“Tôi muốn con tôi biết về tôi” – Đây là câu trả lời của Steve Jobs khi Walter Isaacson hỏi lý do ông muốn Walter Isaacson viết một cuốn tiểu sử về mình.
Jobs nói thêm:
“Tôi đã không thường xuyên ở bên cạnh chúng, và tôi rất muốn chúng biết tại sao lại như vậy và hiểu được những việc mà tôi đã làm. Thêm nữa, khi tôi ốm, tôi nhận ra rằng những người khác sẽ viết về tôi nếu tôi chết, mà họ không biết gì hết. Họ hiểu sai mọi thứ. Vì vậy, tôi muốn chắc chắn rằng có một ai đó nghe được những điều tôi cần phải nói.”
Và vì thế mà Tiểu sử Steve Jobs được ra đời.
Chào mừng bạn đến với một tác phẩm dùng để mô tả cho 2 chữ với “xuất sắc”.
Tiểu sử Steve Jobs – Những thước phim sống động với nhiều góc máy
“Ông đã không kiểm soát bất cứ điều gì tôi viết ra, thậm chí không đòi hỏi được đọc trước bản thảo.”
Có lẽ chính vì điều này mà cuốn sách trở nên chân thực, chân thực tới sửng sốt. Walter Isaacson đã thực hiện hơn 40 cuộc phỏng vấn và nói chuyện với Jobs. Ngoài ra, để kiểm chứng và chọn lọc những chuyện về Jobs, Walter Isaacson còn phỏng vấn hơn 100 bạn bè, người thân, đối thủ cạnh tranh, kẻ thù và đồng nghiệp của Jobs. Chính những điều này, mà góc nhìn của tác giả khi viết cuốn sách này trở nên khách quan hơn bao giờ hết.
Khi đọc những câu chuyện về cuộc đời của Jobs ở từng giai đoạn, tôi nhận ra trong mỗi tình huống, góc máy được xoay chuyển liên túc. Nó được kể bởi một người thứ 3 trong liên quan gì tới câu chuyện ấy với nhiều góc nhìn khác nhau của các nhân vật thuộc bối cảnh được kể. Chính bởi “góc máy” được lia tới từng nhân vật, cho họ được nói, được hành động theo đúng suy nghĩ của chính họ mà “thước phim” mới trở nên đa góc nhìn và chân thật đến như vậy.
Tôi tự hỏi, cuốn sách Tiểu sử Steve Jobs sẽ ra sao nếu như không phải Walter Isaacson là người chắp bút? Liệu rằng hình ảnh về một Steve Jobs có bị “bóp méo sự thật” như chính cách ông hành xử trong cuộc đời mình không?
Rất khó để trả lời cho câu hỏi, thành công của cuốn sách này được quyết định bao nhiêu phần do Walter Isaacson tạo ra. Nhưng chắc chắn, cuộc đời của Steve Jobs đã không bị cường điệu hóa bởi bất cứ sự thần tượng thái quá nào từ người viết. Bởi nó được cấu thành không chỉ những người yêu thường Jobs, những người thân, bạn bè mà cả kẻ thù, đối thủ và những người căm ghét Jobs.
Một sự thán phục chân thành từ tôi gửi tới tác giả cuốn sách này – Walter Isaacson.
Ông còn 2 tác phẩm khác nữa là:
Tôi sẽ đặt một trong hai cuốn sách này vào tháng 3 tới.
Tôi học được gì từ cuốn “Từ điển Steve Jobs”?
Tại thời điểm gõ xuống dòng chữ này, tôi quyết định “đập đi xây lại” kênh Tiktok mới lập của mình cách đây 4 ngày của mình. Có lẽ, với tính cách trước giờ của tôi, thì tôi sẽ cố gắng thêm vài tuần nữa trước khi đi ra quyết định này. 5 video đăng lên nhưng flop đến 4 cái, chiếm 80%. Những con số không biết nói dối này khiến tôi phải lý trí và ra quyết định.
