Cuốn sách online: App điện thoại

0
621
Cuốn sách online: App điện thoại

App điện thoại là câu chuyện tôi muốn viết dành cho tất cả các app đang hiện hữu trong điện thoại của tôi. Ý tưởng viết về những app có trong điện thoại bỗng nảy ra một cách tình cờ, nhanh chóng khi tôi đang tìm kiếm một chủ đề mới cho cuốn Ebook thứ tư của mình. 

Những cuốn sách được viết theo kiểu của tôi, dành cho tôi và do tôi viết. Tôi sẽ không tham khảo bất cứ chuẩn mực về một cuốn sách nào để áp dụng vào đây. Bởi tôi biết mục đích thật sự khi tôi thực hiện những cuốn sách này là gì? 

Tôi không ở đây để viết một cuốn sách bất hủ, truyền cảm hứng, mang thông điệp to lớn để giải cứu thế giới. Tôi ở đây để thỏa mãn và rèn luyện bản thân bằng việc viết mỗi ngày.

Và nếu bạn tự hỏi tôi đã làm cái quái gì tương tự trước đó? Bạn sẽ có câu trả lời lại Chuyên mục Ebook trên Blog này.

Chào mừng đến với Cuốn sách online: App điện thoại, tác giả Hương Nguyễn, NXB Hương Nguyễn Blog.

Chương 1. App điện thoại – Habit

Tôi là một người cuồng xây dựng thói quen và rồi liên tục phá vỡ nó. Tôi rất thích xây nên một cái gì đó mới, nhưng để duy trì lâu dài thì tôi lại không có nhiều hào hứng. Tôi thích cảm giác xây mới. Nó mang rất nhiều hứng khởi, hi vọng và cả nhưng cơ hội khám phá tiềm năng của bản thân. Chúng làm tôi phấn khích vô cùng.

Tôi đã từng thử tham gia vào một trào lưu có tên là Bullet Journal vào năm 2018. Đây là bước mở đầu cho hành trình “lao” vào con đường xây dựng thói quen. Bullet Journal cho phép bạn theo dõi thói quen, nhịp sống và mục tiêu một cách rất chi tiết theo từng ngày, tuần, tháng, năm. Khi ấy tôi đã rất nghiêm túc sắm cho mình một cuốn sổ xinh xẻo bìa cứng, vài chiếc bút lông nhiều màu và cả bút highlight các màu nữa chứ. Khá tốn kém đó. Tôi cắm mặt vào youtube hàng giờ chỉ để học cách vẽ trang bìa cho cuốn sổ.

Tôi không giỏi vẽ, và chữ viết không quá đẹp. Tôi chỉ thích tô màu thôi. Tôi đã cố gắng thực hiện các mẹo để biến chiếc sổ thành một vườn hoa đầy cảm hứng và rực rỡ. Tôi không còn nhớ chiếc sổ đã trở nên như thế nào nữa. Tôi chỉ nhớ rằng, sau đó tôi đã quyết định bỏ qua mấy bước rườm rà nhằm biến khả năng hội họa dở tệ của mình hình thành một sản phẩm hoàn hảo giống như trên mạng. Quả tốn thời gian.

Tôi quyết định chỉ vẽ ra các ô vuông để theo dõi thói quen của mình. Tôi bắt đầu với thói quen uống nước, đọc sách, skin care mỗi ngày… Mọi chuyện tốt đẹp và có quy luật trong 3 ngày đầu tiên rồi leo lói, dập dìu, chỉ trực chờ tắt nghỉm.

Tôi phát hiện có một chiếc app theo dõi việc uống nước có thể tải về miễn phí. Tôi thấy mình không thể ngồi yên quá 5 phút để kiên nhẫn đọc hết trang sách. Và tôi thấy tôi nằm dài trên giường sau khi vội vã tẩy trang qua loa dưới cái lạnh của mùa đông miền Bắc. Và tôi đã không đủ dũng khí để mở cuốn sổ ấy ra nữa. Nó làm tôi thấy lạnh lẽo.

Tôi đã tự dặn mình sẽ bắt đầu lại vào tháng sau. Tôi tự nhắn nhủ với bản thân rằng tháng này “không hợp phong thủy” và tôi thật sự chưa sẵn sàng cho điều đó.

Tôi nghĩ tới đây, bạn có thể đoán được cái kết dễ hiểu của việc “mang trào lưu về nhà” mà tôi đã thực hiện và làm cho nó “chết yểu” chỉ chưa tới một tuần. Đã không có thêm bất cứ bản vẽ Bullet Journal nào ra đời nữa.

Sau câu chuyện đó, tôi nghiệm ra sự thật rằng, Bullet Journal chỉ là một công cụ theo dõi, nó không phải phương pháp để xây dựng nên bất cứ thói quen nào. Từ khóa mà tôi cần tìm kiếm là chính là “cách xây dựng một thói quen mới”. Và bạn có thể tìm thấy câu trả lời lại bài viết 7 bước đơn giản giúp tôi xây dựng một thói quen mới.

Tôi tìm mọi cách để hình thành nên các thói quen mới. Như đọc sách, dậy sớm, tự học, skin care, uống nước, học tiếng Anh, viết nhật ký…

Tôi được tiếp cận một cách đơn giản hơn nhiều với Bullet Jounal. Hóa ra, tôi chỉ cần tạo những To do list vào một cuốn sổ vào mỗi buổi sáng. Gạch chúng đi khi tôi đã hoàn thành. Nhiệm vụ của tôi chỉ cần hoàn thành mỗi ngày, không cần đao to búa lớn làm gì cho cồng kềnh. Càng không cần tạo ra một cuốn sổ sắc sỡ lá hoa và ong bướm với danh nghĩa truyền cảm hứng thực hiện thói quen. Cảm hứng thực hiện và xây dựng thói quen không nằm trong các cuốn sổ. Nó nằm ở những điều tốt đẹp mà nó mang lạ cho cuộc sống của tôi. Tôi đã thoát ra khỏi cuốn số chết tiệt ấy. À, xin lưu ý, nó có thể “chết tiệt” với tôi không có nghĩa nó sẽ “chết tiệt” với bạn. Đừng sợ hãi Bullet Jounal nhé, nó khá thú vị, ít nhất là nó dẫn tôi tới các thói quen lành mạnh.

Đến nay, cũng đã gần 4 năm kể từ khi tôi quyết định hình thành những thói quen tốt trong đời mình. Tôi đã thực hiện rất nhiều cách khác nhau, từ to do list bằng tay, bằng excel, bằng bảng link khảo sát hàng ngày,… Chúng đều xuất hiện bên đời tôi lặp lại nhiều lần, với “tuổi thọ” mỗi lần một khác. Bởi tôi đã nói rồi đó, tôi luôn hào hứng khi mới bắt đầu, nhưng chỉ được thời gian đầu, sau khi có những kết quả đầu tiên, tôi thường lười dần, lười dần và lụi hẳn.

