Hành trình đến với “Nghệ thuật PR bản thân”
Tôi cầm trên tay cuốn sách “Nghệ thuật PR bản thân” sau gần 1 tuần đặt sách trên Tiki, chưa bao giờ tôi có cảm giác chờ đợi một cuốn sách trở nên khó khăn đến như vậy. Có lẽ bởi sự háo hức tôi có được qua lời kể của chị Quỳnh Đỗ – chủ nhận một chiếc Blog vô cũng giá trị mang tên The Introvert Writer.
Cảm ơn chị Quỳnh Đỗ.
Vì sao tôi mua cuốn sách này?
Có lẽ bạn sẽ hỏi tôi tại sao tôi tôi mong chờ và háo hức với cuốn sách này. Tôi xin trả lời rằng, có lẽ cũng là do thần linh mách bảo.
Trong một buổi sáng đẹp trời nào đó, khi tôi còn đang đón cái không khí dễ chịu, thư thái ở Nha Trang cách đây hơn 2 tuần, tôi chợt muốn làm một cái gì đó tạo nên thương hiệu cá nhân sắc nét hơn.
Đây cũng là một phần lý do mà tôi mua cuốn sách “4 bước xây dựng thương hiệu cá nhân” mà tôi đã review cách đây không lâu.
Tôi tạo một câu hỏi trên trang mạng xã hội với nội dung:
“Cho mình xin tựa sách về xây dựng thương hiệu cá nhân đi ạ?”
Và thế là các tựa sách lần lượt xuất hiện dưới mục comment. Nhưng mình đặc biệt chú ý đến comment của chị Quỳnh Đỗ, bởi mình biết về chị từ trước đó rất lâu.
“Chào bạn,
Mình cũng khá quan tâm đến chủ đề “xây dựng thương hiệu cá nhân” và có đọc/biết đến một vài đầu sách hay hy vọng giúp ích cho bạn.
- Show Your Work – Austin Kleon (Cực kỳ recommend ạ)
- Influence – Dr. Robert Cialdini
- Platform: Get Noticed in a Noisy World – Michael Hyatt
- Personal Branding For Dummie – M.Ed Susan Chritto”
Mẩu tin ngắn này đặc biệt kiến mình chú ý. Bởi đâu đó mình từng nghe về cuốn sách này thông qua lời kể của ai đó trước đây. Chỉ là khi ấy mình chưa thật sự quan tâm tới vấn đề này.
Duyên phận có chút kỳ lạ với cuốn sách này
Đúng như những gì mình luôn tìm thấy ở mỗi lần duyên phận gặp gỡ với những cuốn sách. Cái này chắc chắn là vũ trụ gửi tin đến cho mình cần phải đọc cuốn sách “Nghệ thuật PR bản thân” đây mà. Không lệch vào đâu được.
Mở app Tiki chọn ngay cuốn sách Nghệ thuật PR bản thân vào giỏ, thanh toán và chờ anh shipper gọi giao đồ.
Sau 6 ngày, đúng 7 giờ tối quan anh Shipper gọi điện giao sách. Vừa mừng vừa bực. Mừng vì sách được về tay. Bực là bởi vừa trút quần áo ra khỏi người và xối nước, nhà thì không có ai để nhờ lấy hộ, cửa cổng lại khóa. Ôi trời, duyên phận này thật sự cũng kỳ lạ biết mấy.
Những ghi chú đáng giá từ cuốn sách “Nghệ thuật PR bản thân” – Austin Kleon
Gần đây tôi nhận ra bản thân cực kỳ chán ghét việc la cà trên mạng xã hội để quảng bá cho Blog Phụ Nữ Tự Do – một nơi bạn có thể tìm kiếm những thông tin hữu ích liên quan tới quản lý tài chính cá nhân.
Tôi làm nó một cách không mấy tình nguyện, mặc dù tôi biết những gì tôi viết ra mang rất nhiều giá trị. Chỉ là tôi không thích việc xuất hiện ở trên Facebook quá thường xuyên. Điều này thật sự phải tự trách bản thân đã bị FB cám dỗ.