Vấn đề lớn nhất mà tôi gặp phải không phải những video này flop mà là: TÔI KHÔNG HỀ CẢM THẤY BUỒN với kết quả đó. Điều này khiến tôi hiểu rất rõ một điều rằng: TÔI ĐÃ KHÔNG THẬT SỰ NGHIÊM TÚC tạo ra một cái gì đó có giá trị bằng cả tâm huyết và nỗ lực của mình.
Có lẽ tôi đã coi còn việc xây kênh Tiktok như một cuộc dạo chơi, xem hoa bắt bướm mà chưa làm rõ mục tiêu của mình.
Và nếu tự so sánh mình với một thiên tài như Steve Jobs thì quả là khập khiễng. Nhưng nếu lấy ông làm tấm gương để noi theo thì hoàn toàn có thể. Chính những gì tôi được “chứng kiến” về ông và những siêu phẩm khiến thế giới thay đổi mà ông tạo ra làm tôi buộc lòng phải xem xét lại chính mình.
Dưới đây là những điều tôi học được từ Jobs qua cuốn sách Tiểu sử Steve Jobs.
Bài học số 1. Loại bỏ để tập trung
Tôi đã từng nghe đến khả năng tập trung cao độ của Steve Jobs trong cuốn Hoàn thành – tác giả Jon Acuff và cuốn Deep Work – tác giả Cal Newport. Chính nhờ sự tập trung cao độ này khiến Jobs có thể tạo nên những kỳ tích trong lịch sử ngành công nghệ như: Iphone, Ipod, máy tính cá nhân Macbook, iTune, iCloud, Apple, Pixar,…
Jobs từng nói: “Quyết định những việc không làm cũng quan trọng như quyết định những việc sẽ làm.”
Vực dậy Apple
Khi Steve Jobs quay trở lại Apple sau hơn 11 năm bị hất cẳng khỏi nó, việc đầu tiên ông làm là rà soát toàn bộ các danh mục sản phẩm. Ông đã cho dừng 70% trong số các mẫu mã và sản phẩm hiện đang triển khai tại Apple. Sau vài tuần, Jobs cuối cùng đưa ra quyết định chỉ giữ lại 4 sản phẩm tương ứng với:
- Máy tính để bàn phổ thông
- Máy tính để bàn cao cấp
- Máy tính xách tay phổ thông
- Máy tính xách tay cao cấp
Jobs thực hiện sa thải trên diện rộng. Trong năm đầu tiên quay lại, Jobs đã cho 3000 người nghỉ việc và cắc giảm chi phí cho công ty.
Chính khả năng tập trung đã cứu Apple khỏi bờ vực sụp đổ. Tháng 9 năm 1997, Apple thua lỗ 1,04 tỷ đô la.
“Sau hai năm gây sửng sốt với việc thua lỗ, Apple lại có thể vui mừng với một quy lợi nhuận, kiếm được 45 triệu đô la. Trong cả năm tài chính 1998, nó trở thành 309 triệu đô la lợi nhuận. Jobs đã quay trở lại, và Apple cũng thế.”
Từ iTune đến iPod
Khi cùng các nhân viên thảo luận về dự án tiếp theo – Trung tâm số, ông đã tập trung mọi người với câu hỏi: “10 thứ chúng ta nên làm tiếp theo là gì?”
Mọi người sẽ cùng tranh luận để đưa ý tưởng của mình vào danh sách. Sau đó Jobs sẽ viết lên bảng và gạch đi những thứ ông thấy tệ. Cuối cùng, họ sẽ thiết lập được danh sách 10 ý tưởng. Và rồi Jobs lại gạch bỏ 7 ý tưởng và nói: “Chúng ta chỉ có thể làm ba.”
Sau đó, FireWire, iTune, iPod ra đời và tạo ra một cơn địa chấn với ngành công nghiệp âm nhạc thế giới.
Iphone
Quá trình loại bỏ để tập trung cũng được áp dụng tương tự khi thực hiện dự án cho ra đời một chiếc điện thoại cá nhân.
Ông và nhóm của mình đã cùng thảo luận để trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta ghét những chiếc điện thoại của chúng ta đến mức nào?”