Tôi tìm thấy App Habit này trong một giây phút tình cờ nào đó, khi tôi đang dọn dẹp các app lâu ngày không dùng trong điện thoại (tôi thường làm vậy 3-6 tháng một lần). Vô tình, tôi vào app store và gõ chữ “thói quen”. Có vô số app liên quan đã xuất hiện, nhưng như có “thần linh mách bảo”, tôi đã chọn Habit để theo dõi các thói quen hàng ngày của mình. Tôi đã dùng Habit được tròn hai tháng, tức là tôi bắt đầu vào đúng ngày mùng 1 tháng 1 năm 2022. 

Cuốn sách online: App điện thoại
Habit – App điện thoại theo dõi thói quen

Hiện trong App của tôi đã theo dõi 5 thói quen, bao gồm:

  1. Viết nhật ký
  2. Viết tự do
  3. Học tập
  4. Đọc sách
  5. Thiền

Trong app có cài sẵn mỗi số âm thanh của tự nhiên như: tiếng sóng biển, tiếng lửa đốt, tiếng rừng rậm, tiếng mưa rơi, tiếng nước chảy, tiếng giọt cafe phin… Tôi có thể bất lên bất cứ lúc nào cần một chút âm thanh của đất trời. Điều tôi thích nhất là chúng cài đặt thời gian và có thể setup lại theo từng tháng. 

Ví dụ như thiền, tháng 1 tôi đặt mục tiêu thiền 5 phút mỗi ngày. Sang tháng 2, tôi điều chính nâng thành 6 phút mỗi ngày. Và tháng 3 này tôi quyết định tăng lên là 7 phút mỗi ngày. 

Ta có thể nâng mục tiêu của mình lên, theo dõi dưới dạng tuần, tháng, năm… App đều đáp ứng được.

Nghe thì chẳng có gì tối ưu nhỉ, nhưng tôi luôn cảm thấy rất hào hứng mỗi khi mở app để thực hiện một thói quen nào đó trong này. Giao diện app cũng có đôi phần giống Bullet Jounal bản điện tử đó. Có chút màu sắc, có cài đặt mục tiêu, có theo dõi checklist… Thuận tiện.

Tôi hi vọng, Habit có thể ở lại lâu cùng với tôi trong tương lai. Và đương nhiên, điều tôi mong chờ nhất chính là những trải nghiệm từ các thói quen mang lại cho cuộc sống của tôi.

Bạn có chiếc app nào tương tự muốn chia sẻ ở đây không? Hãy để lại lời nhắn dưới phần bình luận nhé!

Chương 2. App điện thoại – Sổ thu chi

  • Bạn theo dõi chi tiêu hàng tháng của mình như thế nào?
  • Bạn có biết mỗi tháng mình tiêu bao nhiêu?
  • Cho những mục gì?
  • Có khoản chi tiêu nào làm bạn hối hận không?
  • Tại sao tiền luôn trong trạng thái thiếu hút lúc cuối tháng và dồi dào lúc lĩnh lương vậy nhỉ?
  • Liệu khoảng thời gian “nghèo nhất” của bạn trong tháng là một tuần cách ngày lĩnh lương?

Có cả ti tỉ câu hỏi xoay quanh vấn đề tài chính khi tôi bắt đầu đi làm và loay hoay trong việc tiền bạc của chính mình. Tôi hoàn toàn không nhận thực được vấn đề trước khi tôi chuyển vào sống trong Sài Gòn. Tức là cách đây khoảng 3 năm.

Mọi thứ thay đổi đột ngột làm tôi bắt đầu phải nhìn lại mọi khía cạnh cuộc sống của bản thân. Tôi thử việc với mức lương thấp hơn tất cả các mức lương tôi từng được nhận khi làm việc fulltime trước đó. Tất nhiên, điều đó chỉ kéo dài trong vòng 2 tháng thử việc và tôi được tăng lương lên con số đề xuất khi phỏng vấn trước đó.

Đây có lẽ là bước mở đầu thần kì cho mọi thay đổi trong cuộc sống của tôi. Một trong những thay đổi đó là tải một chiếc app thần kỳ nào đó để ghi lại những khoản thu chi trong cuộc sống của mình.

Thực ra tôi biết tới các app theo dõi chi tiêu từ khi còn ở ngoài Bắc. Như bạn biết đó, tôi thường không có nhiều kiên nhẫn để duy trì thói quen nào đó lâu dài mà không ngắt quãng. Có một điều kỳ lạ đã xảy ra với tôi khi tôi vào Sài Gòn. Tôi đã luôn duy trì việc kiếm soát thu chi của mình trong suốt thời gian mới vào Sài Gòn đến nay. Đây là một trong những thói quen dài hơn nhất của tôi.

Trước khi sử dụng App Sổ thu chi của Misa – đơn vị chuyên trong lĩnh vực kế toán phát hành, tôi có dùng một App theo dõi thu chi khác. Nói thật thì tôi không thể nhớ nổi tên của nó. Tôi chỉ nhớ, tôi đã dùng App đó suốt hơn một năm đầu tiên khi ở Sài Gòn. Những tính năng trong App thật sự không làm tôi thỏa mãn. Nó cũng là lý do tôi luôn tìm kiếm những thứ tốt hơn để thay thế. Và Sổ thu chi xuất hiện trong một ngày nắng thần kỳ. Nó mang những tính năng tôi mong muốn, từ các khoản mục, đến thống kê số liệu theo chu kỳ, ngoài ra tôi cũng có thể xuất file báo cáo về email của mình… Những tính năng đó làm tôi yên tâm và hài lòng hơn rất nhiều.

Tôi đã chia sẻ thông tin này đến ít nhất 3 người bạn của tôi. Và họ cũng rất hào hứng với chiếc app này.

Tôi đồng ý rằng một chiếc App không thể biến việc chi tiêu bất hợp lý của ai đó thành hợp lý. Nó chỉ là phương tiện, công cụ hỗ trợ. Muốn thực hiện bất cứ cân bằng nào trong cuộc sống, buộc lòng tôi phải chủ động xuất kích. Tôi học và áp dụng những lời khuyên về chi tiêu, đầu tư, và tiết kiệm tài chính cá nhân. Tôi đã nghiệm ra cho mình rất nhiều mẹo cho để khiến cuộc sống của tôi vẫn thoải mái trong một vòng thu chi hợp lý.

Nói thật thì tôi không quá mê tiền, cũng không phải người giỏi kiểm soát tài chính. Nhưng tôi có cách để cân bằng cuộc sống trong bất cứ hình dạng nào tôi muốn. Đây có thể là một biệt tài của chính tôi.

Giờ đây, khi đang ở nhà làm việc, với khoản thu nhập không ổn định, tôi càng hiểu sâu sắc việc chi tiêu của mình càng cần được kiểm soát hợp lý. Nếu không, tôi có thể “đói nhăn răng” bất cứ lúc nào.