Tôi luôn cảm thấy mệt nhoài, thậm chí không biết bắt đầu chia sẻ từ đâu về những điều giá trị mà tôi muốn mang đến cộng đồng. Mọi thứ cứ như rối tung lên.
Tôi nghĩ tôi cần một cái gì đó, kéo tôi ra khỏi mớ bòng bong này. Và tôi thật sự tìm được nhiều điều từ “Nghệ thuật PR bản thân”.
Thật tuyệt.
Dưới đây sẽ là những ghi chú tôi note lại cho chính mình, tôi nghĩ nó cũng sẽ hữu ích dành cho bạn. Bởi vậy, hãy kiên nhẫn.
Ghi chú số 1. Hãy là một kẻ nghiệp dư
Một kẻ nghiệp dư sẽ không có gánh nặng bởi danh tiếng, thậm chí cũng yên tâm biết rằng chẳng mấy ai biết đến họ. Là bởi khi ta là một kẻ nghiệp dư, ta lại càng cần học hỏi nhiều hơn, nghiên cứu nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn, đặt câu hỏi nhiều hơn.
Luôn là kẻ nghiệp dư trong mỗi chủ đề mới, lĩnh vực mới sẽ thúc đẩy chúng ta học hỏi, chia sẻ quá trình và từ từ tạo thành những vệt sáng.
Tôi nhớ lại cuốn sách online đâu tiên của mình, “Hãy cho tôi một điểm tựa”, tôi đã viết nó đúng trong tâm thế một kẻ nghiệp dư. Tôi không sợ hãi, chẳng lo phán xét, chăm chỉ, kiên trì đều đặn mỗi ngày. Có chút bản năng, có chút ngông cuồng, có chút non nớt. Nhưng ngày qua ngày, tôi phát hiện ra tôi đã viết nhanh hơn, khỏe hơn, chăm hơn và sâu hơn. Đây chính là kết quả của một kẻ nghiệp dư đang cố gắng rèn luyện.
Kỳ lạ thật những cũng thú vị đó chứ.
Ghi chú số 2. Bạn không thể thể nghe thấy giọng mình nếu không dùng đến nó
“Cách duy nhất để tìm thấy tiếng nói của mình là sử dụng nó.”
“Hãy nói về những thứ bạn yêu thích. Tiếng nói của bạn sẽ đi theo.”
Tôi đang viết về đề tài quản lý tài chính cá nhân, càng ngày tôi càng thích nó, nhưng tôi lại lười nói cho thế giới biết tôi thích nó như thế nào. Tôi chỉ lặng lẽ viết bài, lặng lẽ nhìn ngắm nó. Tôi đã không “cất tiếng” để được nghe thấy “giọng mình”.
“Bạn không thể nghe thấy giọng mình nếu không dùng đến nó.” đã thật sự thúc đẩy tôi cần chia sẻ nhiều hơn đến cộng đồng về những giá trị mà tôi nghiên cứu được, tôi nghiệm ra và tôi tìm thấy. Thật tuyệt!
Ghi chú số 3. Cách một sản phẩm có thể lên tiếng
Những câu hỏi cho một sản phẩm mới:
- Nó được tạo ra để làm gì?
- Tôi có thể dùng nó để làm gì?
- Những người khác sử dụng nó như thế nào?
Trước đây, mỗi lần tôi viết một bài viết nào đó trên Blog Phụ Nữ Tự Do (phunutudo.com) tôi đều tự đặt cho mình câu hỏi: Bài viết này giúp gì cho cuộc sống của những người đọc nó?
Nhưng 3 câu hỏi trên, khiến cho bài viết tôi tạo ra có một câu chuyện để kể. Tôi thích kể chuyện những tôi không giỏi việc này. Bởi vậy, tôi nghĩ từ nay trở đi bạn sẽ bắt đầu được nghe về những câu chuyện của tôi về tài chính cá nhân một cách thương xuyên hơn rồi đấy.