Họ cũng liệt kê tất cả những điều họ ghét ở một chiếc điện thoại và từ danh sách đó, họ tạo ra một chiếc điện thoại mà họ muốn sử dụng.
Và đó là chính là lý do, Iphone mang một hệ điều hành vô cùng thân thiện với người dùng, tính bảo mật cao, tinh tế, sang trọng và luôn tạo ra cơn sốt truyền thông mỗi khi xuất hiện phiên bản mới.
Bill Gates & Mircrosoft
“Lại là tay Jobs của Apple” là tựa đề lá thư Bill Gates hồi đáp bức thư cụt lủn của Jim Allchin – Giám đốc phụ trách phát triển Windows của Microsoft, “Chúng ta hít khỏi rồi” sau khi iTune trình làng đưa bước ngoặt lịch sử cho ngành công nghiệp âm nhạc.
Gates thừa nhận rằng:
“Khả năng của Jobs trong việc tập trung vào một số ít những điểm tối quan trọng, buộc mọi người phải tạo ra một giao diện hợp lý cho người sử dụng, và quảng bá các sản phẩm như những thứ có tính cách mạng thật đáng kinh ngạc.”
Sự tập trung thật sự đã đưa Apple, Pixar và cả tên tuổi Steve Jobs trở thành huyền thoại mà bất cứ ai cũng không thể làm lơ.
Ứng dụng cuộc sống…
Thời điểm tôi đọc cuốn sách này rơi vào khoảng 30/1 – 5/2 là xong. Sau khi hiểu về sức mạnh của sự tập trung, tôi đã tự hỏi bản thân: Tôi sẽ loại bỏ những gì trong bản mục tiêu của mình được lập trước đó. Thực tế là không năm nào tôi hoàn thành trọn vẹn số mục tiêu mình đề ra cả.
Tôi ngồi xuống, viết cụ thể từng mục tiêu và gạch bớt đi, chỉ để là 3 mục tiêu mà tôi cho là đáng giá nhất.
Điều này khiến tôi hào hứng hơn, suy nghĩ sâu hơn và quan trọng là tôi đã không lẩn tránh các vấn đề phát sinh trên đường tiến tới mục tiêu của mình. Cụ thể chính là tôi không trì hoãn việc xây một kênh có tính truyền thông cao cho thương hiệu cá nhân và công việc của mình (Một kênh Tiktok mà tôi đã nhắc ở trên). Mặc dù nó đang chưa theo đúng những gì tôi kỳ vọng nhưng tôi đã không từ bỏ nó.
Ngoài ra,…
Bạn có thể áp dụng nó vào việc hình thành thói quen…
Sáng nay, khi ngủ dậy, chị Giang có hỏi tôi rằng: “dạy chị rèn thói quen đọc sách~ c cứ chăm đc vài hôm r bỏ.”
Đây có lẽ là điều mà nhiều người muốn tìm kiếm giải pháp, thế những không nhiều người có thể hoặc đúng hơn là sẵn sàng cho giải pháp đó: loại bỏ để tập trung. Việc đầu tiên cần làm đó là loại bỏ những sự lựa chọn khác.
Ví dụ như: điện thoại, đồ ăn, show truyền hình thực tế, trò truyện tán gẫu với bạn bè, laptop, công việc… chỉ chọn đọc là việc làm duy nhất tại thời điểm đó. Thậm chí bạn có thể sẽ muốn tắt bớt nhạc (nhạc có lời), cách ly bản thân khỏi thế giới xung quanh khi mới bắt đầu.
Hình thái của tập trung cũng giống như ngồi thiền vậy. Bạn cần đưa đầu óc của mình về trạng thái trống rỗng, chỉ tập trung đếm hơi thở của mình và thế là bạn sẽ được thả lỏng toàn thân. Trước đây tôi thường thiền khoảng 5 phút trước khi đọc sách, điều này khiến tôi tập trung hợp rất sau đó.
Tôi nghĩ bạn sẽ muốn thử trải nghiệm một chút trước khi ngủ hoặc mỗi sáng thức dậy đó.