Cảm ơn chiếc App Sổ thu chi đã sống bên tôi suốt những thời gian vừa qua. Giúp tôi cân đối cuộc sống. Hỗ trợ tôi nhìn cuộc sống của mình toàn diện và khách quan hơn.

Chương 3. App điện thoại – Facebook

Tôi đang cai Facebook. 

Tôi quyết định thực hiện việc này sau khi nhận thấy tôi đang bị chúng thao túng và chiếm đoạt thời gian làm việc. Đây không phải lần đầu tôi thực hiện hoạt động này.

Tôi ý thức được sự tai hại đến từ Facebook từ rất sớm. Tôi đã từng nhắc tới điều này trong bài viết Lợi ích của việc đọc sách mang lại cho tôi cách đây không lâu. Tôi đã cảm thấy những áp lực vô hình hiện diện lên cuộc sống của tôi. Tôi quyết định tôi cần hành động. Loại bỏ sự làm phiền của facebook đến cuộc sống của mình.

Kể từ khi tôi quyết định nghỉ việc và quyết định chuyển hướng sang viết lách, tôi đã tắt mọi thôi báo đến từ các app điện thoại, bao gồm cả facebook. Đây là bước đầu tiên để tôi thực hiện việc tránh xa Facebook trong thời gian đầu.

Tôi từng bị ám ảnh bởi những con số hiện thị số thông báo ở các app. Tôi sẽ cần kích vào app đó, chỉ để làm những con số màu đó kia biến mất. Tôi ghét những màu cảnh báo như màu đỏ. Nó làm tôi có cảm giác bồn chồn, lo lắng. Bởi thể tôi luôn có xu hướng ấn vào để loại bỏ chúng.

Như bạn biết đấy, chỉ cần bạn ấn vào Facebook, chúng sẽ có cách giữ bạn ở lại thật lâu. Facebook hay bất kỳ trang mạng nào đều có cách làm điều đó. Chúng lôi kéo sự chú ý của bạn bằng những dự đoán về điều bạn thật sự quan tâm. 

Tôi luôn thấy mình chỉ vào để xóa thông báo, ở lại đó trong hai giờ đồng hồ tiếp theo. Nó đã chiếm dụng thời gian viết, đọc sách, làm việc và học tập của tôi. 

Tôi tin, có hẳn một nhóm người, có thể là cả trăm nghìn người đứng sau những thao túng đó. Họ có nhiệm vụ tìm cách thỏa mãn tôi. Họ tìm cách làm tôi dễ dàng tiếp cận những thứ khiến tôi thích thú và quan tâm. Tôi đã ở lại ngày một lâu hơn với bạn.

Tôi từng thấy mình rất buồn ngủ và ngả lưng xuống giường. Tôi lại tiếp tục thấy bản thân cố căng mắt và xem nốt đoạn review phim trên facebook. Tôi xem hết đoạn này, tới đoạn khác. Tôi đã cố căng mắt ra và chợt quên đi cơn buồn ngủ của mình trước đó. Sau cùng tôi thấy mình thức quá mười hai giờ khuya. Nó quá tai hại.

Da của tôi chắc sẽ buồn phiền biết mấy. Hốc mắt của tôi có lẽ cũng gào thét vì sẽ có chút thầm cuồng ngày hôm sau. Đặc biệt, nội tạng của tôi chắc chắn sẽ kêu gào trong vô vọng. Tôi đã lờ chúng đi. Tôi là thực hiện những điều sai trái, làm tổn hại đến cơ thể của chính mình.

Tôi đã bị Facebook dắt mũi.

Giải pháp tuyệt vời để chấm dứt tất cả: Tôi sẽ cai facebook.

Tôi đã giữ mình tránh xa facebook nhất có thể. Tôi thậm chí đã xóa facebook vài ngày để làm quen với sự thiếu vắng này. Tất nhiên tôi cũng vẫn tải lại. Như bạn thấy, tôi vẫn cập nhật trạng thái cá nhân của mình.

Tất cả trở nên dễ dàng và quyết tâm hơn khi tôi đọc cuốn Deep Work – Làm ra làm, chơi ra chơi của Cal Newport, theo sau nó là cuốn sách Để trở thành người viết. Họ nói tôi sẽ làm việc hiệu quả và tập trung hơn nếu tránh xa Internet. Tôi có thể tắt wifi khi tôi làm việc. Sẽ không có bất cứ xao nhãng nào nếu điện thoại của tôi ở trạng thái ngắt kết nối mạng.

Tôi rất tin vào điều đó. Bằng chứng là tôi đang ngồi đây, chăm chút suốt 30 phút liên túc và viết những dòng chữ này. Bây giờ là 6 giờ 48 phút, kết quả của việc ngủ sớm. Tôi không tiếp tục lướt điện thoại và mê man cùng Facebook nữa. Không có quá nhiều điều quan trọng trong cuộc sống của tôi xuất hiện ở Facebook.

Dù tôi không online Facebook thường xuyên thì bạn bè của tôi cũng không “nháo nhào” tìm kiếm. Điều đó có nghĩa, không nhiều người quan tâm và cần bạn bất cứ lúc nào như bạn nghĩ. Bạn nghĩ có thể ai đó sẽ lo lắng nếu bạn không ở trên Facebook trong suốt một ngày. Sự thật thì có quá nhiều thú vui và sự quan tâm đáng hấp dẫn ở Facebook với họ hơn với bạn. Hãy tin vào điều đó.

Tôi vẫn trong trạng thái cai Facebook, tôi sẽ tiếp tục làm điều đó đến khi đưa facebook về đúng vị trí mà nó đã từng. Facebook là nơi để giải trí. Tôi chủ động xuất hiện và chủ động rời đi. Và tôi sẽ chỉ ở đó sau khi xong hết những việc cần làm của mình, bao gồm cả tận hưởng cuộc sống đời thực của chính mình.

Cách tốt nhất để bạn tìm thấy tôi, hãy lên đây, tại Blog này. Tôi sẽ luôn ở đây, viết và lắng nghe cùng bạn.

Chúc bạn một ngày xinh đẹp!

Chương 4. App điện thoại – PvZ (Zombie)

Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi được chơi trò này là ở trên máy tính của bạn đại học. Khi đó với tôi, Zombie thật sự rất hấp dẫn và thách thức. Game với đồ họa là Zombie là thế giới cây cối. Điều mà tôi cực kỳ thích trên trái đất này.

Có hoa, có cây bắn đạn, có cây ăn thịt người, có củ (tôi đoán là củ khoa tây), có bom là những trái quả màu đỏ, có cả mặt trời để tiếp thêm nhiên liệu trồng cây nữa. Tất cả đều được đồ họa thực sự sinh động.

Lần đó, tôi được bạn mình cho mượn laptop của cô ấy lúc cô ấy ngủ. Và tôi gần như dành cả buổi chiều cho trò chơi ấy. Tay phải của tôi cứng lại, y như một khúc gỗ được lắp vội vào bả vai. Tôi tưởng như tay mình đã bị liệt sau chiều hôm ấy. Đầu tôi ong ong, cơ thể gần cứ đuối đi trước màn hình đang nhảy nhót những màu xanh lá… Ồ hóa ra cả giác khó chịu của việc ngồi máy tính liên túc là như vậy.