Ghi chú số 4. Nghĩ đến cái chết mỗi sáng khiến tôi muốn sống.
“Hãy thử nghiệm: Bắt đầu đọc cáo phó vào mỗi buổi sáng. Lấy cảm hứng từ những người đã trải nghiệm cuộc sống trước bạn – họ đều bắt đầu từ một tay mơ, sau đó đến đích bằng cách dám dấn thân và sử dụng những gì họ có. Hãy noi theo những tâm gương đó.”
__Trích sách: Nghệ thuật PR bản thân – tác giả Austin Kleon__
Ghi chú số 5. Bắt đầu nói về công việc từ đâu?
Tôi thật sự gặp khó khăn trong việc này. Mọi thứ gần như ngưng lại sau khi tôi hoàn thành xuất bản một bài viết mới dài hơn khoảng 4000 từ với nhiều giờ nghiên cứu, suy nghĩ và viết xuống.
Tôi không biết làm sao để viết về công việc của mình mỗi ngày nhưng không quá gồ ghề, dày cộp.
Hóa ra, luôn có công thức cho mọi thứ. Dưới đây chính là 4 bước bạn sẽ muốn lưu lại nếu bạn cũng gặp khó khăn trong việc nói về công việc của mình mỗi ngày giống như tôi.
- Bước 1. Nhặt nhanh mọi mảnh ghép, những mẩu lặt vặt trong khi làm việc và biến chúng thành thứ gì đó thú vị về mặt truyền thông để chia sẻ.
- Bước 2. Ghi chép tất cả những gì bạn làm vào cuốn nhật ký công việc. Tôi thường ghi chép trên một Blog bí mất của mình. (Thực ra tôi có chia sẻ với một vài người đáng tin trong đời.)
- Bước 3. Chụp nhiều ảnh công việc ở những giai đoạn khác nhau. Quay lại những video về công đoạn.
- Bước 4. Và khi bạn sẵn sàng để chia sẻ, bạn sẽ có cả kho tài liệu để chọn lựa.
Thật đơn giản phải không?
Tuy nhiên, bước đầu tiên bây giờ chính là việc nhặt nhạnh và ghi chú lại. Hãy bắt đầu bằng một cuốn sổ nếu bạn không có sẵn máy tính hoặc internet giống như tôi nhé.
Ghi chú số 6. Gửi đi thông điệp mỗi ngày
Nếu như 4 bước trong ghi chú số 5 là những gì bạn cần chuẩn bị để chia sẻ, thì ở ghi chú số 6 sẽ trả lời câu hỏi: Bạn chia sẻ cái gì?
- Giai đoạn mới bắt đầu dự án: hãy nói về những ảnh hưởng và cảm hứng tác động lên bạn.
- Giai đoạn giữa dự án: hãy chia sẻ về những phương pháp bạn áp dụ6ng và sản phẩm còn đang dang dở đó.
- Nếu đã hoàn thành một dự án: hãy đưa ra sản phẩm cuối cùng, chia sẻ đoạn không xuất hiện trong sản phẩm đó, hoặc viết về những gì bạn học được.
- Nếu đã tưng nhiều dự án xã hội: bạn có thể báo cáo xem chúng đang hoạt động thế nào – mọi người tương tác với sản phẩm của bạn ra sao.
Tới giờ, bỗng ý tưởng để nói về công việc của tôi mỗi ngày không còn là vấn đề cần suy nghĩ nữa. Tất cả đã được gợi ý bởi 4 ý nêu trên.
Thật tuyệt!
Ghi chú số 7. Đọc là nguyên liệu cho viết, viết là nguyên liệu cho đọc
Thú thực thì tôi khác lười đọc các bài viết trên mạng, trừ phi có hứng hoặc là những thông tin tôi chủ động tìm kiếm. Nhưng dường như những lúc tôi có hứng thật hiếm xảy ra. Tôi thích đọc sách giấy hơn là nhìn vào màn hình điện thoại.
