Đọc sách hiệu quả là từ khóa được rất nhiều người quan tâm. Đọc sách hiệu quả sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, tăng khả năng nhận thức và vận dụng sau khi đọc và giúp rèn luyện tư duy hiệu quả.
Bạn đã và đang đọc sách hiệu quả? Và bạn đang tìm hiểu thêm những thông tin về nó. Có cách nào giúp việc đọc sách trở nên thú vị và hữu ích hơn đối với cuộc sống của mỗi chúng ta?
- Bạn có bao giờ đọc xong một cuốn sách và sau đó chẳng còn nhớ gì về nó?
- Bạn có bao giờ đọc xong một cuốn sách và sau đó không thể mô tả cảm nhận của mình về cuốn sách ấy?
- Bạn có bị gánh nặng về số lượng sách cần phải đọc hay không?
- Bạn có bao giờ đọc xong một cuốn sách và rồi chẳng thu được gì bất cứ bài học hay ý tưởng nào từ nó?
Tôi đã từng đọc sách và gặp phải những vấn đề trên. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để thử các cách khác nhau và tìm cho mình những chìa khóa để giải quyết chúng.
Chắc chắn bài viết này sẽ cho bạn những ý tưởng giúp bạn đọc sách hiệu quả và cảm thấy yêu thích việc đọc sách hơn mỗi ngày.
Chúng ta cùng bắt đầu nhé!
Ý tưởng và phương pháp đọc sách hiệu quả
Ý tưởng số 1. Có mục đích đọc rõ ràng và chọn đúng sách đọc
Thường tôi sẽ có hai mục đích đọc, chủ yếu sẽ là:
- Đọc để tìm hiểu một chủ đề
- Đọc để giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống
Tùy vào từng mục đích đọc khác nhau mà tôi sẽ đưa ra các chọn lựa sách thích hợp và hiệu quả. Nó giúp tôi nối liền nhịp tư duy và thông tin cần tìm hiểu hoặc giải quyết, giúp việc đọc trở nên hiệu quả và có tính áp dụng kịp thời. Từ đó gia tăng hứng thú và động lực với việc đọc. Bởi vậy mà việc hiểu rõ mục đích đọc là một việc rất quan trọng.
Đọc để tìm hiểu một chủ đề
Khi có một thắc mắc về một chủ đề nào đó, bạn thường làm gì?
Tôi sẽ thường lên google và gõ ra điều tôi muốn tìm hiểu. Đây là cách rất nhanh để lấy thông tin, tuy nhiên có một rủi ro lớn là về tính chính xác về thông tin rất khó kiểm định.
Cách thứ hai tôi làm sẽ là hỏi những người đủ am hiểu về điều tôi thắc mắc. Cách này quả thật rất nhanh lẹ nhưng là một người mắc bệnh “lười giao tiếp” như tôi thì không phải là một giải pháp thường dùng.
Một cách khác nữa tôi thường dùng nhất và cũng là cách tôi thích nhất đó là tìm kiếm thông tin trong sách.
Ví dụ gần đây, tôi đang tìm hiểu “viết lách”
Ngoài việc follow các Group của công đồng viết lách trên Facebook. Tôi còn hay đọc bài viết của các Blog hướng dẫn viết lách. Tham khảo các bài viết có cùng chủ đề mà tôi quan tâm. Tôi liên tục tìm kiếm những kiến thức và phương pháp trong các cuốn sách viết về đề tài này.
Gần đây tôi đang đọc một số cuốn liên quan tới đề tài này như: Cứ viết đi!, Để trở thành người viết, Con đường trở thành Freelancer Writer, Ý tưởng này là của chúng mình, Conten hay nói thay nước bọt.
Khi đọc những cuốn sách có chung một đề tài, tôi dễ dàng có thể liên kết các tư duy, luận điểm và bài học của nhiều tác giả khác nhau. Đồng thời nó cũng giúp tôi nhớ lâu hơn về những thông tin hữu ích, quan trọng được nhiều người nhắc đi nhắc lại.
Ví dụ như, “bản chất của viết lách không phải một dạng năng khiếu, nó là một quá trình kiên trì bền bỉ rèn luyện.”
