỏ dưới đây nhé. Dưới đây sẽ có 20 câu hỏi dành cho bạn, nhiệm vụ của bạn là suy nghĩ thật nhanh và trả lời Yes/ No. Bạn có 10 phút để thực hiện cuộc phỏng vấn này.

10 phút của bạn bắt đầu:

Câu 1. Bạn có đang thấy mất hết đam mê từng có khi bắt đầu công việc?

Câu 2. Bạn có đang thấy mình không phát triển về chuyên môn hoặc cá nhân khi tiếp tục công việc này?

Câu 3. Bạn có thấy rằng mục tiêu của bạn không phù hợp với sứ mệnh công ty?

Câu 4. Bạn có thấy mình luôn luôn chán nản khi làm việc?

Câu 5. Bạn có thấy áp lực công việc đang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bản thân?

Câu 6. Bạn có thấy tiền bạc là yếu tố gây lo lắng?

Câu 7. Bạn có thấy mình đang không có thời gian dành cho gia đình và bản thân?

Câu 8. Bạn có thấy mình đang có một vị sếp kinh khủng?

Câu 9. Bạn có thấy công ty bạn đang không đầu tư vào nhân viên?

Câu 10. Bạn có thấy bạn chẳng có gì gọi là tương lại với công ty?

Câu 11. Bạn có thấy tâm lý nặng nề của chính mình khi thức dậy vào mỗi sáng?

Câu 12. Bạn có thấy có những cơ hội tốt hơn đang đến với bạn?

Câu 13. Bạn có thấy bạn bị vắt kiệt sức với công việc?

Câu 14. Bạn có thấy mình luôn có thể gặp nguy cơ mất việc tại công ty?

Câu 15. Bạn có thấy kỹ năng của bạn không được tận dụng?

Câu 16. Bạn có thấy mình luôn phải cân nhắc rất nhiều trước khi nói ra hay đề nghị mọi thứ?

Câu 17. Bạn có thấy bạn không hề có chút động lực thúc đẩy cống hiến 100%?

Câu 18. Bạn có thấy bạn đang chán ghét công việc?

Câu 19. Bạn có thấy đồng nghiệp khiến bạn chán ngấy và phát cáu?

Câu 20. Bạn thốt nên theo bản năng “đã đến lúc rồi”!

Tôi đã từng tự hỏi bản thân 20 câu hỏi này. Đáp án thật sự rất bất ngờ. 18/20 câu trả lời Yes là con số mà tôi nhận được.

Sự thật là nếu như có khoảng 5 – 7 đáp án Yes, đã đến lúc bạn suy nghĩ về việc đổi việc rồi đó!

20 Câu hỏi giúp bạn ra quyết định nghỉ việc.

Một trong những yếu tố thúc đẩy tôi ra quyết định mạnh mẽ nhất đó là: Mục tiêu của tôi không phù hơp với sứ mệnh và tầm nhìn được cập nhật phiên bản mới của công ty. Nghĩa là mục tiêu của tôi thì không đổi, nhưng của công ty đã thay đổi. Nó không còn gặp nhau nữa. Có lẽ nó đã cắt nhau trong quá khứ và bỏ xa nhau từ lâu rồi.

Tôi nghĩ đó cũng là nguyên nhân chủ chốt kéo theo đáp án Yes ở các câu hỏi khác.

Và lựa chọn của tôi là in tờ A4.

Còn bạn? Bạn có lựa chọn cho mình rồi chứ?

Xem thêm: Định nghĩa về người truyền cảm hứng của tôi.

3. Những điều bạn sẽ đối mặt sau khi quyết định nghỉ việc.

Này bạn, bình tĩnh lại.

Dù bạn quyết định nghỉ hay không? Thì bạn vẫn nên đọc hết phần này. Lý do tại sao ư?

Nếu bạn bỗng muốn nghỉ việc rồi theo Đen Vâu nuôi cá và trồng thêm rau thì cũng cần làm rõ 3 vấn đề sau. Đây sẽ là 3 điều bạn cần phải đối mặt khi quyết định nghỉ việc.

Thứ nhất: Tài chính.

Bạn vẫn ổn nếu như 2 tháng sắp tới không có việc chứ?

Nếu có ý định nghỉ việc bây giờ, bạn cần lên phương án B cho mình ngay đi. Bạn sẽ cần một nguồn tài chính đảm bảo cuộc sống cơ bản của bản thân. Ít nhất cũng là vấn đề ăn ngủ của bạn và những người phụ thuộc thu nhập của bạn.

Bạn có thể làm một công việc part – time nào đó để duy trì cuộc sống. Hoặc nếu bạn giống như tôi, có sẵn một khoản dự phòng cho những trường hợp như vậy thì tuyệt vời.

Bạn đang có ít nhất 30 ngày kể từ lúc thông báo nghỉ đến lúc chính thức nghỉ để lên phương án và thực hiện nó.

Hãy bắt tay vào làm ngay đi!