Đây thật sự là một tật xấu của tôi.
Ngay khi đọc những dòng sách này, tôi liền đặt cho mình một yêu cầu nhỏ với bản thân rằng: Dành ít nhất 15 phút mỗi ngày đọc một bài viết của người khác.
Tôi nghĩ tôi sẽ làm được, bởi vì tôi muốn thế! Tôi nên đưa nó thành một việc trong checklist hằng ngày của tôi. Vậy là chắc ăn nhất!
Ghi chú số 8. Phần quan trọng nhất của một câu chuyện là cấu trúc
Vòng tròn câu chuyện của Dan Harmon – nhà biên kịch người Mỹ
- Một nhân vật ở trong vùng an toàn
- Nhưng họ muốn có thứ gì đó
- Họ bước vào một hoàn cảnh không quen thuộc
- Thích nghi với nó
- Có được thứ họ mong muốn
- Họ trả một cái giá khá đặt để có được nó
- Trở về với hoàn cảnh quen thuộc
- Họ đã thay đổi.
Thú thực tôi kể chuyện rất tệ, nếu không muốn nói là vô cùng nhạt nhẽo. Bắt được vòng tròn câu chuyện củ Dan Harmon giống như vớ được cọng dây cứu mạng khi sắp chết đuối vậy.
Tôi tự dặn mình, học cách kể chuyện bớt nhạt đi bạn Hương nhé!
Ghi chú số 9. Nói gì về bản thân?
Nói thật!
“Nếu bạn đang làm việc những cảm thấy không hài lòng với nó, hãy tự hỏi tại sao. Có thể bạn đang làm không đúng ngành, hoặc không làm việc mà lẽ ra bạn nên làm.”
__Trích sách: Nghệ thuật PR bản thân – tác giả Austin Kleon__
Thật tuyệt vì tôi đã làm đúng ngành, làm đúng công việc mình nên làm: Viết – chia sẻ.
Nói gì đó về bản thân mình đi Hương!
“Xin chào, tên tôi là Hương Nguyễn, làm một người viết tự do. Tôi đang quản lý và sáng tạo nội dung cho 2 Blog với 2 chủ đề mà tôi đặc biết quan tâm và yêu thích. Blog Hương Nguyễn của tôi chỉ dành cho sách, tôi viết mọi thứ liên quan tới sách. Blog Phụ Nữ Tự Do của tôi dành cho những bài viết về quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ độc thân. Tôi hi vọng một bài viết nào đó của tôi đã từng được đọc bởi bạn.”
Ghi chú số 10. Nếu muốn có người theo dõi, hãy làm sao để xứng đáng được theo dõi
“Đừng phí thời gian đọc những bài như làm sao để nhiều người theo dõi hơn. Đừng phí thời gian theo dõi người khác vì nghĩ rằng bạn sẽ đạt được kết quả gì đó. Đừng nói chuyện với những người bạn không ưa, và đừng nói về những thứ bạn không muốn.”
__Trích sách: Nghệ thuật PR bản thân – tác giả Austin Kleon__
Làm tốt công việc là cách duy nhát đem lại cho bạn ảnh hưởng hoặc mối quan hệ.
Tôi vẫn tiếp tục trao đi giá trị, tạo ra những sản phẩm chất lượng và hiện diện ở nơi bạn có thể tìm thấy.
Ghi chú số 11. Bài kiểm tra ma cà rồng
“Nếu sau khi gặp gỡ đó mà bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức thì người đó đích thị là ma cà rồng. Hãy đuổi nó ra khỏi cuộc sống của bạn mãi mãi.”
__Trích sách: Nghệ thuật PR bản thân__
Trong nhiều năm nay, tôi đã quyết định thanh lọc một vài mối quan hệ mà tôi cho rằng nó làm tôi không vui và tích cực. Tôi thấy rằng đó là một trong những quyết định cứng rắn nhưng đúng đắn của tôi.