Tôi không chơi game, bất cứ game nào cho đến khi vào đại học được bạn rủ chơi Zombie hoặc bắn gà. Ngoài ra, tôi hoàn toàn không có hứng thú với game.

Thời cấp hai của tôi, gần như con gái sẽ chơi Nông trại vui vẻ hoặc nhảy Audition, các bạn nam sẽ chơi Võ lâm truyền ký, Đột kích, AOE… Còn tôi tuyệt nhiên không biết gì về nó. Tôi thậm chí còn không mê mẩn bất cứ sao nam Hàn hay nhóm nhạc Hàn nào cả. Thời mà DBSK, Super Junior, SNSD, T-Ara, 2PM, BEATS … là trào lưu chúng của toàn bộ giới trẻ Việt Nam, nếu như không muốn nói là toàn châu Á.

Và tôi, hoàn toàn nằm ngoại họ. 

Có thể bạn nói rằng tôi nhạt nhẽo, hoặc không có tuổi thơ. Bạn có thể nói thế. Và tôi vui vẻ đón nhận nhận xét đó. Điều quan trọng là tôi không cảm thấy rằng bị thua thiệt, cũng không tiếc nuối vì điều đó. Tôi chọn điều đó.

Tính từ lúc tôi chơi Zombie khi là một cô sinh viên năm nhất tời nay, cũng đã gần 10 năm rồi. Ý tôi không phải tôi đã chơi Zombie trong 10 năm qua. Mà là mốc năm tính từ lúc lần đầu biết tới Zombie đến cách đây hơn 2 tuần trước, tôi quyết định tải phiên bản điện thoại về máy. 

Cuốn sách online: App điện thoại
App điện thoại – PvZ (Zombie)

Tôi tắt mạng, bỏ qua facebook những lúc nhàm chán, và thiếu vắng. Tôi đã chon Zombie thay vì check thông báo facebook (mặc dù chúng cũng không có nhiều), tin nhắn Zalo hoặc Messenge. Đây có thể coi là một giải pháp dành cho tôi. Tôi khá hài lòng với giải pháp này. Tôi gần như không check mạng xã hội sau giấc ngủ trưa của mình. Toàn bộ buổi sáng của tôi dành cho đọc và viết, còn lại sẽ là Zombie.

Mỗi lần chơi game này tôi đều sẽ nghĩ, hay là mình cũng trồng một vườn hoa 10 giờ như thế này nhỉ. Liệu nó nó nở ra mặt trời nhưng trong game. Hay nó có thu hút lũ Zombie xuống chiếm đóng không ta. Tôi cũng không chắc nữa. Khả năng cao là không. Vốn là tôi cũng không quá mê mẩn hoa hướng dương lắm, mắc do ý nghĩa loài hoa này khá kiêu sa. Chỉ là tôi thích những chiếc hoa bé xinh xinh, tôi không có nhiều hứng thú với những bông hoa to đùng cách mạng như vậy. Vậy nên tôi vẫn khi trồng hoa cúc sẽ phù hợp với tôi hơn tất thảy.

Gần đây, tôi nhân ra chiến thuật chơi Zombie của tôi có phần thay đổi rất lớn. Tôi nghĩ đó là kết quả của sự thay đổi trong tư duy của mình.

Cách đây 10 năm, khi còn là một cô sinh viên năm nhất, tôi luôn trồng hoa trong thế phòng thủ. Tức là vừa trồng vừa đặt củ khoai tây phía trước hàng hoa. Điều này sẽ giúp việc cầm chân vài còn Zombie trong một lúc. Tôi cố gắn trồng đều vào các hàng hết lớp này đến lớp khác. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu có 7 hàng, tôi phải đi kèm cũng 7 của khoai tây trước khi trông thêm bất cứ cây bắn đạn nào. Tôi không dàn trải cơ hội của mình, mỗi nơi một chút và chấp nhận chờ đợi. 

Bây giờ, khi trải qua 10 năm “sóng ngầm” trong cuộc đời, lối chơi của tôi đã thay đổi đột biến. Tôi tập trung vào một nơi, trồng đầy hoa. Tôi tích mặt trời cho đến khi trồng được cây bắn đạn. Trong lúc đó, sẽ có một vài rủi ro xảy đến. Hoặc là tôi sẽ mặt đi một chiếc xe an toàn trước cửa nhà. Chiếc xe này có nhiệm vụ “cán bẹp” những con Zombie đang trên đường tiến vào nhà theo hàng đó, nếu một trong số con đó chạm vào xe.

Đây là điều mà cách đây 10 năm tôi hoàn toàn không có ý định đánh đổi. Nó quá rủi ro, và tôi có thể không có cơ hội làm lại nếu chiếc xe đó bị lãng phí ngay từ ban đầu. Hay nói đúng hơn, 10 năm trước tôi cần sự an toàn chứ không phải bất cứ rủi ro dù là nhỏ nhất để đánh đổi thành công. Tôi chỉ cần an toàn, trong vòng kiếm soát của mình. Có quá nhiều nỗi sợ mất đi, che lấp đi hi vọng có được của tôi tại thời điểm đó.

Khi ấy, tôi ngần ngừ trong mọi quyết định có thể dẫn tới rủi ro. Đây không phải tư duy xấu. Nhưng có lẽ nó hợp với tôi khi ấy. Tôi người chưa từng có được cái gì đó lớn lao, nhưng lại có một vài thứ tuy nhỏ bé nhưng chẳng dám làm mất. Đến nghĩ thôi cũng còn không dám.

Giờ đây, tôi đã là một cô gái trưởng thành, tôi nghĩ là thế. Tôi hiểu rất rõ cái gọi chi phi cơ hội. Có những chi phí bắt buộc phải trả xuống nếu muốn thu được kết quả vượt ngoài mong đợi, hoặc là về trạng thái trắng tay. Và nếu trở về trạng thái trắng tay thì hình như có vẻ cũng không đáng sợ nữa. Bởi khi đó, có lẽ tôi chẳng còn gì để mất mà lo với sợ nữa. Giống như con thiêu thân, lao về phía trước vậy. Hoặc là được đón sáng, hoặc là chết đi trong ánh hào quang kia.

“Thà một phút huy hoang rồi chợt tắt. Còn hơn buồn le lói xuống trăm năm.” – Xuân Diệu

Có người nghĩ rằng sống hết mình mới là sống. Có người chỉ mong ước những tháng ngày bình yên. Vài người tin rằng, ổn định, an phận là chân ái. Liệu có chuẩn mực nào cho lối sông không? 

Tôi cho là không hẳn!

Chương 5. App điện thoại – Tiki

Tôi từng có thời gian nghiện Tiki hơn Facebook. Lướt Tiki điên cuồng tới nỗi giỏ hàng cứ đầy lên mỗi ngày mà đơn hàng thì không ấn thanh toán. Tôi thấy việc chọn mua xong để đó có chút thú vị và hào hứng. Và đặc biệt mặt hàng tôi đặt lại là sách nữa.