Quay lại trả lời cho câu hỏi: Làm sao để rèn thói quen đọc sách, tôi nghĩ bạn sẽ muốn đọc 2 bài viết dưới đây của tôi trước khi bắt đầu. Đừng bỏ qua nhé, bởi có thể bạn sẽ rất tiếc nuối.
Bài học số 2. Nghệ sĩ vĩ đại thì phải có khả năng đánh cắp ý tưởng
Một câu nói rất hay của Picasso viết như thế này: “Người nghệ sĩ giỏi là người có khả năng sao chép, còn người nghệ sị vĩ đại thì phải có khả năng đánh cắp ý tưởng.”
Một trong những phi vụ “trộm cắp” lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ đó là vụ việc Apple “đột kích” Xerox PARC (một sân chơi lớn cho những ý tưởng số). Khi đó, Apple đã nhanh chóng “đánh cắp” ý tượng Smalltalk – 1 ngôn ngữ lập trình mới của Xerox.
Theo đó, Smalltalk có 3 tính năng đáng kinh ngạc:
- Cách thức những chiếc máy tính kết nối với nhau
- Cách thức hoạt động của ngôn ngữ lập trình định hướng đối tượng
- (Đặc biệt nhất, khiến Jobs và đồng nghiệp hoàn toàn bị ấn tượng) giao diện đồ họa được tạo bởi kỹ thuật mã hóa ảnh nhị phân
Sau hơn 2 tiếng gặp gỡ và tìm hiểu về Smalltalk, Jobs và đội của mình đã quyết định biến ý tưởng đó thành của mình bằng cách tự thiết lập ngôn ngữ lập trình phiên bản cải tiến của Smalltalk và ứng dụng tích hợp với máy tính cá nhân.
Sau đó, Jobs nói với Ban Quản lý của Xerox như sau:
“Họ là những bộ não có khả năng sao chép nhưng không có ý tưởng nào về những gì máy tính có thể làm được. Họ đã nhận phần thất bại từ chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử công nghệ máy tính. Xerox đáng lẽ có thể sở hữu toàn bộ ngành công nghiệp máy tính này.”
Rõ ràng, hành động của Jobs có thể nói một cách hoa mỹ chính là: Biến ý tưởng của người khác thành của mình.
Và điều này được thấy rất rõ trong cuộc sống của chúng ta…
Ví dụ như hoạt động đọc sách. Đã không ít lần tôi lên tiếng bảo vệ cho những cuốn sách Self-help khi nhiều người cho rằng những cuốn sách này là giáo điều, trống rỗng và thiếu tính thực tiễn.
Đứng trên góc nhìn của tôi, tôi đặc biệt yêu thích các cuốn sách self-help, bởi chúng cho tôi rất nhiều cảm hứng viết lách, xây dựng thói quen, lối sống, học tập, phát triển sự nghiệp.
Nếu bạn để ý, các cuốn sách self-help có một mô típ dẫn dắt rất chúng đó là đi từ câu chuyện đến bài học. Vậy, bạn có bao giờ tự hỏi:
- Làm sao để kể một câu chuyện lối cuốn? (Tôi nghĩ bạn sẽ muốn đọc cuốn: “Nghệ thuật PR bản thân” sẽ có hướng dẫn rất chi tiết.)
- Làm sao để chọn điểm nhấn cho câu chuyện?
- Làm sao đưa cốt truyền logic với bài học?
- Làm sao để dẫn dắt người đó xuôi theo ý tưởng của mình?
Nếu chậm lại, những bài học, ý tưởng, lối dẫn truyện có thể sẽ là chất liệu rất đắt giá cho cuộc sống và công việc của bạn. Cho nên, đừng lướt qua quá nhanh trước khi thu được điều gì đó cho mình nhé.