Đẩy lùi những kẻ làm tôi cảm thấy khó chịu ra xa cuộc sống của mình là cách mà tôi đã và đang làm rất tốt. Tôi có đôi chút hơi áy náy ở thời gian đầu, những dần dần tôi đã làm quen với điều đó. Giờ thì tôi cảm thấy mình ổn và lựa chọn đúng đắn.
Tôi nghĩ tôi nên thực hiện bài kiểm tra ma cà rồng thường xuyên hơn.
Ghi chú số 12. Nhận diện kẻ chơi khăm
“Một kẻ chơi khăm là người không hề muốn giúp bạn cải thiện sản phẩm, mà chỉ khiến bạn tức điên với kiểu nói chuyện đầy thù hằn, hung hăng và khó chịu. Bạn sẽ chẳng nhận được gì nếu dây dưa vào loại người đó.”
“Nếu ai đó quẳng một đống rác vào phòng khác nhà anh, chắc chắn anh sẽ không để nó ở đó, đúng không?”
__Trích sách: Nghệ thuật PR bản thân – tác giả Austin Kleon__
Xóa tất cả những bình luận thù hằn đó ra khỏi không gian mạng của bạn, chẳng ích gì khi giữ lại chúng để khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và tức giận phải không?
Ghi chú số 13. Dùng cái kết của dự án này để nhen nhóm cho dự án kia
Thỉnh thoảng khi tôi xuất bản bài viết mới tôi sẽ gặp một tình trạng mang tên: chưa đủ.
Tôi muốn viết nhiều hơn, viết rộng ra nhưng nó có thể làm bài viết của tôi mất tập trung, không đào sâu vấn đề. Thậm chí điều này khiến bài viết của tôi trở nên chung chung, không có dấu ấn.
Nhưng hóa ra tôi đã bỏ lỡ một điều thú vị của sự “bất ổn” này, đó là: những phần “chưa đủ” kia, những phần tôi còn lần cấn, hãy đưa chúng thành một chủ đề mới cho dự án tiếp theo của mình.
Tại sao tôi lại bỏ qua điều này nhỉ? Thật kỳ lạ.
Ghi chú số 14. Ngắt kết nối để kết nối
Đây là điều tôi đã từng đề cấp trong bài viết Một chiếc content về Deep Work.
Ngắt kết nối để kết nối.
“Bạn hi vọng sẽ diễn tả được điều gì nếu ngày ngày bạn chỉ nhìn thấy 4 bức tường? Hãy rời văn phòng. Để bắt tín hiệu, hãy ngắt điện thoại. Đừng chết. Chỉ cần biến mất một thời gian.”
Học theo tác giả Gina Trapani nhé:
- Đi lại: Ngồi trên tàu hoặc tàu điện đang chạy là khoảng thời gian hoàn hảo để viết, vẽ, đọc hoặc chỉ đơn giản là nhìn ra cửa sổ.
- Thể dục: Dùng cơ thể để giúp đầu óc thư giãn, và khi đầu óc bạn thư giãn, nó sẽ nảy ra nhiều ý tưởng mới.
- Thiên nhiên: Hãy ra công viên để tản bộ. Cuốc đất trong vườn. Đến những nơi không khí trong lành. Tránh xa mọi đồ điện tử. Điều quan trọng là phải tách rời công việc và cuộc sống.
Mỗi lần đi bộ ngoài đường, tôi lại nghĩ được nhiều ý tưởng hay ho. Thỉnh thoảng tôi cũng đạp xe đạp để thức tỉnh tâm hồn và nhìn ngắm nhiên nhiên.
Thiền định cũng là một cách giúp cơ thể được thả lỏng, lấy lại sự tập trung rất tốt.
Hãy thử chúng nhé!
Ghi chú số 15. Ném đi các tác phẩm cũ
“Khi ném đi các tác phẩm cũ, việc bạn thực sự đang làm là dọn chỗ cho tác phẩm mới ra đời.”