Tôi thường mở Tiki thêm vào giỏ hàng những cuốn sách có tựa hay hay hoặc một cái bìa bắt mắt. Đôi lúc, tôi chỉ thêm vào giỏ và không mua cho đến khi có gì gọi là “thần linh mách bảo”, một tín hiệu nào đó từ vũ trụ gửi về. Tín hiệu của việc, cuốn sách này phải về tay bạn Hương. Về tay rồi, khi nào đọc lại phải chờ tín hiệu vũ trụ lần nữa nhé. Hihi. Điều này tôi từng nhắc tới trong bài viết Tôi chọn sách như thế nào? cách đây hơn tháng.

Nếu bạn ở đây, thường xuyên đọc những bài viết về sách của tôi. Có thể bạn cũng là một trong những khách hàng của Tiki. Bạn biết Tiki là gì không?

Sau hơn 3 năm sử dụng dịch vụ của Tiki, tôi mới biết được Tiki là viết tắt của từ Tiết Kiệm. Một cách đặt tên thương hiệu bắt cách cắt bớt ký tự hoặc đọc lái đi. Tôi đã biết đến thông tin này qua một chương trình đào tạo kinh doanh bán hàng. Thật sự rất tình cờ. Theo tôi được biết Tiki còn là viết tắt của vài từ khác nữa. Nhưng tôi không nhớ hết, mà chỉ ấn tượng lớn nhất với từ “Tiết kiệm” này thôi.

Tôi khá yêu thích sử dụng dịch của của Tiki bởi tốc độ giao hàng nhanh tới chóng mặt. Nhiều lúc tôi cảm giác như Tiki đoán trước tôi sẽ mua gì vào ngày hôm đó và đã mang hàng đợi sẵn trước cổng nhà tôi vậy. Tôi thanh toán đơn hàng lúc 10 giờ sáng, và đến 11 giờ 30 phút là tôi có thể nhận sách vào tay.

Nói thật tôi thích cảm giác có được nhanh chóng. Chậm một chút cảm giác như rất mất hứng. Đây chính là đặc quyền của những lần book Tikinow khi tôi ở Sài Gòn hoặc Hà Nội.

Trở về Vĩnh Phúc, dịch vụ này không còn nữa. Mỗi lần đặt sách cũng phải đợi tới 2-3 ngày. Chưa kể thời gian và quãng đường vận chuyện, đôi khi làm sách bị gẫy mép, hoặc gặp mưa cực kỳ khó chịu.

Tôi vẫn luôn cố gắng giữ cho mình một cái đầu lạnh và một trái tim ấm khi nhận những đơn hàng đó. Cố gắng bỏ qua những thiếu sót này. Thế nhưng dù thế nào, trải nghiệm không tốt ấy vẫn vương lại đôi chút trong đầu. Nó còn sót lại và được kể với bạn ở đây.

Tôi chỉ thích mua sách ở Tiki. Không phải bởi vì Tiki giao hàng nhanh mà bởi vì tôi đã quen với nó. Tôi quen với việc mua một cái gì đó giá trị thì vào siêu thị lớn hoặc gian hàng chính hãng. Như mua laptop thì vào điện máy xanh chẳng hạn. Mua một số đồ dùng hàng ngày, không cần yêu cầu quá cao về chất lượng hoặc giá cả, như lọ hoa để bàn, có thể tôi sẽ vào Shopee mua cho rẻ. Nhưng nếu mua sách, nhất định phải là Tiki.

Không phải Fahasha, không phải nhà sách, không phải siêu thị, không là shopee, không là Lazada. Luôn luôn là Tiki cho việc mua sách.

Đây là phản xạ có điều kiện của tôi mỗi khi nghĩ tới việc mua sách. Tôi không đủ kiên nhân để săn sale giá rẻ trên Tiki. Tôi chỉ đơn giản là sách sẽ lên Tiki và tìm mọi mã giảm giá để được freeship.

Có thể rất nhiều người bị ám ảnh với phí ship như tôi. Chỉ cần freeship là cảm thấy là đã mua hời. Thật kỳ cục và có chút ích kỷ. Nhưng nhãn hàng đã chọn điều đó cho khách hàng. Và tôi cho rằng, tôi đã sử dụng đúng đặc quyền của mình. Dẫu biết giá trị đơn hàng có thể đã được nâng giá lên để bù vào phần phí ship kia, nhưng không sao cả. Đối với nhiều người, freeship tức là giá hời. Đơn giản vậy thôi.

Tôi không phải con nghiện săn sale. Nhưng tôi nghiện việc thêm sách vào giỏ hàng Tiki. Tôi có cảm giác an tâm khi thực hiện hành vi này. Có thể làm thế giúp tôi yên tâm rằng tôi không bỏ phí bất kỳ điều hay ho nào đang diễn ra quanh cuộc sống của tôi. Và bạn rất có thể đã bắt gặp những cuốn sách tôi để trong giỏ cả năm trời trước khi chính thức rước “em nó” về dinh. Tôi biết có nhiều người ngoài kia cũng có thói quen này giống tôi. Bởi thế tôi lại càng yên tâm với hành vi “chính đáng” của mình.

Tiki là một trong số những App không bị tôi xóa thường xuyên như các ứng dụng khác. Tôi luôn nghĩ Tiki sẽ không có điều gì đọc hại và lôi kéo tôi. Nếu nó thật sự lôi kéo tôi, thì đó chỉ có thể là đám sách đầy hấp dẫn mà thôi.

Theo thống kê vào tối qua, tôi đang có tổng cộng 16 cuốn sách chưa đọc tới và 4 cuốn khác đang trên đường về. Tôi nghĩ tôi thật sự đã bị Tiki lôi kéo theo một cách nào đó rất khó ngờ. Nhưng tôi vẫn mừng vì nó không làm tôi quá đau đầu nhưng một vài đồng nghiệp cũ của tôi. Những người có thể tiêu cả chục triệu cho những món hàng săn sale 1k, 9k, 19k trên Shopee, Lazada, Tiki vào mỗi đợt sale trong tháng. Rồi sau đó, tái mét mặt khi phải thành toán tín dụng. 

Tôi không cho phép bản thân chạy theo điều đó. Bởi tôi chỉ có hứng thú với một app mua sắm trực tuyến duy nhất là Tiki.

Không có cái app nào kéo tôi đi xa hơn Tiki trong ít nhất là năm 2022 này. Tôi cá là như vậy.

Liệu bạn có nghiện Tiki theo kiểu của tôi không?