Thêm vào đó, đọc nhiều sách chung một chủ đề sẽ giúp não bộ của tôi tập trung sâu vào một vấn đề. Chúng kích thích tư duy và liên kết các thông tin trong đầu tôi lại với nhau thành hệ thống.
Đọc để giải quyết vấn đề
Tôi cũng thường mua sách với mục đích giải quyết nhanh một vấn đề nào đó.
- Khi tôi cần các cách để có được nghệ thuật kể chuyện, thuyết trình hiệu quả. Tôi chọn cuốn “Ted like Talk 3”.
- Khi tôi cần làm rõ định hướng cá nhân. Tôi đã chọn cuốn “Love it or Leave it”.
- Khi tôi cần tìm ý tưởng mới cho cuộc sống bình dị. Tôi chọn cuốn “Lagom – Biết đủ mới là tự do”.
- Khi tôi cần thêm chút động lực cho cuộc sống. Tôi đọc cuốn “Phụ nữ hơn nhau ở khí chất.”
- Hay khi cần tạo nên một tủ quần áo tối giản nhưng vẫn thời thượng và có khí chất. Tôi chọn cuốn “Có phong cách riêng”.
Tất cả chúng đều nhanh chóng mang tới những hướng dẫn, bài học cụ thể để áp dụng “ngay và luôn” vào cuộc sống của tôi.
Bạn có thể lên Google và tìm kiếm những từ khóa liên quan. Kiểu như là: “Top sách hướng dẫn + [vấn đề cần giải quyết]”
Bạn sẽ nhận được vài list sách, chúng có thể khác nhau. Nhưng hãy để ý những cuốn sách luôn nằm trong top. Chúng chính là cuốn sách bạn cần đấy!
Còn nếu bạn nhiều hơn về các gợi, bạn cũng có thể tham khảo chuyên mục REVIEW SÁCH tại Blog Hương Nguyễn nhé!
Ý tưởng số 2. Quét mục lục
Việc đầu tiên chuẩn bị đọc sách không phải là Quét mục lúc đâu. Mà tôi sẽ chụp vài bức ảnh cực “đẹp” (theo định nghĩa của tôi) để dành cho bài viết review hoặc đăng trên facebook.
Sau đó mới tới bước “Quét mục lục”. Đây chính là việc xem trước mục lục của cuốn sách. Định hình trước xem cuốn sách Có bao nhiêu chương? Có bao nhiêu trang? Có mấy phần? Có từ khóa nổi bật nào không?
Thú thực thì nhiều lúc tôi cũng không chăm chỉ đọc sách đâu. Trong một tháng sẽ có vài ngày tôi đọc sách trong trạng thái miễn cưỡng. Một vài ngày đọc do thói quen mở sách đọc hằng ngày. Còn lại là đọc trong sức thích thú và hào hứng. Việc đọc lượt qua mục lục giúp tôi ước chừng được thời gian tôi có thể hoàn thành cuốn sách này. Nó sẽ cho tôi mục tiêu bằng con số khá rõ rằng đối với thời gian đọc.
Ngoài ra, ý nghĩa quan trọng của việc đọc lượt qua phần mục lục là giúp não bộ hình thành được các “mắt xích” quan trọng trong hệ thống mà cuốn sách sẽ triển khai. Điều này giúp tôi liên tưởng về cuốn sách một cách dễ dàng kể cả khi đã đọc xong nhiều ngày sau đó. Tôi gọi hoạt động này có tính gợi nhớ rất tốt.
Bạn có thói quen này khi đọc sách không? Nếu chưa, hãy thử nó nhé.
Một hoạt động chỉ chiếm khoảng 1 phút của bạn những sẽ mang lại cho bạn những hiệu quả đáng bất ngờ đó.
Ý tưởng số 3. Đặt ra những câu hỏi
Tôi tin rằng, bản chất của việc đọc sách là quá trình học tập của não bộ. Chúng ghi nhận thông tin, xử lý và phân phối thông tin ra ngoài bằng thái độ, hành vi, ngôn từ của bạn.