__Trích sách: Nghệ thuật PR bản thân – tác giả Austin Kleon__
Tôi thường hay lưu trữ lại những sản phẩm mà tôi kỳ công làm ra, với hi vọng vào một ngày nào đó tôi sẽ dùng đến nó.
Thật ra tôi không dùng tới nó mà tôi ỷ lại vào nó. Tôi ngưng sáng tạo khi biết rằng tôi có sẵn một cái gì đó tương tự và khá tâm đắc ở một thời điểm nào đó trong quá khứ trong ổ lưu trữ.
Giờ thì tốt biết cái tật xấu này cần được loại bỏ. Có lẽ dung lượng drive cá nhân của tôi sắp trống một khoảng rất lớn đây!
“Tìm kiếm thứ gì mới để học, và khi tìm thấy, hãy dốc sức học hỏi trước sự quan sát của mọi người. Ghi lại tiến trình của bạn và chia sẻ nó để người khác cũng có thể cùng học. Công khai sản phẩm của mình, và khi những người bạn chờ đợi xuất hiện, hãy chú ý đến họ, bởi họ có rất nhiều thứ để cho bạn xem.”
__Trích sách: Nghệ thuật PR bản thân – tác giả Austin Kleon__
Review sách: Nghệ thuật PR bản thân – Austin Kleon
“Bạn không cần phải tìm người ủng hộ sản phẩm của mình, họ sẽ tự tìm đến bạn. Những chỉ làm tốt thôi vẫn chưa đủ. Để được tìm thấy, bạn phải nằm trong vùng tìm kiếm được.”
Một cuốn sách kịp lúc, nó không chỉ hướng dẫn tôi cách thể hiện bản thân và công việc của mình một cách tự nhiên như chính con người thật của tôi mà cuốn sách còn mang đến cho tôi những hướng dẫn không ngờ trong viết lách.
Một cuốn sách vượt cả kỳ vọng của tôi.
Xây dựng thương hiệu cá nhân không phải điều gì quá lớn lao, nó chỉ đơn giản là nói lên tiếng nói của chính mình, cho công việc của bạn được lên tiếng.
Show your work
Rất recommend cho những bạn đang lóng ngóng tìm cách chia sẻ về công việc, sản phẩm và con người thật của bản thân mình đến cộng động. Dành cho những ai ghét quảng cáo chính mình.
Điểm đánh giá: 10/10
Link mua sách: tại đây
——————————-
Một vài gợi ý khác cho bạn
Bạn chắc chắn sẽ muốn đọc các cuốn sách tuyệt vời khác. Mời bạn đến với chuyên mục: Review sách nhé!
Review sách: Dù khó khăn vẫn ổn
Review sách: Bạn mới là chủ nhân của cuộc đời mình
Đừng quên rằng…!
Hương đã thiết kế một khóa học đặc biệt dành cho những ai mong muốn:
- Thoát khỏi rắc rối tài chính đang mắc phải
- Giải phóng bản thân khỏi con nghiện mua sắm
- Xây dựng quỹ dự phòng cho bản thân 6 – 12 tháng
Thì khóa học: 30 NGÀY THAY ĐỔI – TẠO LẬP THÓI QUEN CHI TIÊU TÍCH CỰC SAU 30 NGÀY là khóa học dành cho bạn.
Tìm hiểm thêm về khóa học tại đây!
Hương Nguyễn – Phụ Nữ Tự Do.
Nếu bạn thấy nội dung này là có giá trị, hãy mời Hương một cốc cafe nhé!
Hoặc,
Số tài khoản: 19037057180015 Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Thu Hương Ngân hàng Techcombank chi nhánh Tân Bình.
CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC
- Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
- Linkedin: Nguyễn Thị Thu Hương
- Facebook: Hương Nguyễn
- Fanpage: Hương Nguyễn Blog
[…] Review sách – Nghệ thuật PR bản thân […]
[…] Review sách – Nghệ thuật PR bản thân […]