Chương 6. App điện thoại – Momo

Thực ra, đến hôm nay khi ngồi chọn Ứng dụng nào tiếp theo viết tới, tôi không còn biết nên chọn ứng dụng nào nữa. Gần như các ứng dụng trong điện thoại của tôi bắt đầu trở nên “nghèo nàn” đến mức nó cần đạt tới. Nói vậy nghĩa là sao đây? Tức là nó không có mất hấp dẫn và nhiều tiện ích không cuộc đời tôi nữa. Tôi không biết đây có phải dấu hiệu đáng mừng không? Hay đây là biểu hiện của một người không còn màng cập nhật với tiến trình hiện đại của công nghệ nữa.

Momo là một ứng dụng thanh toán được tôi sử dụng đến phát cuồng khi làm việc và sinh sống ở Sài Gòn. Tôi dùng Momo gần như trong mọi trường hợp cần sử dụng đến tiền. Bao gồm mua sắm, thanh toán, chia tiền ăn, nhận tiền từ bạn bè, thậm chí tôi còn nộp phạt bằng ứng dụng Momo nữa.

Tôi có thể ra đường khi trên người không có một đồng tiền mặt nào. Tôi không thích cầm tiền mặt trong tay. Hoặc tôi có quá ít tiền để có cảm giác sung sướng thỏa mãn khi cầm cọc tiền polime trên tay. Tôi nghĩ đây là cách lý giải hợp lý hơn cho trường hợp của tôi.

Ở Sài Gòn, gần như ai cũng dùng ít nhất một ứng dụng thanh toán trực tuyến kiểu như Momo vậy. Nó tiện lợi, dễ sử dụng, nhanh chóng và quan trọng hơn tất thảy, nó miễn phí chuyển tiền. Chưa kể những tiện ích đến từ việc thành toán qua ứng dụng còn được giảm giá.

Tài khoản Tiki của tôi được thanh toán mặc định qua App Momo. Nó thường có những ưu đãi như freeship, giảm giá 20k, 30k cho mỗi đơn hàng. Và quan trọng và nó cũng hoàn toàn miễn phí.

Mỗi kỳ nhận lương, tôi sẽ nạp vào Momo khoảng một đến hai triệu để dùng dần. Tôi thanh toán tiền nhà qua Momo. Bởi chuyển khoản qua đây là hoàn toàn miễn phí thay vì mất mức phí cắt cổ như 9.900đ hoặc 7.700đ của một vài ngân hàng nào đó. Tôi tận dụng tối đa các chức năng của Momo cho cuộc sống. Từ việc vận hành tiền qua Momo, thanh toán, nạp tiền điện thoại, trao đổi tiền, hùn tiền… Mọi thứ có thể thực hiện qua Momo thì tôi đến ứng dụng nó vào cuộc sống của mình.

Tôi mê Momo đến độ quên đi cảm giác cầm những tờ tiền polyme có cảm giác ra sao. Bạn bè và những người xung quanh tôi mặc định rằng tôi sẽ chuyển khoản cho họ qua Momo hoặc bất cứ ví điện tử nào có thể thay vì một sấp tiền mặt khi chung tiền với họ. Nó gắn liền với cuộc sống của tôi như hơi thở của mình vậy.

Tôi nghĩ người ta đã có những bước nhảy vọt lớn trong công nghệ cũng như tài chính khi sinh ra những ứng dụng ví điện tử giống như Momo. Nó không mang tiền ảo, nó hoàn toàn là tiền thật nhưng nó được quay vòng nhanh chóng hơn. Nó giảm thiểu các rủi ro bệnh dịch truyền nhiễm thông qua tế bào biểu bì. Nó giảm thiểu thời gian xếp dàng dài và những câu lệnh cồng kềnh mỗi khi đứng trước cây ATM nào đó. Nó giảm thiểu khả năng rơi tiền do bất cẩn hoặc những lần đãng trí. Nó làm cho mọi thứ trở nên thuận tiện và hữu ích hơn cho cuộc sống này.

Nhắc tới đây, cũng không thể bỏ qua những chiến dịch mà Momo từng thực hiện để khuyến khích người dùng. Họ có những chương trình hỗ trợ người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân ung thư thông qua chương trình đi bộ và quyên góp heo vàng. Bạn có thể đi bộ thường xuyên và tích lũy điểm để có cho mình những phần thường là những con heo vàng ảo. Từ phần thưởng đó bạn có thể quyên góp cho những người khó khăn được đề xuất trong danh sách. Momo sẽ chuyển đổi phần thưởng đó thành tiền mặt và trao tặng cho những người bạn muốn giúp đỡ.

Đây thật sự là một cách PR thương hiệu cao tay. Khi Momo vừa biết cách kể nên câu chuyện thương hiệu của mình. Vừa làm khách hàng cảm thấy họ là một phần của chiến dịch tốt đẹp do Momo tạo ra.

Giống như Tony Hiesh – CEO Zappos từng chia sẻ: một thương hiệu thành công sẽ luôn mở ra những câu chuyện sau đó.

Tôi nghĩ Momo là một thương hiệu thành công như thế.

Mặc dù vậy, Momo đã không thể hiện được tốt chức năng của mình khi theo tôi về Vĩnh Phúc. Ở đây, không nhiều người sử dụng hình thức chuyển tiền online là một phương tiện thân thiện, càng không nói đến việc sử dụng ví điện từ. Người dân ở quê vẫn quen với việc tiêu dùng bằng tiền mặt, cầm trong tay cọc tiền có lẽ mang tới cảm giác giá trị hữu hình thực sự hơn là ngắm nhìn các con số nhảy trong tài khoản.

Một số quán cafe hay dịch vụ bảo dưỡng xe máy tôi phải sử dụng hình thức chuyển khoản, bởi đến một tiện ích gần như được coi là quốc dân như “cà thẻ” cũng không được ứng dụng và ưa chuộng rộng rãi ở nơi đây. Tôi nghĩ đây là điều vô cùng đáng tiếc tại một tỉnh thành tiếp giáp với Hà Nội, gần sân bay Nội Bài, có đường cao tốc Bắc Nam chạy qua như Vĩnh Phúc.

Bởi vậy, nên dù Momo có nhiều ưu việt, nhưng khi nằm ở những nơi xa rời hệ quy chiếu và môi trường của nó, nó cũng gần như một đứa con ngoại lai xa lạ. Tôi nghĩ dù là Momo hay bất kỳ thứ gì trên Trái Đất này đều sẽ có một sân khấu riêng thuộc về. Giống như tôi, tự tạo nên Blog này, chơi trên sân khấu mà mình tự tạo ra vậy đó.

Chương 7. App điện thoại – OnMic

Nói thật, khi OnMic mới ra mắt, tôi đã bắt đầu dùng ứng dụng này như một công cụ để bắt đầu lại thói quen đọc sách của mình.

Tôi biết tới OnMic thông qua một người bạn trên Facebook. Đây là một ứng dụng để nói trực tuyến mà không cần ghi hình. Có thể là một phiên bản Radio ngẫu hứng của khán thính giả, những người muốn được nói nhưng ngại lên hình.