Bởi vậy, trong suốt quá trình đọc việc đặt ra những câu hỏi sẽ góp phần giúp não bộ của chúng ta tư duy theo nhịp độ của cuốn sách cũng như tác giả. Nó hình thành một phản xạ có điều kiện về việc đánh giá, suy luận cũng như lập luận quan điểm của ta với một vấn đề được nêu trong cuốn sách.
Tôi thường tự mình đặt ra các câu hỏi khi đọc sách. Và cũng tự mình trả lời những câu hỏi đó dựa vào những thông tin lấy được từ trong sách và kinh nghiệm thực tế của chính mình. Chính bởi hoạt động này mà tôi đã khai mở cho mình rất nhiều vấn đề trong quá trình đọc sách.
Ví dụ 1…
Ví dụ, tôi từng hỏi chính mình, tôi có phải là một người thực sự cởi mở với vấn đề “đồng tính” không? Câu hỏi này tôi từng đặt ra khi đọc cuốn Untamed của tác giả Glennon Doyle. Câu trả lời của tôi cho câu hỏi này là KHÔNG.
Thật đáng tiếc! Tôi biết.
Tại sao tôi có câu trả lời này? Tôi đã ghép những lập luận của tác giả cùng với những biểu hiện của chính tôi và thấy rằng, tôi hoàn toàn không thật sự cởi mở về vấn đề này. Nói vậy, không có nghĩa là tôi kì thị những người đồng tính. Mà là tôi vẫn có đôi chút “định kiến” vô hình nằm ẩn sâu bên trong trái tim của mình về họ.
Chỉ là biểu hiện thông thường của tôi đã được kiểm soát. Chúng được kiểm soát bởi lý trí và nguyên tắc “tôn trọng mọi người” của tôi. Vì vậy, chúng đã giúp tôi không làm điều gì đó hay phát ngôn gì khiến vấn đề trở nên tồi tệ.
Thật may vì điều đó.
Ví dụ 2…
Ví dụ, tôi từng tự hỏi chính mình liệu việc tôi quyết định nghĩ công việc ổn định để theo đuổi sự nghiệp Freelancer có thật sự đúng đắn không? Liệu tôi có đang hạnh phúc khi làm điều đó không?
Đây là câu hỏi, tôi đã tự đặt cho bản thân khi đang đọc cuốn “Love it or Leave it”. Cảm tạ trời đất là tôi có thể trả lời rằng tôi không hề chọn sai. Cái sai của tôi là tôi vẫn luôn băn khoăn về chúng và quên mất bản thân tôi phải tập trung cho mục tiêu của mình.
Đây là điều tôi rút ra được khi lắng nghe câu chuyện của tác giả Samanthe Clarke và tham gia vài bài tập trắc nghiệm trong cuốn sách đó. Tôi mừng vì mình tìm được đáp án ưng ý này.
Kết luận của tôi…
Quả thật, khi tôi tự đặt ra cho mình những câu hỏi, tôi thấy mình “vận não” nhiều hơn khi đọc. Nghĩa là tôi chủ động đưa ra góc nhìn của mình, nhìn vào các nghiên cứu, nhìn vào thực tế của bản thân. Và phát hiện ra thực trạng của chính mình. Từ đó, tôi cũng tự mình tìm câu trả lời và giải pháp cho chính vấn đề của bạn thân.
Thật tuyệt!
Ý tưởng số 4. Ghi lại những suy nghĩ và ý tưởng
Phần tôi thích nhất, ghi lại những suy nghĩ và ý tưởng. Tôi đã từng nhắc tới điều này trong bài viết Đọc sách và stick note.
Sót sách…
Bạn có từng rất “sót” sách mỗi lần có ai đó gấp nếp, làm bẩn hoặc vẽ vào cuốn sách của mình. Hoặc nếu bạn từng giống như tôi, chẳng dám mở cuốn sách của mình quá 90 độ khi đọc. Không dám highlight, gạch chân, viết tay lên sách.
Thì chúc mừng bạn, bạn chuẩn bị sẽ được tôi giúp rũ bỏ những nỗi sợ hãi đó đấy.