Thứ 2: Áp lực từ gia đình, người thân

Nếu bạn chủ động kinh tế và không bị ràng buộc kinh tế với người khác giống như tôi thì tuyệt vời.

Nhưng bạn sẽ cần cân nhắc và suy nghĩ một chút các vấn đề sau:

  • Bố mẹ bạn có ổn không? Nếu như thu nhập của bạn sẽ ảnh hưởng tới số tiền chu cấp cho bố mẹ hàng tháng?
  • Con cái của bạn có được đảm bảo cuộc sống? Nếu thu nhập của bạn giảm đi vài khoản?
  • Bố mẹ, người thân của bạn sẽ phản ứng như thế nào khi bạn thông báo nghỉ việc vào thời điểm này?

Đừng bỏ qua những vấn đề này nhé.

Vì bố mẹ tôi ở quê có một khoản lương hưu, nên sự chu cấp từ tôi sẽ không mấy ảnh hưởng đến sinh hoạt của bố mẹ. Hơn nữa tôi còn độc thân, chưa vướng bận gì. Nên gánh nặng tâm lý lo lắng này của tôi gần như không đáng ngại.

Đặc biệt, tôi đã tự lập từ rất sớm, nên quyết định nghỉ việc của tôi sẽ không cần thông qua ý kiến phụ huynh.

Còn bạn? Bạn thì sao? Bạn vấn ổn với áp lực này chứ?

Thứ 3: Từ nội tâm bên trong

Nhắc tới phần này, làm tôi khá đau đầu. Bởi lẽ tôi còn một đội ngũ cần được sắp xếp bên dưới trước khi nghỉ. Vì vậy với những ai đang quản lý một đội ngũ hoặc làm một công việc đặc thù thì phần áp lực nội tâm này sẽ là một câu chuyện khá đau đầu đó.

Có những buổi tối, tôi và bạn tôi ngồi nói chuyện trên sân thượng. Tôi có trăn trở với bạn tôi rằng:

– Giờ tới nghỉ thì thấy phòng tớ sẽ gặp khó khăn, bởi lẽ công việc phòng tớ rất đặc thù, không phải tuyển mới vào ngày một ngày hai là làm được.

– Phòng thì có 3 người, một bé thì sắp nghỉ đẻ, một bé sinh năm 2000 còn đang học năm 4 đại học, còn quá non kinh nghiệm để gánh vác công việc của phòng.

– Giờ tớ nghỉ lại tội nghiệp bé 2000 kia, chưa kể đội ngũ trong Sài Gòn nữa.

Khi đó tôi đang phụ trách chi nhánh trong Sài Gòn, quản lý đội ngũ giảng viên khu vực miền Nam. Nhắc qua một chút về nghề nghiệp của tôi đó là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tùy từng công ty gọi mà chức danh có thể là HR hoặc gọi là L&D, Trainer,…

Bạn mình chỉ nói:

– Cậu đang nghĩ quá nhiều rồi.

– Nếu cậu có đủ lý do để quyết định nghỉ, thì hãy nghỉ đi.

– Doanh nghiệp họ tự biết phải xử lý và điều phối. Đó không là việc của cậu. Họ phải tìm cách giải quyết vấn đề của họ thôi. Mình sao chạy theo được.

Bạn tôi đã thức tỉnh tôi một điều rất lớn, đó là: Tôi cần tập trung lo lắng đúng vấn đề. Bớt bao đồng lại.

Những điều bạn sẽ đối mặt sau khi quyết định nghỉ việc.

Xem thêm: Làm gì sau khi nghỉ việc? – Phần 1

4. Năm bước nghỉ việc văn minh.

Nghỉ việc văn minh.

Đây là điều tôi khuyên bạn: hãy nghiêm túc thực hiện 05 bước sau:

Bước 1: Gửi thông báo nghỉ việc cho cấp trên và phòng Nhân sự.

Sau khi bạn đã cân nhắc và ra quyết định in tờ A4, hãy nói chuyện và trao đổi với sếp của bạn về điều này. 

Tuyệt đối đừng mang tờ A4 đặt trước bàn làm việc của sếp một cách đột ngột. Đừng làm điều đó. Hãy tôn trọng cảm giác của sếp. Đó là cách tôn trọng chính sự chuyên nghiệp của bạn.

Bạn có thể nhắn tin, gọi điện, có thể trao đổi trực tiếp trước. Bất cứ cách nào, nhưng đừng đột ngột gửi một cái mail hoặc in một tờ A4. Nó sẽ làm sếp của bạn cảm thấy rất thiếu tôn trọng và cảm giác bị “chơi xỏ”.

Không mất gì cả, hãy nghe tôi, thông báo nghỉ việc với tinh thần thiện chí.

Bạn có quyền chia sẻ lý do thật dẫn đến quyết định nghỉ việc hoặc không. Nếu có thể chia sẻ thật thì tốt, vì biết đâu vướng mắc của bạn chỉ là hiểu lầm. Còn nếu không thể thì cũng không sao cả.