Có khá nhiều điều thú vị diễn ra trên Ứng dụng nói trực tuyến này. Tôi vô tình lạc vào một phòng ca nhạc cuối tuần ngẫu hững của những người mê ca hát. Nhưng con người không chuyên nhưng luôn muốn thể hiện giọng ca của mình. Tôi cũng từng được nghe sự thần kỳ đến từ thần số học trong những buổi tư vấn trực tuyền miễn phí có trên ứng dụng này. Phần đông mọi người còn khá “ngơ ngác” với ứng dụng mới, nhưng đều đến đây với mục đích khỏa lấp sự tĩnh mịch đáng sợ trong những ngày giãn cách kéo dài của cả hai đầu Bắc Nam, Sài Gòn – Hà Nội.

Tôi cũng tự mở cho mình chuyên mục “Đọc thay bạn” vào mỗi 6 giờ sáng hàng ngày, khi bắt đầu nghỉ hẳn công việc cố định để ở nhà xây dựng Blog Hương Nguyễn này. Tôi đọc 30 phút mỗi ngày trên đó. Có ngày không một thính giả nào đến với phòng đọc của tôi, nhưng cũng có lúc con số này tăng lên số lượng 5 – 6 người, mức cao nhất trong phòng đọc mà tôi đạt được. 

Giọng đọc của tôi không quá lôi cuốn, êm dịu. Tôi càng không phải là một người có tiết tấu đọc chuẩn theo giọng đọc ở các Radio tại chuyên mục đọc thơ hay kể chuyện. Tôi không mang mục đích quảng bá giọng đọc của mình trên ứng dụng này. Tôi đơn giản chỉ muốn giúp mình có thêm một ràng buộc khi bắt đầu lại thói quen đọc sách mà tôi đã tạm gác lại vài tháng trước đó.

Nói thật, tôi không có kỹ thuật điều chỉnh âm thanh và hơi thở, bởi vậy mà việc hụt hơi liên tục làm tôi tỉnh ngộ ra rằng, tôi cần rèn luyện sức khỏe của bản thân một cách nghiêm túc hơn nữa. Tôi đã duy trì việc đọc sách mỗi sáng trên OnMic được khoảng 1 tuần, có lẽ vậy. Sau đó tôi dừng hẳn, bởi đọc ra tiếng là quá mệt và tốc độ đọc của tôi quá chậm so với những gì tôi muốn từ một cuốn sách. Tôi giữ App khoảng 1 – 2 tháng không dùng rồi xóa bỏ.

Sau một khoảng thời gian, tôi lại tải về và tham gia một số phòng thảo luận về tiếng Anh, cuộc sống, quan điểm xã hội. Có khá nhiều tranh luận thú vị diễn ra trong những phòng thảo luận như vậy. Có lẽ một phần, mọi người không biết nhau là ai, chỉ biết một cái tên và giọng nói như được chính bản thân họ giới thiệu, bởi vậy mọi người có vẻ mạnh dạn hơn trong việc thể hiện các quan điểm cá nhân của mình. Tôi khá thích điều này tại OnMic. Tuy tôi chưa từng phát biểu hay bày tỏ quan điểm của mình ở bất cứ phòng thảo luận nào, nhưng tôi cảm thấy khá vui khi bắt gặp những người có quan điểm thuận chiều hoặc trái chiều với bản thân mình. Từ đó mà tôi cũng được mở mang thêm góc nhìn của bản thân với những vấn đề thảo luận.

Như bạn biết đấy, tôi là một đứa trẻ nhanh chán. Tôi lần nữa xóa App sau vài ngài không tìm thấy chủ đề thảo luận hấp dẫn với mình trong OnMic. Tôi thường không thích nhìn thấy những thứ tôi không thường xuyên sử dụng xuất hiện ở trong tầm mắt của mình. Tôi thường loại bỏ chúng ngay lập tức. Và đó là những gì tôi đã làm, lần thứ hai với OnMic.

Dường như tôi và OnMic vẫn chưa kết thúc được duyên phận với nhau, khi cách đây khoảng một tháng, tôi lần nữa tải lại ứng dụng này về. Có thể bạn nghĩ tôi khá rảnh để làm những việc thừa thãi như vậy. Tôi xin thưa rằng, tôi thật sự rảnh thật mà. Lần này tôi dùng OnMic như một công cụ giúp tôi, ngồi xuống, đọc lên những dòng chữ mà mình viết. Đây là cách tôi dùng để tra soát lỗi chính tả, câu cú, ngữ pháp và cách kéo mạch văn trong bài viết. Nó khá hiệu quả với tôi.

Nói thật thì bài viết nào của tôi cũng chi chít lỗi chính tả, lỗi gõ máy, thậm chí cả lỗi diễn đạt. Nhưng tôi không đủ kiên nhẫn để rà soát nó kỹ càng trước khi ấn vào nút “Đăng” bài viết đó lên Blog. 

Tôi đàng thực hiện việc này sau khi bài viết được xuất bản khoảng vài ba ngày. Tôi vẫn ổn với những gì mình viết ra. Và vẫn dùng OnMic như một cách quảng bá không mấy hiệu quả về mặt truyền thông cho bài viết, nhưng hiệu quả về mặt kỹ thuật ra soát biên tập lại bài viết.

Có phải tôi rất sáng tạo trong việc ứng dụng các App tiện ích trên điện thoại vào cuộc sống không? Tôi thật thấy hài lòng với suy nghĩ đó. Đó là cách tôi vận hành cuộc sống của mình. Làm những điều mình muốn theo một cách của riêng mình.

Cảm ơn OnMic và hi vọng chúng ta sẽ động hành với nhau thật lâu nhé!

Chương 8. App điện thoại – Từ điển Flat

Tôi đã rời bỏ tiếng Anh được gần một tháng. Không Kaizen, không dịch thuật, không luyện tập, không gì cả. À chính xác là tôi vẫn thường nghe những video tiếng Anh theo kiểu thụ động trên Youtube vào mỗi tối khi tôi đang chơi game Zombie. Còn lại, tôi đã ngừng mọi việc học chủ động với Tiếng Anh.

Còn nhớ cách đây không lâu, có lẽ ai cũng thấy được sự chăm chỉ và hòa hứng mỗi ngày của tôi với tiếng Anh. Nhưng tôi đã ngừng việc đó lại với lý do rất hoàn mỹ sau một lần đau răng đến không tiếp tục bài học trên lớp tiếng Anh được. Tôi đã bị dòng chảy lười biếng cuốn theo và ngừng việc học tập của mình như một kết quả có thể đoán trước.

Phải nói tôi không có tính kiên nhẫn đủ lâu để làm việc gì đó mình không thích liên tục nhiều ngày đến vậy. Cụ thể ở đây chính là tiếng Anh. Một vài lời chê có thể làm tôi thấy nản lòng và thật xấu hổ khi phải thừa nhận điều đó ở đây.

Tôi đã rất chăm chỉ tự học tiếng Anh bằng cách dịch những đoạn hội thoại trong App English Conversation. Khi ấy tôi chăm tới nỗi mà nhiều người bạn của tôi đã nhắn tin hỏi thăm tôi về cách đê duy trì việc học tiếng Anh một cách say mê như vậy mỗi ngày.