Tôi thực sự có một “nỗi tiếc sách không hề nhẹ.” Chỉ cần sách hỏi nhàu một xíu cũng day dứt khó ngủ. Nhưng bây giờ, nếu bạn có dịp cầm những cuốn sách tôi đọc gần đây, bạn nhất định sẽ rất giật mình.
Những cuốn sách của tôi…
Một vài cuốn được dở đến nỗi “bầm dập” hết gáy sách. Những dòng highlight bằng bút dạ quang cam, vàng xuất hiện liên tục. Có vài cuốn còn mang thêm trọng lượng của những mảnh giấy note nhiều màu. Thật sự cuốn sách được “cải biên” thành phiên bản “thời trang” mới sau khi vào tay tôi.
Nhưng tôi thật sự biết ơn những dấu tích này. Đây là một dấu tích thật sự nên có sớm hơn trong cuộc đời đọc và ngẫm của chính tôi.
Buông xuống sợ hãi…
Tôi cũng từng giống như bạn, tìm kiếm các phương pháp giúp đọc sách hiệu quả hơn, nhớ lâu hơn, tập trung hơn. Và tôi vô tình tìm thấy ở đâu đó việc sử dụng highlight và ghi chú lại khi đọc mang lại kết quả rất khả quan.
Tôi đã bị thuyết phục thực sự khi được nghe về ý tưởng này. Tôi quyết định phải thử nó ít nhất một lần trong đời. Có thể tôi sẽ chỉ phải tiếc một cuốn sách nếu phép thử không thành công. Hoặc tôi sẽ tiếc cả tủ sách khi tôi chẳng hề làm gì.
Bắt đầu từng bước nhỏ…
Tôi bắt đầu làm theo hướng dẫn, ghi chú lại cảm nhận của bản thân khi đọc đến những đoạn sách ấn tượng và đáng suy ngẫm. Tôi dùng bút dạ quang highlight những câu văn hay, những đoạn sách nổi bật hoặc ấn tượng vào trong sách.
Dường như tôi tập trung hơn trong việc tìm kiếm những đoạn sách hay như vậy, nó làm tôi dừng lại vài giây để đọc lại dòng sách đó trước khi quyết định highlight chúng. Ý tưởng này thật tuyệt.
Tôi bắt đầu viết lại một vài câu hỏi của ý tưởng số 3 lên những tờ giấy note, dán vào các trang sách. Tôi cũng viết ra những câu trả lời của mình và dán đè lên chúng.
Cuốn sách đầu tiên mà tôi làm điều đó là cuốn “Những điều tôi tự dăn chính mình”. Nếu bạn đọc bài review của tôi từ cuốn sách này trở đi và những cuốn sách trước đó, bạn sẽ thấy rất nhiều điều khác biệt khi tôi viết review sách.
Tôi đã đọc cuốn sách bằng cách đọc lại toàn bộ những phần tôi highlight và ghi chú bằng giấy note. Nó cho tôi tập trung cảm xúc, và suy nghĩ vào những điều tôi chú ý trong cuốn sách.
Thành quả của tôi…
Tôi thấy mình “vận não” và rút ra những bài học riêng cho mình, ẩn sau những bài học mà tác giả đã trình bày trong sách. Tôi thấy được sự hiệu quả không ngờ khi sử dụng phương pháp này vào quá trình đọc sách.
Bây giờ, những cuốn sách tôi không không chỉ là những highlight của những đoan sách hay và ấn tượng nữa. Chúng còn có cả những câu văn hay, những câu văn mang phép so sánh, ẩn dụ mà tôi nghĩ mình có thể học từ tác giả để áp dụng vào việc luyện viết của bản thân.
Những mẩu giấy note, giờ cũng không chỉ còn là những câu hỏi và câu trả lời. Ở đó, nó còn có những ý tưởng mới của tôi, những lời cam kết và có một vài suy nghĩ điên rồ nào đó. Lâu lâu là vài dòng cảm nghĩ tuôn chảy mạnh mẽ dưới ngòi bút mực nước tôi dùng để ghi chú.