Tôi có chia sẻ với trưởng phòng về việc định hướng của công ty và của mình không còn gặp nhau. Nhưng trong đơn tôi cũng viết chung chung. Không sao cả. Chỉ là tôi đã có quyết định rồi. Vậy thôi!

Bước 2: Chủ động tổng hợp các tài liệu cần bàn giao

Riêng phần này, các bạn hãy thực hiện một file dữ liệu tổng hợp. Có thể là link hoặc file. Nhưng nhớ khi bàn giao, hãy hướng dẫn người ta cách dùng.

Có rất nhiều tài liệu đặc thù không dễ để hiểu. Đừng thực hiện quá sơ sài.

Bản thân tôi cho rằng, bàn giao tài liệu là một công tác rất quan trọng. Tôi khuyên bạn bỏ qua suy nghĩ đây là chất xám của tôi, tôi có quyền giữ lại.

Bạn có thể giữ lại một bản copy nhưng không có nghĩa bạn không bàn giao. Vì bạn đã được trả thù lao để thực hiện những tài liệu đó. Đừng quên vấn đề mấu chốt đó là: anh trả tiền – tôi trả chất xám.

Hãy bảo mất những thông tin của công ty. Đó là đạo đức nghề nghiệp.

Bước 3: Hãy hoàn thành các dự án hoặc công việc đang dang dở

Trong 30 ngày kể từ lúc tôi gửi thông báo nghỉ việc, tôi đã dành rất nhiều thời gian để hoàn thành hết những hạng mục công việc và hướng dẫn cho người bàn giao.

Tôi luôn cho rằng, bản thân cần chịu trách nhiệm với công việc của bản thân. Không thể bởi sắp nghỉ mà buông bỏ trách nhiệm của mình. Thái độ làm việc của bạn trong 30 ngày này chính là thước đo chính xác nhất về độ chuyện nghiệp của bạn.

Đừng quên hướng dẫn người kế thừa của mình nhé. Từ trước khi tôi có suy nghĩ nghỉ việc tôi đã tập trung để đào tạo cô bé 2000 của phòng tôi các kỹ năng cần thiết. Tôi luôn có tư duy phải đào tạo cấp dưới để ít nhất thì họ có thể thực hiện được một phần công việc của tôi phụ trách. Điều này rất quan trọng trong dẫn dắt và phát triển đội ngũ nhé.

Thật may, tôi đã làm rất tốt phần việc này. Và tôi nghĩ bạn cũng nên chú tâm trong giai đoạn này nhé.

Bước 4: Bước đi một cách đàng hoàng

Nếu 03 bước trên bạn đã làm tốt, thì đến bước này chẳng cần phải lo lắng gì nữa.

Bước đi một cách đường hoàng.

Hoàn thành nốt các thủ tục hành chính và say good bye với đồng nghiệp ở công ty nhé. Nếu đồng nghiệp có mở tiệc chia tay, hãy tham gia cùng họ nhé. Dù sao họ đã có thiện ý mà, đừng bỏ lỡ cơ hội kết nối hoặc hàn gắn với một đồng nghiệp nào đó nhé.

Chúc bạn sẽ có những trải nghiệm mới và thành công trong lựa chọn mới.

Bước 5: Support đồng nghiệp nhận bàn giao sau nghỉ ít nhất 1 tuần.

Có rất nhiều người mất hút sau khi nghỉ việc. Đừng làm vậy.

Vì bạn đã làm 04 bước trên rất tốt mà. 

Sẽ có lúc đồng nghiệp cũ cần sự hỗ trợ của bạn, bởi rõ ràng trong 1 tháng có thể họ chưa kịp bắt nhịp được với những gì bạn bàn giao lại. Hãy giúp đỡ họ nếu nằm trong khả năng của bạn. Hoặc nếu không ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như công việc của bạn.

Mình vẫn hỗ trợ đồng nghiệp cũ. Sự thật là mình từng hỗ trợ một vài tình huống cho công ty cũ, mặc dù đã nghỉ được 2 – 3 năm. Mình vui vì đã giúp được họ.

Còn nếu bạn thật sự thấy phiền và không muốn giúp hãy nói cho họ biết. Chứ đừng lặn mất tăm. Bạn đâu có làm gì sai để phải trốn. Phải không?

——————– 

Phần kết

Trải qua những quyết định nghỉ việc từng có của mình. Mình rút ra 03 điều cần luôn nhắc nhở bản thân:

  • Phải luôn có một khoản tài chính dự phòng cho các trường hợp bất ngờ như nghỉ việc.
  • Phải không ngừng học tập thêm kỹ năng và kiến thức mới để có thể tự tin bước khỏi những “vũng lầy” đáng ghét.
  • Phải tôn trọng tiếng nói bên trong của bạn thân mình.

Nếu một ngày, bạn băn khoăn với quyết định có nên nghỉ việc? Hãy thử trả lời 20 câu hỏi ở trên nhé.

Tôi tin bạn sẽ có đáp án đúng cho mình.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của tôi.

Xem thêm: Sứ mệnh của em là gì?

#huongnguyentt

Growing up everyday!

7 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here