Mỗi buổi sáng, khi tôi thức dây, tôi đã mở app ra, chép lại đoạn hội thoại và chăm chỉ ngồi dịch nó. Tôi dùng Ứng dụng từ điển Flat như một người trợ lý học tập của riêng mình. Thậm chí tôi còn ngồi đọc tự tiếng Anh để ứng dụng ghi nhận và dịch lại. Khi đó tôi vừa có thể luyện phát âm vừa có thể dịch những đoạn hội thoại ấy mỗi ngày.

Tôi cũng thường dùng từ điển Flat để luyện phát âm với những từ mới. Một trong những điều tôi rất thích ở ứng dụng từ điển này là tôi có thể nghe pháp âm đó bằng tiếng Anh – Anh hoặc tiếng Anh – Mỹ. Nó thật sự khá thú vị. 

Trong ứng dụng cũng có những ví dụ minh họa cho cách dùng từ ở các ngữ cảnh khác nhau một cách rất chi tiết và phong phú. Một từ có thể dịch ra nhiều nghĩa ở các ngữ cảnh cụ thể, và tôi có thể tiếp cận chúng thông qua các vị dụ cụ thể. Tôi đây đây là một trong những ưu điểm mà tôi thấy được đối với Flat.

Nếu tôi không nhầm thì tôi chưa từng xóa đi tải lại ứng dụng này bất cứ lúc nào. Mặc dù tôi đã làm điều đó với rất nhiều các ứng dụng học tiếng Anh trực tuyến trước đó. Cuốn từ điển điện từ này thì không.

Với tính hình tiếng anh bi đát của bản thân thì tôi nghĩ tôi vẫn phải thường xuyên dùng tới nó, mặc dù hiện giờ tôi đang chủ yếu dùng máy tính khi làm việc nhiều hơn. Vì thế, tôi sẽ dùng google dịch trên laptop. Tuy nhiên, ứng dụng di động theo tôi thì Flat là một lựa chọn ấn định. Tôi không thích tải quá nhiều app để phục vụ cho một mục đích, điều tôi làm tôi mất tập trung và tôi ghét điều đó. Tôi luôn để bản thân ở trạng thái một lựa chọn, như vậy nó sẽ giúp tôi tối ưu được năng lượng và tinh thần chỉ cho một điểm. Như vậy sẽ tốt hơn nhiều khi liên tục phải đứng trước các lựa chọn.

Nhắc tới Flat, nó làm tôi phải cân nhắc tới việc học lại tiếng Anh thôi. Nhưng nói thật, tôi vừa được cuốn Tuần làm việc 4 giờ chỉ ra rằng tôi nên tập trung tối đa một đến hai mục tiêu trong cùng một thời điểm. Bởi vậy, tôi nghĩ mình sẽ lùi lại dự định này sang nửa năm tới. Hiện giờ, tôi cần dồn mọi năng lượng của mình cho những dự định trước mắt. Tập trung và không dàn trải là những gì tôi phải luôn tục nhắc nhở bản thân sau những lần ôm đồm quá nhiều mục tiêu một lúc.

Lên kế hoạch cho mọi việc sẽ tốt hơn mọi sự bộc phát tức thì.

Chương 9. App điện thoại – Báo thức

Đã lâu rồi tôi không viết bài trên Blog Hương Nguyễn này, bởi tôi thật sự đang bận rộn với dự án mới của mình khởi động được 2 tuần gần đây.

Tôi tưởng chừng sẽ phải bỏ ngỏ cuốn Ebook này nhưng rồi những bài học còn sót lại từ cuốn sách Hoàn thành đã thúc giục tôi phải tiếp tục viết.

Thật tuyệt!

Quay là chiếc Ứng dụng Báo thức trên điện thoại của tôi. Tôi nghĩ đay là một trong những ứng dụng không thể xa rời trong mỗi chiếc điện thoại tôi dùng.

Nó giúp tôi thiết lập thói quen. Nó giúp tôi đúng giờ. Nó giúp tôi tỉnh giấc. Nó giúp tôi “giật mình”. 

Không biết bao nhiêu lần tôi cứ miên man suy nghĩ vẩn vơ, rồi xao nhãng để rồi bị cuốn theo những hoạt đồng “hời hợt” không mang giá trị có cuộc sống của mình. Bỗng, tiếng chuông báo thức vang lên, kéo tôi ra khỏi những miên man ấy.

Tôi thường xuyên rơi vào trạng thái miên man, thơ thẩn suy nghĩ. Bởi vậy tôi mới nói tôi từng gặp khó khăn để tập trung học sách. 

Ứng dụng báo thức gắn liền với hoạt động thường ngày của tôi.

  • Báo thức tỉnh giấc
  • Báo thức nấu cơm
  • Đếm ngước để viết
  • Đếm ngược để đọc
  • Đếm ngược để nghe tiếng Anh thụ động
  • Báo thức đăng bài
  • Báo thức để nhắc lịch dạy
  • Báo thức để nhắc lịch học
  • Báo thức để nhắc lịch họp

Quá nhiều hoạt động được song hành cùng chiếc báo thức diệu kỳ. Tôi không biết mình có thể ra sao nếu không có ứng dụng này trên đời. Tôi gặp khó khăn trong việc đo lường thời gian. Thật lạ kỳ, có vẻ như tôi không có nhiều biết tài lắm nhỉ. Tôi gặp rất nhiều có đồng hồ sinh học cực đỉnh luôn, họ có thể căn chính xác thời gian đến tình phút. Kỳ diệu. Đôi lục tôi ước gì mình có thể làm được điều đó. Chỉ là, có thể thật sự đây là một dạng năng khiếu bẩm sinh vậy đó.

Tôi thật sự phải cảm ơn sự hiện diện của app báo thức trên điện thoại. Nếu không có nó, có lẽ những buổi làm trễ lịch, những suy nghĩ miên man, những ngày vui chơi quá độ… sẽ quẩn quanh suốt cuộc sống của tôi.

Tôi viết những dòng này, để nhắc nhở bản thân hãy trân trọng tất cả mọi thứ xung quanh cuộc sống của mình. Dù ít hay nhiều chúng đều đang cố gắng giúp đỡ cuộc sống của tôi. Chỉ là tôi đang làm nó ảnh hưởng tốt hay xấu đến cuộc đời của mình.

Đó là một sự lựa chọn!

To be continued


ỦNG HỘ/ DONATE

Like Fanpage Hương Nguyễn Blog hoặc Follow Facebook cá nhân (Lê Thị Nhật Linh) để nhận thông tin mới nhất từ Hương Nguyễn Blog.

Bạn thích bài viết này? Hãy để lại comment để giúp mình có thêm động lực. Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc việc ủng hộ mình bằng cách hoạt động BUY ME A BOOK tại chuyên mục ỦNG HỘ/ DONATE nhé!

Thank you!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here