Mỗi lần tôi muốn tìm kiếm ý tưởng viết, tôi lại có thêm một giải pháp nữa đó là lật lại những ghi chú mà tôi từng viết trong mấy cuốn sách đã đọc. Chúng là cả kho tảng đấy! Thật sự tôi đã rất hạnh phúc vì đã buông xuống sợ hãi và dám thử điều mới mẻ vào cuộc sống của mình.
Tôi nhận ra…
Tôi nhận ra, những cuốn sách không đơn thuần là một “tài sản” như rất nhiều người từng nói. Tài sản thật sự là những gì ta lấy được và làm đẹp cuộc sống của chính ta.
Bạn! Tôi nói bạn đó! Bạn đã sẵn sàng buông nỗi sợ và bắt đầu thử một cách mới giúp bạn gia tăng “tài sản” của chính mình chưa?
Ý tưởng số 5. Kết nối những bài học và áp dụng thực tế
Nếu bạn đã thực hiện tốt những gì được chia sẻ ở ý tưởng số 4. Thì đến với ý tưởng số 5 này, nó sẽ là chuyện nhỏ mà có võ đấy.
Hãy xem lại lần nữa những ghi chú của bạn.
Tất cả bài học đang nằm trên các tờ ghi chú của bạn đó, mang chúng tiến vào cuộc sống thực tế của bạn đi nào.
Giống như cách mà tôi đã làm khi đọc cuốn sách Cứ viết đi! vậy đó. Hoặc bạn có thể tham khảo điều tôi làm tương tự khi đọc những cuốn sách khác tại chuyên mục “Review sách” tại Blog Hương Nguyễn nhé!
Một vài mẹo nhỏ để đọc sách hiệu quả
- Đặt đồng hồ khi đọc sách giúp tạo lập không gian trong não bộ
- Tránh xa internet khi đọc để tránh gây xao nhãng
- Thiền trước khi đọc sách sẽ giúp tăng tính tập trung
- Sử dụng đèn với ánh sáng màu vàng và tập trung vào không gian nhỏ sẽ tốt cho mặt và tăng độ tập trung
- Đừng để nhiệt độ và âm thanh làm phiền tới sự tập trung của bạn nhé
Phần kết
Để đọc sách hiệu quả, bạn hãy mang tâm lý tích cực với hoạt động đọc sách. Hãy sáng tạo và tìm kiếm những phương pháp phù hợp với bản thân mình.
Bài viết này là một gợi ý tham khảo dành cho bạn. Nó đang phát huy rất tốt với tôi và môt vài người bạn khác của tôi. Hãy thử nó nếu bạn muốn tìm kiếm điều phù hợp cho mình.
Nếu bạn chưa thật sự sẵn sàng với việc đọc sách, bạn nhất định phải đọc ba bài viết này.
- 5 tips giúp mình hình thành thói quen đọc sách
- 7 Bước giúp mình hình thành một thói quen mới
- Đọc sách không chỉ là giải trí…
Đừng quên rằng…!
Hương đã thiết kế một khóa học đặc biệt dành cho những ai mong muốn:
- Thoát khỏi rắc rối tài chính đang mắc phải
- Giải phóng bản thân khỏi con nghiện mua sắm
- Xây dựng quỹ dự phòng cho bản thân 6 – 12 tháng
Thì khóa học: 30 NGÀY THAY ĐỔI – TẠO LẬP THÓI QUEN CHI TIÊU TÍCH CỰC SAU 30 NGÀY là khóa học dành cho bạn.
Tìm hiểm thêm về khóa học tại đây!
Hương Nguyễn – Phụ Nữ Tự Do.
Nếu bạn thấy nội dung này là có giá trị, hãy mời Hương một cốc cafe nhé!
Hoặc,
Số tài khoản: 19037057180015 Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Thu Hương Ngân hàng Techcombank chi nhánh Tân Bình.
CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC
- Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
- Linkedin: Nguyễn Thị Thu Hương
- Facebook: Hương Nguyễn
- Fanpage: Hương Nguyễn Blog
Bổ sung một ý về mẹo khi đọc sách, đó là đừng để bụng đói khi đọc nhé, quả thật là không thể tập trung được. Hãy đảm bảo bạn không khát và không đói trong quá trình đọc nhé