Đọc thêm: Review sách: Càng kỷ luật, càng tự do
Hoạt động xem phim
Nếu bạn là một cô gái thích xem phim cung đầu của Trung Quốc, ví dụ như: Hậu cung Như ý truyện, Chân Hoàn truyện… bằng tư duy “đánh cắp ý tưởng”. Chắc chắn, bạn sẽ nhận ra một skill đỉnh cao của “các chị” trong hậu cung đó là nghệ thuật dẫn dắt câu chuyện, thương thảo, kỹ năng đàm phán, bán hàng, nghệ thuật thuyết phục…
Và nếu bạn giống tôi, đam mê với những bộ phim về người lính của Trung Quốc như: Lính đặc chủng, Đội đặc nhiệm, Học viện quân sự Liệt Hỏa,… thì bạn sẽ học được cách đạo diễn dẫn dắt câu truyện để truyền đến một thông điệp đầy cảm hứng về hình ảnh người lính. Bạn sẽ dễ dàng hiểu ra: nhân vật càng gần gũi với người thường (không bị anh hùng thái quá) sẽ dễ chiếm được cảm tình của người xem hơn.
Công việc…
Và cũng giống như thế, khi tôi viết cuốn sách Keep and More của mình đã có nhiều người rất bất ngờ về khả năng xây dựng một cuốn sách theo hướng cẩm nang hướng dẫn chi tiết và logic tới vậy. Cuốn sách vừa đóng vai trò khai mở và kích hoạt tư duy, vừa mang vai trò “cầm tay chỉ việc”, tính ứng dụng cao.
Vốn điều đó không phải tôi ngồi không và tự nghĩ ra mà là do tôi quan sát từ những cuốn sách yêu thích của mình. Tôi học hỏi cách triển khai sườn nội dung chính từ cách cuốn sách có ảnh hưởng tới tôi từ trước tới nay. Từ đó khai phóng ý tưởng, chọn lọc, loại bỏ và sắp xếp thành một cuốn sách của riêng mình. Tôi chọn viết một cuốn sách mà mình muốn đọc.
Bạn thấy đó, chúng ta luôn có nhiều hơn 1 bài học trong bất kỳ hoạt động nào xảy ra trong cuộc sống. Tại sao, ta không “đánh cắp” nó, biến những ý tưởng vô thưởng vô phạt với người khác thành siêu phẩm trong tay mình?
Và Steve Jobs là làm rất xuất sắc điều này.
(À, nói nhỏ cho bạn biết, sau này ý tưởng dự án Smalltalk của Jobs một lần nữa cũng bị Bill Gate đánh cắp. Và Gates giải thích rằng, tôi chỉ đáng đánh cắp thứ đồ của một tên trộm trước đã lấy đi từ chủ nhân thực sự của nó. Chúng ta tạm hiểu điều này giống như là “nghiệp quật” dành cho Jobs đi. Bởi sau vụ đó ông đã phát điên lên giống như 1 quả bom nguyên tử vậy.)
Bài học số 3. Sản phẩm của bạn chính là con người bạn
“Anh là hình ảnh phản chiếu của chính những thứ anh làm” – Steve Jobs
- Apple II, sử dụng bảng mạch của Wozniak và trở thành máy tính cá nhân đầu tiên không chỉ dành cho những người có sở thích riêng với máy tính.
- Macintosh, tạo ra cuộc cách mạng máy tính gia đình và phổ biến hóa giao diện người dùng đồ họa.
- Toy Story và các bộ phim bom tấn khác của Pixar – mở ra sự kỳ diệu của hình ảnh kỹ thuật số
- Chuỗi cửa hàng Apple – tái tạo vai trò của một cửa hàng trong việc định vị thương hiệu.
- iPod – thay đổi cách con người thưởng thức âm nhạc.
- iTune Store – sản phẩm cứu sống ngành công nghệ âm nhạc
- iPhone – biến những chiếc điện thoại di động thành các thiết bị lướt web, gửi nhận email, quay video, chụp ảnh và nghe nhạc.
- App Store – tạo ra một ngành công nghiệp sáng tạo nội dung mới
- iPad – khởi đầu cho dòng máy tính bảng và giới thiệu một nền tảng cho các loại hình video, sách, tạp chí và báo kỹ thuật số.
- iCloud – đánh bật máy tính khỏi vai trò trung tâm trong quản lý nội dung và giúp tất cả các thiết bị của chúng ta được đồng bộ hóa một cách trơn tru.
- Và bản thân Apple – thứ mà Jobs coi là sáng tạo tuyệt đỉnh cuả bản thân, nơi mà các sức tưởng tượng được nuôi dưỡng, ứng dụng và thực hiện theo những cách thức sáng tạo đến mức đã thành công ty giá trị nhất thế giới.
Rõ ràng những thành tựu đã làm nên tên tuổi của Steve Jobs và chính những sản phẩm ấy thể hiện rất rõ về con người ông.
- Sáng tạo
- Tư duy khác biệt
- Thích kiểm soát
- Theo đuổi sự hoàn hảo
- Giá trị
- Trường tồn
- Đơn giản
- Đi trước thời đại
- Làm chủ cuộc chơi bằng cách tự tạo ra luật chơi riêng
- “Triết lý bóp méo sự thật”
- Có tư duy thẩm mĩ và thiết kế vượt bậc
Trước khi đọc cuốn sách này, nếu ai đó nói với tôi rằng Steve Jobs có một khả năng “bóp méo sự thật” siêu phàm, có thể tôi sẽ nghĩ rằng ông ấy thật lươn lẹo. Thực ra trong rất nhiều trường hợp ông đã “lươn lẹo” để đạt được mục đích, nhưng đó không phải điều mà cụm từ “bóp mẹo sự thật” này miêu tả.
Sự thật là…
“Khả năng bóp méo thực tại của Jobs được thể hiện khi ông nghĩ đến một kế hoạch thiếu hợp lý trong tương lai, như việc ông nói với tôi rằng tôi có thể thiết kế trò chơi Breakout chỉ trong vài ngày. Chúng ta hiểu rằng đó là điều bất khả thi, nhưng bằng cách nào đó ông ấy đã biết nó thành điều có thể.”
Chính khả năng này khiến ông có thể “thôi miên” người khác tin vào mục tiêu mà Jobs tin tưởng, thôi thúc mọi người trong đội thay đổi tiến trình hành động, sáng tạo và đột phá.
Và cũng chính nó khiến Jobs tập trung vào mục tiêu hơn bất cứ ai:
“Nếu bạn tin tưởng ông ấy, bạn có thể làm được nhiều thứ. Một khi Steve đã quyết định việc gì đó phải được diễn ra thì ông ấy sẽ tìm mọi cách để nó diễn ra.” – Theo lời kể của Elizabeth Holmes, cô bạn gái của Kottke – người bạn thân thiết của ông khi còn học tại Reed, sau này họ cùng trở thành môn ddeeer trung thành của Trung tâm Thiền Tassajara ở Carmel.
Tôi và sự hoàn hảo…
Từ những sản phẩm tôi làm ra bạn có thể dễ dàng nhận thấy tôi làm một người quan tâm tới tổng quan và nội dung thật sự. Những tiểu tiết bao gồm chính tả, hình ảnh, truyền thông sau đó, gần như không nằm trong sự chú ý của tôi. Thậm chí tôi hoàn toàn nhận thức được thiếu sót của mình những chưa lần nào khắc phục thành công ấy. Thứ tôi quan tâm và tập trung tuyệt đối luôn là giá trị thực thay vì hình thức, đồng thời tôi thích tìm cách nâng cao điểm mạnh thay vì dành thời gian để khắc phục điểm yếu.
Quan điểm của tôi chính là lấy điểm mạnh để làm lu mờ điểm yếu. Tất nhiên với những người “cầu toàn”, ưa hoàn hảo họ sẽ không vui vẻ khi nghe về quan điểm này của tôi. Thật tiếc tôi lại là một đứa trẻ tương đối bảo thủ, và tôi luôn cho rằng bây giờ chưa phải lúc.
Thực tế là tôi có ý định sẽ gửi bản thảo cuốn sách của tôi cho nhà xuất bản trong quý 1 của năm 2023 này, cho nên tôi cần phải thay đổi suy nghĩ về các lỗi chính tả, đúng hơn là lỗi gõ chữ của mình. Tôi thật sự không muốn mang đến cho các NXB về hình ảnh thiếu chỉn chu của mình.
Đặt lại đây là lời nhắc nhở chính mình bạn Hương nhé!
Trên đây là 3 trong nhiều bài học tôi nhận tượng khi đọc cuốn sách này. Tôi tin bạn cũng có thể tìm thấy nhiều điều thú vị hơn nữa cho mình từ Tiểu sử Steve Jobs.
Đánh giá cuốn sách Tiểu sử Steve Jobs
Lẽ ra bài viết này đã được xuất bản cách đây hơn 1 tuần, và sẽ viết theo một hướng hoàn toàn khác. Thế nhưng, tôi nhận ra tôi muốn viết về những bài học mà cuốn sách này đã mang đến cho tôi. Tôi muốn kể cho bạn nghe những gì tôi tìm thấy trong những ngày đồng hành cũng câu chuyện của vị vĩ nhân này.
Có rất nhiều điều trong Tiểu sử Steven Jobs mà tôi muốn kể cho bạn nghe. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra, tôi thật sự muốn thực hành bài học đầu tiên mà Jobs đã truyền cảm hứng cho tôi: Loại bỏ để tập trung. Đây cũng là cách mà tôi nghĩ tôi nên làm, bởi tôi không muốn cướp mất đi sự hồi hộp, mong chờ và hoang mang của bạn khi đọc cuốn sách này.
Có thể bạn sẽ còn vô cùng bất ngờ với một vài thông tin khác mà tôi chưa nhắc tới trong bài viết này như:
- Một đứa trẻ bị bỏ rơi – đặc biệt – được chọn
- Một người cha bỏ rơi con ruột của mình
- Một tên khốn – một tên khốn có tài
- Một đứa trẻ ngang bướng, bỏ học, dùng chất cấm
- Một kẻ bốc mùi và coi việc tắm rửa là không cần thiết
- Một người ám ảnh với việc ăn chay và trái cây
- Một kẻ yêu thích Phật giáo những không thực sự vận dụng theo
- Tình yêu nồng nhiệt dành cho 2 người phụ nữ
- Bậc thầy đàm phán
- Chuyên gia kể chuyện
- Sử giả truyền cảm hứng
- CEO lương 1 đô la 1 năm
- …
Nếu ai đó muốn biết vĩ đại được mô tả như thế nào thì hãy đọc cuốn sách này. Đây quả thật là những thước phim được quay nhiều góc với rất nhiều phân cảnh diễn tả câu chuyện lịch sử mang những khúc cua gấp trong đời Steve Jobs và Apple. Lắm tài nhiều tật là một khẳng định sát nghĩa nhất với thiên tài tạo nên những cuộc cách mạng về công nghệ trong lịch sử.
Cuối cùng, nếu bạn muốn biết thế nào gọi là XUẤT CHÚNG bạn phải đọc cuốn sách này, Tiểu sử Steve Jobs (tác giả Walter Isaacson) – Tác phẩm duy nhất trên thế giới viết về Jobs được ông công nhận.
Điểm đánh giá: 10/10
Cảm ơn tác giả Walter Isaacson đã ghi lại những mô tả sát thực và khách quan về một thiên tài có sức ảnh hưởng rất lớn đến sự tiến bộ của thế.
Cảm ơn nhóm dịch Alenzaa và Alphabooks, NXB Thế Giới đã mang cuốn sách này đến với độc giả Việt Nam.
Mua sách: TẠI ĐÂY
Một vài gợi ý khác cho bạn
Bạn chắc chắn sẽ muốn đọc các cuốn sách tuyệt vời khác. Mời bạn đến với chuyên mục: Review sách nhé!
Các đầu sách khác liên quan:
- Review sách: Hình ảnh của bạn đáng giá triệu đô
- Review sách: Kỷ luật tự giác
- Review sách: Nghĩ Thiện
CÁC TRANG LIÊN HỆ KHÁC
- Website: Phụ Nữ Tự Do – Blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ.
- Linkedin: Nguyễn Thị Thu Hương
- Facebook: Hương Nguyễn
- Fanpage: Hương Nguyễn Blog
[…] Review sách: Tiểu sử Steve Jobs […]
[…] Đọc thêm: Tiểu sử Steve Jobs […]